Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2025

Mạng lưới an ninh bảo vệ tang lễ Giáo hoàng Francis

Thứ bảy, 26/4/2025, 08:54 (GMT+7)

Italy triển khai hàng nghìn sĩ quan, nhiều khí tài quân sự để tạo thành mạng lưới được ví như "vành đai thép" bảo vệ tang lễ Giáo hoàng Francis.

Mạng lưới an ninh bảo vệ tang lễ Giáo hoàng Francis

Phạm Giang (Video: Reuters)

Adblock test (Why?)

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bác cáo buộc nhận hối lộ

Cựu tổng thống Moon Jae-in chỉ trích cơ quan công tố vì đã truy tố ông về tội nhận hối lộ, gọi đây là "hành động lạm quyền".

"Bản cáo trạng này bất công và có cảm giác như các công tố viên đang cố hướng nó theo cách của họ", cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói ngày 25/4, khi gặp Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik.

Ông Moon cho biết cáo trạng được đưa ra đột ngột trong lúc ông đang phối hợp cùng bên công tố để xác minh thông tin. Cựu tổng thống Hàn Quốc cáo buộc hành động của cơ quan công tố mang tính "chính trị hóa" và cho thấy họ đang lạm quyền.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul ngày 25/4. Ảnh: Yonhap

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul ngày 25/4. Ảnh: Yonhap

Ông Moon Jae-in cùng ngày dự lễ kỷ niệm 7 năm Tuyên bố Panmunjom, thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký vào tháng 4/2018. Ông cũng chỉ trích chính sách cứng rắng của chính quyền người kế nhiệm Yoon Suk-yeol trong vấn đề Triều Tiên.

Văn phòng công tố quận Jeonju, Hàn Quốc, hôm 25/4 thông báo ra quyết định truy tố cựu tổng thống Moon với cáo buộc nhận hối lộ, nhưng không xin lệnh bắt ông.

Công tố viên Hàn Quốc cáo buộc ông Moon đã nhận hối lộ khoảng 217 triệu won (157.000 USD), dưới hình thức lương và trợ cấp nhà ở cho con rể cũ họ Seo. Người này được tuyển dụng làm giám đốc tại hãng hàng không giá rẻ Thai Eastar Jet, có trụ sở tại Thái Lan, từ tháng 8/2018 đến tháng 4/2020.

Các điều tra viên cho rằng hãng hàng không trên thực tế do cựu nghị sĩ đảng Dân chủ của Hàn Quốc Lee Sang-jik kiểm soát.

Cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 12/2021, thời điểm ông Moon còn đương chức, sau khi cơ quan công tố nhận được đơn tố cáo của một nhóm dân sự. Công tố viên cáo buộc cựu con rể họ Seo, người không có kinh nghiệm hàng không, được bổ nhiệm làm giám đốc Thai Eastar Jet để đổi lấy việc cựu nghị sĩ Lee được đề bạt làm lãnh đạo Cơ quan Quản lý Startup và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc.

Cựu tổng thống Moon Jae-in, 72 tuổi, lãnh đạo Hàn Quốc giai đoạn 2017-2022. Sau khi rời nhiệm sở, ông thông báo cùng vợ trở về quê nhà tại Yangsan để sống "như những người nông dân thực thụ".

Ngọc Ánh (Theo Yonhap, Korea Times, Korea Herald)

Adblock test (Why?)

Nổ bom xe gần Moskva, tướng Nga thiệt mạng

Trung tướng Moskalik, 59 tuổi, quan chức cấp cao của Bộ tổng tham mưu Nga, thiệt mạng trong vụ nổ bom xe ở thị trấn gần thủ đô Moskva.

"Thông tin ban đầu cho thấy trung tướng Yaroslav Moskalik, phó lãnh đạo Cục Tác chiến thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Nga, đã thiệt mạng trong vụ nổ", Svetlana Petrenko, đại diện Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cho biết, đề cập vụ nổ xảy ra sáng nay tại thị trấn Balashikha ở phía đông thủ đô Moskva.

Bà Petrenko cho biết nguyên nhân là do thiết bị nổ tự chế gài trên một ôtô bị kích hoạt, thêm rằng bên trong quả bom có chứa nhiều mảnh kim loại nhằm tăng sát thương khi nổ.

Nổ bom xe gần Moskva khiến tướng Nga thiệt mạng

Vụ nổ bom xe gần Moskva khiến tướng Nga thiệt mạng hôm 25/4. Video: Izvestia

Trong video quay từ camera an ninh do truyền thông Nga đăng, một chiếc xe đậu gần khu chung cư phát nổ dữ dội trong lúc có người đang tới gần và phát tán nhiều mảnh văng ra xung quanh. Video khác cho thấy chiếc xe bốc cháy ngùn ngụt sau sự việc. Các điều tra viên ước tính vụ nổ có sức công phá tương đương 300 g thuốc nổ TNT.

Mash, tài khoản Telegram ủng hộ quân đội Nga và có 2,8 triệu người theo dõi trên Telegram, cho biết chiếc ôtô đã được bán lại ít nhất ba lần kể từ cuối tháng 1. Người mua gần nhất là người đàn ông 40 tuổi tới từ thành phố Sumy ở đông bắc Ukraine.

Cục tác chiến của Bộ tổng tham mưu quân đội Nga là cơ quan chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự và giám sát năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Ông Moskalik từng tham gia một số phái đoàn cấp cao của Nga. Quan chức này cùng đoàn đại biểu Nga tham dự cuộc họp hồi tháng 10/2015 của nhóm Bộ tứ Normandy, gồm đại diện của Nga, Đức, Ukraine, Pháp và có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận này được lập ra nhằm chấm dứt xung đột bắt đầu từ năm 2014 giữa Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass.

Ông Moskalik cũng đại diện cho Bộ tổng tham mưu quân đội Nga trong các cuộc họp bàn cùng với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và cố vấn của Điện Kremlin Yuri Ushakov.

Trung tướng Yaroslav Moskalik trong ảnh đăng ngày 25/4. Ảnh: TASS

Trung tướng Yaroslav Moskalik trong ảnh đăng ngày 25/4. Ảnh: TASS

Hãng thông tấn AFP nhận định sự việc có nhiều điểm tương đồng với các vụ tấn công trước đó nhằm vào người Nga liên quan chiến dịch của Moskva tại Ukraine.

Hai trong số đó gồm vụ đánh bom xe khiến con gái của một học giả hàng đầu ở Nga thiệt mạng hồi tháng 8/2022 và vụ Vladlen Tatarsky, blogger quân sự nổi tiếng của Nga, bị sát hại trong vụ nổ quán cafe ở St. Petersburg vào tháng 4/2023.

Tháng 12/2024, một quả bom phát nổ tại khu vực đông nam thủ đô Moskva khiến trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng Phòng hóa, sinh học, phóng xạ Nga (RKhBZ), cùng trợ lý là thiếu tá Ilya Polikarpov thiệt mạng.

Phạm Giang (Theo TASS, AFP, Moscow Times)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2025

Ông Trump tuyên bố 'có hạn chót riêng' để chấm dứt chiến sự Ukraine

Tổng thống Trump nói ông có hạn chót riêng chấm dứt chiến sự Ukraine và đã gây áp lực lên cả Moskva lẫn Kiev để hướng đến thỏa thuận.

"Tôi có hạn chót của riêng mình", Tổng thống Donald Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng trước cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store hôm 24/4, khi nhắc đến nỗ lực thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine.

"Chúng tôi muốn nhanh chóng có thỏa thuận và có hạn chót. Sau thời điểm đó, chúng tôi sẽ có thái độ rất khác", ông Trump nói thêm, nhưng không nêu cụ thể hạn chót này là khi nào.

Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine sau khi ông trở lại Nhà Trắng. Khi tranh cử, ông đưa ra thời hạn "trong vòng 24 giờ". Trả lời truyền thông hồi tháng 1, ông Trump rút lại mốc này, cho rằng Mỹ cần 6 tháng. Trong khi đó, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine Keith Kellogg nói nước này cần "100 ngày".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 24/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 24/4. Ảnh: AFP

Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục bày tỏ không hài lòng với đòn tập kích quy mô lớn của Nga nhằm vào thủ đô Kiev hôm 24/4. Ông trước đó đã kêu gọi trên mạng xã hội rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên dừng những cuộc tấn công như vậy và tin ông chủ Điện Kremlin sẽ lắng nghe.

"Chúng tôi đang gây nhiều sức ép lên Nga và họ hiểu điều này", Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo khác tại Phòng Bầu dục. Ông thêm rằng Washington cũng gây áp lực lên Kiev để hướng đến thỏa thuận hòa bình.

Khi được hỏi liệu Nga đã đưa ra những nhượng bộ gì, ông Trump nói rằng "dừng cuộc chiến, ngừng chiếm toàn bộ Ukraine" và khẳng định đó là "những nhượng bộ tương đối lớn".

Giới chức Nga chưa lên tiếng về thông tin.

Truyền thông Mỹ đưa tin Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump về Trung Đông, dự kiến đến Nga và gặp Tổng thống Putin ngày 25/4 để tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS News dự kiến phát sóng ngày 27/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói Washington và Moskva đang đi đúng hướng trong nỗ lực chấm dứt chiến sự Ukraine.

"Tổng thống Trump nhắc đến một thỏa thuận. Chúng tôi sẵn sàng đạt thỏa thuận, nhưng vẫn còn một số điểm cụ thể cần được điều chỉnh. Chúng tôi tiếp tục liên lạc với phía Mỹ về tình hình Ukraine. Có một số dấu hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng", ông nói.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine tính đến ngày 16/4. Đồ họa: ISW

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine tính đến ngày 16/4. Đồ họa: ISW

Tổng thống Trump ngày 23/4 đã thể hiện tức giận, sau khi ông Zelensky khẳng định không công nhận Nga kiểm soát bán đảo Crimea, cho rằng bình luận của người đồng cấp Ukraine "gây hại" cho tiến trình hòa đàm.

"Chúng tôi đã làm mọi việc mà đối tác đề xuất, còn những điều trái với luật pháp và hiến pháp Ukraine thì chúng tôi không thể thực hiện", Tổng thống Zelenskyđáp trả trong cuộc họp báo ở Nam Phi sau đó một ngày.

Lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ hoài nghi về nỗ lực của các đồng minh nhằm buộc Nga chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện. "Tôi không thấy có áp lực mạnh nào với Nga, hay là các gói trừng phạt mới nhằm vào nước này", ông Zelensky nói, nhắc đến việc Tổng thống Trump từng dọa sẽ có hậu quả nếu Nga không đồng ý ngừng giao tranh.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Thẩm phán Mỹ ngăn Bộ Giáo dục đóng băng tài trợ cho các trường

Thẩm phán bang New Hampshire và Maryland ngăn chính quyền Trump thực hiện lời đe dọa cắt tài trợ những trường công không chấm dứt chương trình DEI.

Thẩm phán liên bang Landya McCafferty ở New Hampshire ngày 24/4 cho hay bức thư mà Bộ Giáo dục Mỹ gửi các trường, trong đó có yêu cầu chấm dứt những chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI) và đe dọa cắt ngân sách, là vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận của các nhà giáo dục.

Thẩm phán cho hay bức thư nêu rõ quan điểm của Bộ Giáo dục rằng các chương trình DEI đã vi phạm Điều VI Đạo luật Dân quyền năm 1964, nhưng nó chưa từng giải thích rõ "chương trình DEI" là gì.

"DEI là khái niệm rộng. Người ta có thể hình dung ra nhiều quan điểm khác nhau về các giá trị đa dạng, công bằng và hòa nhập khi mô tả một chương trình hoặc hoạt động", thẩm phán McCafferty nói.

Trụ sở Bộ Giáo dục Mỹ tại thủ đô Washington ngày 4/2. Ảnh: Reuters

Trụ sở Bộ Giáo dục Mỹ tại thủ đô Washington ngày 4/2. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi thẩm phán McCafferty ra phán quyết, thẩm phán liên bang Stephanie Gallagher ở bang Maryland cũng ban hành quyết định tương tự và ngăn chặn chỉ thị từ Bộ giáo dục theo yêu cầu của Liên đoàn Giáo viên Mỹ, Hiệp hội Xã hội học Mỹ và các tổ chức khác.

Gallagher, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu, cho biết Bộ giáo dục Mỹ đã không tuân thủ các quy trình phù hợp và không có thẩm quyền để thông qua chính sách theo Đạo luật Tổ chức Bộ Giáo dục năm 1979. Luật này cấm Bộ Giáo dục Mỹ chỉ đạo hoặc giám sát chương trình giảng dạy, quản lý, nhân sự hoặc lựa chọn tài liệu giảng dạy của mỗi trường.

Nhà Trắng và Bộ Giáo dục Mỹ chưa bình luận về các phán quyết mới.

Trong bức thư gửi ngày 14/2, Bộ Giáo dục Mỹ cáo buộc các trường đã chấp nhận "những hành vi phân biệt chủng tộc lan rộng và đáng ghê tởm", cũng như "tẩy não một cách độc hại" sinh viên bằng cách giảng dạy về lịch sử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống. Thư nêu rõ những người ủng hộ DEI đã "lách luật" để đưa những hoạt động như vậy vào chương trình đào tạo và quy định của họ.

Cơ quan này cảnh báo sẽ có biện pháp nhằm vào các trường nếu họ không đảm bảo tuân thủ pháp luật, cho rằng bức thư nhắc nhở các trường nhận tài trợ liên bang về nghĩa vụ tuân thủ luật pháp hiện hành.

Thùy Lâm (Theo Reuters, AP)

Adblock test (Why?)

'Vành đai thép' bảo vệ tang lễ Giáo hoàng Francis

Giới chức Italy đối diện thử thách lớn khi phải bảo đảm an ninh cho biển người thương tiếc và hàng trăm đoàn quốc tế đến viếng Giáo hoàng Francis.

Lực lượng an ninh Italy đang được triển khai dày đặc ở khắp thủ đô Rome, khi có những dự báo cho rằng khoảng 200.000 người sẽ đổ về Vatican để tham dự lễ tang Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4.

Trong di nguyện được Vatican công bố ngày 21/4, Giáo hoàng Francis muốn tổ chức lễ tang đơn giản và quy mô khiêm tốn, nhưng sự kiện này được đánh giá là sẽ khiến các lực lượng phục vụ vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về hậu cần, công nghệ và an ninh.

Tình hình càng phức tạp hơn khi tang lễ diễn ra ngay sau ngày kỷ niệm giải phóng Italy và kết thúc Thế chiến II, với nhiều sự kiện và cuộc tuần hành có thể diễn ra tại Rome.

Quân nhân Italy trang bị súng bắn drone tại Vatican ngày 23/4. Ảnh: AFP

Quân nhân Italy trang bị súng chống drone tại Vatican ngày 23/4. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi xác nhận khoảng 150-170 phái đoàn và quan khách nước ngoài sẽ đến dự lễ tang ngoài trời tại Quảng trường Thánh Peter, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Hoàng tử William của Anh, bên cạnh hàng nghìn tín đồ và những người mến mộ Giáo hoàng.

Rào chắn an ninh đã được lắp đặt bên trong và xung quanh Vương cung Thánh đường Thánh Peter từ nhiều ngày trước để kiểm soát dòng người đông đúc. Công tác kiểm tra an ninh cũng được siết chặt, trong khi nhân viên cứu trợ phân phát nước uống miễn phí để tín đồ đảm bảo sức khỏe giữa thời tiết nắng nóng.

Theo báo Corriere della Sera, một hệ thống an ninh và phòng thủ tối tân, được mô tả là "vành đai thép", sẽ được triển khai khắp thủ đô Rome và trên vùng trời thành phố.

Vũ khí chống thiết bị bay không người lái (drone) đã được triển khai. Italy cũng thiết lập vùng cấm bay quanh Vatican, được giám soát bởi các máy bay cảnh báo sớm của NATO.

Hệ thống gây nhiễu tín hiệu điều khiển từ xa cũng được kích hoạt ở một số khu vực nhạy cảm. Các đội xạ thủ bắn tỉa đã triển khai trên nóc nhiều tòa nhà quan trọng, lực lượng chống khủng bố và chống phá hoại cũng đặt trong chế độ sẵn sàng chiến đấu.

Cảnh sát Italy được triển khai đến Vatican đảm bảo an ninh ngày 23/4. Ảnh: AFP

Cảnh sát Italy được triển khai đến Vatican đảm bảo an ninh ngày 23/4. Ảnh: AFP

Cảnh sát trưởng Rome Marcello Fulvi cho biết khoảng 8.000 nhân viên an ninh sẽ được huy động cho tang lễ ở Vatican, trong đó có 2.000 sĩ quan làm nhiệm vụ tại Quảng trường Thánh Peter và đại lộ dẫn vào khu vực, cùng 1.400 cảnh sát mặc thường phục rải rác khắp thủ đô Rome. Ngoài ra, còn có 400 cảnh sát giao thông phụ trách điều phối các đoàn xe ngoại giao.

Giới chức Italy không nâng mức cảnh báo khủng bố, nhưng các nguồn tin nội bộ xác nhận báo động đã được đặt ở mức cao, kèm theo hàng loạt biện pháp siết chặt an ninh bao trùm Rome và Vatican. Toàn bộ khu vực xung quanh Vương cung Thánh đường Thánh Peter sẽ được tuần tra nghiêm ngặt từ nay đến khi Mật nghị Hồng y diễn ra vào đầu tháng 5.

Tang lễ sẽ khép lại bằng nghi thức rước linh cữu Giáo hoàng Francis. Khác với những người tiền nhiệm, thi hài Giáo hoàng Francis sẽ được chôn cất tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nhà thờ mà ông thường xuyên lui tới để cầu nguyện và chiêm nghiệm.

Quyết định mang tính biểu tượng, phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ của Tòa thánh Vatican cũng gia tăng thách thức an ninh cho Italy khi họ phải đảm bảo an toàn cho đoạn đường từ Quảng trường Thánh Peter về Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại đồi Esquilino, khu vực gần ga Termini sầm uất của Rome.

Tuyến đường dài và vượt ra ngoài phạm vi Vatican khiến an ninh Italy phải huy động lực lượng chưa từng có. Sky News dẫn nguồn thạo tin trong Vatican cho biết toàn bộ hệ thống an ninh Italy - Vatican sẽ phải vận hành ở mức tương đương tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Vị trí Vương cung Thánh đường Thánh Peter và Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Đồ họa: AA

Vị trí Vương cung Thánh đường Thánh Peter và Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Đồ họa: AA

Các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ, Đội Cận vệ Thụy Sĩ và hệ thống giám sát đa tầng cũng đã được triển khai. Những nút giao thông trọng yếu trở thành điểm kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó sông Tiber cũng được giám sát chặt chẽ nhằm ngăn nguy cơ kẻ xấu lợi dụng làm tuyến xâm nhập.

Chiến dịch bảo vệ không dừng lại sau khi Giáo hoàng Francis được an táng, mà sẽ lập tức chuyển trọng tâm sang Mật nghị Hồng y. Nếu một Hồng y người Italy được bầu làm Giáo hoàng tiếp theo, giới chức an ninh lo ngại lượng tín hữu đổ về Vatican sẽ còn đông hơn và thách thức sẽ tăng theo cấp số nhân.

"Chúng tôi đã ở trong trạng thái báo động từ ngày 21/4. Tình hình trong những ngày tới sẽ rất khó khăn", một thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ, lực lượng bảo vệ Giáo hoàng và Vatican, nói với AFP.

Thanh Danh (Theo Guardian, Daily Mail, AP)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2025

Nghệ thuật 'chốt thỏa thuận' của ông Trump đối mặt thách thức

Nhậm chức gần 100 ngày nhưng ông Trump chưa thể đạt những thỏa thuận "to đẹp" như cam kết, thậm chí cả những mục tiêu ông nói sẽ hoàn thành trong vài tuần.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu một số mục tiêu của chính quyền mới như chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ, tái lập hòa bình ở Trung Đông và đạt hàng chục thỏa thuận thương mại trong thời gian kỷ lục.

"Mọi người đều muốn đến gặp tôi và chốt thỏa thuận", Tổng thống Trump nói tháng này.

Trong nhiều năm, ông Trump đã xây dựng hình ảnh như nhà đàm phán bậc thầy, dựa trên kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế.

Ông từng chia sẻ những kinh nghiệm chốt thỏa thuận trong cuốn hồi ký kiêm sổ tay kinh doanh xuất bản năm 1987. Ông Trump cho hay "phong cách đàm phán của tôi khá đơn giản và dễ hiểu. Tôi đặt mục tiêu rất cao và sau đó không ngừng thúc đẩy để đạt được nó", hay "chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc, trong khi đối thủ dần đuối sức".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AP

Phong cách đàm phán của ông Trump thường là tăng sức ép với đối thủ để đạt thỏa thuận, hơn là dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, theo giới quan sát. Ông thường yêu cầu cả đồng minh và đối thủ phải đề xuất thỏa thuận và sau đó sẽ quyết định liệu có thích nó hay không.

Như trong căng thẳng thuế quan với Bắc Kinh, ông Trump đã liên tục tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trước khi kêu gọi nước này hướng tới thỏa thuận. "Nếu họ không đưa ra đề nghị, chúng tôi sẽ làm điều đó. Bởi vì chúng tôi là những người đặt ra thỏa thuận", ông Trump nói.

Tuần trước, nhóm nhà lập pháp đảng Dân chủ gửi thư cho chính quyền ông Trump, bày tỏ lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng ông Trump đang tạo ra hệ thống không công bằng, khi mang lợi ích cho một số đối tác và gây khó khăn với những bên khác.

Các nhà quan sát nhận định Tổng thống Trump rất muốn đạt thỏa thuận trong những vấn đề cốt lõi, nhưng cũng đang mất dần kiên nhẫn khi mong muốn đó vướng trở ngại. Xung đột Ukraine là một ví dụ.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuần trước cho hay Washington sẽ từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine nếu không có tiến bộ đáng kể về thỏa thuận hòa bình trong những ngày tới. Ông Trump sau đó đồng tình với bình luận của cấp dưới.

"Nếu vì lý do nào đó mà hai bên khiến vấn đề trở nên khó khăn, chúng tôi chỉ muốn nói rằng các bạn thật ngu ngốc, đáng thất vọng và chúng tôi sẽ chấp nhận từ bỏ", ông Trump nói tại Phòng Bầu dục ngày 18/4.

Ông Trump trong chiến dịch tranh cử từng nhiều lần tuyên bố chấm dứt xung đột Ukraine "trong 24 giờ" sau khi nhậm chức. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn ác liệt và nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hòa bình chưa có nhiều tiến triển. Ông tháng trước cho hay mình "chỉ nói đùa" về mục tiêu 24 giờ, thêm rằng "ý tôi là tôi thực sự muốn giải quyết nhanh gọn và tôi nghĩ mình sẽ thành công".

Ngoại trưởng Rubio đã quyết định không tham gia cuộc đàm phán ngày 23/4 cùng quan chức Ukraine và châu Âu tại London. Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho hay Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán nếu Nga - Ukraine không chấp nhận những đề xuất mà Washington đã đưa ra. Cả Nga và Ukraine đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chấp nhận đề xuất đó.

Tại Trung Đông, Hamas vẫn chưa trao trả toàn bộ con tin đã bắt trong cuộc đột kích vào miền nam Israel hồi tháng 10/2023, bất chấp lời đe dọa "xóa sổ" nhóm vũ trang này của ông Trump. Mỹ hồi tháng 1 làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, giúp một số con tin được thả và làm dấy hy vọng về chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, Tel Aviv đã nối lại chiến dịch bắn phá ở Gaza và các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Giới chức Iran nói họ sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền ông Trump về thỏa thuận hạt nhân mới, dù Ngoại trưởng nước này cho hay các lập trường liên tục thay đổi của Washington sẽ "không giúp ích" cho nỗ lực.

Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tiếp tục áp trừng phạt lên Iran. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân.

Ông Trump ngày 14/4 phàn nàn về tiến độ đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cho rằng Tehran đang muốn "câu giờ".

Ở trong nước, ông Trump gần đây cũng phát động cuộc chiến với các đại học hàng đầu Mỹ, đe dọa cắt tài trợ liên bang nếu các trường không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về ngăn biểu tình bài Do Thái, điều chỉnh cơ cấu quản trị và lãnh đạo, đổi mới tuyển sinh và chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI).

Đại học Columbia đã chấp nhận các yêu cầu của chính phủ để không bị cắt khoản tài trợ 400 triệu USD. Tuy nhiên, Đại học Harvard không nhượng bộ và quyết định khởi kiện chính phủ.

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP

"Bạn sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán khi cùng lúc gây chiến với tất cả theo đúng nghĩa đen, dù là đối tác lớn nhỏ, đối thủ hay đồng minh cả trên lĩnh vực an ninh quốc gia và kinh tế", Ian Bremmer, chủ tịch của công ty tư vấn Eurasia Group, nói và thêm rằng ông Trump sẽ gặp khó khăn khi cố làm tất cả mọi thứ cùng lúc.

Wendy R. Sherman, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden, cũng bày tỏ lo lắng về cách thức đàm phán để đạt thỏa thuận của ông Trump.

"Phong cách đàm phán của ông Trump xuất phát từ kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản. Nếu thỏa thuận bất động sản không hiệu quả, bạn chỉ cần chuyển sang thỏa thuận khác hoặc kiện ra tòa. Nhưng với các vấn đề ngoại giao, dù đó là với một đại học hay một chính phủ, bạn đang làm điều đó vì lợi ích chung. Tầm mức của chúng khác nhau", Sherman nói.

Tuy nhiên, đối với các trợ lý và đồng minh của ông Trump, niềm tin vào Tổng thống không suy giảm. Bất kỳ khi nào cách tiếp cận của Tổng thống bị hoài nghi, họ sẽ đoàn kết lại để bảo vệ.

"Bất kể nhiệm vụ là gì, Tổng thống sẽ luôn đạt thỏa thuận tốt nhất cho người dân Mỹ. Trong vòng chưa đầy 100 ngày, Tổng thống đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất của chúng ta, đưa chúng ta đến gần hơn với hòa bình ở Gaza và Ukraine, mang về nhiều cam kết đầu tư lịch sử cho Mỹ, giải thoát con tin người Mỹ và buộc các đại học phải chịu trách nhiệm về làn sóng bài Do Thái. Không có cuộc đàm phán nào quá khó khăn với Tổng thống Trump và ông ấy tiếp tục chứng minh những người chỉ trích đã sai", Taylor Rogers, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói.

Karoline Leavitt, thư ký báo chí Nhà Trắng, ngày 22/4 nói với báo giới rằng các cố vấn của ông Trump đã gặp đại diện 34 quốc gia trong tuần trước để thảo luận về thỏa thuận thương mại và đã có 18 đề xuất thỏa thuận bằng văn bản.

"100% sẽ có thỏa thuận thương mại", ông Trump nói trong cuộc gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng tuần trước.

Thùy Lâm (Theo Conversation, Axios, AFP)

Adblock test (Why?)

Rome lập vùng cấm bay cho tang lễ Giáo hoàng Francis

Chính phủ Italy và Tòa thánh Vatican triển khai các trạm kiểm soát, lập vùng cấm bay và nhiều biện pháp an ninh khác ở Rome để phục vụ tang lễ Giáo hoàng.

"Chúng tôi được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ ngày 21/4, khi Giáo hoàng Francis qua đời. Vài ngày tới sẽ rất khó khăn", AFP ngày 23/4 dẫn lời một thành viên đội Cận vệ Thụy Sĩ chuyên bảo vệ an ninh cho Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican cho hay.

Giới chức Italy và thủ đô Rome cũng đã tăng cường các biện pháp an ninh, khi nhiều nguyên thủ, lãnh đạo tôn giáo và các tín đồ sẽ đến đây trong những ngày tới để tưởng nhớ và dự lễ tang Giáo hoàng diễn ra cuối tuần này.

Các chiến đấu cơ Italy được đặt trong trạng thái sẵn sàng, trong khi các đơn vị bắn tỉa của cảnh sát được triển khai trên mái nhà dọc theo Via della Conciliazione, đại lộ lớn dẫn tới Quảng trường Thánh Peter.

Một vùng cấm bay toàn diện cũng được thiết lập trên bầu trời thành phố Rome. Trực thăng cảnh sát liên tục tuần tra bên trên trung tâm Rome và đường vào Tòa thánh Vatican.

Linh cữu Giáo hoàng Francis hôm nay được chuyển đến Vương cung Thánh đường Thánh Peter và được quàn trên một bục trung tâm tại đây để người dân đến viếng trong ba ngày tới, trước khi Giáo hoàng được an táng vào ngày 26/4.

Cảnh sát Italy đứng gác bên rào chắn trước những người hành hương và du khách chờ đợi vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Rome ngày 23/4. Ảnh: AFP

Cảnh sát Italy đứng gác bên rào chắn trước những người hành hương và du khách chờ đợi vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Rome ngày 23/4. Ảnh: AFP

Cảnh sát Italy đã thiết lập các trạm kiểm soát xung quanh Tòa thánh Vatican trong thời gian này. "Toàn bộ Vương cung Thánh đường Thánh Peter và các khu vực khác đều sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt", Lamberto Giannini, lãnh đạo an ninh Rome, cho hay.

Những người muốn vào Vương cung Thánh đường Thánh Peter phải trải qua các bước kiểm tra an ninh như ở sân bay. Một sĩ quan nói rằng "vài trăm cảnh sát đang làm nhiệm vụ xung quanh địa điểm này".

Lực lượng Phòng vệ Dân sự Italy đang triển khai 2.000-2.500 tình nguyện viên để giám sát các tín đồ vào Quảng trường Thánh Peter. Khoảng 500 nhân viên y tế cùng xe cứu thương cũng túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố.

"Không thể biết có bao nhiêu người sẽ có mặt vào ngày diễn ra lễ tang, nhưng ít nhất là vài trăm nghìn người", Pierfrancesco Demilito, người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italy, nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Vua Bỉ và Vua Tây Ban Nha nằm trong số những người sẽ tới dự tang lễ của Giáo hoàng. Giới chức địa phương ước tính có khoảng 150-170 phái đoàn sẽ đến Rome dịp này và tất cả đều cần cảnh sát hộ tống.

Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4 tại Nhà Thánh Marta vì "đột quỵ não, hôn mê, suy tim không thể hồi phục". Ông từng bị suy hô hấp cấp tính khi điều trị viêm phổi hai bên tại bệnh viện. Giáo hoàng còn bị tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản nhiều lần và tiểu đường type 2.

Lúc sinh thời, Giáo hoàng Francis cũng nói rằng ông sẽ không an nghỉ trong hầm mộ của Vương cung Thánh đường Thánh Peter giống như nhiều người tiền nhiệm, mà chọn nơi an táng là Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả bên ngoài Thành Vatican.

Thùy Lâm (Theo AFP, CNN)

Adblock test (Why?)

Sập cầu ở Bắc Kinh vì cháy dây cáp

Một phần cây cầu bắc qua sông Triều Bạch ở Bắc Kinh đã bị sập do cáp trong rãnh cầu bắt lửa và bốc cháy.

Dây cáp bị cháy khiến cây cầu bắc qua sông Triều Bạch ở quận Thuận Nghĩa, thành phố Bắc Kinh bị sập nhịp ở giữa vào sáng 23/4. Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy khói xám dày đặc bốc lên từ hai bên cầu.

Sập cầu ở Bắc Kinh vì cháy dây cáp

Khói bốc lên khi dây cáp trên cầu bắc qua sông Triều Bạch ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, Trung Quốc bị cháy ngày 23/4. Video: Weibo

Lực lượng cứu hỏa, cảnh sát được triển khai đến hiện trường và đám cháy được dập tắt sau đó. Ủy ban Giao thông Bắc Kinh xác nhận cây cầu đã bị đóng cửa cả hai hướng trước khi sự cố xảy ra, nên không gây thương vong hay thiệt hại về tài sản.

Một nhân chứng cho biết đang câu cá gần cầu vào khoảng 4h thì đèn trên cầu đột nhiên tắt. Khoảng 40 phút sau, nhân chứng thấy khói bốc lên từ bên dưới cầu nên đã báo cho các cơ quan ứng phó khẩn cấp.

Cây cầu bắc qua sông Chaobai ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, Trung Quốc bị sập một phần ngày 23/4. Ảnh: Dimsum Daily

Cây cầu bắc qua sông Triều Bạch ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, Trung Quốc bị sập một phần ngày 23/4. Ảnh: Dimsum Daily

Cuộc điều tra sơ bộ của Ủy ban Giao thông Bắc Kinh cho thấy dây cáp lắp trong rãnh cầu bị bắt lửa. Ngọn lửa khiến thanh giằng cầu bị đứt, sau đó khiến thanh treo dây cáp bị hỏng, dẫn đến nhịp chính của cầu bị sập.

Giới chức Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều tra để tìm hiểu diễn biến của vụ cháy, trách nhiệm của các bên liên quan và đề xuất biện pháp ngăn ngừa sự cố tương tự. Họ cũng sẽ lập tức kiểm tra tất cả cầu lắp cáp ở Bắc Kinh để loại bỏ những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Huyền Lê (Theo Xinhua, Dimsum Daily)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2025

Harvard - đại học già hơn nước Mỹ, giàu hơn nhiều quốc gia

Đại học Harvard có tuổi đời lâu hơn cả Mỹ và là cơ sở giáo dục giàu nhất nước này, với quy mô quỹ hiến tặng lớn hơn GDP gần 100 quốc gia.

Đại học Harvard đang trở thành biểu tượng của sự phản kháng trước nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm buộc các đại học ở Mỹ phải cải cách chương trình giảng dạy và cách quản lý "nhằm giải quyết làn sóng bài xích Do Thái". Harvard đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang thành phố Boston, bang Massachusetts, cáo buộc Nhà Trắng vi phạm quyền hiến định khi đóng băng hàng tỷ USD tài trợ cho trường.

Truyền thông Mỹ mô tả đây là màn đối đầu giữa một trong những trường danh giá, lâu đời và giàu nhất đất nước với thể chế hành pháp lớn nhất quốc gia. Với vị thế về danh tiếng và tài chính của mình, Đại học Harvard được đánh giá có thể chống chịu áp lực từ cuộc đấu này.

Tượng John Harvard tại Harvard Yard, Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 18/4. Ảnh: AFP

Tượng John Harvard tại Harvard Yard, Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 18/4. Ảnh: AFP

Đại học Harvard được thành lập ngày 28/10/1636 bởi Cơ quan Lập pháp Thuộc địa Vịnh Massachusetts, là đại học đầu tiên tại Mỹ khi nước này còn là thuộc địa của Anh. Trường có tuổi đời nhiều hơn 140 năm so với Mỹ, quốc gia tuyên bố độc lập tháng 7/1776.

Trường có tên ban đầu là New College, có sứ mệnh đào tạo giáo sĩ. Năm 1639, trường đổi tên thành Đại học Harvard để tri ân John Harvard, người đã hiến tặng nửa số tài sản cùng khoảng 400 cuốn sách cho cơ sở. Màu đặc trưng của trường là đỏ tía.

Một bức tượng John Harvard được đặt tại Harvard Yard, khuôn viên trung tâm của Đại học Harvard ở thành phố Cambridge, Massachusetts. Sinh viên thường xoa chân bức tượng trên đường đến giảng đường, hy vọng gặp may mắn khi đối mặt bài thi khó. Đây cũng là địa điểm thu hút khách tham quan, mọi người thường dừng lại chụp ảnh với biểu tượng nổi bật nhất của trường.

Harvard là trường tư, nằm trong nhóm Ivy League, gồm 8 đại học ưu tú ở vùng đông bắc Mỹ. Các thành viên còn lại gồm Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton và Đại học Yale.

Harvard gồm 14 cơ sở thành viên, trong đó Harvard College đào tạo bậc đại học, 12 trường sau đại học và Viện Radcliffe về Nghiên cứu Cao cấp, đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu liên ngành hàng đầu.

Các trường sau đại học đào tạo nhiều lĩnh vực như kinh doanh, thần học, nghệ thuật, thiết kế, quản lý nhà nước, luật, y khoa, nổi bật là Trường Kinh doanh Harvard, Trường Luật Harvard, Trường Y Harvard, Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan.

Khuôn viên các trường nằm chủ yếu ở hai thành phố Cambridge và Boston. Theo US News&Report, Đại học Harvard có tổng diện tích hơn 22 km2. Trường được hưởng quyền miễn thuế, theo quy định của Sở Thuế vụ Mỹ dành cho các tổ chức hoạt động vì mục đích "từ thiện, tôn giáo, giáo dục, khoa học, văn hóa". Đặc quyền này giúp Harvard tiết kiệm đáng kể chi phí trong quá trình hoạt động.

Về tài chính, Harvard là đại học giàu nhất Mỹ, có ngân sách ròng khoảng 64 tỷ USD trong năm tài khóa 2024. Ngân sách bang Massachusetts cùng năm là 58 tỷ USD. Trường có nhiều nguồn thu, từ tài trợ nghiên cứu, quyên góp và học phí. Hầu hết tài sản của trường hầu hết nằm ở quỹ hiến tặng 53,2 tỷ USD, được ví như quỹ hưu trí khổng lồ để duy trì hoạt động lâu dài.

Quỹ hiến tặng này của Harvard cao hơn GDP của gần 100 quốc gia, như Bahrain, Iceland, Tunisia, theo Economic Times.

Tuy nhiên, đa phần quỹ hiến tặng đã được phân bổ cho những dự án đặc biệt, thường là về giáo dục. Trường không thể tùy tiện sử dụng số tiền này nếu không muốn tổn hại danh tiếng và đối mặt rắc rối pháp lý.

Quy mô quỹ hiến tặng của một số trường đại học lớn ở Mỹ năm 2024. Đồ họa: WSJ

Quy mô quỹ hiến tặng của một số trường đại học lớn ở Mỹ năm 2024. Đồ họa: WSJ

Theo website Harvard, trường đang đào tạo hơn 24.500 sinh viên đại học và sau đại học. Trường có hơn 400.000 cựu sinh viên trên toàn thế giới, hơn 35 triệu người học trên nền tảng trực tuyến Harvard Online, hơn 20.600 giảng viên và nhân viên.

"Chúng tôi tin vào giá trị của tri thức, sức mạnh của giảng dạy và nghiên cứu, và những công việc mà chúng tôi thực hiện ở đây có thể mang lại lợi ích cho xã hội", Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber viết trên website trường.

Đại học Harvard đứng đầu Bảng xếp hạng học thuật các đại học thế giới (ARWU) nhiều năm. Trong số các cựu sinh viên của trường có 162 người giành giải Nobel ở nhiều lĩnh vực, trong đó có 14 giải Nobel Y học.

Ông Barack Obama, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009, lấy bằng tiến sĩ luật Trường Luật Harvard trước khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Vợ ông, bà Michelle Obama, cũng là sinh viên tại trường. Trước ông Obama, Đại học Harvard còn là nơi học tập của 7 tổng thống Mỹ, trong đó có Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy và George W. Bush.

Harvard còn đào tạo nhiều nguyên thủ quốc gia nước ngoài, trong đó có hai cựu tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và Alvaro Uribe, cựu tổng thống Chile Sebastian Pinera, nhà kinh tế học Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nữ tổng thống đầu tiên của châu Phi, và Hoàng hậu Nhật Bản Masako.

Harvard từ lâu bị phe bảo thủ Mỹ coi là một "thành trì cánh tả", cáo buộc trường sử dụng chương trình giảng dạy của mình để "đầu độc tâm trí thanh niên Mỹ bằng những phương thức cực tả", điều mà phe cánh hữu cho rằng khiến đất nước suy yếu. Do đó, nỗ lực đối đầu với Harvard của ông Trump nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà hoạt động cánh hữu.

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Nhưng Harvard cũng là nơi đào tạo nhiều đồng minh thân cận của Tổng thống Trump. Trong số này có Jared Kushner, con rể ông Trump. Kushner, cùng vợ Ivanka Trump, là cố vấn hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ năm 2017-2021.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Robert F. Kennedy Jr. cũng từng học tại Đại học Harvard. Quốc hội Mỹ có 15 nghị sĩ Cộng hòa từng học tại Harvard, bằng khoảng một phần ba số nghị sĩ đảng Dân chủ có hồ sơ tương tự.

Như Tâm (Theo US News&Report, AFP, CNN)

Adblock test (Why?)

Nơi an nghỉ cuối cùng của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis từ lâu bày tỏ mong muốn được an nghỉ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi ông thường lui tới cầu nguyện suốt nhiệm kỳ.

Vatican ngày 21/4 công bố di nguyện về nơi an nghỉ cuối cùng của Giáo hoàng Francis, vài giờ sau khi ông qua đời tại Nhà Thánh Marta, hưởng thọ 88 tuổi.

Không giống như nhiều người tiền nhiệm an nghỉ trong hầm mộ của Vương cung Thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis muốn được chôn cất trong gian giữa nhà nguyện Pauline và nhà nguyện Sforza của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại Rome.

"Ngôi mộ nằm dưới đất, đơn giản, không có thêm món đồ trang trí đặc biệt nào và chỉ khắc dòng chữ Franciscus", Giáo hoàng viết trong di nguyện.

Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là nhà thờ có từ thế kỷ thứ năm và nằm tại trung tâm thủ đô Rome của Italy. Đây là một trong bốn vương cung thánh đường của Giáo hội ở Rome và là nhà thờ lớn nhất trong số các cơ sở thờ tự dành cho Đức Mẹ Đồng Trinh trong thành phố.

Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy hồi năm 2021. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy hồi năm 2021. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Francis rất tận tụy với việc thờ phụng Đức Mẹ Đồng Trinh. Ông thường cầu nguyện tại nhà thờ trước khi khởi hành các chuyến công du nước ngoài và khi trở lại Rome. Tháng 3/2020, trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, Giáo hoàng rời Tòa thánh Vatican, đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện chấm dứt đại dịch.

Lần cuối ông đến nhà thờ và cầu nguyện trước Đức Mẹ là ngày 12/4, đánh dấu sự khởi đầu của Tuần Thánh với đỉnh điểm là Lễ Phục sinh.

"Ngài ấy đã đến đây 125 lần kể từ khi trở thành Giáo hoàng và luôn mang theo hoa", Cha Ivan Ricupero, người chủ trì các nghi lễ của vương cung thánh đường, nói.

Giáo hoàng đã bày tỏ mong muốn được chôn cất ở nhà thờ này từ năm 2023. Bảy giáo hoàng từng được chôn cất ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Đây cũng là nơi lưu giữ thi hài của một số người nổi tiếng khác như kiến trúc sư kiêm nhà điêu khắc Gian Lorenzo Bernini, người thiết kế Quảng trường Thánh Peter và các cột xung quanh nó.

Truyền thuyết kể rằng một cặp vợ chồng La Mã giàu có không có con muốn hiến tặng tài sản cho Đức Mẹ Đồng Trinh. Bà hiện ra trong giấc mơ của họ và nói rằng hãy xây một nhà thờ để vinh danh bà tại nơi có phép lạ xảy ra. Vào một đêm mùa hè tháng 8/352, tuyết đã rơi trên ngọn đồi Esquiline, vị trí của nhà thờ hiện tại.

Một truyền thuyết khác cho hay Giáo hoàng Liberius đã mơ thấy Đức Mẹ, trong đó bà bảo ông xây nhà thờ nơi có trận tuyết rơi mùa hè tháng 8/352.

Tuy nhiên, Vatican cho hay những tàn tích của nhà thờ khi đó đã không còn. Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả hiện nay bắt đầu được xây dựng dưới thời Giáo hoàng Sixtus III vào khoảng năm 432. Quyết định được đưa ra sau khi hội đồng giám mục Công đồng Ephesus II năm 431 khẳng định Đức Mẹ Maria thực sự là mẹ của Chúa Jesus.

Nhà thờ trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, dù nội thất vẫn giữ được nhiều yếu tố nguyên bản của vương cung thánh đường. Gian giữa gồm 40 cột đá cẩm thạch cùng những bức tranh khảm tinh xảo màu xanh và vàng, có niên đại từ thời điểm nhà thờ được xây dựng và mô tả những câu chuyện từ thời Cựu Ước. Mái vòm cũng được trang trí nhiều bức tranh khảm có niên đại từ thế kỷ 5, miêu tả Chúa Jesus khi còn nhỏ.

Vào thế kỷ 13, Giáo hoàng Nicholas IV đã ủy quyền cho nghệ sĩ Jacopo Torriti tạo ra một loạt tranh khảm khác, mô tả hình ảnh trong cuộc đời của Đức Mẹ Maria, để trang trí các khu vực mới được xây dựng.

Bên ngoài Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Bên ngoài Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại thủ đô Rome, Italy ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả có một số nhà nguyện. Nhà nguyện Sistine do Domenico Fontana xây dựng giai đoạn 1585-87 và trở thành nhà nguyện lớn nhất Rome thời điểm đó. Nơi đây chứa các bức bích họa của Cesare Nebbia và Giovanni Guerra miêu tả cảnh thời thơ ấu của Chúa Jesus, cũng như một nhà bí tích bằng đồng mạ vàng của Ludovico del Duca.

Ngay bên ngoài Nhà nguyện Sistine là lăng mộ của hai nhà điêu khắc Pietro và Gian Lorenzo Bernini. Nơi làm việc của hai nhà điêu khắc được đặt phía sau Nhà nguyện Pauline. Hai nhà điêu khắc này đã đóng góp rất nhiều tác phẩm cho Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.

Mặt tiền của vương cung thánh đường được xây dựng vào giữa thế kỷ 18 bởi kiến trúc sư Italy Ferdinando Fuga. Phía bên ngoài là tháp chuông Romanesque cao gần 76 m, tháp cao nhất ở Rome.

Vương cung Thánh đường lưu giữ một số thánh tích quan trọng của Giáo hội, trong đó có bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh đang bế Chúa Jesus Hài Đồng. Nhà thờ cũng lưu giữ những mảnh gỗ được cho là từ cũi của Chúa Jesus.

Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, tang lễ của ông sẽ được tổ chức trong 9 ngày tại Vatican, với hàng loạt nghi thức truyền thống được tuân thủ nghiêm ngặt. Khác với truyền thống trước đây, thi thể Giáo hoàng sẽ không được đặt trên một bục cao hay nhà táng mà có thể vẫn nằm trong quan tài. Công chúng có thể tới ngắm nhìn và từ biệt ông lần cuối.

Điều này phù hợp với quan điểm đề cao những điều đơn giản của Giáo hoàng Francis và việc ông không thích những nghi lễ quá cầu kỳ cho cái chết của mình.

Thùy Lâm (Theo AFP, Britannica, NBC New York)

Adblock test (Why?)

Azerbaijan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, vận tải

Thứ trưởng Ngoại giao Mammadov cho biết Azerbaijan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và vận tải mà nước này có thế mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng Thứ trưởng Ngoại giao E. Mammadov chủ trì tham vấn chính trị tại Azerbaijan ngày 21/4, theo Bộ Ngoại giao.

Hai bên thông báo về tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động đối ngoại của nhau. Ghi nhận đà tăng trưởng tích cực của trao đổi hàng hóa giữa hai nước, hai Thứ trưởng cho rằng kim ngạch vẫn khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, chưa thực sự ổn định và chưa đáp ứng mong muốn của hai bên. Hai nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhât là trong lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị phía Azerbaijan tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, tiếp xúc và trao đổi thông tin, mở rộng các cơ hội đầu tư, kinh doanh cho mỗi bên, mở cửa cho hàng hoá nước này thâm nhập thị trường nước kia và thâm nhập thị trường khu vực.

Thứ trưởng Mammadov chia sẻ thế mạnh của Azerbaijan trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan E. Mammadov ngày 21/4. Ảnh: Baoquocte

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan E. Mammadov ngày 21/4. Ảnh: BNG

Hai bên cho rằng Việt Nam và Azerbaijan có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hoá, thể thao, du lịch.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, Việt Nam và Azerbaijan đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác với hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đã được đào tạo tại Azerbaijan, vì vậy hai Thứ trưởng nhấn mạnh cần phát huy truyền thống, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là trong việc trao đổi sinh viên, giảng viên, đào tạo cán bộ.

Trao đổi về tình hình và chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh biển, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

Hai bên khẳng định tầm quan trọng tuân thủ Hiến chương LHQ, trong đó có tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hội kiến Ngoại trưởng Azerbaijan J. Bayramov. Ông Bayramov bày tỏ ngưỡng mộ các thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua và khẳng định Azerbaijan sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác hai nước hướng tới nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định sẽ tích cực trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai các cam kết, thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như nghiên cứu các đề xuất của phía Azerbaijan về hợp tác trong thời gian tới.

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Xả súng tại khu nghỉ dưỡng do Ấn Độ quản lý, 24 người chết

Ít nhất 24 người thiệt mạng khi các tay súng tấn công khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam, tại vùng lãnh thổ do Ấn Độ quản lý.

Theo một sĩ quan cảnh sát địa phương, vụ nổ súng nhằm vào khách du lịch xảy ra ngày 22/4 tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam, thuộc khu vực có tên "Jammu và Kashmir", lãnh thổ là đối tượng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, hiện nằm dưới sự quản lý của Ấn Độ.

Omar Abdullah, lãnh đạo chính quyền lãnh thổ Jammu và Kashmir, nhận định vụ nổ súng "có quy mô lớn hơn nhiều so với bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào dân thường trong những năm gần đây". Ít nhất 24 người thiệt mạng trong sự việc.

Hướng dẫn viên du lịch tên là Waheed nói ông tới hiện trường sau khi nghe thấy tiếng súng và đưa một số người bị thương đi bằng ngựa. "Tôi thấy một số người đàn ông nằm trên mặt đất, dường như họ đã chết", Waheed cho biết.

Khu nghỉ dưỡng tại Ấn Độ bị tấn công, 24 người thiệt mạng

Xe cấp cứu chở nạn nhân khỏi hiện trường vụ nổ súng ở Pahalgam ngày 22/4. Video: Hindu

Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Anantnag, thành phố nằm ở phía tây nam Pahalgam, cho biết đã tiếp nhận một số nạn nhân bị thương, trong số này có một người trúng đạn vào cổ.

Chưa nhóm nào nhận trách nhiệm trong vụ nổ súng. Jammu và Kashmir, nơi đa phần dân cư là người Hồi giáo, đã nhiều lần xảy ra bạo động từ năm 1989, khi các nhóm ly khai đòi độc lập hoặc sáp nhập khu vực với Pakistan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên án vụ tấn công, gọi đây là "hành động tàn ác" và tuyên bố sẽ đưa thủ phạm ra xét xử. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết ông đang bay tới nơi xảy ra vụ tấn công, khẳng định sẽ trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm.

Nạn nhân vụ nổ súng ở ở Pahalgam, Ấn Độ được chuyển tới bệnh viện ở Anantnag ngày 22/4. Ảnh: AFP

Nạn nhân vụ nổ súng ở Pahalgam được chuyển tới bệnh viện ở Anantnag ngày 22/4. Ảnh: AFP

Pahalgam nằm cách Srinagar, thủ phủ của Jammu và Kashmir, khoảng 90 km. Khu vực này trong nhiều năm được quảng bá là điểm nghỉ dưỡng trượt tuyết vào mùa đông và nơi tránh nóng trong mùa hè. Khoảng 3,5 triệu khách du lịch tới Jammu và Kashmir trong năm 2024, chủ yếu là người Ấn Độ.

Vụ tấn công tồi tệ nhất trong những năm gần đây tại Jammu và Kashmir là ở Pulwama vào tháng 2/2019, khi phiến quân lao xe chở đầy thuốc nổ vào đoàn xe cảnh sát, khiến 40 người thiệt mạng và 35 người bị thương.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Tiêm kích Mỹ mang cấu hình vũ khí hiếm gặp khi đối phó Houthi

Tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Mỹ mang cùng lúc 4 tên lửa chống radar AGM-88, gấp đôi mức thông thường, khi tham gia đối phó Houthi.

Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hôm 21/4 công bố video máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman đang tham gia chiến dịch đối phó nhóm vũ trang Houthi ở Yemen.

Phi cơ mang theo 4 tên lửa chống radar AGM-88, chưa rõ là mẫu AGM-88 HARM đời cũ hay AGM-88E AARGM hiện đại, cùng hai tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và 3 thùng dầu phụ.

"Đây là cấu hình vũ khí hiếm gặp. Các máy bay EA-18G thường xuất kích với 2 tên lửa diệt radar dòng AGM-88, ba tổ hợp tác chiến điện tử AN/ALQ-99 và hai thùng dầu phụ", biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone cho hay.

Tiêm kích Mỹ mang 4 tên lửa chống radar đối phó Houthi

Máy bay EA-18G cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman trong video công bố ngày 21/4. Video: CENTCOM

CENTCOM không giải thích lý do chiếc EA-18G mang cùng lúc 4 tên lửa diệt radar, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng lưới phòng không và các hệ thống tên lửa chống hạm của Houthi vẫn là vấn đề khó giải quyết với lực lượng Mỹ, buộc họ triển khai những phương án khác thường để đối phó.

AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.

Phiên bản AGM-88E AARGM đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện từ tháng 9/2014, được nâng cấp chủ yếu về đầu dò và hệ thống dẫn đường, trong khi vẫn dùng khung thân, động cơ và đầu nổ cũ. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 130 km và giá xuất xưởng 870.000 USD.

Biến thế này trang bị đầu dò thụ động đời mới, hệ thống định vị quán tính và vệ tinh, cùng radar bước sóng mm để tăng độ chính xác. Radar của AGM-88E có thể dựa vào tín hiệu phản xạ để chụp ảnh mục tiêu chỉ vài giây trước khi va chạm và truyền về máy bay qua đường truyền vệ tinh, hỗ trợ quá trình xác thực kết quả đòn đánh.

Một chiếc EA-18G Mỹ trong cấu hình chiến đấu thông thường hồi năm 2018. Ảnh: US Navy

Một chiếc EA-18G Mỹ trong cấu hình chiến đấu thông thường hồi năm 2018. Ảnh: US Navy

Hàng loạt cải tiến giúp AGM-88E phát hiện, bám bắt đài radar đang phát sóng và đánh trúng mục tiêu ngay cả khi nó ngừng hoạt động giữa chừng.

AGM-88E còn có thể đóng vai trò vũ khí đối đất với những mục tiêu có độ tương phản radar cao so với địa hình xung quanh. Trong trường hợp này, tổ lái sẽ nhập tọa độ mục tiêu hoặc khoanh vùng nghi vấn rồi khai hỏa. Quả đạn dùng hệ thống định vị quán tính và vệ tinh để bay tới tọa độ nạp sẵn, sau đó kích hoạt đầu dò radar chủ động để khóa mục tiêu và tấn công.

Năng lực này từng được chứng minh trong vụ tập kích cuối tháng 2/2024, khi máy bay tác chiến điện tử EA-18G Mỹ phóng tên lửa AGM-88E phá hủy trực thăng Mi-24 của Houthi ở bãi đỗ.

"Câu hỏi lớn nhất hiện nay là lực lượng Mỹ đang nhắm đến mục tiêu nào của Houthi, khi phải sử dụng một trong những loại tên lửa chống radar hiện đại nhất biên chế", Newdick cho hay.

Khu vực Houthi kiểm soát tại Yemen. Đồ họa: AFP

Khu vực Houthi kiểm soát tại Yemen. Đồ họa: AFP

Lực lượng Houthi sở hữu nhiều tổ hợp phòng không và radar cảnh giới, được đánh giá là mối đe dọa đáng kể đối với máy bay Mỹ. Nhóm vũ trang Yemen đã bắn hạ trên dưới 20 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ, mỗi chiếc có giá xuất xưởng 30 triệu USD, kể từ khi phát động chiến dịch Biển Đỏ hồi tháng 10/2023.

Mức độ đe dọa của phòng không Houthi còn thể hiện khi Mỹ phải huy động nhiều loại vũ khí đắt tiền trong chiến dịch không kích, cũng như điều oanh tạc cơ tàng hình B-2 tham gia tấn công.

"Cấu hình chiến đấu của chiếc EA-18G là dấu hiệu mới nhất cho thấy lực lượng phòng không của Houthi tiên tiến và bền bỉ hơn nhiều người tưởng tượng. Đó vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng mà hải quân Mỹ đang tìm cách loại bỏ", Newdick nêu quan điểm.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, WarZone, AP)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2025

Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về ngừng tập kích mục tiêu dân sự

Điện Kremlin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Ukraine về chấm dứt các đòn tập kích vào mục tiêu dân sự ở cả hai bên.

"Trong những lần Tổng thống Vladimir Putin đề cập khả năng đàm phán ngừng tấn công hạ tầng dân sự, ông luôn hàm ý đây là đàm phán song phương, cụ thể là thảo luận trực tiếp với phía Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/4 cho biết, vài tiếng sau khi lệnh ngừng bắn Lễ Phục sinh hết hiệu lực.

Phát biểu sau đó trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin cũng khẳng định Moskva không loại trừ phương án đàm phán ngừng tập kích mục tiêu dân sự, nhưng vấn đề này "cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và làm rõ".

Lực lượng cứu hộ Ukraine dọn dẹp mảnh vỡ tại một tòa nhà bị tập kích UAV ở Kiev tháng 11/2024. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Ukraine dọn dẹp mảnh vỡ tại một tòa nhà bị tập kích UAV ở Kiev tháng 11/2024. Ảnh: AFP

Ông chỉ trích Kiev thường xuyên sử dụng hạ tầng dân sự cho mục đích quân sự, điển hình là buổi họp mặt sĩ quan Ukraine ở thành phố Sumy giữa tháng này. Nga phóng hai tên lửa Iskander vào khu vực tổ chức sự kiện, hạ một số quân nhân Ukraine, nhưng cũng khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

"Ai cũng biết quân đội Nga đã tập kích một trường đại học ở Sumy. Đó có phải mục tiêu dân sự không? Chắc chắn là vậy rồi. Nhưng nơi đó được dùng để trao thưởng cho những người lính Ukraine đã phạm tội ở tỉnh Kursk. Chúng tôi xem họ là tội phạm, đã tấn công lãnh thổ Nga và phải chịu trừng phạt. Đòn tập kích hôm đó là đòn trừng phạt lính Ukraine", ông Putin nói.

Trước tuyên bố của Điện Kremlin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/4 đề xuất quân đội Nga nên ngừng mọi đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các mục tiêu dân sự trong ít nhất 30 ngày để chứng minh họ thật sự muốn hòa bình.

"Nếu Nga không đồng ý với đề xuất này, nó cho thấy họ cố tình muốn duy trì sự hủy diệt mạng người vô tội và kéo dài cuộc chiến", Tổng thống Ukraine viết trên X.

Tổng thống Putin đã công bố lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực từ 18h ngày 19/4 đến 0h ngày 21/4, kéo dài tổng cộng 30 tiếng. Ông chủ Điện Kremlin nói động thái của Ukraine trong giai đoạn này sẽ cho thấy mức độ sẵn sàng của Kiev đối với một giải pháp hòa bình.

"Chúng tôi luôn nói rõ rằng Nga hoan nghênh mọi sáng kiến hòa bình. Và chúng tôi hy vọng các đại diện của chính quyền Kiev cũng sẽ tiếp nhận những sáng kiến ấy theo cách tích cực", Tổng thống Putin bình luận hôm nay, đồng thời nhắc lại rằng Kiev ban đầu khước từ đề xuất ngừng bắn nhưng đã đổi ý và chấp thuận sau khi "nhận tham vấn từ nước ngoài".

Ukraine cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khoảng 3.000 lần trong lễ Phục sinh ngày 20/4, trong khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine có khoảng 4.900 lần vi phạm lệnh ngừng bắn.

Thanh Danh (Theo RT, TASS, Reuters)

Adblock test (Why?)

Nhà Trắng: 'Cả Lầu Năm Góc chống đối Bộ trưởng Quốc phòng'

Nhà Trắng cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đang bị "toàn bộ Lầu Năm Góc" chống đối và rò rỉ thông tin bất lợi.

"Tổng thống Donald Trump toàn tâm ủng hộ Bộ trưởng Pete Hegseth, người đang xuất sắc lãnh đạo Lầu Năm Góc. Những lùm xùm hiện nay là do toàn bộ Lầu Năm Góc chống đối ông ấy, kháng cự lại những thay đổi to lớn ông ấy đang triển khai", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trả lời Fox ngày 21/4, khi được đề nghị bình luận về cáo buộc Bộ trưởng Hegseth để lộ thông tin tác chiến trên nhóm nhắn tin với người thân.

Truyền thông Mỹ trước đó dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Hegseth chia sẻ kế hoạch không kích nhóm vũ trang Houthi ở Yemen trong nhóm chat có tên "Defense | Team Huddle" trên Signal giữa tháng 3, trong đó có vợ ông, hai anh trai ông Hegseth là Phil và Tim Parlatore cùng khoảng 8 người thân cận.

Nhóm chat được lập từ tháng 1, trước khi ông Hegseth nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Trong những thông tin nhạy cảm được chia sẻ có lịch trình bay của các tiêm kích F/A-18 Hornet.

Ông Pete Hegseth trả lời chất vấn Thượng viện Mỹ ngày 14/1 trước khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: AP

Ông Pete Hegseth trả lời chất vấn Thượng viện Mỹ ngày 14/1 trước khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: AP

Leavitt cho rằng "một số người" trong Lầu Năm Góc không chấp nhận nỗ lực cải cách của ông Hegseth và tung thông tin bất lợi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh ông Hegseth không để lộ bất kỳ thông tin mật nào trong các cuộc trò chuyện qua ứng dụng nhắn tin Signal. Bà cáo buộc các quan chức Lầu Năm Góc đã "tuồn thông tin mật" nhằm phá hoại.

Bộ trưởng Hegseth, khi tham dự Lễ Phục sinh tại Nhà Trắng cùng vợ và các con, cũng lên án tình trạng quan chức Lầu Năm Góc rò rỉ thông tin và chỉ trích truyền thông chống lại mình.

"Họ liên tục tung tin sai sự thật và vô trách nhiệm. Đây là chiêu trò quen thuộc của truyền thông. Họ dựa vào những nguồn tin nặc danh, những cựu nhân viên bất mãn để bôi nhọ danh tiếng người khác. Vô ích thôi. Chúng tôi đang cải tổ Bộ Quốc phòng, trao lại quyền cho những người lính thực thụ. Vu khống nặc danh là chiêu trò cũ mèm và rẻ tiền", ông nói.

Bộ trưởng Hegseth khẳng định ông rất tự hào về những gì mình và cộng sự đang triển khai ở Lầu Năm Góc, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Tổng thống Donald Trump. Ông tuyên bố "sẽ tiếp tục chiến đấu hết mình trên mọi mặt trận".

Thông tin về nhóm chat Signal của Bộ trưởng Hegseth được công bố chưa đầy một tháng sau bê bối tổng biên tập của tờ Atlantic bị thêm nhầm vào nhóm chat của các quan chức Mỹ bàn về chiến dịch tập kích Houthi.

Cuộc điều tra nội bộ sau đó cho thấy Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz thêm nhầm Goldberg vì lưu số điện thoại của nhà báo này vào danh bạ dưới tên một người khác từ nhiều tháng trước. Nhà Trắng nói rằng số điện thoại đã bị lưu nhầm trong quá trình "cập nhật gợi ý liên hệ" trên iPhone của Waltz.

Thanh Danh (Theo CNN, Reuters)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2025

Chính quyền Trump có thể cắt thêm 1 tỷ USD tài trợ của Harvard

Nhà Trắng có thể đang chuẩn bị cắt thêm 1 tỷ USD tài trợ cho Harvard sau khi đại học này công bố thư yêu cầu cải cách từ chính quyền Trump.

WSJ ngày 20/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang rất tức giận với việc Đại học Harvard công bố thư của nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) gửi trường này, khiến mâu thuẫn giữa hai bên leo thang.

Bức thư này được JTFCAS gửi Đại học Harvard hôm 11/4, do các quan chức Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý Dịch vụ công ký. Trong thư, JTFCAS nêu loạt yêu cầu cải cách với Harvard, như trường ngừng công nhận các nhóm ủng hộ Palestine, thay đổi cách thức quản lý và chương trình học nhằm loại bỏ tư tưởng bài Do Thái, cung cấp thông tin về sinh viên bị cáo buộc có hành vi "bài xích Do Thái".

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Các quan chức JTFCAS cho rằng đây là "thông tin nội bộ" chỉ được trao đổi với Harvard để đàm phán. Bởi vậy, họ rất ngạc nhiên khi Harvard ngày 15/4 công bố bức thư này.

Các nguồn tin cho biết chính quyền Trump trước đó dự định đàm phán với Đại học Harvard "nhẹ nhàng hơn" so với Đại học Columbia, cơ sở giáo dục cũng bất đồng với chính phủ về vấn đề biểu tình ủng hộ Palestine và hành vi bài Do Thái.

Tuy nhiên, sau khi bức thư được công bố, Nhà Trắng "trở nên tức giận, muốn gây thêm áp lực lên Harvard" bằng cách lên kế hoạch cắt thêm 1 tỷ USD tài trợ nghiên cứu về sức khỏe cho trường. Nhà Trắng trước đó đã đóng băng 2,2 tỷ USD viện trợ cho Harvard, ngay sau khi trường bác bỏ các yêu cầu cải cách.

Các nguồn thạo tin từ Harvard cho biết thư mà JTFCAS gửi họ không nêu bất kỳ điều khoản nào về việc phải giữ kín thông tin và các yêu cầu mà Nhà Trắng đưa ra là "không thể đàm phán".

Phát ngôn viên Harvard cho biết "chính quyền Trump dường như đang tăng cường các yêu cầu" với trường, song chưa xác nhận liệu bức thư có điều khoản giữ bí mật hay không.

Bức thư ngày 11/4 không phải danh sách yêu cầu đầu tiên mà Nhà Trắng gửi đến Harvard. Chính quyền đã gửi bức thư đầu tiên dài hai trang vào ngày 3/4, nêu loạt yêu cầu muốn Harvard tuân thủ để tiếp tục nhận tài trợ liên bang, như cấm đeo khẩu trang trong các cuộc biểu tình, tăng hợp tác với giới hành pháp, loại bỏ các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Harvard khi đó cho biết các yêu cầu nêu trong thư là có thể thương lượng và gửi thông điệp nhờ chính quyền cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tuy nhiên, bức thư tiếp theo chứa thêm nhiều yêu cầu mà Harvard cho rằng mang tính "xâm phạm không thể chấp nhận" và việc đạt được thỏa thuận là bất khả thi, theo các nguồn tin.

Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin của WSJ hay xác nhận kế hoạch cắt thêm 1 tỷ USD tài trợ cho Harvard. NYTimes dẫn các nguồn tin cho hay bức thư ngày 11/4 được các luật sư của chính quyền Trump gửi đến Harvard mà chưa được các quan chức cấp cao phê duyệt hoặc chấp thuận.

Khi căng thẳng với Đại học Harvard leo thang, chính quyền Trump gần đây cũng cảnh báo rút giấy phép tuyển du học sinh, tước quy chế miễn thuế đối với Harvard.

Đức Trung (Theo WSJ, Reuters, Insider, Harvard Crimson)

Adblock test (Why?)