Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Áp lực đè nặng Ukraine sau khẩu chiến của ông Trump - Zelensky

Sau cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và Zelensky, Ukraine có thể mất đi hoàn toàn ủng hộ từ Mỹ, khiến họ đối mặt áp lực lớn hơn từ Nga.

Các cuộc đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine đã trải qua một bước ngoặt không ai ngờ tới vào ngày 28/2, khi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng đổ vỡ trong cay đắng và giận dữ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 28/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 28/2. Ảnh: AFP

Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump nói người đồng cấp Ukraine phải "thỏa hiệp" trong thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo Ukraine bác bỏ, khẳng định không có chuyện nhượng bộ.

Cuộc trao đổi sau đó trở nên căng thẳng, hai lãnh đạo bắt đầu cao giọng và chuyển sang cãi vã. Tổng thống Trump cùng Phó tổng thống JD Vance chỉ trích Tổng thống Zelensky "vô ơn" và không tôn trọng nước Mỹ, trong khi lãnh đạo Ukraine cho rằng chính quyền ông Trump đang quá mềm mỏng với Nga.

Cuộc gặp kết thúc bằng việc ông Zelensky rời Nhà Trắng sớm hơn dự kiến và hai bên hủy họp báo chung, không ký thỏa thuận khoáng sản.

Phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống Trump nói lãnh đạo Ukraine đã "bỏ lỡ cơ hội" kết thúc xung đột. "Tôi muốn ngừng bắn ngay bây giờ, còn ông ấy muốn tiếp tục chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu", ông chủ Nhà Trắng cho hay.

Sau diễn biến gây sốc này, thế giới hiện tự hỏi các cuộc đàm phán sẽ đi về đâu và liệu lãnh đạo Mỹ - Ukraine có thể hàn gắn mối quan hệ để Washington tiếp tục đảm nhận vai trò trung gian hòa bình hay không.

Một số người cho rằng châu Âu có thể cần phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai quốc gia, trong khi số khác tin Tổng thống Zelensky phải tìm cách kiểm soát thiệt hại hoặc thậm chí từ chức nếu muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine.

"Rất khó dự đoán điều gì diễn ra tiếp theo", một quan chức châu Âu giấu tên cho biết. "Hình ảnh từ cuộc họp thật kinh khủng. Đây là dấu hiệu khác cho thấy châu Âu cần hành động và hỗ trợ Ukraine. Huy động tài sản bị đóng băng ở nước ngoài của Nga. Mua vũ khí cho Ukraine. Tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay. Tiến tới phê duyệt tư cách thành viên EU. Vẫn còn những việc châu Âu có thể làm để giúp Ukraine xây dựng đòn bẩy đàm phán".

Tổng thống Trump nói ông không tin Tổng thống Zelensky đã "sẵn sàng" để Mỹ tham gia vào tiến trình hòa bình và những đảng viên Cộng hòa từng ủng hộ việc hỗ trợ Kiev đối đầu Moskva bắt đầu cho thấy họ không còn đủ kiên nhẫn với lãnh đạo Ukraine.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người từng ủng hộ nhiệt thành nỗ lực chiến đấu của Ukraine, cho biết sau cuộc họp rằng Kiev có thể cần tìm một lãnh đạo mới có khả năng làm việc với Tổng thống Trump.

"Đây là câu hỏi dành cho tôi, cho người dân Ukraine. Tôi không biết liệu Tổng thống Zelensky có thể đưa các bạn đến được nơi các bạn muốn với Mỹ hay không. Hoặc là ông ấy phải thay đổi rất nhiều hoặc các bạn phải tìm một người mới", Graham nói.

Joel Rubin, phó trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính quyền Barack Obama, cho rằng châu Âu cần phải có một "cuộc họp khẩn cấp" để tìm ra cách giải quyết vấn đề.

"Cần phải làm gì đó để xoa dịu Tổng thống Zelensky và Mỹ ngay lúc này", ông nhấn mạnh.

"Cuộc gặp tại Phòng Bầu dục đó hoặc là tai ương cho sự nghiệp chính trị của ông Zelensky hoặc là tai ương cho Ukraine", cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Garcia bình luận. "Tổng thống Zelensky dường như vẫn chưa hiểu được rằng ông ấy sẽ không thể có mọi thứ mình muốn".

Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây lưu ý các quan chức Mỹ và châu Âu đã phối hợp trong nhiều tuần để cố gắng tránh kết cục giống như những gì đã diễn ra, do Tổng thống Trump rất nhạy cảm và hoài nghi sâu sắc về Tổng thống Zelensky.

"Tôi chỉ không hiểu làm thế nào mà ông Zelensky lại để mình sa vào tình thế như vậy", nhà ngoại giao này nói. "Mạng sống của bạn thực sự phụ thuộc vào người đàn ông đó. Nếu ông ấy muốn ném bánh kem vào bạn, cứ để họ làm vậy".

Các học giả và nhà phân tích về Nga cũng tỏ ra choáng váng và lo ngại cho tương lai Ukraine.

Nếu Tổng thống Zelensky đang suy nghĩ một cách chiến lược, "ông ấy sẽ chấp nhận rằng bản thân không thể tự mình giải quyết vấn đề và thay vào đó sẽ chỉ định một phái viên, người được tôn trọng ở Washington nhưng không thuộc nhóm cấp cao hiện tại của ông, để cố gắng đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo trong vài tuần tới", Eric Ciaramella, chuyên gia về Nga và Á-Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, cho hay.

Theo giới quan sát, cuộc gặp ở Nhà Trắng thực sự đã tạo ra áp lực khổng lồ cho Ukraine. Nó cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng rút lại ủng hộ với Kiev. Tổng thống Zelensky rời Mỹ mà không để lại gì nhiều ngoại trừ mối quan hệ bị tổn hại với người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ.

Những người chỉ trích Tổng thống Trump sẽ coi màn thể hiện vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho thấy ông đồng cảm như thế nào với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và những tính toán của Nga đối với lãnh thổ Ukraine.

"Tôi e rằng kịch bản Moskva và Washington đạt được thỏa thuận sau lưng Kiev đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn", chuyên gia Ciaramella từ Quỹ Carnegie nhận xét.

Nếu không cho thấy những động thái nhượng bộ đủ để xoa dịu Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky và đất nước của ông giờ đây khó lòng trông cậy vào Washington về các đảm bảo an ninh, bình luận viên Carrington Clarke từ ABC News đánh giá.

"Sau khi bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng, Tổng thống Zelensky hiện chỉ còn có thể hy vọng sẽ được chào đón nồng nhiệt hơn ở châu Âu", Clarke viết. "Tương lai đất nước ông phụ thuộc vào điều đó".

Tổng thống Zelensky sẽ cảm thấy được an ủi phần nào khi nhiều lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự đoàn kết ủng hộ ông. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk viết trên X: "Gửi ông Volodymyr Zelensky và những người bạn Ukraine, các bạn không đơn độc".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Nga là bên gây hấn trong xung đột. Ông thêm rằng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Canada "đã đúng" khi hỗ trợ Ukraine và áp lệnh trừng phạt Nga, khẳng định các nước sẽ tiếp tục làm vậy.

Giây phút ông Zelensky đấu khẩu với Tổng thống Trump

Lãnh đạo Mỹ và Ukraine tranh cãi tại Nhà Trắng ngày 28/2. Video: Reuters, AP

Tổng thống Moldova Maia Sandu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Czech Petr Pavel cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đứng về phía Ukraine.

Nhưng theo tiến sĩ Samuel Ramani từ Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), khi hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và châu Âu ngày càng nới rộng, tương lai của Ukraine đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

Nếu bất đồng giữa Kiev và Washington không được hàn gắn nhanh chóng, viện trợ quân sự từ Mỹ cho Ukraine có thể sớm dừng lại. Hồi đầu tháng hai, các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine được tổng thống Joe Biden phê duyệt đã bị cắt giảm chỉ trong thời gian ngắn. Điều này đã gây ra hoảng loạn ở cả Ukraine và châu Âu.

Dù vẫn còn đủ vũ khí để chiến đấu cho đến mùa hè, việc mất đi hỗ trợ từ Mỹ có thể khiến Ukraine phải rút khỏi các vị trí mà họ đang kiểm soát ở tỉnh Kursk của Nga để tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, qua đó mất đi đòn bẩy lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng, Ramani lưu ý.

"Bây giờ là lúc thực sự xem xét những gì châu Âu có thể cung cấp", Rachel Rizzo, chuyên gia tại Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, lưu ý.

"Liệu họ có thể ra mặt một cách có ý nghĩa, cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh dài hạn mà nước này rất cần và có khả năng sẵn sàng đưa quân vào thực địa để giúp đảm bảo một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine không? Hay bộ máy quan liêu của Brussels và những khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia thành viên sẽ hủy hoại khả năng đóng vai trò lãnh đạo mà họ nên đảm nhận?", Rizzo đặt vấn đề.

Sau cuộc tranh cãi nảy lửa, trả lời phỏng vấn riêng với kênh Fox News, Tổng thống Zelensky tuyên bố ông sẽ không xin lỗi người đồng cấp Mỹ.

"Tôi cho rằng chúng ta phải rất cởi mở và thành thực. Tôi không nghĩ chúng tôi đã làm điều gì tồi tệ", ông nói.

Theo Leslie Shedd, cựu cố vấn cấp cao cho các thành viên quốc hội Mỹ, việc lãnh đạo Ukraine từ chối xin lỗi Tổng thống Trump là một hành động thiếu khôn ngoan, "khiến việc khôi phục mối quan hệ trở nên khó khăn hơn nhiều".

Bà nói thêm rằng Tổng thống Ukraine vẫn nên cố gắng hồi sinh thỏa thuận khoáng sản, một phần vì nó "tiếp tục khuyến khích Mỹ ủng hộ Ukraine" bởi Mỹ "không thể tiếp cận nguồn khoáng sản nếu Ukraine chưa thoát khỏi xung đột và tránh được nguy cơ về một cuộc đối đầu khác với Nga".

Vũ Hoàng (Theo CNN, Washington Post, Fox News, ABC News)

Adblock test (Why?)

Mỹ sa thải hàng trăm chuyên gia tại cơ quan khí tượng quốc gia

Hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học tại cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ nhận thông báo sa thải mà chưa rõ lý do.

"Hàng trăm nhân viên thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trong đó có chuyên viên dự báo tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia, đã nhận thông báo chấm dứt hợp đồng mà không có lý do chính đáng. Đây là điều không thể chấp nhận được", hạ nghị sĩ Mỹ Grace Meng cho biết hôm 27/2, nhấn mạnh động thái này sẽ khiến "tính mạng người Mỹ gặp nguy hiểm".

Hạ nghị sĩ Jared Huffman xác nhận "hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học tại NOAA đã bị sa thải".

Craig McLean, cựu lãnh đạo nhóm khoa học ở NOAA, cho biết động thái cắt giảm nhân sự dường như chia làm hai đợt, đợt đầu gồm 500 người và đợt sau có 800 người. Con số này tương ứng 10% tổng nhân lực tại NOAA.

Trạm giám sát của NWS tại Brownville,Texas năm 2014. Ảnh: AP

Trạm giám sát của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ tại bang Texas năm 2014. Ảnh: AP

Những người bị sa thải trong đợt đầu là nhân viên thử việc. Hiện có khoảng 375 nhân viên thử việc tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), nơi thực hiện công việc dự báo thời tiết hàng ngày và cảnh báo nguy hiểm.

Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California ở Los Angeles, chỉ trích động thái cắt giảm hàng loạt nhân sự là "cực kỳ thiển cận, sẽ gây tổn hại lớn với sự an toàn của người dân Mỹ và khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các thảm họa thời tiết".

NOAA chưa công bố lý do sa thải loạt nhân viên trên.

Động thái diễn ra trong lúc Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) đang đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu công và tinh gọn lực lượng công chức liên bang. Hàng nghìn nhân viên thử việc tại nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã bị sa thải trong thời gian qua.

Khi tham dự cuộc họp nội các đầu tiên của chính quyền mới hôm 26/2, tỷ phú Elon Musk cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ phá sản nếu DOGE không hành động để tinh gọn chính phủ.

Nỗ lực này đang gây ra nhiều tranh cãi tại Mỹ, trong đó có cả trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã hứng chỉ trích từ cử tri vì những biện pháp cắt giảm bộ máy quyết liệt mà nhóm DOGE đang triển khai, ảnh hưởng đến hàng triệu công chức và gia đình.

Phạm Giang (Theo AP)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2025

Cuộc sống bên trong tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Thủy thủ trên tàu ngầm hạt nhân USS Minnesota phải sống trong không gian chật hẹp, không được uống rượu, nhưng thường được ăn tôm hùm, bò bít tết.

Tàu ngầm USS Minnesota ngày 25/2 cập cảng Stirling của hải quân Australia, trở thành tàu ngầm hạt nhân Mỹ thứ 7 đến căn cứ hải quân này kể từ khi thỏa thuận an ninh AUKUS được ký hồi năm 2021.

USS Minnesota là tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, có thể lặn sâu 240 mét, đạt tốc độ 46 km/h, với 140 thủy thủ đoàn. Các phóng viên Guardian ngày 26/2 được mời lên thăm, ghi nhận cuộc sống bên trong mẫu tàu ngầm hiện đại bậc nhất thế giới này.

Tàu ngầm USS Minnesota cập cảng HMAS Stirling ở Rockingham, tây nam Australia, ngày 26/2. Ảnh: Reuters

Tàu ngầm USS Minnesota neo tại cảng Stirling ở Rockingham, tây nam Australia, ngày 26/2. Ảnh: Reuters

Hành lang và khu vực nghỉ ngơi bên trong chiếc tàu ngầm dài 115 mét này rất chật hẹp, các thủy thủ phải ngủ cạnh khoang chứa 23 quả ngư lôi. Chỉ huy tàu Jeffrey Cornille cho biết cần đội 6 người vận hành hệ thống thủy lực để nạp một quả ngư lôi vào trạng thái sẵn sàng khai hỏa.

Khác với các tàu ngầm diesel - điện của Australia, USS Minnesota chạy bằng năng lượng hạt nhân nên không cần nổi lên mặt nước để sạc điện cho ắc quy. USS Minnesota thường hoạt động liên tục 30 ngày dưới lòng biển, trước khi cập cảng để bổ sung thực phẩm tươi.

Tommy Plummer, sĩ quan điều hành, cho biết thủy thủ đoàn phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt trên tàu, nơi mỗi nhiệm vụ đều được lên lịch tỉ mỉ và mỗi người chỉ được tắm trong 30 giây.

Một thủy thủ đứng cạnh ngư lôi MK 48 trên tàu USS Minnesota, ngày 26/2. Ảnh: Reuters

Một thủy thủ đứng cạnh ngư lôi MK 48 trên tàu USS Minnesota, ngày 26/2. Ảnh: Reuters

Tàu ngầm không có cửa sổ và các không gian cá nhân rất hạn chế. "Chúng tôi trở thành gia đình, đôi khi biết những chuyện không cần biết", Plummer nói.

Chiếc máy sấy quần áo cỡ lớn duy nhất trên tàu, hoạt động suốt ngày đêm, được các thủy thủ đặc biệt coi trọng. "Máy hỏng sẽ là thảm họa", một thủy thủ nói đùa.

Rượu bia và quan hệ tình ái bị nghiêm cấm trên tàu ngầm. Dù sinh hoạt kỷ luật, khó khăn, thủy thủ trên tàu thường được phục vụ món tôm hùm, bò bít tết.

Plummer cũng đùa rằng cuộc sống trên tàu với ca làm việc 18 tiếng dễ dàng hơn sống cùng vợ ở quê nhà, khi phải đối mặt với thách thức nuôi dạy ba đứa con.

Trung úy Alexis Park và chỉ huy Jeffrey Corneille trong khoang điều khiển. Ảnh: Reuters

Sĩ quan Alexis Park và chỉ huy Jeffrey Corneille trong khoang điều khiển. Ảnh: Reuters

USS Minnesota đang đào tạo sĩ quan trở thành chỉ huy tàu ngầm. Đây là tàu ngầm tấn công nhanh đầu tiên trong số hai tàu dự kiến cập cảng Stirling năm 2025.

Tàu đến Australia cùng tháng chính phủ nước này thực hiện khoản thanh toán đầu tiên trị giá 800 triệu USD trong số 368 tỷ USD theo thỏa thuận AUKUS, trong đó Canberra sẽ mua ba tàu ngầm hạt nhân Mỹ và đóng 8 tàu khác vào năm 2050 với sự hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật của Anh và Mỹ.

Đức Trung (Theo Guardian, Reuters, Australian)

Adblock test (Why?)

Mục tiêu khác biệt của Mỹ, Ukraine về thỏa thuận khoáng sản

Ông Zelensky muốn tìm kiếm đảm bảo an ninh từ Mỹ trong thỏa thuận khoáng sản, nhưng ông Trump dường như chỉ quan tâm đến lợi ích của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/2 thông báo người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tới Nhà Trắng ngày 28/2 để ký thỏa thuận khoáng sản được mong đợi từ lâu. Ông đưa ra thông báo ngay khi bắt đầu cuộc họp nội các đầu tiên của nhiệm kỳ hai, ca ngợi đây là "thỏa thuận rất lớn".

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cùng ngày cho biết Kiev và Washington đã chốt dự thảo thỏa thuận khoáng sản, trong khi Tổng thống Zelensky nói đây là thỏa thuận sơ bộ, nhưng "có thể là một thành công lớn". "Mức độ thành công đến đâu sẽ phụ thuộc vào cuộc trò chuyện của tôi với Tổng thống Trump", ông nói.

Dự thảo này có tên gọi Thỏa thuận Thiết lập quy tắc và điều kiện của Quỹ Đầu tư Tái thiết Ukraine, trong đó nêu rõ Ukraine sẽ đóng góp 50% doanh thu từ việc cấp phép khai thác khoáng sản và cơ sở hạ tầng có liên quan vào quỹ do Washington và Kiev cùng quản lý. Khoản đóng góp chung của Mỹ và Ukraine sẽ được đầu tư cho quá trình tái thiết đất nước, nền kinh tế và an ninh của Ukraine.

Cả hai lãnh đạo dường như đều kỳ vọng vào thỏa thuận khoáng sản, nhưng giới quan sát cảnh báo cuộc gặp cấp cao tại Washington sẽ tiềm ẩn nguy cơ thất bại, khi ông Trump và ông Zelensky đang theo đuổi những mục tiêu khác biệt. Họ cho rằng lãnh đạo Ukraine đề cao nhu cầu về an ninh tương lai của Kiev, trong khi Tổng thống Trump chỉ quan tâm tới những lợi ích về khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine.

Cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 28/2 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với Ukraine sau khi chính quyền ông Trump gần đây có nhiều động thái khiến Kiev lo ngại. Tổng thống Mỹ đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khởi động tiến trình đàm phán về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev. Ông Trump cũng đã công khai chỉ trích Ukraine "châm ngòi cuộc chiến" và gọi Tổng thống Zelensky là "nhà độc tài không được bầu".

Ông Donald Trump (giữa) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris đầu tháng 12/2024. Ảnh: AFP

Ông Donald Trump (giữa) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris đầu tháng 12/2024. Ảnh: AFP

Cuộc gặp thượng đỉnh này mang đến cho ông Zelensky cơ hội đánh giá thiện chí của ông Trump về đề xuất Mỹ tham gia đảm bảo an ninh để ngăn nguy cơ Ukraine bị tấn công lần nữa sau khi ký thỏa thuận hòa bình. Ukraine xem đây là điều kiện rất quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của nước này.

Một điều khoản trong dự thảo thỏa thuận nhấn mạnh đây là một phần của cấu trúc an ninh lớn hơn, như hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO hoặc đưa ra các đảm bảo an ninh thay thế.

"Nếu chúng tôi được thông báo Mỹ sẽ là một trong những quốc gia chính tham gia đảm bảo an ninh, điều đó có thể được coi là thành công", ông Zelensky nói, nhấn mạnh Kiev phải biết rõ lập trường của Washington trước khi có thể bắt đầu những bước tiếp theo.

Lãnh đạo Ukraine tiết lộ rằng ông sẽ hỏi thẳng Tổng thống Trump rằng "liệu Mỹ có ngừng viện trợ hay không?" khi tới Washington ký kết thỏa thuận khoáng sản. Nội các Ukraine sẽ khó xem xét thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản với Mỹ nếu không nhận được bất cứ cam kết an ninh nào từ ông Trump.

Tuy nhiên, trái với mong muốn của ông Zelensky, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ sẽ không cung cấp đảm bảo quân sự hoặc an ninh trực tiếp cho Ukraine.

"Tôi sẽ không đưa ra các đảm bảo an ninh quá mức cho phép. Chúng tôi sẽ để châu Âu làm điều đó, vì châu Âu là hàng xóm của họ", ông Trump nói ngày 26/2.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump có ám chỉ Mỹ sẽ từ chối cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine nếu đạt thỏa thuận hòa bình, hay ông có thể cho phép Washington đóng vai trò yểm trợ về mặt quân sự cho các nước châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine hậu xung đột hay không.

Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 3 năm qua, xem chấm dứt đổ máu là "điều quan trọng nhất". Song ông cũng nói rõ mục tiêu quan trọng khác khi theo đuổi thỏa thuận.

"Điều quan trọng thứ hai là tôi không muốn phải trả thêm tiền nữa. Bây giờ chúng ta sẽ lấy lại toàn bộ số tiền đó và thậm chí nhiều hơn", ông Trump đề cập tới hàng tỷ USD mà chính quyền cựu tổng thống Joe Biden đã viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Mỹ đã gây sức ép rất lớn với Ukraine để ký thỏa thuận khoáng sản. Washington ban đầu đề xuất thỏa thuận trong đó Ukraine dùng lượng "đất hiếm và những thứ khác" tương đương 500 tỷ USD để đổi lấy các khoản viện trợ từ Mỹ.

Ông Trump sau đó đề nghị Ukraine trao quyền sở hữu 50% khoáng sản quan trọng của nước này cho Mỹ để hoàn trả những gì Kiev nhận từ Washington từ khi nổ ra xung đột với Nga tháng 2/2022.

Kiev kiên quyết bác bỏ, nói rằng những hỗ trợ trước đây của Mỹ không có bất kỳ điều khoản hoàn trả nào. Tổng thống Zelensky ngày 26/2 khẳng định Ukraine không mắc nợ vì đã nhận các khoản viện trợ quân sự nước ngoài. Ông cho rằng việc coi viện trợ như "khoản nợ phải trả" trong thỏa thuận khoáng sản sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khiến các nước khác cũng yêu cầu Ukraine phải trả lại những gì mà họ đã cung cấp.

"Tôi sẽ không đồng ý ngay cả khi chỉ hoàn trả 10 xu", ông nói.

Vị trí các khu vực có khoáng sản ở Ukraine. Đồ họa: WSJ

Vị trí các khu vực có khoáng sản ở Ukraine. Đồ họa: WSJ

Cuộc gặp của ông Trump và ông Zelensky diễn ra sau hai tuần đầy biến động, khi Washington có một số động thái xích lại gần Moskva, gồm cả cuộc bỏ phiếu chống nghị quyết về Ukraine chỉ trích Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi thực sự phụ thuộc vào Mỹ và ông Trump. Điều quan trọng là không để Mỹ từ bỏ vai trò bên hậu thuẫn chính hoặc một trong những bên ủng hộ cho an ninh Ukraine", ông Zekensky nói.

Tổng thống Ukraine cho biết ông sẽ tiếp tục thúc đẩy tham vọng gia nhập NATO hoặc các đảm bảo an ninh tương đương cho Kiev. Ông thêm rằng sẽ cần tìm hiểu liệu Mỹ có đưa ra những đảm bảo như vậy, hay Ukraine cần tìm ở nơi khác.

Tuy nhiên, ông Trump ngày 26/2 đã dội một gáo nước lạnh vào mong muốn này, nhấn mạnh Kiev sẽ không được gia nhập NATO, tái khẳng định quan điểm của Nga rằng việc Ukraine muốn trở thành một phần của liên minh là lý do khiến chiến sự bùng phát.

Ông cho rằng thỏa thuận khoáng sản ký với ông Zelensky sẽ mở ra cơ hội để Mỹ hiện diện tại Ukraine để khai thác tài nguyên, thêm rằng đây sẽ là "thỏa thuận tuyệt vời cho Ukraine".

"Chúng tôi sẽ hiện diện và điều đó giống như một dạng an ninh tự động, vì không ai sẽ gây rối với người của chúng tôi tại đó", ông Trump nói. "Ukraine có thể quên về NATO đi".

Thùy Lâm (Theo Washington Post, AFP, RBC Ukraine)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2025

Chính quyền Trump yêu cầu các bộ lên phương án chuyển khỏi thủ đô

Chính quyền Trump cho các cơ quan liên bang thời hạn đến giữa tháng 4 để lên phương án chuyển trụ sở khỏi thủ đô Washington.

Lãnh đạo Văn phòng Quản lý Hành chính và Ngân sách (OMB) cùng Văn phòng Quản lý Nhân sự Chính phủ Mỹ (OPM) ngày 26/2 gửi hướng dẫn tới tất cả bộ, cơ quan liên bang về các hành động tuân thủ yêu cầu "tránh lãng phí, cồng kềnh và biệt lập" của Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, OMB và OPM yêu cầu các cơ quan liên bang trước ngày 14/4 phải đề xuất kế hoạch di dời trụ sở khỏi khu vực thủ đô Washington tới những nơi "ít tốn kém hơn".

Biển trụ sở Bộ Nông nghiệp Mỹ ở thủ đô Washington. Ảnh: Reuters

Trụ sở Bộ Nông nghiệp Mỹ ở thủ đô Washington. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump cùng ngày 26/2 ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ đệ trình danh mục bất động sản của mình trong 7 ngày và có 30 ngày để xác định những hợp đồng thuê đất có thể chấm dứt.

Theo lệnh của ông Trump, Cơ quan Dịch vụ Công, phụ trách vấn đề bất động sản của chính phủ, trong vòng 60 ngày phải có kế hoạch xử lý các bất động sản "không còn cần thiết" của các bộ và cơ quan liên bang.

Ông chủ Nhà Trắng chỉ ra Bộ Giáo dục là một trong những cơ quan có thể giảm đáng kể sự hiện diện ở thủ đô. Tổng thống Mỹ trước đó còn đề xuất xóa bỏ bộ này.

"Bạn hãy đi khắp Washington và sẽ thấy tất cả những tòa nhà của Bộ Giáo dục. Chúng tôi muốn đưa giáo dục về cấp bang, nơi nó nên thuộc về", ông Trump nói.

Nhiều lãnh đạo thủ đô Washington, trong đó có Thị trưởng Muriel E. Bowser, tin rằng khi các cơ quan liên bang chuyển đi và trụ sở của họ được sử dụng cho mục đích khác, cuộc sống người dân và tình hình giao thông ở trung tâm Washington sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, bất cứ nỗ lực nào nhằm di dời ồ ạt trụ sở các cơ quan chính phủ khỏi thủ đô đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế địa phương. Công chức liên bang chiếm 24,5% số việc làm và 27,5% tổng lương của thủ đô Washington.

Động thái này diễn ra khi ông chủ Nhà Trắng đang muốn tinh giản bộ máy chính quyền. Dưới tác động từ Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) của tỷ phú Elon Musk, nhiều cơ quan liên bang Mỹ đã có kế hoạch cắt giảm nhân sự một số bộ phận tới 90%. Tỷ phú Musk tuyên bố nếu DOGE không hành động để tinh gọn chính phủ, nước Mỹ sẽ bị phá sản.

Ngọc Ánh (Theo Washington Post, AP, Hill)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Nam công nhân bị điện giật, 3 người tới cứu, tất cả đều tử vong

Thấy nam công nhân bị điện giật, 3 người khác vội tới cứu nhưng cũng bị điện giật tử vong sau đó.

Bốn công nhân đã thiệt mạng sau khi bị điện giật tại Sri Kali Vanashramam Goshala ở Pedakakani, quận Guntur, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Theo lời kể của những người chứng kiến, những người lao động đang dọn dẹp một hố ga thì một người trong số họ bị điện giật khi đang cố gắng sửa chữa một động cơ. Thấy vậy, 3 người khác đã chạy đến giúp đỡ nhưng cũng bị điện giật.


Nam công nhân bị điện giật, 3 người tới cứu, tất cả đều tử vong-1Bốn công nhân tử vong do điện giật.

Các nạn nhân đã được xác định là Gandala Manikyala Rao (28 tuổi), Tajesh (35 tuổi), Balaiah (45 tuổi) và Kali Babu (50 tuổi). Trong số đó, 3 người đến từ Tenali và một người đến từ Sattenapalli. Thi thể của họ đã được gửi đến Bệnh viện Đa khoa Chính phủ ở Guntur để khám nghiệm tử thi.

Cảnh sát trưởng (SP) Satish Kumar đã đến thăm hiện trường và bắt đầu điều tra. "Một công nhân đang sửa một động cơ bị hỏng thì bị điện giật. Những người khác cố gắng cứu anh ta cũng tử vong", ông cho biết.

Cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/yp9n6XZ

Adblock test (Why?)

Ukraine - Mỹ đạt được khung thỏa thuận về khoáng sản

Quan chức Ukraine và Mỹ thống nhất bộ khung cho thỏa thuận về khoáng sản, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin cho biết thỏa thuận đã loại bỏ "mọi điều khoản bất hợp lý" với Kiev.

Tổng thống Mỹ Trump ngày 25/2 nói trước báo giới rằng Tổng thống Ukraine dự kiến đến Washington vào 28/2 để gặp ông, sau khi quan chức hai nước nhất trí về điều khoản của thỏa thuận khoáng sản.

Ông Trump không nêu chi tiết nhưng truyền thông phương Tây cho biết khung thỏa thuận quy định Mỹ và Ukraine sẽ cùng khai thác nguồn khoáng sản tại Ukraine, doanh thu sẽ được chuyển vào một quỹ đầu tư hoàn toàn mới "do Ukraine và Mỹ cùng quản lý".

Theo Financial Times, phiên bản cuối cùng của dự thảo vào ngày 24/2 cho thấy Ukraine đóng góp vào quỹ này 50% doanh thu từ thương mại hóa các tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước trong tương lai, bao gồm dầu khí và các hoạt động hậu cần liên quan. Quỹ này sẽ đầu tư vào các dự án tại Ukraine.

Thỏa thuận không bao gồm các tài nguyên khoáng sản đã đóng góp vào ngân sách chính phủ Ukraine, đồng nghĩa các hoạt động hiện tại của Naftogaz và Ukrnafta, hai nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Ukraine, sẽ không bị ảnh hưởng. Các chi tiết quan trọng như tỷ lệ sở hữu của Mỹ trong quỹ và các điều khoản về "đồng sở hữu" vẫn cần được đàm phán trong các thỏa thuận tiếp nối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

CNN dẫn nguồn tin quan chức Ukraine cho biết thỏa thuận khoáng sản được thông qua sau khi "mọi điều khoản không thể chấp nhận đều bị loại bỏ, văn bản hiện tại nêu rõ hơn cách thỏa thuận này sẽ đóng góp vào an ninh và hòa bình của Ukraine".

Quan chức Ukraine nói với Financial Times rằng Mỹ đã từ bỏ yêu cầu hưởng 500 tỷ USD từ nguồn thu tiềm năng khai thác tài nguyên. Dù dự thảo không có cam kết an ninh rõ ràng, các quan chức Ukraine khẳng định họ đã đàm phán được các điều khoản có lợi hơn nhiều và xem thỏa thuận này như một cách mở rộng quan hệ với Mỹ để củng cố triển vọng của Ukraine sau ba năm chiến sự.

"Có một điều khoản khái quát rằng Mỹ sẽ đầu tư vào một đất nước Ukraine giữ vững chủ quyền, ổn định và thịnh vượng, rằng Mỹ sẽ hướng đến hòa bình lâu dài và Mỹ ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh cho Ukraine", nguồn tin cho biết.

Tổng thống Mỹ và Ukraine có thể thảo luận trực tiếp về các đảm bảo an ninh.

"Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề an ninh cho Ukraine sau. Tôi không nghĩ sẽ gặp khó khăn nào. Có rất nhiều bên muốn tham gia và tôi đã trao đổi với Nga. Họ dường như không có vấn đề gì với thỏa thuận này", ông Trump nói. "Tôi nghĩ Ukraine còn cần phê duyệt từ quốc hội của họ hoặc cơ quan có thẩm quyền, nhưng tôi chắc chắn rằng thỏa thuận này sẽ thành hiện thực".

Công trường khai thác ilmenit của công ty Velta ở Kirovohrad, miền trung Ukraine, hôm 12/2. Ảnh: AP

Công trường khai thác ilmenit của công ty Velta ở Kirovohrad, miền trung Ukraine, hôm 12/2. Ảnh: AP

Ukraine xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản và sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới, theo Dữ liệu Khai khoáng Thế giới (WMD) 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả tài nguyên này đã được khai thác hoặc có thể khai thác dễ dàng.

Các chuyên gia địa chất, trong đó có các thành viên Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai khoáng Pháp (BRGM), xác định hơn 100 loại tài nguyên khoáng sản tại Ukraine trong một nghiên cứu công bố năm 2023, trong đó có sắt, mangan, than chì, titanium, lithium và uranium. Lithium và than chì là những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin điện.

Vị trí khu vực có tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Vùng màu đỏ là nơi Nga đang kiểm soát. Đồ họa: United Media 24

Vị trí khu vực có tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Vùng màu đỏ là nơi Nga đang kiểm soát. Đồ họa: United Media 24

Thanh Danh (Theo AFP, Reuters, CNN, FT)

Adblock test (Why?)

Mỹ nêu lý do bác nghị quyết chỉ trích Nga tại Đại hội đồng LHQ

Phía Mỹ cho rằng nghị quyết chỉ trích Nga tại Đại hội đồng LHQ sẽ "đi vào vết xe đổ" và không thể chấm dứt chiến sự ở Ukraine, nên đã bỏ phiếu chống.

Trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 24/2, nhân dịp tròn ba năm chiến sự Ukraine - Nga nổ ra, Mỹ đã bỏ phiếu chống đối với dự thảo nghị quyết "Thúc đẩy hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài" do Ukraine và nhóm đồng minh châu Âu đệ trình.

Nghị quyết dài ba trang, trong đó có nội dung cáo buộc Nga châm ngòi "chiến tranh tổng lực" chống lại Ukraine, "để lại những hậu quả thảm khốc và lâu dài không chỉ đối với Ukraine, mà còn nhiều khu vực và ổn định toàn cầu", đồng thời yêu cầu Moskva rút quân ngay lập tức.

Đại sứ các nước thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trong phiên họp ngày 24/2 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Đại sứ các nước thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trong phiên họp ngày 24/2 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Đại hội đồng, Đại sứ Mỹ Dorothy Shea, trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, lập luận rằng dự thảo từ Ukraine và các nước châu Âu không khác gì so với những nghị quyết "suốt 11 năm qua", kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2014.

Những nghị quyết này đều kêu gọi Nga rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine và luôn có cùng kết quả "thất bại trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh".

"Cuộc chiến này đã kéo dài quá lâu, dẫn đến những hậu quả quá thảm khốc đối với người dân ở Ukraine, ở Nga và xa hơn nữa. Nhiều thế hệ người Ukraine và người Nga đã chết vô ích, trong khi cuộc chiến kéo cả thế giới đến gần hơn với đối đầu hạt nhân. Cuộc chiến càng kéo dài, hai nước càng khốn khổ. Chiến tranh phải kết thúc ngay lập tức", Đại sứ Shea nhấn mạnh.

Trưởng phái đoàn Mỹ kêu gọi các nước thành viên Đại hội đồng nhớ lại mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, với trụ cột là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

Bà kêu gọi các nước ủng hộ dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, có tiêu đề "Con đường đến hòa bình". Dự thảo này không có nội dung chỉ trích Nga và được soạn thảo ngắn gọn bày tỏ đau xót về thương vong trong "xung đột Nga - Ukraine", tái khẳng định mục tiêu cơ bản của Liên Hợp Quốc là hòa bình và ủng hộ nhanh chóng chấm dứt xung đột để mở ra hòa bình lâu dài Ukraine - Nga.

"Cần một tuyên bố đơn giản nhưng mang ý nghĩa lịch sử từ Đại hội đồng, hướng đến tương lai chứ không nhìn về quá khứ. Nghị quyết phải tập trung vào một ý tưởng duy nhất, đơn giản: Kết thúc chiến tranh. Đây là con đường khả thi để đi đến hòa bình", Đại sứ Shea lý giải quyết định phản đối nghị quyết từ phái đoàn Ukraine, cho rằng dự thảo đó không phải "thông điệp mạnh mẽ cam kết chấm dứt cuộc chiến và hướng đến hòa bình lâu dài".

Dù vấp phải sự phản đối của Mỹ, dự thảo do Ukraine và châu Âu đệ trình vẫn được thông qua với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Dorothy Shea phát biểu trước Đại hội đồng ở New York, ngày 24/2. Ảnh: USUN

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Dorothy Shea phát biểu trước Đại hội đồng ở New York, ngày 24/2. Ảnh: USUN

Khi thảo luận về dự thảo "Con đường đến hòa bình" của Mỹ, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đề nghị một số điều chỉnh, trong đó mô tả "xung đột Nga - Ukraine" thành "cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine", bổ sung kêu gọi toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và ủng hộ hòa bình "theo tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Phái đoàn Nga cũng đề nghị điều chỉnh dự thảo của Mỹ, bổ sung yêu cầu "giải quyết những nguyên nhân gốc rễ" trong xung đột Nga - Ukraine.

Đại sứ Shea chỉ trích những nỗ lực điều chỉnh dự thảo từ EU và Nga là "đấu khẩu thay vì tìm cách chấm dứt cuộc chiến", cố gắng bẻ lái nghị quyết của Mỹ chệch khỏi mục tiêu tìm kiếm đồng thuận quốc tế về chấm dứt xung đột.

"Toàn thể thành viên Đại hội đồng cần nhớ rằng nghị quyết của Mỹ không đồng nghĩa một thỏa thuận hòa bình. Đây con đường đến hòa bình", bà Shea nhấn mạnh, trước khi bỏ phiếu trắng cho chính dự thảo mà mình đệ trình vì nội dung của nó đã bị chỉnh sửa. "Cả hai đề xuất điều chỉnh, lẫn nghị quyết mà Ukraine đưa ra, sẽ không chấm dứt giết chóc. Liên Hợp Quốc phải chấm dứt cảnh giết chóc".

Dự thảo nghị quyết sửa đổi của Mỹ cuối cùng được thông qua tại Đại hội đồng, với 93 phiếu ủng hộ, nhưng không có phiếu của Mỹ.

Phái đoàn Mỹ sau đó đưa dự thảo gốc ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan gồm 15 thành viên, trong đó Mỹ là một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Dự thảo được thông qua với 10 phiếu thuận, Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia bỏ phiếu trắng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/2 ca ngợi Washington đã thể hiện "lập trường cân bằng" tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi nhận thấy Mỹ chọn lập trường cân bằng hơn rất nhiều, tiếp sức đáng kể cho nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine. Chúng tôi hoan nghênh động thái đó. Nga tin rằng cách tiếp cận này cho thấy cam kết chân thành trong đóng góp tìm kiếm giải pháp", ông nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Moskva.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tin tưởng Mỹ hay không, ông Peskov nhấn mạnh Moskva "chỉ tin vào chính mình" và con đường khôi phục niềm tin giữa hai phía vẫn còn dài.

"Hai nước cần tiến thêm nhiều bước nữa để xây dựng và khôi phục niềm tin. Bốn năm qua, niềm tin đã sụt giảm và bị hủy hoại rất nhiều. Không thể nào xây dựng lại tất cả trong tích tắc. Chúng ta còn nhiều việc cần làm", ông nói.

Thanh Danh (UN News, TASS, Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

Xe tăng Israel lần đầu tiến vào Bờ Tây sau hơn 20 năm

Quân đội Israel lần đầu triển khai xe tăng tới Bờ Tây kể từ năm 2005, như một phần trong chiến dịch đột kích các tay súng người Palestine.

Sau khi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có hiệu lực khoảng một tháng trước, quân đội Israel đã mở chiến dịch đột kích lớn nhằm vào các chiến binh người Palestine ở Bờ Tây.

Xe tăng của quân đội Israel (IDF) ngày 23/10 tiến vào trại tị nạn gần thành phố Jenin của khu Bờ Tây trong khuôn khổ chiến dịch tấn công. Đây là lần đầu tiên xe tăng Israel tiến vào Bờ Tây trong vòng hơn 20 năm qua.

Xe tăng của quân đội Israel xuất hiện ở Bờ Tây ngày 23/2. Ảnh: AP

Xe tăng của quân đội Israel xuất hiện ở Bờ Tây ngày 23/2. Ảnh: AP

Tại thành phố Tulkarem và Jenin cũng của Bờ Tây, quân đội Israel dùng thuốc nổ phá hủy hàng chục ngôi nhà. Xe ủi cũng được điều động để san phẳng nhiều khu vực.

IDF thông báo sẽ ở lại các trại tị nạn Bờ Tây trong năm tới, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự. Chiến dịch tấn công được IDF phát động hôm 20/2, sau các vụ đánh bom xe buýt xảy ra ở các địa điểm khác nhau ở thành phố Bat Yam. Quân đội Israel tuyên bố đột kích các trại tị nạn ở Bờ Tây để đối phó với mối đe dọa an ninh.

"Tới nay, khoảng 40.000 người Palestine đã được sơ tán khỏi các trại tị nạn Jenin, Tulkarem và Nur Shams. Hiện không còn người nào tại đây", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz nói.

Ông Katz cho biết thêm đã chỉ thị quân đội Israel chuẩn bị cho sự hiện diện tại các trại tị nạn trong năm tới, ngăn chặn người dân Palestine quay trở lại cũng như "ngăn sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố".

Bạo lực ở Bờ Tây gia tăng kể từ khi nổ ra xung đột ở Dải Gaza hồi tháng 10/2023. Cơ quan Y tế Palestine cáo buộc quân đội, người định cư Israel đã khiến ít nhất 900 người Palestine ở khu vực này thiệt mạng kể từ đó.

Ngọc Ánh (Theo Al Jazeera, AP)

Adblock test (Why?)

Dừng xe giữa cao tốc để đánh con

Trung QuốcMột phụ nữ dừng xe giữa cao tốc ở Trịnh Châu để đánh con khi con trai quấy nhiễu, khiến dư luận tranh cãi gay gắt.

Trên đường cao tốc ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc tuần trước, một người phụ nữ họ Trương đã dừng trên làn khẩn cấp, ép con ra khỏi xe để dạy dỗ. Trong video ghi lại sự việc, người mẹ túm lấy áo khoác con trai và cầm cành cây vụt cậu bé đang khóc.

Trả lời Nhật báo Hàng Châu khi video lan truyền và gây tranh cãi, Trương cho biết cô đã nổi giận vì con trai quấy nhiễu, không muốn mẹ lái xe về nhà.

Dừng xe giữa cao tốc để đánh con

Trương đánh con tại làn khẩn cấp trên một tuyến cao tốc ở Hà Nam, Trung Quốc. Video: 163

Cậu bé phản đối ầm ĩ, dọa sẽ nhảy khỏi xe. "Khi đó, tôi thấy giáo dục bằng lời nói không hiệu quả. Thằng bé có thể gây nguy hiểm khi tôi đang lái xe", Trương kể. "Tôi biết mình sẽ bị phạt vì dừng xe trên cao tốc. Nhưng tôi không thể chịu nổi, cần phải cho nó một bài học ngay lập tức".

Theo luật giao thông Trung Quốc, hành vi dừng xe ở làn khẩn cấp của đường cao tốc trong trường hợp không cấp bách có thể bị phạt 27 USD, trừ 9 điểm trên bằng lái.

Trương nói quy tắc trong nhà của cô là khi cha mẹ đang dạy con cái, những người lớn khác trong gia đình không được can thiệp. Cô cho biết đó là lý do người quay video không rời xe can ngăn.

Ngày 18/2, Trương đăng video lên mạng xã hội, quay cảnh con trai đang nhận lỗi. "Tôi đã nhận ra việc nhảy khỏi xe trên đường cao tốc là rất nguy hiểm và sai trái. Các bạn đừng học theo tôi nhé", cậu bé nói.

Con trai Trương trong video nhận lỗi. Ảnh: Baidu

Con trai Trương trong video nhận lỗi. Ảnh: Baidu

Video Trương đánh con trai có hàng triệu lượt xem, thu hút nhiều bình luận.

"Ban đầu, tôi sợ tâm lý người mẹ có vấn đề. Nhưng sau khi tìm hiểu chi tiết, tôi ủng hộ các dạy con của cô ấy", một người bình luận.

"Đánh trẻ em trên đường là nguy hiểm. Nhỡ thằng bé chạy ra giữa đường thì sao? Tốt hơn cha mẹ nên về nhà rồi giáo dục thằng bé", người khác viết.

Đức Trung (Theo CNA, Global Times, Sixthtone)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Nghệ thuật đàm phán của ông Trump trong xung đột Ukraine

Gây áp lực, hạ thấp uy tín của đối phương có thể là chiến thuật ông Trump đang sử dụng để thúc đẩy Ukraine chấp nhận thỏa thuận với Nga hoặc khiến châu Âu phải làm nhiều hơn.

Ngoài các vai trò nổi tiếng như tổng thống Mỹ, ông trùm bất động sản, ngôi sao truyền hình thực tế, ông Donald Trump còn từng là tác giả cuốn sách bán chạy một thời.

Trump: The Art of The Deal (Trump: Nghệ thuật đàm phán), xuất bản lần đầu năm 1987 từng nằm trong danh sách bán chạy nhất của NY Times trong gần một năm. Đó là cuốn hồi ký kiêm sổ tay kinh doanh của ông Trump, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tính cách và cách ông đạt được các thỏa thuận.

"Phong cách đàm phán của tôi khá đơn giản và dễ hiểu. Tôi đặt mục tiêu rất cao và sau đó không ngừng thúc đẩy để đạt được nó", Trump viết trong sách.

Khi nói đến việc đánh bại đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh, ông Trump viết rằng "đôi khi một phần trong nỗ lực đạt thỏa thuận là phải hạ thấp đối thủ".

Tổng thống Trump tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Maryland ngày 22/2. Ảnh: AP

Tổng thống Trump tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Maryland ngày 22/2. Ảnh: AP

Jonathan Este, nhà phân tích cấp cao của The Conversation, chỉ ra đây là chiến lược ông Trump đã sử dụng để ứng phó với các đối thủ ngay từ khi vận động tranh cử, khi ông liên tục chỉ trích và hạ thấp uy tín của cựu tổng thống Joe Biden cùng cựu phó tổng thống Kamala Harris. Este cho rằng ông chủ Nhà Trắng cũng đang áp dụng cách này khi tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine, chỉ có điều ông lại thực hiện điều đó với bên vốn là đồng minh.

Ông Trump những ngày qua chỉ trích gay gắt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong các bài phát biểu trước báo chí hoặc trên mạng xã hội. Ông đổ lỗi cho Ukraine bắt đầu cuộc chiến, gọi ông Zelensky là "kẻ độc tài không được bầu", "diễn viên hài không mấy thành công" hay "người đã làm công việc tồi tệ, khiến đất nước bị tàn phá và hàng triệu người chết vô ích".

Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ lên tiếng cho rằng Ukraine là bên bắt đầu cuộc xung đột. Ông Biden trong gần ba năm qua liên tục cáo buộc Nga là bên gây chiến và khẳng định Ukraine có quyền tự vệ. Ông Trump cho rằng mọi thứ đã khác nếu ông là tổng thống Mỹ năm 2022.

"Tôi đáng lẽ có thể thực hiện một thỏa thuận giúp Ukraine giữ được toàn bộ đất đai và không có người nào bị giết, không thành phố nào bị phá hủy, không công trình nào bị đổ sập. Nhưng họ đã chọn không làm theo cách đó", ông nói.

Stephen Hall, chuyên gia về chính trị Nga tại Đại học Bath ở Anh, nhớ lại các cuộc đàm phán đầu tiên về xung đột Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc chiến nổ ra. Ông cho rằng ý tưởng Ukraine nên đồng ý thỏa thuận hòa bình hồi tháng 3-4/2022 là vô lý.

"Nếu Ukraine đồng ý một thỏa thuận dựa trên cuộc đàm phán ở Istanbul, rất có thể quốc gia này sẽ trở nên giống như một tỉnh của Nga, khi được lãnh đạo bởi một chính phủ thân Moskva và cấm Kiev gia nhập các liên minh với phương Tây", Hall nhận định.

Vào thời điểm đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine và cả chính phủ của cựu tổng thống Joe Biden không ủng hộ ý tưởng xoa dịu Nga bằng cách nhượng bộ như vậy. Nhưng bây giờ, dưới chính quyền của Tổng thống Trump, mọi thứ có thể sẽ thay đổi. Giới quan sát lo ngại Ukraine có thể phải chấp nhận những nhượng bộ đáng kể để chấm dứt xung đột với Nga.

"Cuối cùng chúng tôi giành chiến thắng bằng cách khiến người khác mệt mỏi. Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc, trong khi đối thủ dần đuối sức", ông Trump từng viết trong sách The Art of The Deal.

Lính Ukraine nã pháo về phía quân đội Nga tại Kherson hồi tháng 3/2024. Ảnh: Reuters

Lính Ukraine nã pháo về phía quân đội Nga tại Kherson hồi tháng 3/2024. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cũng có cách nhìn khác về các động thái của ông Trump. Các nhà bình luận của CNN cho rằng "sự thay đổi tâm trạng thất thường" của ông Trump chưa thể hiện Mỹ sẽ thay đổi toàn diện chính sách đối ngoại, rời xa các đồng minh lâu năm ở châu Âu và hướng tới Điện Kremlin.

Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump tại Washington cho rằng Tổng thống có thể đang có một kế hoạch lớn. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer cho rằng ông Trump đang tạo ra điều kiện thuận lợi để phía Nga chấp nhận lắng nghe các lập trường của mình.

Một người trung thành gần đây đã nói chuyện với Tổng thống ở Florida cho biết ông Trump chỉ trích Kiev để thể hiện sự gay gắt nhằm cảnh báo châu Âu phải chi nhiều tiền hơn để bảo vệ Ukraine.

Trong The Art of The Deal, ông Trump kể về một người đàn ông mà ông đã thuê làm quản lý bất động sản tại khu chung cư Swifton Village ở Cincinnati. Irving. Trump gọi ông ta là "một gã lừa đảo, một trong những gã nói dối giỏi nhất tôi từng gặp".

Khi đi thu tiền thuê nhà, Irving đã tán tỉnh một người phụ nữ và chửi thề trước mặt con gái bà ta, khiến người chồng cao to, nặng hơn 100 kg xông vào văn phòng để đối đầu với Irving. Irving nổi điên, tỏ ra nguy hiểm và dọa nạt lại ông này: "Tôi sẽ giết anh. Tôi sẽ hủy hoại anh. Đôi tay này là vũ khí chết người". Người chồng liền rời đi.

Ông Trump rút ra được bài học từ câu chuyện rằng phải giữ một vị thế mạnh mẽ khi đàm phán. "Bạn không thể sợ hãi. Bạn làm công việc của mình, giữ vững lập trường, bạn đứng thẳng thật ngạo nghễ", ông viết.

Nguồn tin gần đây gặp ông Trump nói rằng "những tuyên bố gây sốc thực chất mang chiến lược và có cách để phản hồi chúng", dẫn chứng Đan Mạch đã cam kết tăng chi tiêu cho vũ khí.

Một cố vấn của ông Trump cũng đồng tình với quan điểm này khi nói với CNN: "Nếu các nước châu Âu khác nhiệt tình phản ứng bằng một nửa Đan Mạch thì đó đã là chiến thắng lớn".

Cựu thủ tướng Anh Boris Johnson bác bỏ hầu hết các tuyên bố của Tổng thống Mỹ nhưng cho rằng ông Trump đang thúc đẩy một quan điểm lớn hơn.

"Khi nào châu Âu mới ngừng hoang mang về Donald Trump và bắt đầu giúp ông ấy chấm dứt cuộc chiến này?", Johnson viết. "Tất nhiên Ukraine không phải là bên bắt đầu cuộc chiến. Tất nhiên một quốc gia đang trong thời chiến không nên tổ chức bầu cử. Không có cuộc tổng tuyển cử nào ở Anh từ năm 1935 đến năm 1945. Tất nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky không phải là 4%. Trên thực tế, tỷ lệ của ông ấy gần bằng ông Trump".

"Những tuyên bố của Trump không nhằm mục đích kể chính xác về mặt lịch sử mà nhằm gây sốc cho người châu Âu để họ hành động", Johnson viết.

Các hội nghị được sắp xếp vội vã của các lãnh đạo châu Âu trong tuần qua, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, cho thấy những tuyên bố của ông Trump đang được nhìn nhận rất nghiêm túc.

Ông Macron sẽ tới Washington vào tuần tới để họp với ông Trump. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ có động thái tương tự. Ông Starmer hôm 16/2 viết trong một bài xã luận trên Telegraph rằng Anh sẵn sàng gửi quân đội để hoạt động như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.

Chủ đề được lặp đi lặp lại trong The Art of The Deal là luôn cởi mở tiếp nhận các phương án. "Tôi để ngỏ rất nhiều phương án, bởi vì hầu hết các thỏa thuận đều thất bại, bất kể ban đầu chúng có vẻ hứa hẹn ra sao. Ngoài ra, một khi đã đạt thỏa thuận, tôi luôn nghĩ ra ít nhất nửa tá cách để thực hiện thỏa thuận đó, bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, ngay cả với những kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng nhất", Trump viết.

Trong sách, Trump cũng nói rằng ông có ít thời gian quan tâm đến những lời chỉ trích và tin vào bản năng của mình. "Tôi nghĩ rằng việc tạo ra thỏa thuận là một khả năng mà bạn sinh ra đã có. Nó nằm trong gene. Không phải là tôi đang tỏ ra tự cao tự đại đâu. Trí thông minh không phải yếu tố quyết định. Tất nhiên, việc này đòi hỏi trí thông minh nhất định, nhưng chủ yếu là về bản năng", ông viết.

Về Ukraine, ông Trump tự tin rằng mình là người gìn giữ hòa bình. "Chúng ta đang đàm phán thành công với Nga để chấm dứt xung đột, điều mà tất cả mọi người đều thừa nhận rằng chỉ có Trump mới làm được", Tổng thống phát biểu hôm 19/2.

"Chính quyền Trump sẽ làm được điều đó. Tôi nghĩ ông Putin thậm chí đã thừa nhận điều đó", ông nói thêm.

Thùy Lâm (Theo CNN, The Conversation, National Post)

Adblock test (Why?)

Israel điều quân ngăn người Palestine trở lại trại tị nạn Bờ Tây

Bộ trưởng Quốc phòng Israel chỉ đạo quân đội hiện diện tại các trại tị nạn ở Bờ Tây trong một năm và ngăn cản người Palestine trở về.

Quân đội Israel hồi tháng trước phát động cuộc đột kích lớn nhằm vào hàng loạt trại tị nạn ở Bờ Tây nhằm đối phó các nhóm vũ trang Palestine, ngay sau khi lệnh ngừng bắn với Hamas có hiệu lực tại Dải Gaza.

"Cho đến nay, khoảng 40.000 người Palestine đã sơ tán khỏi các trại tị nạn ở Jenin, Tulkarem và Nur Shams. Những nơi này hiện không còn cư dân. Tôi đã chỉ đạo quân đội chuẩn bị duy trì sự hiện diện lâu dài ở các trại đã được giải tỏa cho đến năm sau, cấm cư dân quay trở lại và ngăn chặn các nhóm đối địch trỗi dậy", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz tuyên bố hôm nay.

Theo Liên Hợp Quốc, chiến dịch truy quét của Israel tại Bờ Tây đã khiến ít nhất 51 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em. Phía Israel có 3 quân nhân thiệt mạng trong giao tranh.

Lính Israel cản người Palestine trở về trại tị nạn ở Jenin, Bờ Tây, ngày 19/2. Ảnh: AFP

Lính Israel cản người Palestine trở về trại tị nạn ở Jenin, Bờ Tây, ngày 19/2. Ảnh: AFP

Quân đội Israel cũng thông báo một sư đoàn xe tăng sẽ hoạt động tại Jenin, đánh dấu lần đầu tiên xe tăng Israel xuất hiện ở khu vực này kể từ sau khi xung đột kết thúc năm 2005.

"Lữ đoàn bộ binh Nahal và lực lượng tinh nhuệ Duvdevan đã bắt đầu làm nhiệm vụ tại một số ngôi làng", ông Katz cho biết..

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 21/2 thăm các đơn vị Israel triển khai ở trại tị nạn Tulkarem ở Bờ Tây, ra lệnh tăng cường chiến dịch quân sự tại khu vực. "Chúng ta sẽ tiến vào các thành trì của đối phương, san phẳng toàn bộ những con phố và nhà cửa mà họ đang sử dụng. Chúng ta sẽ tiêu diệt những lực lượng này cùng chỉ huy của họ", ông tuyên bố.

Vị trí Israel, Bờ Tây và Dải Gaza. Đồ họa: CNN

Vị trí Israel, Bờ Tây và Dải Gaza. Đồ họa: CNN

Quân đội Israel đã cho nổ hàng chục ngôi nhà ở Tulkarem và Jenin để mở thêm đường vào các khu trại tị nạn. Xe ủi bọc thép gây thiệt hại nghiêm trọng với hạ tầng, làm hỏng mặt đường, cắt đứt đường ống nước và phá hủy các tòa nhà ven đường.

Bạo lực tại Bờ Tây leo thang kể từ khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra vào tháng 10/2023.

Ít nhất 900 người Palestine, trong đó có những tay súng, đã bị binh sĩ Israel hoặc các nhóm định cư Israel hạ sát tại Bờ Tây kể từ đó đến nay, theo Bộ Y tế Palestine. 32 người Israel cũng thiệt mạng trong các cuộc tấn công của người Palestine hoặc chiến dịch quân sự của Tel Aviv tại Bờ Tây, theo số liệu của giới chức Israel.

Thanh Danh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Elon Musk ra tối hậu thư với nhân viên liên bang Mỹ

Tỷ phú Musk, cố vấn của Tổng thống Mỹ Trump, nói toàn bộ nhân viên liên bang phải viết email liệt kê những công việc đã làm trong tuần qua với hạn chót là 24/2, hoặc sẽ mất việc.

"Theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump, tất cả nhân viên chính phủ liên bang sẽ sớm nhận được email yêu cầu giải thích những việc họ đã làm tuần trước. Không phản hồi sẽ được coi là đơn từ chức", tỷ phú Elon Musk viết trên mạng xã hội X hôm 22/2.

Email do Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) gửi với tiêu đề "Bạn đã làm gì tuần trước?". Theo bản sao được cung cấp cho hãng thông tấn AFP, nhân viên liên bang Mỹ được yêu cầu nộp "khoảng 5 gạch đầu dòng về những gì đã làm được trong tuần trước".

Hạn chót để phản hồi là 23h59 ngày 24/2, song trong email không đề cập việc nhân viên chính phủ sẽ bị cho thôi chức vụ nếu từ chối trả lời.

Tỷ phú Elon Musk tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 20/2. Ảnh: AFP

Tỷ phú Elon Musk tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 20/2. Ảnh: AFP

Thông tin được ông Musk đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Trump nhận xét CEO Tesla "đang làm việc rất tốt, nhưng tôi muốn thấy ông ấy quyết liệt hơn nữa".

"Hãy nhớ rằng chúng ta cần phải cứu đất nước", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE), tổ chức công đoàn lớn nhất của nhân viên liên bang, tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ động thái sa thải bất hợp pháp nào.

Chủ tịch AFGE Everett Kelley chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump và ông Musk, cho rằng động thái trên cho thấy "sự khinh miệt của họ đối với nhân viên liên bang và các dịch vụ quan trọng mà các nhân viên mang lại cho nước Mỹ".

Một số nhân viên liên bang cho biết đã được cơ quan chủ quản khuyên không phản hồi email cho tới khi có hướng dẫn mới. Công đoàn Nhân viên Kho bạc Quốc gia Mỹ (NTEU) cũng đưa ra lời khuyên tương tự.

Tỷ phú Musk được ông Trump chọn làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu công, giải quyết tình trạng tham nhũng, lãng phí trong bộ máy chính quyền.

Nỗ lực tinh giản mới nhất được công bố vào ngày 21/2, khi Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cắt giảm 5% số lượng nhân viên dân sự từ tuần tới. Chính quyền ông Trump cũng đã bắt đầu sa thải nhiều nhân viên liên bang đang trong thời gian thử việc.

Thẩm phán liên bang Carl Nichols hôm 21/2 cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch đình chỉ công việc của hơn 4.000 nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), khi bác đề xuất ban hành lệnh cấm tạm thời đối với kế hoạch này. Ông cũng dỡ bỏ lệnh do ông ban hành hồi đầu tháng nhằm ngăn Bộ Ngoại giao Mỹ thay đổi trạng thái công việc của các nhân viên trên.

Phạm Giang (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

Tổng thống Trump và Elon Musk sẽ kiểm tra kho vàng lớn nhất nước Mỹ

Tổng thống Trump nói sẽ cùng Elon Musk tới kiểm tra Fort Knox sau khi CEO Tesla bày tỏ nghi ngờ kho vàng lớn nhất nước Mỹ bị hao hụt.

Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Washington hôm 22/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cùng tỷ phú Elon Musk tới thăm Fort Knox để xem "liệu vàng có còn ở đấy không".

"Chúng tôi sẽ đi, tôi và Elon. Sẽ thật tồi tệ nếu chúng tôi mở cửa và thấy ở trong không có vàng phải không? Nên chúng tôi sẽ mở cánh cửa đó", ông Trump nói. "Có ai muốn tham gia cùng chúng tôi không?".

Fort Knox là hầm vàng kiên cố được xây dựng từ năm 1936, cạnh căn cứ Fort Knox của lục quân Mỹ ở bang Kentucky. Cơ sở này do Bộ Tài chính Mỹ vận hành, là nơi lưu trữ lượng lớn vàng của đất nước, đặc biệt là vàng dự trữ của Cục Dự trữ Liên bang.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, kho Fort Knox hiện trữ khoảng 4.573 tấn vàng, lớn nhất toàn quốc và chiếm hơn 1/2 tổng lượng vàng dự trữ của chính phủ Mỹ.

Kho vàng Fort Knox tại bang Kentucky, Mỹ trong ảnh chụp năm 1974. Ảnh: AP

Kho vàng Fort Knox tại bang Kentucky, Mỹ trong ảnh chụp năm 1974. Ảnh: AP

Tỷ phú Musk, đồng minh của ông Trump, cuối tuần trước bày tỏ nghi ngờ số vàng trên đã bị hao hụt và đề nghị phát hình ảnh trực tiếp bên trong Fort Knox để xác nhận. "Nó có thể ở đó hoặc không. Người dân Mỹ sở hữu số vàng này. Chúng tôi muốn biết liệu nó còn ở đó hay không", Musk viết trên mạng xã hội X.

Bài đăng của CEO Tesla đã tạo phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người kêu gọi chính phủ Mỹ minh bạch về trữ lượng vàng trong hầm, số khác cho rằng ý kiến của ông chỉ là thuyết âm mưu.

Hoài nghi về hầm vàng Fort Knox trên thực tế không mới. Nhiều tác giả, chính trị gia đã đặt các câu hỏi liên quan đến số vàng trong hầm trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh Fort Knox đã đóng cửa với công chúng từ năm 1974.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Lee cho biết đã nhiều lần tìm cách vào bên trong Fort Knox, song bị từ chối với lý do đây là căn cứ quân sự.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 19/2 nói cơ quan này tiến hành kiểm toán hàng năm với hầm vàng Fort Knox và khẳng định số vàng trong kho vẫn còn nguyên. Dù vậy, ông sẵn sàng đón chào Tổng thống Trump và tỷ phú Musk tới kiểm tra kho vàng.

Hầm vàng Fort Kox được chú ý trở lại trong bối cảnh giá vàng tại Mỹ tăng 40% trong 12 tháng qua, do các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng nợ công và lạm phát.

Phạm Giang (Theo Washington Examiner)

Adblock test (Why?)

Nga - Mỹ có thể đàm phán tiếp trong hai tuần tới

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết phái đoàn của nước này và Mỹ dự kiến gặp trong hai tuần tới ở một quốc gia thứ ba để bàn về nhiều vấn đề.

"Một cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Mỹ có thể diễn ra trong hai tuần tới", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời phỏng vấn RIA Novosti hôm nay. "Cuộc gặp sẽ diễn ra ở quốc gia thứ ba và hai bên đang thảo luận về địa điểm cụ thể".

Hiện chưa rõ Nga và Mỹ sẽ cử đại diện nào tham gia. Phái đoàn hai nước đã có cuộc gặp đầu tiên tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2, bàn về lộ trình hướng đến chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và cải thiện quan hệ giữa Moskva với Washington.

Ông Ryabkov nói hai bên "đã nhất trí về nguyên tắc" để tổ chức tham vấn, nhằm giải quyết "toàn bộ những vấn đề vướng mắc". "Chúng tôi đang đối mặt hai chủ đề tách biệt, nhưng có liên quan về chính trị ở mức độ nào đó. Một là các vấn đề về Ukraine, một là quan hệ song phương", theo Thứ trưởng Ryabkov.

"Hai bên có thể tổ chức đối thoại về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí khi chúng tôi thấy rõ chính sách của Mỹ đã thay đổi theo hướng tốt hơn", ông Ryabkov bổ sung. Washington và Moskva cũng có thể bàn về vấn đề Trung Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Geneva, Thụy Sĩ tháng 1/2022. Ảnh: RIA Novosti

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Geneva, Thụy Sĩ tháng 1/2022. Ảnh: RIA Novosti

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy hoạt động ngoại giao với Nga để tìm cách nhanh chóng kết thúc chiến sự Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng đã cử phái đoàn gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên của tổng thống về Trung Đông Steve Witkoff gặp các đại diện Nga, gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của tổng thống và Giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Kirill Dmitriev tại Arab Saudi.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Mỹ tập trung chủ yếu vào quan hệ song phương, nhưng là "bước đi rất quan trọng" hướng đến giải quyết chiến sự Ukraine.

"Đương nhiên không thể khắc phục mọi thứ trong một ngày hay một tuần. Vẫn còn chặng đường dài phía trước", ông Peskov nói. Điện Kremlin cũng đề cao kết quả hội nghị ở Arab Saudi, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ có thể gặp trực tiếp trong tháng 2.

Như Tâm (Theo Reuters, RIA Novosti)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2025

Ông Trump đấu khẩu với Thống đốc về lệnh cấm người chuyển giới trong thể thao nữ

Ông Trump và Thống đốc bang Maine trao đổi nảy lửa khi họp tại Nhà Trắng, liên quan quy định cấm vận động viên chuyển giới tham gia thể thao nữ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/2 họp cùng thống đốc các bang tại Nhà Trắng, đề cập sắc lệnh hành pháp cấm vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao nữ mà ông đã ký vào đầu tháng này.

"Hai tuần trước, tôi đã ký sắc lệnh hành pháp cấm nam giới tham gia thể thao nữ. Nhiều người đảng Dân chủ đang phản đối tôi vì việc này. Tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục làm như vậy vì họ sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc đua nào nữa. Lệnh cấm này là để bảo vệ phụ nữ", ông Trump tuyên bố.

Ông Trump đấu khẩu với Thống đốc về lệnh cấm người chuyển giới trong thể thao nữ

Tổng thống Trump đấu khẩu với Thống đốc bang Maine tại cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 21/2. Video: C-SPAN

Ông quay sang Thống đốc bang Maine Janet Mills, người đảng Dân chủ, và hỏi: "Bà sẽ không tuân thủ lệnh cấm sao".

"Tôi tuân thủ luật bang và liên bang", bà Mills trả lời.

"Chúng tôi chính là luật liên bang. Tốt hơn hết là bà nên tuân thủ, nếu không bà sẽ không nhận được bất kỳ khoản tài trợ liên bang nào nữa", người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố.

Thống đốc Maine đáp lời: "Hẹn gặp ngài tại tòa".

Ông Trump tỏ ra tức giận và nói: "Tốt, tôi sẽ gặp bà tại tòa. Tôi mong chờ điều đó đấy, hẳn là chuyện dễ dàng. Hãy tận hưởng cuộc sống của bà sau khi kết thúc nhiệm kỳ thống đốc, vì tôi nghĩ bà sẽ không được bầu tham gia chính trường nữa đâu".

Thống đốc Maine Janet Mills trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 21/2. Ảnh: AFP

Thống đốc Maine Janet Mills trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 21/2. Ảnh: AFP

Theo sắc lệnh, các cơ quan chính phủ Mỹ được phép từ chối tài trợ cho các trường học để vận động viên chuyển giới tham gia đội tuyển nữ. "Nếu để đàn ông tham gia các đội tuyển thể thao nữ hoặc xâm phạm phòng thay đồ, các bạn sẽ bị điều tra và có nguy cơ mất nguồn tài trợ liên bang", Tổng thống Mỹ cho hay.

Ông Trump cho biết sẽ hối thúc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thay đổi quy định về vận động viên chuyển giới trước Thế vận hội Los Angeles 2028, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem từ chối đơn xin thị thực "của những người đàn ông tự nhận là vận động viên nữ và cố gian lận nhập cảnh vào Mỹ để tham gia Thế vận hội".

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp với các thống đốc tại Nhà Trắng ngày 21/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp với các thống đốc tại Nhà Trắng ngày 21/2. Ảnh: AFP

Một số quan chức Maine cho biết họ không có ý định thay đổi chính sách cho phép học sinh chuyển giới được chọn đội chơi, trích dẫn Đạo luật Nhân quyền Maine của bang. Bà Mills và tổng chưởng lý bang đã tuyên thệ sẽ chống lại bất kỳ động thái nào nhằm từ chối cung cấp tài trợ liên bang cho bang.

Sắc lệnh của ông Trump đã bị tổ chức nhân quyền Amnesty International chỉ trích, gọi đó là "cuộc tấn công tàn nhẫn vào những người chuyển giới".

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, ông Trump tuyên bố chính sách của chính phủ Mỹ sẽ chỉ công nhận hai giới tính, nam và nữ, chấm dứt tùy chọn giới tính thứ ba. Vài ngày sau, ông ký sắc lệnh xóa bỏ "hệ tư tưởng chuyển giới" trong quân đội và cấm người chuyển giới tham gia quân đội. Ông cũng ban hành lệnh hạn chế các thủ tục chuyển đổi giới tính đối với người dưới 19 tuổi.

Huyền Lê (Theo AFP)

Adblock test (Why?)