Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Singapore triển khai gián robot cứu trợ động đất tại Myanmar

Singapore sử dụng 10 con gián gắn camera để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar.

Hãng tin Straits Times của Singapore ngày 5/4 cho biệt đội gồm 10 gián robot đã được nước này đưa tới Myanmar vào hôm 30/3, để tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn sau động đất mang tên "Trái tim sư tử" của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF).

Đây là lần đầu tiên robot lai côn trùng được triển khai trên thực địa cũng như trong hoạt động cứu trợ nhân đạo trên thế giới. Mẫu gián robot này được Cơ quan Khoa học và Công nghệ Home Team (HTX) hợp tác phát triển cùng Đại học Công nghệ Nanyang và công ty Klass Engineering & Solutions.

Singapore triển khai gián robot cứu hộ động đất tại Myanmar

Gián robot làm nhiệm vụ tìm kiếm người sống sót tại Myanmar trong video đăng ngày 5/4. Video: HTX, Strait Times

Chúng được tạo ra bằng cách gắn camera hồng ngoại và thiết bị cảm biến lên gián gió Madagascar, một trong những loài gián lớn nhất thế giới với chiều dài 5-7,5 cm khi trưởng thành. Dù vậy, chúng vẫn sở hữu kích thước rất bé so với con người, nên có thể thay thế họ chui vào các khe hở nhỏ dưới đống đổ nát.

Đây là những con gián sống được gắn các điện cực, khiến con người có thể kích thích và điều khiển chuyển động của chúng từ xa. Thông tin thu thập thông qua camera và cảm biến được xử lý bằng thuật toán máy học, giúp xác định dấu hiệu của sự sống. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển về cho tổ vận hành theo hình thức vô tuyến để họ triển khai nguồn lực phù hợp.

Mẫu gián robot trên được giới thiệu tại các hội chợ công nghệ ở Singapore hồi tháng 4/2024 và dự kiến triển khai từ khoảng năm 2026, song đã được đưa ra thực địa sớm ở Myanmar để hỗ trợ công tác cứu hộ.

Nó lần đầu được sử dụng ở đây vào hôm 31/3 và thêm hai lần nữa tại thủ đô Naypyidaw vào ngày 2/4, song chưa tìm thấy người sống sót nào. Dù vậy, biệt đội gián robot đã hỗ trợ được lực lượng Singapore trong công tác tìm kiếm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Yap Kian Wee và Ong Ka Hing, hai kỹ sư thuộc tổ vận hành đội gián robot, cho biết lũ gián vẫn khỏe mạnh và đang được chăm sóc bằng nước và cà rốt.

Gián robot mang camera hồng ngoại và cảm biến trong bức ảnh đăng ngày 5/4. Ảnh: HTX

Gián robot mang camera hồng ngoại và cảm biến trong bức ảnh đăng ngày 5/4. Ảnh: HTX

"Sứ mệnh tại đây khiến chúng tôi muốn tiếp tục cải thiện công nghệ để có thể tìm kiếm người sống sót nhanh hơn", Yap cho biết.

Ong Ka Hing bày tỏ lạc quan về tiềm năng của công nghệ này dù đã gặp một số thách thức trong quá trình triển khai ở Myanmar.

"Thử nghiệm ở Singapore rất khác so với tình hình thực tế và nhiều biến động ở đây. Chúng tôi đã gặp một số vấn đề kỹ thuật và mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ. Dù vậy, đây sẽ là những bài học quý giá để chúng tôi cải thiện trong những lần triển khai sau", Ong nhấn mạnh.

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ngày 28/3 với tâm chấn gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, đã khiến 3.354 người thiệt mạng, 4.850 người bị thương, 220 người mất tích tính đến ngày 5/4. Sự việc làm nhiều tòa nhà đổ sụp hoặc hư hỏng nghiêm trọng, đẩy hàng nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.

Phạm Giang (Theo Straits Times)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Ông Trump: Đòn thuế sẽ không dễ dàng

Ông Trump thừa nhận những khó khăn sau khi tung đòn thuế, nhưng đề nghị người Mỹ kiên định, cam kết mang lại thịnh vượng cho đất nước.

"Đây là cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ thắng. Mọi chuyện sẽ không dễ dàng đâu, nhưng hãy kiên định, kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 5/4.

Bình luận được ông Trump đưa ra sau khi mức thuế quan toàn diện 10% của Mỹ với tất cả các đối tác thương mại có hiệu lực. Mức thuế này đánh vào hầu hết mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ hàng hóa từ Mexico và Canada.

"Chúng ta từng là cái bao cát thụ động và bất lực, nhưng sẽ không như vậy nữa", Tổng thống Trump viết tiếp. "Chúng ta đang đưa việc làm và doanh nghiệp trở lại một cách chưa từng thấy".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AFP

Ông Trump nhiều lần khẳng định nước Mỹ thịnh vượng nhất vào cuối những năm 1800 và đầu 1900, thời điểm Washington áp đặt thuế cao như công cụ chính để tạo nguồn thu cho chính phủ liên bang. Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế quan mới nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất của Mỹ và tăng nguồn thu cho chính phủ.

Bên cạnh mức thuế chung 10%, khoảng 60 đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn áp dụng từ 9/4. Trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất có Liên minh châu Âu (EU), nơi sẽ phải đối mặt mức thuế 20%, và Trung Quốc, nước sẽ phải chịu thêm 34% thuế ngoài mức 20% hiện tại.

Trung Quốc đã lập tức tuyên bố áp thuế 34% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Bắc Kinh cũng cho biết sẽ kiện Washington lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hạn chế xuất khẩu đất hiếm, vốn quan trọng với ngành y tế và điện tử.

"Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Họ và nhiều quốc gia đã đối xử tệ bạc với chúng tôi", ông Trump cho hay trong bài đăng.

Tuy nhiên, mức thuế quan mới của ông Trump được cho là không tính chồng lên mức thuế 25% đã được áp với mặt hàng thép, nhôm và ôtô nhập khẩu. Nhà Trắng cho biết đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ xẻ, một số "khoáng sản quan trọng" và sản phẩm năng lượng hiện nằm trong danh sách miễn trừ.

Thùy Lâm (Theo AFP, AP)

Adblock test (Why?)

Ảnh vệ tinh tàu sân bay trực thăng Nga đang chế tạo ở Crimea

Ảnh vệ tinh cho thấy phần thân chiến hạm được cho là tàu sân bay trực thăng Nga đang hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu trên bán đảo Crimea.

Trang tin quân sự Defense Express của Ukraine ngày 4/4 công bố ảnh vệ tinh thương mại chụp "nhà máy đóng tàu Zaliv ở bán đảo Crimea vào mùa xuân 2025", nơi Nga đang chế tạo tàu đổ bộ tấn công Đề án 23900, loại chiến hạm còn được gọi là tàu sân bay trực thăng.

Hình ảnh cho thấy một chiến hạm trong xưởng cạn, với thân tàu đã được hoàn thiện đáng kể so với hồi giữa năm 2024. Trên thân tàu có khe hở chữ nhật lớn, dường như là nơi bố trí thang nâng hạ máy bay và các thiết bị quân sự. Con tàu chưa được lắp sàn cất hạ cánh và chưa có đài chỉ huy.

Chiến hạm Đề án 23900 tại nhà máy đóng tàu Zaliv ở Kerch, bán đảo Crimea trong ảnh công bố ngày 4/4. Ảnh: Defense Express

Chiến hạm Đề án 23900 tại nhà máy đóng tàu Zaliv ở bán đảo Crimea trong ảnh công bố ngày 4/4. Ảnh: Defense Express

Nga khởi đóng chiến hạm đầu tiên thuộc Đề án 23900 tại nhà máy Zaliv vào năm 2020, hai tàu được đặt hàng sẽ mang tên Ivan Rogov và Mitrofan Moskalenko. Mỗi chiến hạm Đề án 23900 có thể mang theo 30 trực thăng vũ trang và 4 máy bay không người lái (UAV) tàng hình S-70 Okhotnik, 900 lính hải quân đánh bộ, 75 thiết giáp và 4 tàu đổ bộ cỡ nhỏ.

Với chiều dài 220 m và lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn, Đề án 23900 được đánh giá là thuộc nhóm các tàu đổ bộ tấn công lớn nhất thế giới. Tàu đổ bộ tấn công lớp America của Mỹ, có thể vận hành tiêm kích tàng hình F-35B, có chiều dài khoảng 260 m và lượng giãn nước gần 44.000 tấn khi đầy tải.

Bản vẽ và mô hình chiến hạm Đề án 23900 được công bố cho thấy trực thăng săn ngầm Ka-27/29 và trực thăng tấn công Ka-52 sẽ đóng vai trò chính trong lực lượng trên hạm. Truyền thông Nga hồi năm 2021 cho biết phi đội UAV Okhotnik có thể làm nhiệm vụ tập kích mục tiêu tầm xa hoặc chỉ thị cho tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ các chiến hạm đồng đội.

Ngoài lực lượng máy bay trên hạm, tàu đổ bộ Đề án 23900 còn được trang bị pháo hải quân A190 cỡ nòng 100 mm, cùng các hệ thống pháo - tên lửa phòng không Kashtan hoặc Pantsir-M để tự vệ.

Nga triển khai Đề án 23900 nhằm thay thế hai tàu đổ bộ lớp Mistral trong thương vụ bất thành với Pháp. Moskva đặt mua hai chiến hạm lớp Mistral năm 2011, song Pháp đơn phương hủy hợp đồng chúng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Hai tàu lớp Mistral sau đó được bán cho Ai Cập.

Chiến hạm Đề án 23900 trong ảnh chụp tháng 11/2023 và tháng 11/2024. Ảnh: Maxar

Nhà máy Zaliv từng nhiều lần bị tập kích kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Quân đội Ukraine hồi tháng 11/2023 tuyên bố tập kích và làm hư hại nghiêm trọng hộ vệ hạm cỡ nhỏ Askold tại cơ sở này.

Biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định "thật kỳ lạ" khi Ukraine vẫn chưa nhắm mục tiêu vào tàu đổ bộ Đề án 23900 đang chế tạo tại Crimea.

Trevithick nhấn mạnh dự án đóng tàu đổ bộ Đề án 23900 tại nhà máy Zaliv cho thấy giá trị to lớn của các cảng biển và cơ sở trên bán đảo Crimea. Cả 4 tàu sân bay lớp Kiev của Liên Xô, cùng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và Varyag, hiện là tàu sân bay Liêu Ninh, đều được chế tạo tại các nhà máy ven Biển Đen.

Chuyên gia Mỹ đánh giá tàu tàu sân bay trực thăng có khả năng tác chiến linh hoạt hơn nhiều chiến hạm cỡ lớn khác, dù chưa biên chế máy bay cánh cố định thông thường. Ngoài phục vụ hoạt động đổ bộ chiếm vùng ven biển, các chiến hạm này có thể đóng vai trò tàu bệnh viện hoặc tàu chỉ huy, cũng như săn ngầm.

Chiến hạm đầu tiên thuộc lớp Đề án 23900 có khả năng được hoàn thành vào năm 2027, chậm hơn hai năm so với kế hoạch ban đầu. Loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga được cho là gây ra tác động đáng kể đến ngành đóng tàu của nước này.

Nguyễn Tiến (Theo WarZone, AFP, AP)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Israel phát động chiến dịch mới ở thành phố lớn nhất Gaza

Israel thông báo phát động chiến dịch trên bộ mới ở Gaza City, thành phố lớn nhất Gaza, trong lúc thương vong tiếp tục gia tăng ở dải đất.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 4/4 cho biết bộ binh nước này đã bắt đầu hoạt động ở khu vực Shejaia, vùng ngoại ô phía đông Gaza City, "để mở rộng vùng an ninh". Cư dân tại khu vực này đang di tản theo những tuyến đường đã được sắp xếp trước.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy xe tăng Israel xuất hiện trên đồi Al Muntar ở Shejaia, vị trí có thể giúp quan sát rõ Gaza City và cả khu vực bờ biển xa hơn. Gaza City nằm ở miền bắc Gaza và thành phố lớn nhất dải đất.

"Tình hình hiện rất nguy hiểm, cái chết đang đe dọa chúng tôi từ mọi hướng", người tên Elena Helles nói với hãng thông tấn AFP, thêm rằng mình và gia đình đang mắc kẹt tại nhà chị gái ở Shejaia.

Xe tăng Israel trên đồi Al Muntar ở Shejaja hôm 4/4. Ảnh: X/QudsNen·

Xe tăng Israel trên đồi Al Muntar ở Shejaja hôm 4/4. Ảnh: X/QudsNen·

Theo cơ quan phòng vệ dân sự do lực lượng Hamas kiểm soát tại Gaza, ít nhất 30 người đã thiệt mạng do các hoạt động quân sự của Israel ở đây kể từ rạng sáng. Trong đó, chỉ riêng một cuộc tập kích của IDF vào thành phố Khan Younis ở miền nam Gaza đã khiến 25 người thiệt mạng, theo nguồn tin y tế từ bệnh viện Nasser ở đô thị này.

Cơ quan trên hôm 3/4 cho biết ít nhất 31 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng sau cuộc tập kích của Israel vào trường Dar al-Arqam thuộc khu vực Al-Tuffah ở đông bắc Gaza City. Ngôi trường khi đó đang được người dân Palestine dùng làm nơi trú ẩn.

IDF nói đã oanh tạc "trung tâm chỉ huy của lực lượng Hamas ở khu vực Gaza City", song không rõ đây có phải đòn tập kích vào trường Dar al-Arqam hay không.

"Giống như Ngày Phán xét vậy. Họ phóng tên lửa vào chúng tôi, khiến mọi thứ tối sầm. Khi chúng tôi tìm kiếm lũ trẻ và đồ đạc, tất cả đều đã biến mất", Raghda al-Sharafa, người trú ẩn bên trong trường, nói trong nước mắt.

Sau hai tháng ngừng bắn và nhiều tuần đàm phán gia hạn không thành công, Israel hôm 18/3 nối lại chiến dịch tấn công Gaza, tuyên bố gây sức ép về mặt quân sự là biện pháp duy nhất để buộc Hamas phải thả khoảng 60 con tin mà nhóm còn giữ tại vùng lãnh thổ. Quân đội Israel cho biết 34 người trong số này đã chết.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel hôm 2/4 nói nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự bên trong Gaza để "phá hủy và loại bỏ" lực lượng cùng hạ tầng của các nhóm vũ trang. Ông cho biết IDF sẽ "kiểm soát các khu vực rộng lớn để sáp nhập vào những vùng an ninh của Israel", song không nêu diện tích cụ thể.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố quân đội nước này đang chia cắt Gaza và "kiểm soát đất đai" để ép Hamas phải trả tự do cho các con tin.

Theo cơ quan y tế tại Gaza, ít nhất 1.249 người đã thiệt mạng ở đây kể từ khi quân đội Israel nối lại chiến dịch tấn công. Tổng cộng hơn 50.600 người đã thiệt mạng từ khi xung đột giữa hai bên bùng phát vào tháng 10/2023.

IDF ngày 3/4 cho biết đã tập kích hơn 600 mục tiêu của các nhóm vũ trang ở Gaza kể từ khi nối lại chiến dịch.

Vị trí Gaza City và Khan Younis. Đồ họa: BBC

Vị trí Gaza City và Khan Younis. Đồ họa: BBC

Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Đòn thuế ngáng đường nỗ lực trấn an NATO của Ngoại trưởng Mỹ

Khi Ngoại trưởng Rubio mang thông điệp hàn gắn đến hội nghị NATO tại Brussels, tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump đã phủ bóng tất cả.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 3/4 đến Brussels, Bỉ, dự hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên NATO với thông điệp trấn an và cam kết rằng Mỹ không rời khỏi liên minh, sẽ sát cánh cùng đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng.

"Mỹ đang tích cực tham gia NATO như xưa nay. Tổng thống Donald Trump khẳng định ông ủng hộ NATO. Chúng tôi sẽ ở lại NATO", ông Rubio phát biểu trước báo giới, đứng cạnh Tổng thư ký NATO Mark Rutte, trước phiên khai mạc hội nghị kéo dài hai ngày.

Tuy nhiên, nỗ lực trấn an đồng minh của ông Rubio đã bị phủ bóng bởi đòn thuế đối ứng của ông Trump, áp dụng với hầu hết đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu ÂU (EU) lẫn NATO.

Đây là một trong hàng loạt chướng ngại từ các quyết sách trong gần ba tháng qua của chính quyền Trump với nỗ lực "chìa cành ô liu" của Ngoại trưởng Rubio tới châu Âu.

Từ khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump đã nhiều lần ám chỉ Mỹ có thể không bảo vệ những đồng minh NATO không đáp ứng mức chi tiêu 2% cho quốc phòng, đi ngược lại nguyên tắc phòng thủ tập thể cốt lõi của liên minh.

Tổng thống Mỹ còn nhiều lần tỏ ý định sáp nhập lãnh thổ của đồng minh NATO, từ hòn đảo tự trị Greenland thuộc Đan Mạch đến thông điệp Canada nên trở thành một bang thuộc Mỹ. Washington cũng khởi động đàm phán với Moskva về kết thúc chiến tranh Ukraine, nhưng không tham vấn những thành viên còn lại trong NATO dù các nước trong liên minh cũng viện trợ đáng kể cho Kiev.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (giữa) tại cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 3/4. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (giữa) tại cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 3/4. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nêu lo ngại với người đồng cấp Mỹ rằng các lệnh áp thuế mới của chính quyền Trump có thể đang vi phạm Điều 2 trong Hiến chương NATO. Điều khoản này cấm các đồng minh gây áp lực kinh tế với nhau, yêu cầu mọi quốc gia thành viên NATO "loại bỏ những điểm bất nhất trong chính sách kinh tế quốc tế và khuyến khích hợp tác kinh tế nội khối".

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump đề ra mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Na Uy. Trong khi đó, hàng hóa từ EU, nơi có 23 trong số 31 thành viên NATO, chịu mức thuế 20%. Canada không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng nhưng cũng đang chịu các lệnh áp thuế khác từ Mỹ, liên quan bất đồng về chính sách biên giới, chống ma túy và nhập cư.

"Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến Mỹ rằng các bên rất khó tập trung thảo luận về NATO trong bối cảnh chiến tranh thương mại", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói.

Ông Rubio từ chối thảo luận về chính sách thương mại tại hội nghị, cũng không đi sâu vào vấn đề Greenland. Trong cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, ông Rubio không đề cập gì tới Greenland, còn thông cáo sau đó từ Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói rằng hai bên thảo luận về tăng chi tiêu quốc phòng và những mối lo ngại an ninh chung.

Thông điệp chung từ ông Rubio gửi các đồng minh là họ đang hiểu lầm Washington, rằng chính quyền Trump vẫn xem NATO là trọng tâm kiến trúc an ninh do Mỹ dẫn dắt. "Đã có một số thông điệp gây hoang mang và cường điệu mà tôi thấy trên truyền thông toàn cầu. Đây là tâm lý hoang mang vô cớ", ông nói.

Nhưng Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho rằng quan hệ hai bờ Đại Tây Dương "đang chịu thử thách bởi những quyết định gần đây từ chính ông Trump". Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói an ninh kinh tế cũng là một phần cấu thành an ninh tổng thể NATO, do đó không thể né tránh thảo luận tại hội nghị.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã tìm cách xoa dịu tình hình, cho rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh với các thành viên NATO, nhưng cam kết đó đi kèm kỳ vọng các đồng minh châu Âu và Canada phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

"Chúng tôi muốn tất cả thành viên cam kết hướng đến đầu tư 5% GDP cho ngân sách quốc phòng", ông Rubio nêu rõ mục tiêu mới cho các đồng minh, bổ sung rằng mục tiêu này cũng được áp dụng cho Mỹ vốn đang chi tiêu quốc phòng ở mức 3,5% GDP.

Rafael Loss, ủy viên Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho rằng những thông điệp mà Ngoại trưởng Rubio đưa ra tại hội nghị đã không thể trấn an được các đồng minh, giữa những thông điệp nhiễu loạn mà Tổng thống Trump đưa ra gần đây.

"Châu Âu chẳng thấy yên tâm chút nào, đặc biệt là sau khi đòn thuế đối ứng được công bố, khiến chúng tôi giờ đây đối mặt một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ", ông Loss nói.

Thanh Danh (Theo RBC, ABC, DW)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

ICC nhắc nhở Hungary về nghĩa vụ hợp tác

Tòa Hình sự Quốc tế nói Hungary có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan này khi Thủ tướng Netanyahu, người bị tòa phát lệnh bắt, thăm thủ đô Budapest.

"Chúng tôi xin nhắc nhở rằng Hungary có nghĩa vụ hợp tác với Tòa Hình sự Quốc tế (ICC)", phát ngôn viên ICC Fadi El Abdallah nói hôm nay, sau khi Hungary thông báo sẽ rút khỏi tổ chức này.

Động thái diễn ra giữa lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Hungary. Ông Netanyahu đã bị ICC phát lệnh bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza.

Thủ tướng Netanyahu hoan nghênh động thái của Hungary là "táo bạo và có nguyên tắc". "Đây là điều quan trọng với mọi nền dân chủ, cần đứng lên chống lại tổ chức đã mục nát này", ông Netanyahu phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hungary Viktor Orban.

Thủ tướng Orban cũng chỉ trích ICC "không còn là tòa án công bằng, mà đã mang tính chính trị, thể hiện rõ nhất qua những quyết định về Israel".

Chính quyền Palestine cùng ngày kêu gọi Hungary thực hiện lệnh bắt ông Netanyahu theo phán quyết từ ICC để đưa lãnh đạo Israel ra công lý.

Bên ngoài trụ sở ICC ở Hà Lan hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters

Bên ngoài trụ sở ICC ở Hà Lan hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters

ICC thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. ICC hiện có 125 quốc gia thành viên.

Khi là thành viên của ICC, về mặt lý thuyết, Hungary có nghĩa vụ bắt và giao nộp ông Netanyahu cho cơ quan này. Tuy nhiên, Thủ tướng Orban đã tuyên bố sẽ không thực thi lệnh bắt người đồng cấp Israel, gọi đây là hành động "không thể chấp nhận".

Dự luật về quá trình Hungary rút khỏi ICC sẽ kéo dài một năm và có khả năng cao được thông qua tại quốc hội do đảng Fidesz của Thủ tướng Orban kiểm soát. Ông Orban những năm qua ủng hộ mạnh mẽ người đồng cấp Netanyahu, sẵn sàng phản bác các tuyên bố hay hành động của châu Âu nhằm chỉ trích Israel.

Như Tâm (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Đặc phái viên của ông Putin đến Mỹ đàm phán

Kirill Dmitriev, đặc phái viên của Tổng thống Putin về hợp tác kinh tế quốc tế, thông báo đã đến Washington để đàm phán về quan hệ Nga - Mỹ.

"Tôi đang tham dự những cuộc gặp then chốt tại Washington trong ngày 2-3/4. Không có lựa chọn nào khác ngoài đối thoại cởi mở, hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Điều này sẽ quyết định ổn định và hòa bình toàn cầu", Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga (RDIF) kiêm đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về hợp tác đầu tư và kinh tế quốc tế, ngày 3/4 thông báo trên X.

Trong bài đăng cùng ngày trên tài khoản Telegram, ông bình luận "có nhiều thế lực" muốn duy trì tình trạng căng thẳng Moskva - Washington, thay vì khôi phục hợp tác mang tính xây dựng giữa hai cường quốc.

"Những thế lực này cố ý bóp méo lập trường của Nga, tìm cách làm gián đoạn nhiều bước đi hướng đến đối thoại, đổ ra không ít tiền của và nguồn lực để làm được điều đó. Họ chống lại đối thoại vì sợ Mỹ và Nga sẽ tìm được tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và xây dựng hợp tác cả về đối ngoại lẫn kinh tế", ông Dmitriev viết.

Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev trước cuộc gặp Mỹ - Nga tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: Reuters

Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev trước cuộc gặp Mỹ - Nga tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của Dmitriev đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao từ Moskva đến Washington để đàm phán, kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Ông Dmitriev mô tả chuyến thăm lần này tại Washington "sẽ có đối thoại chân thành để các bên cùng đạt được tiến triển", dẫu thừa nhận khôi phục đối thoại Nga - Mỹ là tiến trình khó khăn và cần nhiều thời gian.

"Khi Mỹ thật sự hiểu rõ lập trường của Nga, điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác mang tính xây dựng, gồm cả đầu tư và kinh tế", ông viết.

Nhà Trắng chưa bình luận về các thông tin này.

Dmitriev là cố vấn thân cận của ông Putin và đã cùng các quan chức cấp cao Nga đến Riyadh, Arab Saudi, vào tháng 2 để đàm phán với Mỹ về chấm dứt chiến sự Ukraine. Ông cũng phối hợp với đặc phái viên Steve Witkoff của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính phủ Nga trả tự do cho giáo viên người Mỹ Marc Fogel.

Thanh Danh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Nhà văn Mỹ khổ sở vì bị nhầm là luật sư của ông Duterte

Nhà văn Mỹ Nicholas Kaufmann đang khổ sở khi nhận "bão tin nhắn" từ người Philippines vì họ nhầm ông với luật sư Nicholas Kaufman của cựu tổng thống Duterte.

"Hôm nay tôi hoàn toàn bị tràn ngập bởi tin nhắn từ những người theo dõi và bình luận từ Philippines. Tôi đoán họ nghĩ rằng tôi là luật sư của cựu tổng thống Rodrigo Duterte", nhà văn Nicholas Kaufmann hôm 1/4 cho hay.

Nhà văn người Mỹ này nhận được "bão tin nhắn" sau khi luật sư Nicholas Kaufman được chọn làm người bào chữa cho ông Duterte tại Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan.

Ông Duterte, 79 tuổi, bị bắt tại sân bay Manila ngày 11/3 và bị đưa tới Hà Lan, bàn giao cho ICC. Ông bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy kéo dài nhiều năm tại Philippines khi còn tại nhiệm. Kaufman là luật sư quốc tế mang hai quốc tịch Anh - Israel và đang tham gia đại diện cho cựu tổng thống.

"Họ của chúng tôi thậm chí còn chẳng giống nhau (họ của luật sư chỉ có một chữ 'n' ở cuối). Thật điên rồ", nhà văn Mỹ nói thêm.

Luật sư Nicholas Kaufman (trái) và nhà văn Mỹ Nicholas Kaufmann. Ảnh: Facebool/ICC

Luật sư Nicholas Kaufman (trái) và nhà văn Mỹ Nicholas Kaufmann. Ảnh: Facebool/ICC

Kaufmann là tác giả chuyên viết tiểu thuyết kinh dị, tiểu thuyết giả tưởng đô thị và phiêu lưu. Ông lần đầu than phiền về việc nhận được tin rác hôm 21/3, vài ngày sau khi Kaufman tham gia nhóm luật sư của ông Duterte.

"Tôi không phải luật sư Nicholas Kaufman đang đại diện cho cựu tổng thống Duterte. Làm ơn ngừng nhắn tin cho tôi", ông đăng trên Facebook.

Những tin nhắn ban đầu đến từ người ủng hộ ông Duterte, song người chỉ trích cựu tổng thống sau đó cũng nhắn cho nhà văn này để xin lỗi việc ông phải nhận tin nhắn rác.

Đây không phải lần đầu những người ủng hộ cựu tổng thống Durterte "dội bom" nhắn tin với người liên quan vụ án của ông. Các tài khoản mạng xã hội của thẩm phán chủ tọa Phòng Dự thẩm ICC Iulia Motoc đã tràn ngập bình luận từ người dùng dường như ủng hộ cựu tổng thống, một số người còn hối thúc tòa trả ông Duterte về Philippines.

Một luật sư của các nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy đã cảnh báo hành động như vậy đối với thẩm phán chủ tọa ICC có thể gây bất lợi đối với việc cấp lệnh tạm tha cho ông Duterte.

Huyền Lê (Theo ABS-CBN, AFP)

Adblock test (Why?)

Cách băng đảng Mexico lừa nạn nhân vào 'trại trừ khử'

Băng đảng Jalisco đăng tin tuyển dụng giả trên mạng để dụ thanh niên Mexico tới "trại trừ khử", rồi hạ sát và thủ tiêu những người chống đối.

Jalisco là một trong những băng đảng quyền lực nhất Mexico. Jalisco tách khỏi băng Sinaloa vào năm 2010, sau khi quân đội Mexico bắn chết ông trùm Ignacio "Nacho" Coronel Villarreal, rồi nhanh chóng phát triển thành thế lực lớn với 19.000 thành viên, kiểm soát địa bàn rộng bằng các chiến thuật tàn bạo.

Thủ lĩnh Jalisco là Nemesio Ruben "el Mencho" Oseguera Cervantes, kẻ bị chính phủ Mỹ truy nã với mức thưởng 15 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được ông ta.

Cả Jalisco và Sinaloa đều tranh giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Mexico, trong đó có biên giới phía nam giáp Guatemala. Hai băng đảng này đều nằm trong danh sách 6 nhóm tội phạm có tổ chức của Mexico và gần đây bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.

Chính quyền Mexico gần đây có bước tiến trong công cuộc trấn áp Jalisco, khi bắt được Jose Gregorio Lastra, người phụ trách khâu tuyển dụng của băng đảng. Việc bắt được Lastra cũng hé lộ cách Jalisco tuyển mộ các nạn nhân gia nhập và trừ khử những người chống đối.

Jalisco có ba phương pháp tuyển dụng, phổ biến nhất là nhắm tới các thanh niên nghèo dễ bị thu hút bởi lời chào mời về mức thu nhập cao, lối sống như mơ. Băng đảng này tiếp theo nhắm tới các cựu quân nhân và cảnh sát, những người này được đào tạo chuyên nghiệp nên khi gia nhập sẽ làm huấn luyện viên và chỉ huy. Cuối cùng, Jalisco cũng dùng hình thức cưỡng ép để bắt các nạn nhân gia nhập băng đảng.

Vệ binh quốc gia Mexico tới trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, nơi được cho từng là hang ổ của băng đảng Jalisco, ngày 13/3. Ảnh: AP

Vệ binh quốc gia Mexico tới trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, nơi được cho từng là hang ổ của băng đảng Jalisco, ngày 13/3. Ảnh: AP

Đối với hình thức tuyển dụng cưỡng ép, giới chức cho biết Jalisco sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng giả, nhiều nhất là tuyển bảo vệ với mức lương 600 USD mỗi tuần, cao hơn mặt bằng chung. Khi có ứng viên đăng ký, băng đảng sẽ đón họ đến địa điểm tập trung, rồi ép họ tham gia công việc phi pháp.

Một nạn nhân thoát khỏi hang ổ của Jalisco kể rằng họ ban đầu được thành viên băng đảng đón ở trạm xe buýt và đưa tới trang trại ở địa điểm hẻo lánh, nơi họ được huấn luyện sử dụng vũ khí, rèn luyện thể lực trong khoảng một tháng.

Bộ trưởng An ninh Công cộng Mexico Omar Garcia Harfuch cho biết trong quá trình huấn luyện tập trung này, những người từ chối làm theo hoặc có ý định bỏ trốn sẽ bị băng đảng đánh đập, tra tấn, thậm chí là giết chết rồi thủ tiêu thi thể.

Một trong những trang trại như vậy có tên Teuchitlan, nằm gần làng La Estanzuela, ngoại ô thành phố miền tây Guadalajara. Từ năm ngoái, Guerreros Buscadores de Jalisco (GBJ), nhóm tình nguyện viên tìm kiếm người mất tích ở bang Jalisco, đã nhận thông tin về việc nhiều thanh niên đến Guadalajara theo các quảng cáo tuyển dụng nhân viên bảo vệ, thợ điện hoặc nông dân, rồi mất tích.

GBJ gần đây đến trại Teuchitlan để tìm kiếm và nhận thấy nó đã bị bỏ hoang. Họ sau đó phát hiện ba lò hỏa táng ngầm với hàng trăm mảnh xương cháy sém và nhiều đôi giày cùng vật dụng cá nhân bị vứt vương vãi trong trại. Phát hiện này đã khiến dư luận Mexico rúng động và truyền thông nước này gọi đây là "trại trừ khử".

Một số người thoát khỏi trại này cho biết khi đến Guadalajara, họ kỳ vọng gặp người tuyển dụng, nhưng lại bị đưa đến trại Teuchitlan và trải qua quá trình huấn luyện như trong quân đội.

Trong thời gian này, nhiều người chết vì mất nước hoặc bị đánh đập, số khác bị thủ tiêu vì chống lệnh. Người mới đến bị buộc phải đào hố rồi xây lò hỏa táng ngầm để tiêu hủy thi thể người chết.

Một nam thanh niên mô tả trang trại là "trường sát thủ". Những ai hoài nghi mệnh lệnh từ thủ lĩnh băng đảng hay không thể vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt đều bị hành quyết.

"Chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là lò thiêu thông thường, mà là lò hỏa táng được sử dụng để thiêu hủy xác người", GBJ viết trên mạng xã hội. "Đây không phải sự sắp đặt hay bịa đặt, mà là điều kinh hoàng chúng tôi tìm thấy ở Teuchitlan. Chúng tôi muốn công lý được thực thi cho các nạn nhân".

Chuyên gia phân tích an ninh David Saucedo cho hay Jalisco vận hành với bộ máy từ trên xuống dưới, trong đó Oseguera là thủ lĩnh cao nhất. Dưới Oseguera là các nhóm phụ trách theo địa bàn, cùng các nhóm chịu trách nhiệm sản xuất và buôn bán ma túy.

Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) cho biết Jalisco hiện diện ở 21 trong số 32 bang của Mexico, nhiều hơn con số 19 bang của băng Sinaloa. Một số nhà phân tích còn cho rằng Jalisco thực sự hoạt động ở 25 bang. Theo DEA, băng đảng này cũng duy trì hiện diện ở khoảng 100 quốc gia.

Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, Jalisco đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm mạnh nhất Mexico, thậm chí còn kiểm soát được một số thành trì ma túy lâu nay của Sinaloa. Băng đảng Sinaloa gần đây suy yếu do đấu đá nội bộ giữa các phe, sau khi nhiều thủ lĩnh chủ chốt bị bắt.

Chính quyền phong tỏa trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, Mexico, ngày 20/3 sau khi phát hiện hài cốt tại đây. Ảnh: AP

Chính quyền phong tỏa trại Izaguirre ở Teuchitlan, bang Jalisco, Mexico, ngày 20/3 sau khi phát hiện hài cốt tại đây. Ảnh: AP

Vệ binh quốc gia Mexico từng đột kích trang trại hồi tháng 9/2024, bắt 10 người, giải cứu hai người bị nhốt và tìm thấy một thi thể được bọc trong túi nhựa cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Tuy nhiên, họ không phát hiện các lò thiêu ngầm cùng các thi thể bị phi tang.

Salvador Gonzalez de los Santos, tổng chưởng lý bang Jalisco, nói 10 nhân viên chính quyền đã tìm kiếm ở trang trại khi đó, dùng cả máy xúc và chó nghiệp vụ, nhưng không phát hiện thi thể nào. "Họ không thể kiểm tra toàn bộ trang trại vì nó quá rộng", ông nói.

Theo nhà nghiên cứu Flores, Jalisco thuận lợi phát triển cũng một phần nhờ sự tiếp tay của quan chức chính quyền địa phương. Sự việc ở "trại trừ khử" là ví dụ cho thấy băng đảng này có thể hoạt động tự do mà không sợ bị trừng phạt vì đã mua chuộc, hối lộ các quan chức địa phương.

Cuộc điều tra về "trại tử thần" đã đình trệ từ cuối năm ngoái, chỉ được đẩy nhanh kể từ khi GBJ công bố phát hiện của mình. Kể từ đó, chính quyền địa phương thông báo đã bắt ba cảnh sát với cáo buộc liên quan tới các vụ mất tích ở trang trại.

"Có những dấu hiệu cho thấy một số thỏa thuận ngầm với quan chức địa phương đã cho phép Jalisco hoạt động ở các bang, triệt hạ các đối thủ, đôi khi còn nhận sự trợ giúp từ lực lượng an ninh", Flores nói.

Ngọc Ánh (Theo AP, WP)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Hoàng hậu Bỉ mặc áo dài, thăm Bệnh viện Nhi Trung ương

Hoàng hậu Mathilde tới thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, tham gia buổi trị liệu nghệ thuật - vẽ tranh với thanh, thiếu niên.

Chiều 1/4, Hoàng hậu Mathilde cùng các quan chức Bỉ gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trò chuyện thăm hỏi những bệnh nhi đang điều trị tại đây. Tiếp đón Hoàng hậu Mathilde có Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển, theo TTXVN.

Hoàng hậu cùng Bộ trưởng Đào Hồng Lan tham gia một buổi trị liệu nghệ thuật - vẽ tranh với thanh, thiếu niên, quan sát một buổi trị liệu tâm - vận động tại Khoa Tâm thần.

Hoàng hậu Mathilde là nhà tâm lý học và chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, đồng thời là Chủ tịch danh dự của UNICEF. Hoàng hậu có mối quan tâm sâu sắc đến các vấn đề y tế, đặc biệt là sức khỏe trẻ em.

Hoàng hậu Mathilde và các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1/4. Ảnh: TTXVN

Hoàng hậu Mathilde và các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1/4. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm là cơ hội quan trọng để nhấn mạnh sự hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Bỉ trong lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em tại Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, Bỉ và Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này.

Bệnh viện Nhi Trung ương đang tham gia vào dự án hợp tác cùng Trường Cao đẳng Léonard de Vinci, nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác 2022-2024 giữa Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Wallonie-Bruxelles và Việt Nam. Đây là chương trình về đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu về rối loạn phát triển và ứng dụng mô hình trị liệu của Bỉ tại Việt Nam cũng như hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị y tế, nâng cấp không gian trị liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hoàng hậu Mathilde trò chuyện với bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1/4. Ảnh: TTXVN

Hoàng hậu Mathilde trò chuyện với bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1/4. Ảnh: TTXVN

Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Bỉ được thực hiện từ những năm 1990, một trong những dự án đầu tiên là "Phòng, chống sốt rét tại tỉnh Hòa Bình" năm 1996-2001. Sau 6 năm thực hiện, mạng lưới phòng, chống sốt rét tại tỉnh được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực cán bộ.

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Đại sứ Mỹ viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng BìnhĐại sứ Mỹ Marc Knapper đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Bình.

Chiều 1/4, Đại sứ Mỹ Marc Knapper cùng ông Trần Phong, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình dâng hương tại phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, huyện Quảng Trạch. Đây là lần đầu tiên Đại sứ Knapper viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại sứ Mỹ Knapper viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Vạn An

Đại sứ Mỹ Knapper viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Vạn An

Đại sứ Knapper từng có kỷ niệm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2004. Trong chuyến thăm đến Quảng Bình, ông từng đến Nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy dâng hoa tưởng niệm.

Đại sứ Knapper nhấn mạnh năm nay đánh dấu 30 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Những năm qua, hai nước đã hợp tác trong các hoạt động, lĩnh vực rà phá bom mìn, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh cũng như thúc đẩy hợp tác tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ người khuyết tật.

Đại sứ Knapper cho biết chính phủ Mỹ từng dừng tài trợ các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn tại một số địa phương ở Việt Nam, sau đó các dự án này đã hoạt động trở lại. Trong chuyến thăm tỉnh Quảng Bình, ông muốn tìm hiểu, động viên những người đang tham gia hoạt động trong các chương trình, dự án này.

Ông Trần Phong, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tiếp Đại sứ Knapper. Ảnh; Võ Thạnh

Ông Trần Phong, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tiếp Đại sứ Knapper. Ảnh; Võ Thạnh

Đại sứ Knapper khẳng định chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh bằng các hoạt động cụ thể để hàn gắn vết thương chiến tranh, dựa trên nguyên tắc trung thực với quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai thịnh vượng.

Ông Trần Phong, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình khẳng định những hoạt động của Đại sứ Knapper tại Quảng Bình thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đại sứ cũng như chính phủ Mỹ đối với nhân dân Quảng Bình. Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng được tăng cường, mở rộng, thông qua các hoạt động cụ thể như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, hợp tác trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Phong đã giới thiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến với Đại sứ Knapper. Ông mong muốn Đại sứ Knapper hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư Mỹ đến tìm hiểu, đầu tư tại Quảng Bình và tiếp tục hỗ trợ quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến với du khách Mỹ; hỗ trợ tỉnh thực hiện các chương trình, dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Võ Thạnh

Adblock test (Why?)