Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2025

Châu Âu tăng sức ép lên ông Trump trước cuộc điện đàm với ông Putin

Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy điện đàm với ông Trump, nhấn mạnh nhu cầu trừng phạt Nga, trước khi Tổng thống Mỹ nói chuyện với người đồng cấp Putin.

Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 18/5 thông báo ông Keir Starmer cùng lãnh đạo Pháp, Đức và Italy đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về xung đột Ukraine, ngay trước khi ông chủ Nhà Trắng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/5.

"Các lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu ngừng bắn vô điều kiện và việc ông Putin phải nghiêm túc đàm phán hòa bình. Họ cũng nói về khả năng sử dụng biện pháp trừng phạt nếu Nga không nghiêm túc tham gia lệnh ngừng bắn và hòa đàm", người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho hay.

Văn phòng Thủ tướng Anh thêm rằng các lãnh đạo cũng đề cập tới tình hình ở Ukraine và cái giá thảm khốc của xung đột đối với cả hai bên.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên ngoài đại sứ quán Anh sau cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo châu Âu tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 27/3. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh (trái) và Tổng thống Ukraine bên ngoài đại sứ quán Anh ở Pháp, ngày 27/3. Ảnh: AFP

Giới lãnh đạo châu Âu từng liên tục cảnh báo về lệnh trừng phạt mới với Nga trước thềm cuộc đàm phán Nga - Ukraine tại Istanbul ngày 16/5. Họ nhiều lần cáo buộc ông Putin phớt lờ các lời kêu gọi ngừng bắn.

"Châu Âu và Mỹ quyết tâm hợp tác để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến khủng khiếp này. Chúng tôi đã đạt một số bước tiến nhỏ trong những ngày gần đây", Thủ tướng Đức Friedrich Merz nói tại Vatican ngày 18/5, khi tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV.

Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng nói chuyện với ông Trump sau cuộc đàm phán ở Istanbul cuối tuần trước. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp riêng Phó tổng thống Mỹ JD Vance ở Vatican.

Tổng thống Trump ngày 17/5 thông báo sẽ điện đàm với người đồng cấp Putin vào 10h ngày 19/5 (21h Hà Nội). Cuộc gọi xoay quanh vấn đề chấm dứt xung đột Ukraine và các vấn đề thương mại. Sau đó, ông dự kiến điện đàm với Tổng thống Zelensky và "nhiều thành viên" NATO.

Đàm phán tại Istanbul hôm 16/5 đánh dấu lần đầu Nga và Ukraine đối thoại trực tiếp sau hơn ba năm. Hai bên đã nhất trí trao đổi tù binh theo công thức "1.000 đổi 1.000", trình bày quan điểm về lệnh ngừng bắn tiềm năng, phác thảo chi tiết kế hoạch và đồng ý tiếp tục đối thoại.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết Moskva hài lòng về kết quả cuộc gặp. Trong khi đó, Ukraine bày tỏ thất vọng và cho rằng Nga đã nêu ra những điều kiện "không thể chấp nhận được", nhấn mạnh bước tiếp theo nên là tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.

Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Nổ bom bên ngoài phòng khám ở Mỹ, một người chết

Quả bom phát nổ gần phòng khám sản phụ khoa ở bang California khiến một người chết, FBI gọi đây là "hành động khủng bố".

Vụ nổ xảy ra trong bãi đậu xe bên ngoài phòng khám sản phụ khoa ở trung tâm thành phố Palm Springs, bang California của Mỹ, ngày 17/5 đã làm sập một phần công trình, thổi bay cửa sổ và cửa chính của các tòa nhà gần đó.

Một ôtô bị cháy rụi trong bãi đậu xe. Nhiều mảnh vỡ nằm rải rác trên đường, trong khi phần mái của một số căn nhà gần đó cũng bị hư hại, cho thấy sức tàn phá của vụ nổ.

Thị trưởng Palm Springs Ron deHarte thông báo rằng các nhà điều tra xác nhận một thiết bị đã phát nổ trong hoặc gần chiếc xe bên ngoài phòng khám.

Lực lượng hành pháp xem xét chiếc xe bị cháy rụi sau vụ nổ ở thành phố Palm Springs, bang California, Mỹ ngày 17/5. Ảnh: AP

Cảnh sát xem xét chiếc xe bị cháy rụi sau vụ nổ ở thành phố Palm Springs, bang California, Mỹ, ngày 17/5. Ảnh: AP

Những người sống gần phòng khám đều cảm thấy chấn động từ vụ nổ. Matt Spencer, sống trong một khu chung cư gần đó, nói rằng anh đã chạy ra ngoài ngay khi nghe thấy tiếng nổ và chứng kiến cảnh chiếc xe bị thiêu rụi.

Một nguồn tin hành pháp cho biết người duy nhất thiệt mạng là nghi phạm, danh tính người này chưa được tiết lộ. Không có ai bị thương vong tại phòng khám, nhưng ít nhất 4 người bị thương ở khu vực xung quanh.

Akil Davis, lãnh đạo văn phòng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Los Angeles, khẳng định đây là "hành động khủng bố". "Đây có lẽ là một trong những cuộc điều tra về vụ đánh bom lớn nhất mà chúng tôi từng tiến hành ở khu vực Nam California", ông nói.

Khi được hỏi liệu phòng khám ở Palm Springs có phải mục tiêu hay không, ông Davis trả lời "chúng tôi tin là có". Ông thêm rằng các mảnh vỡ đã văng xa khoảng 180 m tính từ hiện trường, song từ chối bình luận thêm về đặc tính của thiết bị nổ.

Mảnh vỡ vương vãi sau vụ nổ ở thành phố Palm Springs, bang California, Mỹ ngày 17/5. Ảnh: AP

Mảnh vỡ vương vãi sau vụ nổ ở thành phố Palm Springs, bang California, Mỹ ngày 17/5. Ảnh: AP

Chăm sóc thai sản, bao gồm cả dịch vụ phá thai, vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ. Một số người bảo thủ tin rằng các thủ thuật này nên bị cấm vì lý do tôn giáo. Bạo lực nhằm vào các phòng khám cung cấp dịch vụ như vậy là rất hiếm, nhưng không phải chưa từng xảy ra.

"Bạo lực nhằm vào phòng khám sản phụ khoa là không thể tha thứ", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi cho hay.

Huyền Lê (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2025

Hai trực thăng va chạm ở Phần Lan, 5 người thiệt mạng

Hai trực thăng va chạm trên không và rơi xuống khu rừng ở tây nam Phần Lan, khiến 5 người thiệt mạng.

Cảnh sát Phần Lan cho biết va chạm xảy ra trưa 17/5 gần sân bay Eura ở thị trấn Kauttua, khi hai trực thăng đang trong hành trình từ thủ đô Tallinn của Estonia đến sân bay Piikajarvi, thị trấn Kokemaki. Xác hai phi cơ được tìm thấy cách nhau khoảng 100 m trong một khu rừng.

Có ba người trên trực thăng thứ nhất và hai người trên trực thăng còn lại. "Cả 5 người đều thiệt mạng", Johannes Siirila, thanh tra thuộc Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan, cho biết.

Theo hãng tin Postimees, những người trên trực thăng đều là doanh nhân Estonia.

Xe cứu hỏa gần hiện trường trực thăng đâm nhau ở Eura, Phần Lan ngày 17/5. Ảnh: Reuters

Xe cứu hỏa gần hiện trường trực thăng đâm nhau ở Phần Lan ngày 17/5. Ảnh: Reuters

Nhân chứng Antti Marjanen nói rằng đã nhìn thấy hai trực thăng bay gần nhau trước khi một chiếc "đột nhiên rơi xuống như hòn đá". "Chiếc còn lại rơi chậm hơn. Tôi không nghe bất kỳ âm thanh nào", Marjanen cho hay.

Cảnh sát cho biết một trực thăng được đăng ký tại Estonia và chiếc còn lại ở Áo, cả hai đều thuộc sở hữu của các công ty Estonia.

Theo Câu lạc bộ Hàng không Pori, hai trực thăng gặp nạn khi đến một sự kiện trình diễn hàng không ở sân bay Piikajarvi. Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan đang dẫn đầu cuộc điều tra chung với cảnh sát địa phương. Chính quyền Phần Lan và Estonia cũng hợp tác để làm rõ sự việc.

Huyền Lê (Theo Reuters, Anadolu Agency, AFP)

Adblock test (Why?)

Hành trình hồi hương hàng trăm người Việt bị Myanmar trục xuất

Bộ Ngoại giao cho hay đã đưa 471 công dân bị Myanmar trục xuất đi đường bộ qua Thái Lan rồi bay về Việt Nam, chi phí với mỗi cá nhân là 12,2 triệu.

Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 17/5 cho hay trong đợt truy quét vào các cơ sở cờ bạc trực tuyến ở thị trấn Myawaddy, biên giới Myanmar - Thái Lan hồi tháng 3, lực lượng chức năng Myanmar và cảnh sát Thái Lan cùng các nước liên quan đã phát hiện hàng chục nghìn người nước ngoài cư trú trái phép đang thực hiện những hoạt động phi pháp như lừa đảo trực tuyến, cưỡng bức lao động, mua bán người...

Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công An phối hợp triển khai xác minh nhân thân người Việt bị Myanmar trục xuất, sơ bộ xác định 681 công dân đến từ 56 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có cả đô thị lớn - nơi mà tin cảnh báo về lừa đảo "việc nhẹ lương cao" được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên báo chí.

Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: BNG

Myanmar khẳng định đây là những người vi phạm pháp luật (nhập cư bất hợp pháp, cư trú quá hạn hoặc tham gia hoạt động tội phạm) và đề nghị phía Việt Nam tiếp nhận họ về nước.

"Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương
và các cơ quan đều cho biết không có cơ sở để xác định những công dân Việt Nam bị phía Myanmar trục xuất là nạn nhân của tội phạm mua bán người", ông Quảng cho hay.

"Do tình hình an ninh Myanmar phức tạp, việc di chuyển từ cố đô Yangon (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) tới thị trấn Myawaddy là
không khả thi, đặt ra nhiều thách thức đối với chiến dịch đưa công dân về nước", ông lưu ý.

Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, phương án cuối cùng được lựa chọn là
đưa công dân từ Myanmar nhập cảnh Thái Lan, đi bằng xe buýt từ thị trấn Mea Sot về thủ đô Bangkok, vượt quãng đường gần 500 km để đến sân bay ở Bangkok và lên máy bay về nước, tổng thời gian di chuyển về Việt Nam là gần 20 tiếng.

"Trong suốt quá trình di chuyển có lực lượng an ninh giám sát, không để công dân trốn, ở lại bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái Lan hoặc gây gổ, mất trật tự, an toàn cho cả đoàn", ông Quảng nhấn mạnh.

Theo quy định về sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, công dân Việt Nam chỉ được ngân sách Nhà nước chi trả chi phí về nước với lý do chiến tranh, là nạn nhân của tội phạm mua bán người (được cơ quan có thẩm quyền xác định là nạn nhân), các trường hợp công dân vi phạm pháp luật ở nước ngoài, bị trục xuất sẽ phải tự chi trả chi phí về nước.

"Trường hợp công dân bị lừa đi làm việc ở Myanmar thì sau khi về nước có thể liên hệ với công an địa phương để trình báo và sau quá trình điều tra, nếu được xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người thì công dân sẽ được hưởng các cơ chế hỗ trợ về tài chính phù hợp", ông Quảng cho biết.

Những người được giải cứu khỏi trung tâm lừa đảo ở Myawaddy, Myanmar ngày 26/2. Ảnh: AFP

Những người được đưa ra khỏi trung tâm lừa đảo ở Myawaddy, Myanmar hồi đầu năm. Ảnh: AFP

Chi phí dự thu để hồi hương mỗi công dân là 12,2 triệu đồng. Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo qua các điạ phương nơi công dân sinh sống ở trong nước để yêu cầu nhân nhân, gia đình công dân nộp tiền tạm ứng vào quỹ. Sau khi công dân về nước, các cơ quan đại diện sẽ gửi chứng từ hóa đơn cho Quỹ để quyết toán và thông báo tới từng cá nhân để trả lại tiền thừa hoặc nộp thêm nếu chi phí thực tế cao hơn tiền tạm ứng.

Theo ông Quảng, Việt Nam đã hồi hương 471 công dân trong 8 ngày, từ 28/4 đến 14/5 và tiếp tục triển khai đưa toàn bộ công dân ở Myawaddy về nước trong thời gian sớm nhất.

"Vì sự an toàn của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ
Ngoại giao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với nội dung công việc không rõ ràng, không có hợp đồng lao động, không thông qua công ty phái cử lao động hoạt động hợp pháp, không có bảo hiểm..., khiến người dân có thể trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, lừa đảo hoặc thậm chí là của tội phạm mua bán người", ông Quảng nói.

Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân +84 91 84 84 84 hoặc cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.

Hồng Hạnh

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2025

Ông Trump công kích cựu giám đốc FBI vì dãy số 8647

Tổng thống Trump ám chỉ James Comey kêu gọi ám sát mình, sau khi cựu giám đốc FBI bị điều tra vì đăng ảnh dãy số 8647.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey kêu gọi ám sát mình, bác bỏ lời giải thích được ông Comey đưa ra sau đó.

"Ông ấy biết chính xác dãy số đó nghĩa là gì", Tổng thống Trump nói, cho biết ông sẽ để Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi và những người khác "đưa ra hành động tiếp theo về vấn đề".

Tổng thống Trump trên chuyên cơ Không lực Một ở UAE ngày 16/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump trên chuyên cơ Không lực Một ở UAE ngày 16/5. Ảnh: AP

Một quan chức thực thi pháp luật Mỹ giấu tên cho biết Sở Mật vụ Mỹ đã thẩm vấn ông Comey vào chiều cùng ngày tại văn phòng cơ quan này ở thủ đô Washington. Cựu giám đốc FBI tự nguyện có mặt và cuộc thẩm vấn kéo dài khoảng một tiếng.

Các cơ quan thực thi pháp luật liên bang Mỹ trước đó mở cuộc điều tra bài đăng của ông Comey trên Instagram hôm 15/5, trong đó cho thấy con số 8647 được tạo thành từ vỏ sò trên cát cùng chú thích "hình xếp bằng vỏ sò tuyệt đẹp trên bãi biển mà tôi đang đi dạo".

Bức ảnh gây ra nhiều tranh cãi vì bị nghi là thông điệp kêu gọi ám sát Tổng thống Trump. Từ điển Merriam-Webster cho biết con số 86 theo tiếng lóng nghĩa là "loại bỏ" hoặc "từ chối phục vụ". Từ điển này lưu ý những nghĩa mới nhất được áp dụng bao gồm cả "giết", nhưng họ không nhập nghĩa trên vì "nó tương đối mới và ít được sử dụng".

Ông Comey đã gỡ bài đăng xuống sau khi bị những người ủng hộ Tổng thống Trump phản đối dữ dội. "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi phản đối mọi hình thức bạo lực, vì vậy tôi đã gỡ bài đăng xuống", ông viết.

Số 8647 được xếp bằng vỏ sò trên bãi cát mà cựu giám đốc FBI James Comey đăng trên mạng xã hội ngày 15/5. Ảnh: Instagram/James Comey

Ảnh dãy số "8647" được xếp bằng vỏ sò mà cựu giám đốc FBI James Comey đăng trên mạng xã hội ngày 15/5. Ảnh: Instagram/James Comey

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard cho biết giám đốc Sở Mật vụ Sean Curran "đang trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra về mối đe dọa này". Bà cũng cho rằng lời giải thích của cựu giám đốc FBI là không hợp lý bởi khẩu hiệu "8647" từng được nhiều người biểu tình sử dụng nhằm kêu gọi hành động chống lại ông Trump.

Ông Comey giữ chức giám đốc FBI giai đoạn 2013-2017 và bị Tổng thống Trump sa thải 4 tháng sau khi ông nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu. FBI khi đó đang điều tra cáo buộc về quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Cựu giám đốc FBI hiện là nhà văn chuyên viết truyện về tội phạm.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, NY Post)

Adblock test (Why?)

Mỹ xem xét tổ chức chương trình truyền hình thực tế để cấp quyền công dân

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cân nhắc ý tưởng về chương trình truyền hình thực tế, trong đó người nhập cư sẽ cạnh tranh để giành quyền công dân.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 16/5 ra tuyên bố cho biết đề xuất "tổ chức chương trình truyền hình thực tế để cấp quyền công dân cho người nhập cư" đang trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng trước khi cơ quan này đưa ra quyết định.

"Chúng ta cần khôi phục lòng yêu nước và nghĩa vụ công dân ở đất nước này. Chúng tôi rất vui khi cân nhắc các đề xuất sáng tạo", Tricia McLaughlin, trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa, nói thêm.

Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà sản xuất chương trình Rob Worsoff tuần này đề xuất với cơ quan này về ý tưởng tổ chức chương trình truyền hình thực tế để giành quyền công dân Mỹ.

Theo đó, người dẫn chương trình sẽ là những người nhập cư nổi tiếng và các thành viên tham gia là người nhập cư muốn trở thành công dân Mỹ. Người tham gia sẽ trải qua các cuộc thi thử thách trên khắp đất nước. Chương trình sẽ bắt đầu bằng cảnh đến đảo Ellis, điểm đến truyền thống của những người nhập cư vào Mỹ, và sẽ có một người bị loại trong mỗi tập.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem tới nhà tù ở El Salvador hôm 26/3. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem tới nhà tù ở El Salvador hôm 26/3. Ảnh: Reuters

Ông Worsoff nhấn mạnh đây không phải kiểu chương trình "sinh tồn", trong đó người bị loại sẽ bị buộc rời đi. "Chương trình này không phải kiểu 'Nếu bạn thua, chúng tôi sẽ đưa bạn lên thuyền và lập tức rời khỏi đất nước'", nhà sản xuất Mỹ nói.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có cách tiếp cận các phương tiện truyền thông khác biệt so với những chính quyền tiền nhiệm, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động về vấn đề nhập cư.

Bộ trưởng Noem hồi tháng 3 đến Trung tâm Giam giữ Khủng bố (CECOT), siêu nhà tù ở El Salvador, để quay video cảnh báo người nhập cư bất hợp pháp không nên tới Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng chi 200 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo cảm ơn Tổng thống Trump về hành động của ông tại biên giới.

Ngọc Ánh (Theo AFP, Hill, WSJ)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Thái Lan

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang thăm Việt Nam ngày 15-16/5.

Tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra làm lễ chào cờ, duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam và chứng kiến diễu binh chào mừng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 16/5. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 16/5. Ảnh: Giang Huy

Sau lễ đón, hai Thủ tướng họp hẹp và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan. Hai lãnh đạo cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết và trao đổi văn kiện, gặp gỡ báo chí.

Thủ tướng Paetongtarn dự kiến hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và có các hoạt động khác.

Hôm 15/5, bà Paetongtarn đã cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức trà truyền thống Việt Nam, nghe giới thiệu về các nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Thủ tướng Thái Lan cũng có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng ngày.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bắt tay trước cuộc họp hẹp ngày 16/5. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bắt tay trước cuộc họp hẹp ngày 16/5. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Paetongtarn thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 ngày 15-16/5, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Paetongtarn kể từ khi nhậm chức tháng 8/2024, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau hơn 10 năm.

Việt Nam - Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1976, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2013. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026.

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2023. Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan có khoảng hơn 100.000 người; số lưu học sinh và sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Thái Lan là khoảng 2.000-3.000 người.

Ngọc Ánh

Adblock test (Why?)

Được, mất của Ấn Độ - Pakistan sau 4 ngày giao tranh

Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố thắng lợi sau 4 ngày đối đầu, nhưng hai bên cũng phải hứng chịu những tổn thất nhất định.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan âm ỉ nhiều năm leo thang thành xung đột vũ trang rạng sáng 7/5. Quân đội Ấn Độ mở chiến dịch tấn công các "cơ sở khủng bố" trong lãnh thổ Pakistan và khu vực thuộc vùng Kashmir mà Islamabad quản lý, đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng gần thị trấn Pahalgam ngày 22/4.

Pakistan đã triển khai nhiều chiến đấu cơ để đối phó đòn không kích, tuyên bố đã hạ 5 tiêm kích và một máy bay không người lái của Ấn Độ trong trận không chiến dữ dội nhất giữa hai nước. Hai bên những ngày sau đó liên tục tập kích vào lãnh thổ gần biên giới, nhắm mục tiêu căn cứ quân sự của nhau.

Sau khi đạt lệnh ngừng bắn vào ngày 10/5 dưới sự trung gian của Mỹ, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chiến thắng và khẳng định mình đã "đạt được mục đích đề ra" trong 4 ngày giao tranh.

Giới phân tích cho rằng trong cuộc xung đột này, Ấn Độ và Pakistan có thể đã đạt một số lợi ích chiến lược, nhưng mỗi bên cũng chịu những tổn thất nhất định và không bên nào giành được ưu thế rõ rệt hậu khủng hoảng.

Lực lượng bán quân sự Ấn Độ tuần tra trên đường phố vùng Jammu và Kashmir ngày 12/5. Ảnh: AFP

Lực lượng bán quân sự Ấn Độ tuần tra trên đường phố vùng Jammu và Kashmir ngày 12/5. Ảnh: AFP

Kể từ khi thành lập năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần giao tranh, chủ yếu liên quan đến tranh chấp vùng Kashmir rộng 222.200 km2, trải dài trên dãy Himalaya.

Sau cuộc chiến năm 1971, Ấn Độ và Pakistan ký Hiệp định Simla cùng một số văn kiện khác, cam kết "giải quyết khác biệt giữa hai bên bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán song phương".

Ấn Độ sau đó khẳng định tranh chấp ở Kashmir cùng các căng thẳng khác với Pakistan chỉ có thể giải quyết song phương, không có sự can thiệp của bên thứ ba. Trong khi đó, Islamabad dẫn các nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia thúc đẩy hai nước tìm giải pháp.

Walter Ladwig, giảng viên cấp cao Đại học King’s College London, Anh, nói cuộc xung đột gần nhất giúp Pakistan có cơ hội "quốc tế hóa" vấn đề Kashmir.

"Pakistan hoan nghênh sự hòa giải từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, mô tả lệnh ngừng bắn là bằng chứng cho thấy cần có sự can thiệp từ bên ngoài", Ladwig nói. Trái lại, Ấn Độ buộc phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn do bên thứ ba làm trung gian, thay vì tự xây dựng các điều khoản.

Điều này phần nào bộc lộ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 thông báo Ấn Độ và Pakistan đạt lệnh ngừng bắn nhờ Mỹ hòa giải. Pakistan cảm ơn Mỹ, trong khi Ấn Độ nhấn mạnh quyết định ngừng bắn chỉ do hai nước đưa ra.

Sudha Ramachandran, biên tập viên mục Nam Á của tạp chí Diplomat, nhận định chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể phần nào đánh mất sự ủng hộ của dư luận trong nước khi chấp nhận ngừng bắn với Pakistan.

Ấn Độ hưởng lợi khi thu hút sự chú ý của thế giới với vấn đề khủng bố ở khu vực. "Về mặt ngoại giao, Ấn Độ đã thành công khi khiến thế giới tập trung vào các nhóm vũ trang ở Pakistan, thúc giục Islamabad có hành động thực chất để xử lý", ông Ladwig đánh giá.

Theo ông Ladwig, hình ảnh của Pakistan giờ đây lại bị gắn liền với các nhóm vũ trang hoạt động trên lãnh thổ nước này. Ấn Độ từ lâu đã cáo buộc Pakistan tài trợ, huấn luyện cho các nhóm vũ trang ủng hộ Kashmir ly khai khỏi Ấn Độ.

"Pakistan vẫn phủ nhận có liên quan đến các nhóm này và kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập. Giờ đây, tại các diễn đàn quốc tế, nước này sẽ đối mặt áp lực ngày càng tăng của việc chủ động có nỗ lực đối phó chủ nghĩa khủng bố", ông bổ sung.

Khu vực Kashmir và ngã ba biên giới Ấn Độ - Pakistan - Trung Quốc. Đồ họa:Telegraph

Khu vực Kashmir và ngã ba biên giới Ấn Độ - Pakistan - Trung Quốc. Đồ họa:Telegraph

Ấn Độ tuyên bố "đã hạ hơn 100 phần tử khủng bố" trong chiến dịch Sindoor. Trong khi đó, Pakistan cáo buộc tên lửa Ấn Độ đánh trúng các nhà thờ và khu dân cư, làm 51 người thiệt mạng, gồm 11 quân nhân và 40 dân thường.

Pakistan cho biết họ đã vô hiệu hóa nhiều phi cơ của đối phương và công bố tọa độ các mục tiêu bị hạ. Ấn Độ không bác bỏ hay xác nhận thông tin, nhưng giới chức Mỹ và Pháp xác nhận New Delhi đã mất ít nhất hai tiêm kích trong trận không chiến.

Asfandyar Mir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson, Mỹ, cho rằng những gì diễn ra trên thực địa cho thấy Pakistan đang giành được lợi thế trước đối thủ có lực lượng áp đảo hơn. "Nhiều nguồn độc lập đã xác nhận các phi cơ bị bắn hạ, do đó, Pakistan có thể dùng lệnh ngừng bắn để củng cố thành quả này", Mir nói.

Muhammad Shoaib, nhà phân tích an ninh tại Đại học Quaid-i-Azam của Pakistan, cho rằng Ấn Độ đã phạm "sai lầm chiến lược" khi tính toán sai khả năng Pakistan đáp trả cuộc không kích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây chỉ là "những thắng lợi mang tính biểu tượng", không thể đảo ngược cán cân quân sự vốn nghiêng hẳn về phía Ấn Độ.

Về khía cạnh quân sự, giới phân tích cho rằng dù mất một số tiêm kích, Ấn Độ là bên đạt nhiều kết quả hơn. Ngoài các mục tiêu ở Kashmir do Islamabad kiểm soát, quân đội Ấn Độ trong chiến dịch Sindoor còn phóng tên lửa vào 4 vị trí ở Punjab, bang đông dân nhất và là trung tâm kinh tế của Pakistan.

Ấn Độ sau đó còn triển khai drone vào sâu trong lãnh thổ Pakistan, đến những khu vực đông dân khác như thành phố Lahore, thủ phủ bang Pubjab, và thành phố Karachi, thủ phủ bang Sindh. Ngày 10/5, tên lửa Ấn Độ đánh trúng ba căn cứ không quân Pakistan ở Punjab, sâu hơn so với vị trí các căn cứ của New Delhi bị Islamabad tập kích đáp trả.

Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến năm 1971, Ấn Độ có thể tấn công vào Punjab. Ladwig mô tả diễn biến cho thấy hệ thống phòng thủ của Pakistan có vấn đề nghiêm trọng và nó có thể trở nên trầm trọng hơn nếu giao tranh kéo dài.

Mảnh vỡ được cho là cánh đuôi đứng tiêm kích Rafale Ấn Độ trong ảnh chụp công bố ngày 7/5. Ảnh: Aviation Week

Mảnh vỡ được cho là cánh đuôi đứng tiêm kích Rafale Ấn Độ trong ảnh chụp công bố ngày 7/5. Ảnh: Aviation Week

Theo giới quan sát, dù cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, Ấn Độ và Pakistan sẽ không để thỏa thuận sụp đổ trong ngắn hạn, vì đôi bên đều không có lợi. Nhà phân tích Shoaib nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ấn Độ và Pakistan tiếp tục đối thoại để giải quyết những vấn đề dẫn đến căng thẳng song phương.

"Bất kỳ cuộc xung đột nào tiếp theo đều tiềm ẩn nguy cơ đẫm máu hơn, lan rộng hơn. Hai bên có thể gây thiệt hại đáng kể cho dân thường mà không thu lại được điều gì", ông Shoaib cảnh báo.

Như Tâm (Theo Al Jazeera, Reuters, CNN)

Adblock test (Why?)

'Nỗi lo tổn thất' thúc đẩy Mỹ ngừng chiến với Houthi

Loạt vụ F-35, F-16 suýt trúng tên lửa cùng chi phí chiến dịch ngày càng leo thang dường như là lý do khiến Mỹ sớm đạt thỏa thuận với Houthi.

Tướng Michael Kurilla, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông, hồi tháng 11/2023 muốn phát động chiến dịch tấn công lực lượng Houthi ở Yemen để trả đũa các vụ tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden cho rằng phát động cuộc tấn công lớn nhằm vào Houthi sẽ vô tình giúp lực lượng này nâng cao vị thế trên thế giới. Thay vào đó, ông chỉ cho phép tiến hành các cuộc không kích hạn chế, gần như không tác động nhiều đến năng lực của nhóm vũ trang Yemen.

Sau khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền vào tháng 1, tướng Kurilla đã đề xuất kế hoạch không kích kéo dài 8-10 tháng nhằm phá hủy hoàn toàn lưới phòng không Houthi. "Lực lượng Mỹ sau đó sẽ tiến hành các vụ ám sát nhằm vào lãnh đạo Houthi, tương tự cách Israel thực hiện để đối phó Hezbollah", theo ba quan chức Mỹ giấu tên.

Giới chức Arab Saudi ủng hộ kế hoạch của tướng Kurilla và đã cung cấp danh sách 12 lãnh đạo cấp cao Houthi, những người có thể khiến hoạt động của nhóm vũ trang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thiệt mạng.

Tiêm kích F-35C trên tàu sân bay USS Carl Vinson triển khai ở Trung Đông hồi tháng 4. Ảnh: US Navy

Tiêm kích F-35C trên tàu sân bay USS Carl Vinson triển khai ở Trung Đông hồi tháng 4. Ảnh: US Navy

Đầu tháng 3, Tổng thống Trump phê duyệt một phần kế hoạch của tướng Kurilla, gồm không kích phá hủy các hệ thống phòng không Houthi và tập kích giới lãnh đạo đối phương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đặt tên cho chiến dịch này là "Rough Rider", bắt đầu từ ngày 15/3.

Tổng thống Trump, người luôn lo ngại về can thiệp quân sự quá lâu ở Trung Đông, kỳ vọng sẽ đạt được thành quả trong vòng 30 ngày đầu của chiến dịch. Đến ngày thứ 31, ông yêu cầu cấp dưới báo cáo tiến độ.

"Chiến dịch không đạt được mục tiêu nào vào thời điểm đó", các quan chức chính quyền Mỹ cho hay.

Quân đội Mỹ không những không làm chủ được bầu trời Yemen, mà còn để đối phương bắn hạ 7 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper, mỗi chiếc có giá 30 triệu USD.

Một số tiêm kích F-16 và chiến đấu cơ tàng hình F-35 Mỹ suýt bị tên lửa phòng không Houthi bắn trúng. "Các tên lửa Houthi bay gần đến nỗi chiếc F-35 phải thực hiện động tác cơ động để né tránh", một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ hôm 13/5.

Dù không chịu tổn thất với dòng F-16 và F-35, quân đội Mỹ đã mất hai tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet trong chiến dịch Rough Rider vào ngày 28/4 và 6/5.

Bên cạnh đó, tuần dương hạm USS Gettysburg đêm 22/12/2024 còn bắn rơi một tiêm kích F/A-18F chuẩn bị hạ cánh và suýt đánh trúng một chiếc Super Hornet bay sau đó vài km, khi làm nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay USS Harry S. Truman trên Biển Đỏ.

"Những sự việc như vậy khiến nỗi lo tổn thất về nhân mạng của quân đội Mỹ ngày càng trở nên hiện hữu", một người khác cho hay.

CENTCOM cuối tháng 4 tuyên bố đã tập kích hơn 1.000 mục tiêu ở Yemen kể từ đầu chiến dịch, hạ nhiều thành viên và thủ lĩnh của Houthi, khiến năng lực quân sự của đối phương sụt giảm.

Dù vậy, truyền thông Mỹ nói rằng những thủ lĩnh bị hạ sát chỉ là thành viên cấp trung của Houthi, không phải lãnh đạo cấp cao. Bất chấp các đợt không kích, lực lượng Houthi đã phóng hơn 120 tên lửa và UAV các loại nhằm vào lực lượng Mỹ trong 6 tuần sau khi chiến dịch Rough Rider bắt đầu.

Washington cũng phải tiêu tốn chi phí rất lớn cho chiến dịch. Lầu Năm Góc đã triển khai hai tàu sân bay, nhiều oanh tạc cơ tàng hình B-2 và tiêm kích, cùng các tổ hợp phòng không Patriot và THAAD tới Trung Đông. Các quan chức cho biết chiến dịch đã khiến quân đội Mỹ phải chi hơn một tỷ USD chỉ trong 30 ngày đầu tiên.

Sử dụng quá nhiều vũ khí dẫn đường chính xác cao, đặc biệt là tên lửa tầm xa, cũng đặt ra lo ngại về nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ và thiếu hụt lực lượng tiền phương khi Mỹ cần ứng phó với khủng hoảng ở khu vực khác trên thế giới.

Tiêm kích F/A-18E mang tên lửa tàng hình AGM-154 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Truman hôm 2/5. Ảnh: US Navy

Tiêm kích F/A-18E mang tên lửa tàng hình AGM-154 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Truman hôm 2/5. Ảnh: US Navy

Nhà Trắng bắt đầu thúc ép Lầu Năm Góc cung cấp số liệu để đánh giá mức độ thành công của chiến dịch. Cơ quan này phản hồi bằng thông tin về số lượng đạn đã khai hỏa. Tình báo Mỹ nhận định năng lực quân sự của Houthi đã "sụt giảm phần nào", song thừa nhận nhóm vũ trang vẫn có thể dễ dàng khôi phục sức mạnh.

Lúc này, các quan chức an ninh cấp cao Mỹ bắt đầu cân nhắc hai phương án.

Đầu tiên là tăng cường hoạt động quân sự thêm tối đa một tháng, sau đó tiến hành diễn tập "bảo vệ tự do hàng hải" ở Biển Đỏ với nhóm tác chiến tàu sân bay Harry S. Truman và Carl Vinson. Nếu lực lượng Houthi không tập kích các tàu này, chính quyền Mỹ sẽ tuyên bố chiến thắng.

Phương án còn lại là kéo dài chiến dịch nhằm giúp quân chính phủ Yemen có thêm thời gian để khởi động lại nỗ lực tấn công Houthi, qua đó đẩy lui nhóm vũ trang khỏi thủ đô Sanaa và các cảng biển quan trọng.

Bộ trưởng Hegseth cuối tháng 4 điện đàm với giới chức Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng như quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao nhằm tìm ra phương án tối ưu để trình lên Tổng thống Trump, song các bên đã không đạt được đồng thuận.

Nhiều quan chức cấp cao trong quân đội và chính phủ Mỹ, trong đó có Phó tổng thống JD Vance và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Dan Caine, cho rằng kéo dài chiến dịch không phải ý tưởng hợp lý. Ngay cả Tổng thống Trump cũng thể hiện quan điểm này.

Tên lửa đạn đạo Houthi ngày 4/5 xuyên thủng lưới phòng không Israel, đánh vào khuôn viên sân bay quốc tế Ben Gurion ở ngoại ô thành phố Tel Aviv và khiến nhiều người bị thương.

Theo các quan chức Mỹ và Arab giấu tên, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff lúc này báo cáo với ông Trump rằng giới chức Oman đã đề xuất "phương án hoàn hảo" để Mỹ có thể xuống thang,

Theo đó, Washington sẽ ngừng oanh tạc Houthi và nhóm vũ trang sẽ ngừng tập kích tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ. Dù vậy, không có điều khoản nào ràng buộc Houthi chấm dứt chiến dịch tập kích lãnh thổ Israel và tàu hàng có liên hệ với nước này trên Biển Đỏ.

CENTCOM ngày 5/5 đột ngột nhận lệnh kết thúc chiến dịch Rough Rider. Một ngày sau, Tổng thống Trump khẳng định nhóm vũ trang Yemen "đã phải đầu hàng và đạt thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 6/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 6/5. Ảnh: AFP

Theo truyền thông Mỹ, quyết định dừng chiến dịch Rough Rider sau chưa đầy 2 tháng cho thấy một số thành viên trong đội ngũ an ninh của chính phủ Mỹ đã đánh giá thấp sức chống chịu của Houthi.

"Chúng tôi đã tấn công dữ dội và họ đã chịu đựng rất tốt. Có thể nói họ rất dũng cảm", ông Trump nói khi thông báo về thỏa thuận ngừng bắn với nhóm vũ trang Yemen.

Phạm Giang (Theo Aviationist, CNN)

Adblock test (Why?)

Ukraine lần đầu triển khai drone FPV mang ống phóng rocket

Ukraine đăng video drone FPV mang ống phóng rocket tấn công mục tiêu Nga, đánh dấu lần đầu triển khai loại khí tài này.

Wild Hornets, tổ chức tình nguyện chuyên sản xuất thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) cho quân đội Ukraine, ngày 13/5 đăng video hoạt động tác chiến của đơn vị thuộc Lữ đoàn Tổng thống Độc lập, cho thấy phi cơ mang ống phóng rocket trong tình huống chiến đấu.

Trong video, drone FPV khai hỏa rocket về hướng một quân nhân Nga, tạo ra vụ nổ và khiến người này ngã xuống. Chưa rõ mức độ thương tổn của người này, nhưng Wild Hornets tuyên bố đòn tập kích đã khiến binh sĩ Nga thiệt mạng.

Đoạn sau của video cho thấy drone Ukraine tiếp tục phóng rocket xuống đất, song không rõ mục tiêu là gì.

Ukraine lần đầu triển khai drone mang ống phóng rocket

Drone FPV Ukraine phóng rocket tập kích mục tiêu Nga trong video đăng ngày 13/5. Video: Wild Hornets

Wild Hornet tuyên bố đây là lần đầu quân đội Ukraine triển khai drone mang ống phóng rocket trên chiến trường, cho biết đây là một trong các mẫu drone FPV lớn nhất trong biên chế Ukraine và thường được sử dụng để thả đầu nổ.

Chưa rõ loại rocket được dùng trong vụ tập kích. Trong cuộc thử nghiệm cuối năm ngoái, Wild Hornet nói rằng drone FPV có thể mang theo ống phóng rocket Bulspike AP do Bulgaria sản xuất, trang bị đầu đạn nổ mảnh nặng 2 kg và có tầm bắn hiệu quả khoảng 100 mét.

"Drone trang bị ống phóng rocket sẽ mang tới cho quân đội Ukraine thêm phương án tập kích, bên cạnh lao vào mục tiêu hoặc thả đầu nổ từ trên cao xuống. Loại drone này có thể tập kích mục tiêu từ khoảng cách xa hơn so với khi thả đầu nổ và tái sử dụng được, không như dòng phi cơ tự sát", biên tập viên Matthew Loh của tờ Business Insider nhận định.

Binh sĩ Ukraine cầm drone FPV gắn ống phóng rocket trong cuộc thử nghiệm tháng 10/2024. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine cầm drone FPV gắn ống phóng rocket trong cuộc thử nghiệm tháng 10/2024. Ảnh: Reuters

Dù vậy, chưa rõ Ukraine có thể sản xuất hoặc triển khai đại trà drone mang ống phóng rocket hay không.

Hàng chục công ty quốc phòng Ukraine đang tham gia phát triển và thử nghiệm nhiều loại drone mới, trong đó có các dòng trang bị súng hoa cải và súng trường tự động, song binh sĩ nước này chủ yếu vẫn sử dụng drone FPV tự sát và thả đầu nổ.

Phạm Giang (Theo Business Insider)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2025

Thổ Nhĩ Kỳ - Ukraine thảo luận về chuyến thăm của ông Zelensky

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận với người đồng cấp Ukraine về công tác chuẩn bị cho khả năng ông Zelensky tới Istanbul hòa đàm với Nga.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 14/5 gặp người đồng cấp Ukraine Andrii Sybiha bên lề cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO tại Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thảo luận về các nỗ lực nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn cho chiến sự Nga - Ukraine và đạt hòa bình bền vững.

Tại cuộc gặp, hai bên thảo luận về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông đề nghị gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 15/5.

"Tôi tái khẳng định cam kết của Ukraine đối với hòa bình, sẵn sàng thực hiện ngay lập tức và vô điều kiện lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài, cũng như vẫn giữ đề nghị về tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao nhất giữa Ukraine và Nga", Ngoại trưởng Sybiha viết trên X sau cuộc gặp.

AFP cùng ngày dẫn nguồn tin quan chức Ukraine cho hay Kiev vẫn chưa nhận được phản hồi từ Moskva về việc liệu ông Putin có tới Thổ Nhĩ Kỳ dự các cuộc đàm phán tiềm năng với Ukraine hay không.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha (trái) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong cuộc gặp tại Antalya ngày 14/5. Ảnh: Anadolu Agency

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha (trái) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong cuộc gặp tại Antalya ngày 14/5. Ảnh: Anadolu Agency

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/5 cho hay phái đoàn Nga sẽ đợi phái đoàn Ukraine tại Istanbul ngày 15/5, nhưng không tiết lộ danh sách thành viên. Trong khi đó, báo Kommersant của Nga đưa tin Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ không tham gia cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Fidan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ, gồm cả tổ chức hòa giải và đàm phán hòa bình, để giúp đạt được hòa bình tại Ukraine.

Ngoại trưởng Sybiha bày tỏ cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và đánh giá cao vai trò của Ankara.

"Trung tâm ngoại giao thế giới hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang đóng vai trò hòa giải tích cực. Chúng tôi đánh giá cao vai trò đó", ông Sybiha cho hay, lưu ý rằng ông với phía Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc trò chuyện kỹ lưỡng về cách thúc đẩy tiến trình hòa bình có ý nghĩa.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một trong số ít lãnh đạo có thể đàm phán với cả Nga và Ukraine, đã đề nghị tiếp tục là nơi tổ chức và làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình. Phái đoàn Nga và Ukraine từng đàm phán trực tiếp tại Istanbul hồi tháng 3/2022, khi xung đột mới bùng phát, nhưng không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters, TRT Global)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2025

'Tên lửa Houthi bay gần đến mức F-35 Mỹ phải cơ động né tránh'

Quan chức Mỹ tiết lộ tên lửa phòng không Houthi từng áp sát đến mức tiêm kích F-35 phải cơ động để tránh bị trúng đòn.

Chuyên trang quân sự War Zone ngày 13/5 dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nói rằng một tiêm kích tàng hình F-35 nước này từng bị phòng không Houthi nhắm mục tiêu và suýt trúng đạn khi làm nhiệm vụ trong khuôn khổ chiến dịch Rough Rider.

"Các tên lửa của Houthi bay gần đến nỗi chiếc F-35 phải thực hiện động tác cơ động để né tránh", quan chức cho hay.

Người này từ chối xác nhận thông tin hàng loạt tiêm kích F-16 bị nhắm mục tiêu hay phải cơ động để tránh tên lửa Houthi, nhưng thêm rằng "điều này không đồng nghĩa với chuyện đó không xảy ra".

Tiêm kích F-35C cất cánh từ tàu USS Carl Vinson ở Trung Đông hồi tháng 4. Ảnh: US Navy

Tiêm kích F-35C cất cánh từ tàu USS Carl Vinson ở Trung Đông hồi tháng 4. Ảnh: US Navy

Truyền thông Mỹ hôm 13/5 dẫn lời các quan chức quốc phòng cấp cao cho biết phòng không Houthi từng suýt bắn trúng hàng loạt tiêm kích F-16 và một chiếc F-35 trong 30 ngày đầu tiên của chiến dịch Rough Rider. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng Houthi đã hạ tổng cộng 7 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper, mỗi chiếc có giá xuất xưởng 30 triệu USD.

Quan chức Mỹ không nói Houthi đã sử dụng loại đạn nào để nhắm bắn tiêm kích F-35, song nhóm vũ trang đang sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không do Iran chuyển giao hoặc tự phát triển, cải tiến trên cơ sở vũ khí nước ngoài.

Bộ Quốc phòng Mỹ và nhóm vũ trang Houthi chưa bình luận về thông tin.

"Houthi có thể đe dọa máy bay hiện đại của Mỹ bằng lưới phòng không tương đối thô sơ là điều đáng chú ý và cần được nghiên cứu sâu hơn", biên tập viên Howard Altman của War Zone nêu quan điểm.

Chiến dịch Rough Rider được Mỹ phát động từ ngày 15/3, huy động nhiều khí tài quân sự hiện đại nhất của nước này để không kích dữ dội vào cơ sở hạ tầng và căn cứ của Houthi, nhằm buộc nhóm vũ trang Yemen ngừng tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hôm 29/4 tuyên bố đã tập kích hơn 1.000 mục tiêu ở Yemen kể từ đầu chiến dịch, hạ nhiều thành viên và thủ lĩnh của Houthi, khiến năng lực quân sự của đối phương sụt giảm.

Dù vậy, truyền thông Mỹ nói rằng những thủ lĩnh bị hạ sát chỉ là thành viên cấp trung của Houthi, không phải lãnh đạo cấp cao. Bất chấp các đợt không kích của Mỹ, lực lượng Houthi đã phóng hơn 120 tên lửa và UAV các loại nhằm vào lực lượng Mỹ trong 6 tuần sau khi chiến dịch Rough Rider bắt đầu.

Vị trí Yemen và các vùng biển lân cận. Đồ họa: Wikimeida

Vị trí Yemen và các vùng biển lân cận. Đồ họa: Wikimeida

Phòng không Houthi vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với máy bay Mỹ, thể hiện khi Washington phải huy động nhiều loại vũ khí đắt tiền trong chiến dịch không kích, như oanh tạc cơ tàng hình B-2 và tiêm kích F-35, cũng như tăng số lượng tên lửa chống radar trên phi cơ tác chiến điện tử EA-18G.

Mỹ và lực lượng Houthi hôm 6/5 đạt thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian của Oman, trong đó hai bên cam kết "không nhắm vào mục tiêu của nhau và bảo đảm tự do hàng hải". Dù vậy, nhóm vũ trang Yemen vẫn tiếp tục tập kích các mục tiêu không liên quan Mỹ, trong đó có Israel.

Dù không chịu tổn thất với dòng F-16 và F-35, quân đội Mỹ đã mất hai tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet trong chiến dịch Rough Rider. Tuần dương hạm USS Gettysburg hồi tháng 12/2024 còn bắn rơi một tiêm kích F/A-18F chuẩn bị hạ cánh và suýt đánh trúng một chiếc Super Hornet bay sau đó vài km, khi làm nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay USS Harry S. Truman trên Biển Đỏ.

Phạm Giang (Theo War Zone, Aviationist)

Adblock test (Why?)

Hai xung đột thách thức khả năng hòa giải của ông Trump

Ông Trump hứa hẹn nhanh chóng chấm dứt hai cuộc xung đột ở Gaza và Ukraine sau khi nhậm chức, nhưng giờ nhận thấy việc này khó hơn ông tưởng.

Khi phát biểu trước các nhà tài trợ hàng đầu tại câu lạc bộ riêng ở bang Florida tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine ngày càng gây thất vọng và khiến ông trằn trọc, theo những nguồn tin có mặt hôm đó.

Ông cũng nói với những người tham dự rằng việc tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza rất khó khăn vì "họ đã xung đột với nhau cả nghìn năm".

Khi vận động tranh cử để trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã cam kết chấm dứt cả hai cuộc chiến bằng biện pháp ngoại giao, lập luận rằng hai xung đột lẽ ra không xảy ra nếu ông vẫn ở Nhà Trắng. Ông thậm chí nói sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong ngày đầu nhậm chức.

Tuy nhiên, mốc 100 ngày đầu tiên của chính quyền đã qua, cả hai xung đột vẫn chưa được giải quyết. Nỗ lực đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran cũng đình trệ, trong khi đòn thuế của ông Trump làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh.

"Nếu ông ấy không nhiều lần hứa hẹn về những điều như vậy trong chiến dịch, sẽ là bất công khi chỉ trích ông ấy vì không thực hiện được chúng. Nhưng ông ấy đã đưa ra cam kết như vậy", Kyle Haynes, giáo sư về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Purdue, nói.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 12/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 12/5. Ảnh: AP

Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly nói Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đã "tập trung cao độ vào việc mang lại hòa bình cho thế giới và ngăn chặn những nhân tố xấu gây hại cho người Mỹ cùng đồng minh của chúng ta".

Bà Kelly nhấn mạnh cách tiếp cận của chính quyền đã "thành công", chỉ ra Houthi đã nhất trí ngừng bắn, 47 người Mỹ bị giam ở nước ngoài đã về nước, các nước NATO đang tăng ngân sách quốc phòng và "chúng ta đang tiến gần đến hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine hơn bao giờ hết".

Tuy nhiên, các nguồn tin của WSJ cho biết ông Trump đã phàn nàn riêng với các cố vấn rằng có vẻ ông Putin không muốn chấm dứt giao tranh và cả hai bên xung đột đều từ chối thỏa hiệp. Ông đã hỏi các cố vấn rằng họ có tin ông Putin đã thay đổi so với nhiệm kỳ đầu của ông hay không, đồng thời tỏ ra ngạc nhiên trước một số quyết định quân sự của người đồng cấp Nga trên chiến trường Ukraine.

Trước đó, ông Trump tin rằng Kiev sẽ khó thuyết phục hơn Nga, dẫn tới cuộc đấu khẩu đầy căng thẳng tại Phòng Bầu dục khi Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm Nhà Trắng. Song các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump gần đây thừa nhận Nga vẫn là trở ngại lớn nhất, vì họ từ chối đồng ý đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày mà Kiev ủng hộ và muốn tìm kiếm thêm nhượng bộ từ Ukraine.

"Tôi không nói người Nga không quan tâm đến việc chấm dứt xung đột, nhưng chúng tôi nghĩ họ đang yêu cầu quá nhiều", Phó tổng thống Mỹ JD Vance nói tại sự kiện của Diễn đàn An ninh Munich tại Washington ngày 7/5.

Những kế hoạch ban đầu của ông Trump đối với cuộc xung đột cũng đã bị đảo lộn trong vòng vài tuần. Nga đã phàn nàn về đặc phái viên của ông Trump là Keith Kellogg, nói rằng con gái của ông Kellogg ủng hộ Ukraine.

Sau đó, ông Trump yêu cầu Kellogg chỉ đối thoại với bên Ukraine và chỉ định Steve Witkoff, người bạn lâu năm là đặc phái viên về Trung Đông, vào cuộc. Witkoff đã nhiều lần thúc giục Nga và Ukraine chấp nhận một số điều khoản họ không thích. Đặc phái viên này nói rằng ông chỉ muốn đưa cả hai bên ngồi vào đàm phán.

Các quan chức khác của Mỹ cũng cho rằng ông Trump có thể được coi như đã hoàn thành nhiệm vụ nếu khiến cả Nga và Ukraine tham gia đàm phán trực tiếp. Những gì xảy ra sau đó tùy thuộc vào hai bên, trong khi Mỹ sẽ tập trung cho các ưu tiên khác của chính quyền.

Câu trả lời cho vấn đề này sẽ đến vào ngày 15/5. Tổng thống Putin cuối tuần trước đề xuất Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày này mà không cần điều kiện tiên quyết. Ông khẳng định Moskva quyết tâm đàm phán nghiêm túc để loại bỏ căn nguyên của cuộc xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó cho biết Ukraine sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Nga, nhưng nhấn mạnh cần bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn 30 ngày. Ông Zelensky đề xuất hai lãnh đạo gặp trực tiếp, nói rằng sẽ đến Istanbul để chờ gặp ông Putin. Nga chưa công bố ai sẽ đến dự cuộc đàm phán.

Ông Trump đang trong chuyến công du vùng Vịnh và đã nêu ý tưởng ông đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia thượng đỉnh Nga - Ukraine, nếu lãnh đạo hai nước gặp nhau ở Istanbul. Tuy nhiên, đến nay, chưa có gì đảm bảo ông Putin sẽ đáp ứng dự sự kiện.

Tổng thống Donald Trump ngồi giữa các quan chức nội các trong cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 26/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump ngồi giữa các quan chức nội các trong cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 26/2. Ảnh: AFP

Về Gaza, chính quyền ông Trump đang thúc đẩy đàm phán giữa Israel và Hamas. Ông Witkoff từng hỗ trợ chính quyền tổng thống Joe Biden đạt thỏa thuận ngừng bắn trong xung đột Gaza hồi tháng 1, ngay trước thời điểm ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, thỏa thuận đó đổ vỡ vào tháng 3 và xung đột đang tiếp diễn. Israel đã ngừng mọi hoạt động viện trợ cho người Palestine ở Dải Gaza, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.

Tuần này, nội các Israel thông qua kế hoạch chiếm toàn bộ Gaza nếu Hamas tiếp tục giao tranh và không trao trả các con tin còn lại. Chính phủ Israel ấn định với Hamas thời hạn để thả toàn bộ con tin là khi chuyến thăm Trung Đông của ông Trump kết thúc vào tuần tới.

Một số quan chức chính quyền bày tỏ thất vọng trước các cuộc tấn công mới của Israel. Nhưng ông Trump vẫn tiếp tục nói về kế hoạch tái thiết khu vực, dường như bật đèn xanh cho Tel Aviv tiếp tục hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị khuất phục.

Trong khi đó, đặc phái viên Witkoff đã mở rộng mạng lưới cố vấn để chuẩn bị cho kế hoạch về Gaza hậu xung đột, gồm cuộc gặp với cựu thủ tướng Anh Tony Blair và luật sư Alan Dershowitz, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

"Việc họ có thành công hay không là điều chưa biết, nhưng họ đang cố gắng hết sức. Tôi cảm thấy chuyện này khó khăn hơn họ tưởng", Dershowitz, cựu giáo sư Harvard, nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, Washington Post)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

Lính Anh thử nghiệm lái drone FPV từ trực thăng

Anh đăng video thử nghiệm triển khai và điều khiển drone FPV từ trực thăng, nhấn mạnh vai trò của loại vũ khí này trong chiến tranh hiện đại.

"Đợt thử nghiệm mang tên Hornet Nest (Tổ ong Bắp cày), trong đó các binh sĩ triển khai thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) từ trực thăng Chinook đã hoàn thành", không quân Anh cho biết trong thông báo cuối tuần trước.

Video do không quân Anh công bố cho thấy binh sĩ đeo kính góc nhìn thứ nhất và tay cầm khi ngồi trên trực thăng, trong khi một binh sĩ khác thả drone xuống trong lúc phi cơ đang bay.

"Quân đội Anh đang đầu tư vào các công nghệ linh hoạt để duy trì vị thế dẫn đầu. Drone FPV có khả năng gây nhiễu, thăm dò địa hình và tập kích mục tiêu, tất cả chỉ trong một lần bay", không quân Anh cho biết, song không nêu kết quả cuộc thử nghiệm.

Lính Anh ngồi trực thăng lái drone FPV

Anh thử nghiệm thả drone FPV từ trực thăng Chinhook trong video đăng cuối tuần trước. Video: RAF

Thiết bị không người lái hiện đóng vai trò quan trọng với nhiều xung đột lớn trên thế giới, trong đó có chiến sự Ukraine, nơi loại vũ khí này được sử dụng với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Drone FPV thường nhỏ và rẻ hơn máy bay không người lái (UAV) thông thường, có thể làm nhiệm vụ trinh sát và tập kích mục tiêu ở khu vực gần tiến tuyến.

"Quân đội Anh đang đẩy mạnh ứng dụng drone FPV vì nó đã chứng minh được hiệu quả trong các xung đột gần đây, mang lại lợi thế chiến thuật và phù hợp với chiến lược tương lai của quân đội. Binh sĩ có thể học sử dụng loại vũ khí này một cách nhanh chóng", không quân Anh cho hay.

Sự phổ biến của drone trong chiến tranh hiện đại đang thúc đẩy nhiều quốc gia đầu tư vào công nghệ thiết bị bay không người lái, nghiên cứu chiến thuật mới và điều chỉnh kế hoạch tác chiến, trong đó drone sẽ thay thế vai trò do bộ binh hoặc các vũ khí khác đảm nhiệm.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Daniel Driscoll cho biết nước này phải xem xét lại cách tiếp cận với drone, do Washington "liên tục sản xuất và mua các cỗ máy đắt tiền mà drone giá rẻ có thể phá hủy". Thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 4 cũng thành lập đơn vị tác chiến drone nhằm ứng dụng các chiến thuật hiện đại được đúc kết từ xung đột tại Ukraine.

Phạm Giang (Theo Business Insider)

Adblock test (Why?)

Ông Duterte thắng cử chức thị trưởng dù đang bị ICC giam

Cựu tổng thống Philippines Duterte thắng áp đảo cuộc tranh cử thị trưởng Davao, dù đang bị giam trong nhà tù của Tòa Hình sự Quốc tế.

Ủy ban Bầu cử địa phương Philippines ngày 12/5 công bố kết quả kiểm hơn 60% phiếu bầu thị trưởng thành phố Davao, cho thấy cựu tổng thống Rodrigo Duterte đạt 405.000 phiếu, trong khi đối thủ theo sát ông nhất chỉ nhận được 49.000 phiếu.

Điều này cho thấy ông Duterte đã thắng áp đảo trong cuộc đua giành chức thị trưởng Davao, dù ông đang bị giam ở nhà tù Scheveningen của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan.

Không rõ sau khi kết quả kiểm phiếu cuối cùng được công bố, ông Duterte có quản lý Davao, thành phố gần 1,8 triệu dân, từ trong nhà tù hay không.

Phó tổng thống Philippines Sara Duterte, con gái ông Duterte, trước đó cho biết đã lên kế hoạch để đảm bảo ông chính thức trở thành thị trưởng Davao.

"Các luật sư ICC và luật sư Philippines của bố đang thảo luận về cách để ông tuyên thệ nhậm chức với tư cách là người chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng tại thành phố Davao", bà Sara nói, thêm rằng thời hạn để họ thực hiện kế hoạch là tới ngày 30/6.

Cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hồi tháng 10/2024. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hồi tháng 10/2024. Ảnh: AFP

Cựu thượng nghị sĩ Philippines Leila de Lima trong thời gian bị giam 6 năm vẫn thường xuyên tham vấn với các đồng minh và thậm chí tham gia bỏ phiếu thông qua người đại diện.

Tuy nhiên, nghiên cứu viên cao cấp Michael Henry Yusingco nhận xét ông Duterte ít có khả năng điều hành Davos từ nhà tù Scheveningen hơn, do khoảng cách địa lý và các quy định về hạn chế giao tiếp của ICC.

Ông Duterte, 80 tuổi, bị bắt tại sân bay quốc tế Manila ngày 11/3 và bị đưa đến The Hague cùng ngày để đối mặt với các cáo buộc liên quan đến cuộc chiến chống ma túy trong thời kỳ ông nắm quyền.

Trong nhiệm kỳ tổng thống 2016-2022, ông Duterte đã phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết các nghi phạm ma túy ngay tại chỗ mà không cần qua xét xử. Cảnh sát cho biết chiến dịch đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, nhưng các nhóm nhân quyền ước tính con số thực tế lên tới khoảng 30.000 người.

Ngọc Ánh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Ông Trump: Quan hệ Mỹ - Trung được 'khởi động lại hoàn toàn'

Tổng thống Trump tuyên bố quan hệ Mỹ và Trung Quốc được khởi động lại hoàn toàn, sau khi hai bên đạt thỏa thuận hoãn áp thuế trong 90 ngày.

"Chúng tôi hôm qua đã khởi động lại hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc sau các cuộc đàm phán hiệu quả tại Geneva. Mối quan hệ hiện giờ rất tốt. Tôi sẽ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể là vào cuối tuần", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 12/5.

Sau cuộc đàm phán cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc thống nhất tạm hoãn một phần thuế đối ứng trong 90 ngày, đồng thời giảm đáng kể tổng thuế nhập khẩu.

Trong tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, thuế nhập khẩu 24% với Trung Quốc trong sắc lệnh thuế đối ứng mà ông Trump ký ngày 2/4 sẽ được hoãn áp dụng 90 ngày. Mức thuế cơ bản 10% vẫn giữ nguyên. Thuế 20% áp lên Trung Quốc do liên quan đến cáo buộc buôn bán fentanyl vào Mỹ, áp dụng trước đó, cũng được giữ lại.

Do đó, tổng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc sẽ tạm thời giảm từ 145% về 30%. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ bỏ một số mức thuế trả đũa thuế đối ứng của Mỹ, nên thuế áp với hàng hóa nước này sẽ tạm thời giảm từ 125% về 10%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 7/3. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 7/3. Ảnh: Reuters

Ông Trump khi đó ca ngợi các cuộc thảo luận của phái đoàn Mỹ - Trung "rất tốt" và coi chúng là "sự tái thiết lập hoàn toàn được đàm phán theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng, cầu thị".

"Chúng tôi muốn Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ vì lợi ích của cả hai bên", ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social, thêm rằng "đã đạt được tiến bộ tuyệt vời!".

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng là đối tác thương mại lớn của nhau. Ngay từ nhiệm kỳ đầu năm 2017-2021, ông Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và phát động cuộc chiến thương mại quy mô lớn nhằm vào nước này. Hai bên sau đó đạt một số thỏa thuận giúp hạ nhiệt tình hình.

Căng thẳng thương mại bùng phát sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm nay. Ông chủ Nhà Trắng đã dọa áp thuế nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhưng khẳng định đây là vấn đề có thể đàm phán.

Ngọc Ánh (Theo AFP, CNN)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2025

Ông Zelensky đề nghị gặp mặt ông Putin

Tổng thống Zelensky nói sẵn lòng gặp mặt người đồng cấp Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Trump thúc giục hai bên đàm phán trực tiếp.

"Chúng tôi chờ lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài, bắt đầu từ mai, để cung cấp cơ sở cần thiết cho hoạt động ngoại giao. Không có lý do gì để kéo dài thương vong. Tôi sẽ đợi ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5. Gặp mặt trực tiếp", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội ngày 11/5, đề cập người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Lãnh đạo Ukraine không nói liệu ông có tham dự cuộc gặp nếu Nga từ chối thực thi lệnh ngừng bắn 30 ngày do Kiev và các đồng minh châu Âu đề xuất trước đó hay không. Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho rằng ông Zelensky sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Moskva đồng ý ngừng bắn từ ngày 12/5.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ảnh chụp từ video đăng trên mạng X ngày 11/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Zelensky trong ảnh chụp từ video đăng trên mạng X ngày 11/5. Ảnh: AFP

Đề nghị của ông Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Kiev nhanh chóng đàm phán trực tiếp với Moskva.

"Tổng thống Putin không muốn thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine, mà muốn gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 để đàm phán về khả năng chấm dứt đổ máu. Ukraine nên đồng ý ngay lập tức. Ít nhất họ có thể xác định liệu có thể đạt thỏa thuận hay không, nếu không các lãnh đạo châu Âu và Mỹ cũng sẽ biết mọi thứ đang ở cấp độ nào để xác định hướng đi tiếp theo", ông Trump cho hay.

Điện Kremlin chưa phản hồi về đề nghị của ông Zelensky.

Tổng thống Putin đề xuất phái đoàn Nga và Ukraine đối thoại trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 15/5 mà không cần điều kiện tiên quyết, khẳng định Moskva quyết tâm đàm phán nghiêm túc để loại bỏ căn nguyên của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, ông chưa cho biết có chấp thuận đề xuất ngừng bắn 30 ngày, bắt đầu từ 12/5, do các lãnh đạo châu Âu đưa ra hay không. Ông chủ Điện Kremlin cũng chỉ trích "tối hậu thư" của châu Âu, cáo buộc các quốc gia này đang muốn "tiếp tục chiến tranh với Nga".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 11/5 điện đàm với người đồng cấp Nga, nói rằng Ankara sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán "nhằm đạt được giải pháp lâu dài".

Thùy Lâm (Theo AFP, Kyiv Independent)

Adblock test (Why?)