Hàng vạn phật tử phóng sinh 5.000 con cá giống xuống sông Hồng. (Ảnh Nguyễn Tiến)
Không phải cá bị đánh bắt
Sáng 25.2 vừa qua, tại Đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) hàng vạn người tham dự lễ phóng sinh đầu năm. Hơn 5.000 con các đã được phóng sinh xuống sông Hồng.
Sau khi báo chí đưa tin về lễ phóng sinh, một số ý kiến cho rằng, việc phóng sinh cá và cả phóng sinh chim có thể gây tác động tới cuộc sống của các loài sinh vật bị mang đi phóng sinh, gián tiếp tác động tới môi trường sinh thái khi nhiều người sẽ đi bắt các loài sinh vật mang bán cho người có nhu cầu phóng sinh.
Trao đổi với PV về lễ phóng sinh, ông Nguyễn Hải Quân - Chánh Văn phòng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức lễ phóng sinh cho biết, sau lễ phóng sinh trên mạng xã hội có một số ý kiến trái chiều về lễ phóng sinh. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, lễ phóng sinh ở đình làng Bát Tràng đã được Ban Tổ chức thực hiện đúng với tinh thần của Phật giáo đó là trao cho sinh vật cơ hội tiếp tục sống.
Theo ông Quân, để việc phóng sinh được tự nhiên và ý nghĩa, tránh việc người dân bắt cá từ tự nhiên mang bán, Ban tổ chức đã mua 5.000 con cá giống tại một trại cá giống tại tỉnh Bắc Ninh. Số cá này là cá giống nên nếu không được phóng sinh thì sẽ bị chủ cơ sở bán cho các hộ chăn nuôi thành các thương phẩm để bán.
Ông Nguyễn Hải Quân cũng cho biết, các loại cá được thả xuống sông Hồng tại lễ phóng sinh bao gồm cá rô, trôi, chép, mè. Việc thả các loài cá này là dựa trên hướng dẫn của Tổng Cục Thủy sản ký trước đó với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổng Cục Thủy sản đã ký biên bản hướng dẫn những loài nào nên thả chỗ nào, hồ thả loại cá nào, sông thả loại cá nào để đảm bảo môi trường sinh thái và các loài sinh vật thả xuống có thể sinh sống phát triển”, ông Quân cho biết.
Phóng sinh như thế nào mới ý nghĩa?
Trao đổi với PV về việc phóng sinh, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đức Phật dạy con người không nên sát sinh và khi có điều kiện thì phóng sinh. Nhưng phóng sinh phải đúng ý nghĩa tự nhiên, đúng ý nghĩa là cứu chuộc sinh mạng cho các sinh vật, trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.
“Việc phóng sinh mà tạo điều kiện cho người khác đi bắt chúng sinh về cho mình phóng sinh thì không tốt.
Phóng sinh là khi mình ra chợ thấy chúng sinh bị bắt thì mình bỏ tiền ra mua chuộc rồi thả về tự nhiên, tinh thần phóng sinh là như vậy. Còn nếu chúng ta đặt hàng để người khác đi bắt cá, chim để phóng sinh thì việc làm đó trái với tinh thần phóng sinh và tạo tội cho những người đi bắt sinh vật”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cũng chia sẻ thêm, việc phóng sinh các loài thủy sản nếu không có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì những sinh vật được phóng sinh có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, uy hiếp cuộc sống các loài sinh vật khác trong tự nhiên.
“Giáo hội đã nhiều lần liên kết với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng Cục Thủy sản để chọn những sinh vật phóng sinh cho phù hợp để việc phóng sinh được trọn vẹn, ý nghĩa”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết.
UBND xã giám sát việc phóng sinh 5.000 cá giống Ông Nguyễn Hải Quân cho biết trước khi diễn ra lễ phóng sinh, Ban Tổ chức đã ký cam kết với UBND xã Bát Tràng về các giống cá sẽ được phóng sinh xuống sông, tránh tình trạng như năm trước một số phật tử tự phát mang cá đi thả và không biết loại cá gì. Trong khi lãnh đạo Công an xã Bát Tràng cho biết, ngoài việc đảm bảo an ninh, Công an xã đã cùng Ban Tổ chức tham gia giám sát người dân phóng sinh cá xuống sông Hồng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét