Trẻ em chơi đùa trong một hầm ngầm ở Đông Ghouta.
Đông Ghouta tuần qua hứng chịu hàng loạt cuộc không kích khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em. Lực lượng quân đội chính phủ Syria bị tố gây ra thảm kịch.
Trước tình cảnh những cuộc giao tranh ở các khu ngoại ô thủ đô Damascus ngày càng trở nên ác liệt, những gia đình Syria phải tìm nơi trú tránh tận sâu trong lòng đất. Suốt hàng giờ liền, họ ngồi chờ trong sợ hãi với niềm hy vọng rằng các đợt dội bom sẽ mau chóng kết thúc, nhưng mọi thứ chỉ là hy vọng, theo New York Times.
Sống trong sợ hãi
Tại các thành phố khác của Syria như Aleppo hay Daraya, những cuộc không kích, dội bom tương tự nhằm vào các công trình và khu dân cư cũng diễn ra. Chính phủ Syria tuyên bố còn rất ít dân thường ở Đông Ghouta, song tổ chức Cứu trợ Trẻ em thuộc Liên Hợp Quốc cho rằng có khoảng 350.000 người vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến tại khu vực.
Một đoạn video do những nhà hoạt động địa phương ghi lại cho thấy cảnh nhiều phụ nữ, trẻ em cùng tập trung dưới các tầng hầm, chơi đùa và nấu nướng để chờ thời gian trôi qua. Một số người còn chia sẻ những đoạn ghi âm tiếng chiến đấu cơ và trực thăng gầm rú trên đầu, gửi đi lời cầu cứu tuyệt vọng trên các trang mạng xã hội.
Ở vài khu vực ngoại ô Damascus, các không gian dưới lòng đất được kết nối bởi những đường hầm. Firas Abdullah, nhà hoạt động truyền thông địa phương, hôm 21/2 quay lại khung cảnh các đường hầm chật hẹp trong lúc anh đi lại giữa các căn phòng.
"Người dân trú ẩn ở đây để tránh các cuộc bắn phá khủng khiếp", Abdullah nói trong video và thêm rằng một số phụ nữ và trẻ em đã trú ẩn dưới hầm ngầm suốt 72 giờ và đang rất cần thức ăn, nước uống. Tình hình "vô cùng nghiêm trọng".
Những nhóm nhân đạo địa phương cũng gửi đi thông tin tương tự tới các đối tác quốc tế: Nơi an toàn nhất là dưới lòng đất.
Con đường chật hẹp nối các không gian dưới lòng đất.
Sonia Khush, giám đốc tổ chức Cứu trợ Trẻ em Syria, đã làm việc với các nhóm cứu trợ ở Đông Ghouta suốt nhiều năm. Bà cho biết hàng nghìn gia đình phải dành gần như cả tuần dưới các hầm ngầm nhằm tránh bị dội bom. "Thực tế là dù trốn dưới tầng hầm, người dân vẫn không cảm thấy họ an toàn trước những cuộc oanh kích", bà Khush nói. "Tất cả đều vô cùng sợ hãi".
Trên mặt đất, những cảnh tượng hoang tàn như địa ngục có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu. Một đoạn băng đăng tải hôm 19/2 bởi tổ chức Phòng vệ Dân sự Syria cho thấy cảnh người dân bỏ chạy tán loạn trước các đợt không kích liên tục. Đối với không ít người, hầm ngầm trú ẩn là lựa chọn duy nhất. Họ không có cơ hội sơ tán bởi khu vực họ sinh sống đã bị phong tỏa.
Shadi Jad, ông bố trẻ đã sống dưới các hầm ngầm từ đầu tuần, chia sẻ nơi trú ẩn của anh mang đến những cảm xúc lẫn lộn. "Thành thực, tôi thấy nó giống như một nấm mộ nhưng đây là nơi duy nhất còn lại có thể bảo vệ tôi", Jad cho hay.
Dù vậy, theo Jad, cùng chung sống trong một không gian chật hẹp như vậy mang người ta xích lại gần nhau hơn. "Chúng tôi kể cho nhau những câu chuyện, cố gắng đẩy lùi nỗi sợ bằng các mẩu chuyện hài hước", anh nói. "Nơi trú ẩn này giúp làm sâu sắc hơn tình cảm giữa chúng tôi". Gia đình Jad có tổng cộng 9 người cùng ẩn náu dưới tầng hầm.
Các nhóm cứu trợ cảnh báo điều kiện sống tại những hầm ngầm trú ẩn sẽ xấu đi nhanh chóng. Chúng thiếu hệ thống thông gió, điện, nước và nhà vệ sinh. Nhóm cứu trợ địa phương Văn phòng Y tế Thống nhất Ghouta cho biết điều kiện tồi tệ như vậy tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các vấn đề sức khỏe như "bệnh về đường hô hấp, chấy và ghẻ". Thế nhưng, người dân gần như không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.
Một cuộc không kích nhằm vào Đông Ghouta hôm 19/2.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, kể từ ngày 4/2 tới nay, những cuộc không kích nhằm vào các khu dân cư đã khiến ít nhất 346 dân thường thiệt mạng và làm 878 người bị thương.
Hoda Khayti, 29 tuổi, sống từ bé ở Đông Ghouta. Khayti kể gia đình cô đã dành cả tuần dưới tầng hầm. 12 gia đình khác vừa gia nhập cùng họ nên không gian trở nên vô cùng chật chội. Họ có thể nghe thấy tiếng phi cơ liên tục bay qua trên đầu.
"Giây phút đáng sợ nhất là khi bom rơi xuống và quãng thời gian im lặng sau đó", Khayti cho hay. "Chúng tôi thấy như hồn lìa khỏi xác mỗi lần máy bay đến gần và thở phào nhẹ nhõm khi chúng rời đi".
Dù an toàn hơn ở trên mặt đất, Khayti vẫn e dè, chần chừ mỗi khi phải xuống tầng hầm. Cô sợ có thể bị mắc kẹt dưới lòng đất. "Tôi không muốn chết trong tầng hầm", Khayti nói. "Tôi đã chứng kiến cảnh cả một gia đình chết dưới tầng hầm, vừa tuần trước thôi".
Vũ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét