|
Chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh tuần qua của ông Kim Jong-un được cho là cơ hội hiếm hoi để lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên cùng xây dựng hình ảnh và củng cố vị thế của mình.
Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc gặp giúp ông khẳng định vị thế như một người gìn giữ hòa bình trên trường quốc tế. Với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chuyến đi tới Trung Quốc là thời cơ để ông nâng cao vai trò, từng bước gia nhập câu lạc bộ nhà lãnh đạo toàn cầu, theo New York Times.
Ở Triều Tiên, Kim Jong-un thường xuất hiện bên cạnh những quan chức thân tín luôn chăm chú lắng nghe và ghi lại từng lời ông nói. Nhưng khi đến Bắc Kinh, ít nhất là theo cách truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Kim, 34 tuổi, lại là người cặm cụi ghi chép trong lúc ông Tập, 64 tuổi, phát biểu về việc hai nước cần thắt chặt hơn mối quan hệ.
Kim Jong-un ghi chép khi Tập Cận Bình phát biểu. Ảnh: SCMP. |
Hình ảnh này mang đến cảm giác ông Tập là một chính khách già dặn và giàu kinh nghiệm, có khả năng dẫn dắt, giữa lúc ông đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ryan Hass, chuyên gia thuộc Viện Brookings ở Washington, nhận xét cách đưa tin về sự kiện của truyền thông Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh đang "kiểm soát được một thách thức an ninh phức tạp và họ là nhân tố trung tâm trong nỗ lực quốc tế nhằm hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Truyền thông Trung Quốc không đăng nhiều hình ảnh ca ngợi Kim Jong-un nhưng ở phía ngược lại, truyền thông Triều Tiên lại tập trung toàn lực để làm bật "hào quang" xung quanh ông Kim, nhấn mạnh vào hình ảnh ông tươi cười bắt tay Chủ tịch Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lễ đón ở Bắc Kinh. Ảnh: KCNA. |
KCNA cũng đưa đậm hình ảnh đoàn xe hộ tống ông Kim ở Bắc Kinh cùng cảnh Chủ tịch Tập dường như đang nâng cốc chúc rượu ông. Những hình ảnh này không xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc.
Chuyên gia nhận định chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua là màn ra mắt của ông Kim Jong-un với quốc tế. Vậy nên truyền thông Triều Tiên chắc chắn muốn làm nổi bật hình ảnh ông như một nguyên thủ quốc gia đáng tôn trọng, người có thể sánh ngang một trong những lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Thắt chặt quan hệ
Kim Jong-un nói lý do chọn Trung Quốc làm điểm công du đầu tiên.
Ngoài xây dựng vị thế cá nhân cho các lãnh đạo, cuộc gặp còn là cơ hội để Trung Quốc và Triều Tiên xóa tan những tin đồn về sự rạn nứt trong quan hệ song phương, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia từng được ví như "anh em thân thiết như răng với môi".
Dư luận quốc tế thời gian qua rộ lên đồn đoán về nỗi bất bình ở Bắc Kinh khi Bình Nhưỡng tăng cường thử hạt nhân, tên lửa. Dù vậy, trong các bản tin đưa về chuyến thăm của ông Kim tới Trung Quốc, căng thẳng này không được nhắc đến.
Truyền thông Trung Quốc và Triều Tiên khi đề cập đến sự kiện đều miêu tả hai nước giống như những láng giềng thân thiết. Ông Kim được chào đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong tiếng quân nhạc. Các kênh truyền hình, báo chính thống đều đồng loạt đưa tin việc ông Tập, ông Kim và phu nhân cùng háo hức theo dõi một màn biểu diễn nghệ thuật.
"Họ chắc chắn không làm theo kiểu bí mật đưa ông ấy vào theo lối cửa sau", Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thuộc tổ chức Xã hội châu Á ở New York, bình luận. "Trông có vẻ như lãnh đạo Triều Tiên được đón tiếp với những nghi lễ trọng thị nhất".
Qua các hình ảnh truyền thông hai nước đăng tải, ông Kim và ông Tập đều hiện lên như những nhà lãnh đạo đang cùng đồng lòng hướng tới một cam kết hợp tác mới và mối cảm tình cá nhân sẽ giúp đoàn kết họ.
Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện một tình cảm nồng nhiệt với lãnh đạo Triều Tiên, luôn thường trực nụ cười và dành cho ông Kim những cái ôm đầy thiện chí. Ông Kim cũng đáp lại bằng những cử chỉ thân thiện, không quên vẫy tay chào khá lâu trên chuyến tàu rời Bắc Kinh.
Mối quan hệ nồng ấm giữa hai lãnh đạo Trung Quốc - Triều Tiên chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim trong vài tuần nữa. Dù địa điểm diễn ra cuộc gặp chưa được thống nhất, một số nhà phân tích cho rằng ông Tập đang rất muốn đưa nó về Bắc Kinh.
"Khi đó, Trump sẽ giống như người thừa trong một cuộc hẹn hò", Schell nói. "Ông ấy sẽ phải đến Bắc Kinh lần nữa để đối mặt với thế yếu trước hai nước đồng minh cũ đã hàn gắn lại mối quan hệ".
Vũ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét