Hơn 200 đại biểu, trong đó có gần 70 kiều bào từ 24 nước, thăm quần đảo Trường Sa từ 18 đến 28/4 trong hành trình dài 1.000 hải lý. Hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức. Xuất phát từ Cam Ranh, đoàn công tác số 10 đi tàu KN-491 tới thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm và nhà giàn DK-1.
Tại Song Tử Tây, đảo cực bắc của quần đảo Trường Sa, điểm đầu tiên của hành trình, đoàn đại biểu dự lễ chào cờ cùng quân và dân trên đảo bên cột mốc chủ quyền, dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và thăm chùa Song Tử Tây.
Chị Vũ Thị Phương, ban liên lạc cộng đồng tại Singapore (áo cờ đỏ sao vàng) và Cao Sơn Tùng, kỹ sư phần mềm, (áo đỏ) đại diện cộng đồng từ Singapore tặng chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây 10 bộ máy tập thể dục đa năng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, uỷ viên ban chấp hành câu lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan, nghẹn ngào khi hát tặng các chiến sĩ trên đảo Đá Nam. "Tôi thấy các chiến sĩ như người trong nhà mình, cảm giác gần gũi và thân thương vô cùng", chị Huyền nói. Chị cho biết rất cảm phục trước tinh thần quyết tâm "còn người, còn đảo" của chiến sĩ.
Các chiến sĩ trên đảo Đá Nam tặng chị Dương Thị Bích Ngọc, kiều bào Đức, bông hồng do chính tay họ làm từ vỏ ốc. Chị Ngọc cho rằng bông hoa "quý hơn kim cương" và sẽ mang về Đức trưng bày trong tủ kính.
Kiều bào và các thành viên đoàn công tác giao lưu bóng rổ cùng các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn.
Ngày 23/4, tại địa điểm gần Đá Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 được tổ chức long trọng. Cách đây 30 năm, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc bất chấp pháp luật, bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở Trường Sa.
Các cán bộ chiến sĩ tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng". Còn thiếu tá Vũ Huy Lễ chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.
Nhà văn Hiệu Constant, kiều bào Pháp, xúc động trong lễ tưởng niệm.
Sau khi thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, kiều bào lên đảo Trường Sa, nơi được coi là thủ phủ của huyện đảo. Trong ảnh, đoàn thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo Trường Sa.
Các kiều bào giao lưu văn nghệ cùng một chiến sĩ, với sân khấu là cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.
Sáng 26/4, lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên nhà giàn DK1 diễn ra gần nhà giàn DK1/18 xây trên bãi ngầm Phúc Tần. DK1 là tên gọi của Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, nơi các thế hệ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng hai làm nhiệm vụ. Trận bão với gió giật trên cấp 12 hồi cuối năm 1990 làm đổ sập nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, cướp đi sinh mạng của ba cán bộ, chiến sĩ. Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên cũng bị một trận bão lớn năm 1998 xô đổ, làm ba người hy sinh. Họ đã gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền" về Sở chỉ huy Quân chủng trước khi ra đi.
Các quân nhân trên nhà giàn DK1/18 đứng từ xa dự lễ tưởng niệm trên tàu. Cuối buổi, các đại biểu thả hoa xuống biển.
Tại buổi tổng kết chuyến công tác trên tàu, trưởng đoàn Lương Thanh Nghị, phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đại diện đoàn kiều bào trao tặng hơn 230 triệu đồng cho Đại tá Nguyễn Xuân Thanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự, Cục Chính trị Hải quân. Khoản tiền đóng góp nhằm giúp xây nhà văn hoá đa năng tại Trường Sa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét