Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Chuyện truyền kỳ về gã đồ tể có vườn cây cảnh nhất nhì miền Bắc

Nếu khu vườn với khoảng 4.000 cây cảnh của gã mà theo giới thạo chơi đánh giá ít nhất khoảng 50 tỉ đồng chịu nhún nhường nhận thứ nhì thì không biết ở miền Bắc này có vườn nào lại có thể nhận nhất?

Chẳng phải là đại gia, chẳng có biệt phủ gã vẫn ở trong ngôi nhà cũ kỹ mốc thếch, trên cổng có mấy dòng chữ: “Tại đây nhận đặt thịt bò, giò bò, bê thui”…  

2 lần nằm tâm thần Bạch Mai, 1 lần chữa ở tâm thần Trâu Quỳ

Mấy dòng chữ nghệch ngoạc đó gắn với nghề nghiệp của gã một thời: đồ tể mổ trâu bò mà giờ đây vợ con gã vẫn còn ngồi bán thịt mỗi buổi chợ sớm ở huyện. Gã là Nguyễn Văn Thoan ở thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) một người nghiện cây cảnh đến mức cuồng nhất trong những người cuồng tôi đã gặp.


Cái cổng nhà vẫn ghi dòng chữ quảng cáo về nghề mổ bò của gã

Gã từng có tuyên bố chấn động cả vùng quê đất nhãn này khi phóng viên hỏi đại để rằng nếu tình hình cây cảnh cứ xuống giá như thế này thì anh tính sao (sau năm 2011 thị trường cây cảnh suy thoái nghiêm trọng) và được trả lời: “Cùng lắm thì tôi cắt nửa số đất này đem bán là xong chứ gì?”. Đó là 7 lô đất đẹp và rộng của thị trấn Văn Giang theo thời giá khoảng 50 tỉ mà gã mua từ hơn 20 năm trước khi vẫn còn mổ trâu bò với giá vô cùng rẻ mạt. Nay nếu phải bán đối với gã cũng nhẹ tênh như bán một đôi dép rách, một cái xoong nhôm hỏng mà thôi.

Lúc hàng xóm xôn xao chuyện anh Thoan trả lời như thế trên tivi thì gã mới biết chứ bản thân mình cũng chẳng mấy quan tâm, chẳng thèm xem lại. Viết ở trên facebook, gã nói rằng: “Một số bạn ở các tỉnh xa hỏi muốn về nhà anh thăm cây thì hỏi địa chỉ thế nào dễ nhỉ? Trả lời: Các bạn cứ về trung tâm cây cảnh Văn Giang hỏi Thoan cây cảnh hâm thì ai cũng biết nhé. Hoặc quên tên thì hỏi ở Văn Giang ai nhiều cây cảnh nhất hoặc ai cây cảnh bị lỗ vốn nhiều, phải vay nợ nhiều thì Ngân hàng Nông nghiệp huyện họ cũng biết chỉ đường các bạn nhé”.


Người ta bảo tôi là hâm thì tôi nhận ngay

Để đỡ phải giải thích hàng trăm, hàng ngàn lần về lý do nghiện cây cảnh đến mức không thể cai của mình, khách đến chơi nhà thường được gã dúi luôn cho hai tờ giấy A4 trên đó trình bày mạch lạc như sau: “Câu chuyện cây cảnh chữa bệnh. Nhà vườn cây cảnh Ngọc Thoan Văn Giang xin kể câu chuyện cây cảnh còn là thuốc chữa bệnh. Xin chào. Tôi Nguyễn Ngọc Thoan cây cảnh Văn Giang sinh ngày mồng một Tết năm 1963.

15 tuổi đã trải qua bôn ba thăng có, trầm có, thưởng có, phạt có, không thưởng có, không phạt có. Năm 2006 tôi bị bệnh tiểu đường tiểu đường đến năm 2007 tôi bị thêm bệnh trầm cảm. Từ năm 2007 đến năm 2009 tôi bị hai căn bệnh trên hoành hành tôi như tổ mối xông cột cái nhà. Đi hết viện Nội tiết trung ương lại sang Bạch Mai, nhân tiện sang viện Việt Pháp, lại sang phòng khám 127 đường Giải Phóng, lại về Phủ Doãn chụp cộng hưởng từ.

Quay về viện Tâm thần Sài Đồng bác sĩ khám cho tôi uống những viên thuốc ngủ không dày lắm nhưng to như miệng ly uống rượu màu hồng. Tôi biết đó là viên thuốc ngủ hạng nặng nhưng uống vào cũng chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng xong lại tỉnh như sáo sậu. Đầu tháng 12 năm 2009 tôi lại sang viện Bạch Mai lại vào khoa thần kinh, tâm thần. Bác sĩ khám bảo tôi bệnh này có nặng thì đến viện tạm thời chứ không có thuốc nào chữa khỏi, chỉ có anh về đi chơi, giải trí, ham mê môn gì may thì khỏi…”.

Mấy tờ giấy giới thiệu về chuyện cây cảnh chữa bệnh ngoài để dúi vào tay khách gã không quên dúi cho vợ con như một cảnh báo ngầm rằng, tôi quý cây cảnh hơn tất thảy trên đời, đừng hòng đụng đến một cái cây của tôi.Vậy là 23 tháng chạp năm 2009, gã được chuyển thẳng từ khoa tâm thần về nhà nhưng ăn Tết chẳng có gì ngon và vui vẻ cả. Sức khỏe sa sút đến mức đi xe máy không vững nữa còn tinh thần thì bị bào mòn dần bởi những đêm thức trắng triền miên, người cứ dật dờ như một cái bóng ma, thỉnh thoảng hay nghĩ đến cái chết. Có lẽ nào cái nghiệp chướng của nghề đồ tể lại vận vào Thoan hâm? Một số người làng xì xào như thế nhưng một người vô thần, vô thánh chọc trời, khuấy nước đủ trò như gã nào có chịu tin?  

Mua được gần 20 mảnh đất đẹpCả một ngày tôi ngồi với gã ngoài hiên giữa những cơn rung giật mưa gió của cơn bão số 4 để nghe bao chuyện đời nổi chìm. Mây xám xịt, sấm chớp đùng đoàng, mưa hắt như điên lên bàn, lên ghế, lên mặt người. Nhìn ngôi nhà 20 năm tuổi mốc thếch vôi ve chưa một lần quét lại, nghĩ về gã, một gã đồ tể có trong tay tổng tài sản cả trăm tỉ đồng với thú chơi cây không mấy ai bằng.

Khi vẫn còn học dang dở lớp 6 gã đã bỏ quê đi buôn. Gã lên miền ngược như Phú Thọ, Thái Nguyên mua sắn về cho dân miền xuôi chống đói lại mang cà chua từ miền xuôi lên bán cho miền ngược. Mắt gã rất lạ, nhìn đâu cũng ra kiếm tiền. Quá trình lang bạt tôiluyện cho gã đủ nghề từ buôn chuyến, mổ trâu, mổ bò đến thầu cá, thầu nhãn.

Cây Thánh Gióng cưỡi ngựa

Năm 1988 gã thầu tất cả dãy nhãn của xã Văn Phúc kéo dài lên tới tận thị trấn Văn Giang và trúng đậm đến mức bán lãi lờ thỏa thuê rồi vẫn tự thưởng cho mình một chiếc xe Honda 67 trị giá bằng 10 suất đất hồi ấy. Có xe như hổ được chắp thêm cánh, hầu như ngày nào từ 1-2 h sáng gã cũng thức dậy mổ bò, phanh trâu. Những thứ thịt bèo nhèo thì vợ đem bán ở chợ quê còn 1,2-1,5 tạ thịt ngon cùng mớ lòng, tiết sốt gã chất tất sau yên, chở lên tận chợ hàng Bè trên Hà Nội đổ buôn rồi chờ khách đặt tiếp cho buổi sau.

Vì hồi ấy không có điện thoại nên thỉnh thoảng không săn được hàng gã lại phải hộc tốc phi xe máy vượt mấy chục cây số từ Hưng Yên lên Hà Nội để báo lại cho bạn hàng kẻo sợ phật lòng, mất mối. Làm nhiều thành quen nên chẳng cần cân kéo gì gã cầm bằng mắt một con trâu mộng nặng 4-5 tạ đến lúc mổ ra, lượng thịt sai số không mấy khi quá 3-5 kg.

Tiền nhiều nhưng bản tính nông dân chẳng dám ăn, dám tiêu mà gã chỉ chú tâm vào mua đất. Vui lên là mua, thích lên là bán. Thời điểm xã Văn Phúc quê gã chia đất ra bán mà chẳng ai mua, sẵn tiền gã mua luôn một lúc 7 mảnh, mỗi mảnh rộng khoảng 200m2. Lúc đó cũng chẳng nghĩ ngợi sâu xa gì, chỉ thấy rẻ, mỗi mảnh có 10 triệu là mua. Ai ngờ sau này quê gã sáp nhập vào thị trấn, con đường đất năm xưa cứ mưa lại phải vác cả xe đạp trên vai mới đi nổi nay thành đất vàng, đất kim cương trị giá đến 50 tỉ như thế.

Nếu mất vài chục tỉ cho cây cảnh tôi cũng coi như vẫn còn rẻ bởi bệnh trầm cảm của tôi bác sĩ bảo không thể có thuốc chữa, dù có trăm tỉ cũng vậy, mà nay cây cảnh lại chữa được bệnh”.Khoảng 20 mảnh đất lớn nhỏ đã từng qua tay gã, đến nay vẫn còn gần 10 mảnh, đó là không kể đến mảnh của cha ông để lại ở giữa làng cũng đang rất có giá. Đúng lúc có nhiều tiền nhất ấy thì gã đổ bệnh trầm cảm nặng, chẳng muốn trò chuyện, tiếp xúc cùng ai kể cả với người thân đi chăng nữa, ngày ngày chỉ đóng cửa ngồi trong nhà.

Ra Tết năm ấy, gã thấy người vẫn còn thẫn thờ. Một ông cháu quen biết mới rủ gã đi thăm mấy vườn cây cảnh trong vùng may chăng có thể khuây khỏa tinh thần. Nào ngờ gã bập vào và nghiện nặng không thể dứt ra được thú chơi cây cảnh. Chỉ trong năm 2010 gã mua 600-700 cây, nhiều gốc trị giá cả trăm triệu về. Vườn nhà đang có 30 cây cau vua, trước có người trả 5 triệu/gốc gã không bán nay cho chặt hết cùng hơn 40 gốc nhãn đang cho quả, dọn dẹp để lấy mặt bằng, đổ bê tông, lát gạch bày cây cảnh.



Những cái cây độc đáo của gã

Khi hơn 1.000m2 vườn nhà không đủ chỗ chứa nữa thì gã đem gửi cây ở khắp nơi. Năm 2011 cây cảnh lên đến đỉnh, đắt nhất, gã đã ném vào đó 28 tỉ. Cái cách mà “Thoan hâm” mua cây cảnh cũng rất điên rồ hệt như hồi trước, đi mua trâu bò xem khoang, xem khoáy, xem móng, xem răng đã đành nhưng thấy cái tivi, xe máy trong nhà hay hay, thấy đôi lợn trong chuồng đèm đẹp, thấy đàn gà Đông Tảo trong sân có da có thịt là gạ mua. Mà phải là mua vo tròn một mớ, không tách riêng giá từng thứ bên trong, quyết định trong vài ba giây mới là đúng phong cách của gã.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét