Hôm qua, tôi thấy trên Facebook người ta không ngừng tranh luận về bài viết “Học sinh lớp 6... đọc còn phải đánh vần”. Nhiều người tỏ vẻ kinh ngạc vì không hiểu sao em này lại lên tới được lớp 6. Riêng các thầy cô giáo thì lại cảm thấy bình thường, không có gì cá biệt cả. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp ở lớp mình, trường mình đó thôi.
Theo như thông tin báo đưa, em S. (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã lên lớp 6 nhưng đọc, viết còn chưa sõi. Điều lạ là một học sinh yếu như thế lại lên tới được lớp 6.
Ngay cả mẹ em là chị B.T.V cũng cho biết: “Tới 5 tuổi S mới biết nói. Em bị chậm phát triển. S học trước quên sau, lúc viết thì tay em run run và phải đánh vần em mới viết được. Tuy lớp 6 nhưng khả năng đọc còn phải đánh vần. Lúc S viết thì phải dịch từng chữ thì S mới viết được. Gia đình cũng đã từng xin nhà trường để cho con ở lại lớp nhưng không được chấp thuận".
Câu chuyện về em S. khiến cho nhiều người cảm thấy rất ngạc nhiên. Họ không hiểu vì sao mỗi năm em vẫn được lên lớp. Làm sao em có thể vượt qua được các kì thi vậy. Rồi họ không ngừng đặt dấu chấm hỏi về chất lượng dạy học hiện nay. Năm nào ngành cũng báo cáo về sự đổi mới. Rốt cục chất lượng thì chẳng thấy đi lên. Tất cả chỉ vì bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực ra, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Các giáo viên chẳng ai muốn làm chuyện đó cả. Phải đẩy các em lên lớp cũng là chuyện cực chẳng đã. Chẳng ai muốn làm trái lương tâm của nhà giáo cả. Cuối năm những học sinh không đủ điều kiện lên lớp luôn là vấn đề đau đầu của giáo viên. Cho các em ở lại lớp hay lên lớp đều không được. Lên lớp thì sao các em học nổi. Mà ở lại thì nhà trường cũng không đồng ý. Sếp chỉ đạo sao thì thầy cô chấp hành vậy. Thành thử mới có những hiện tượng "học sinh ngồi nhầm lớp".
Nói tóm lại, cũng là do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học. Quy định rõ ràng rồi thì các trường cứ thế mà thực hiện thôi. Chẳng hạn tiêu chuẩn đánh giá trường trung học mức 3 quy định. Vùng khó khăn, không quá 3% học sinh bỏ học, không quá 5% học sinh lưu ban. Các vùng còn lại thì không quá 1% học sinh bỏ học, không quá 2% học sinh lưu ban. Chưa kể các trường còn quy định học sinh cuối cấp đều phải tốt nghiệp 100%. Và kết quả cuối cùng giống như bài báo đã phản ánh.
Đây là những câu chuyện muôn thuở của Giáo dục - “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Thiết nghĩ, muốn thay đổi và không còn hiện tượng "học sinh ngồi nhầm lớp" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh lại những quy định sao cho thật phù hợp.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét