Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ với VnExpress về tình trạng lũ thấp ở miền Tây.
- Lũ năm nay được dự đoán chỉ đạt khoảng 55% trung bình nhiều năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2019, có thể sẽ là thấp nhất trong 10 năm qua. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Nước ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào lượng mưa ở các quốc gia thượng nguồn Mekong. Hàng năm Trung Quốc đóng góp 16% tổng lượng nước, Myanmar 2%, Lào 35%, Đông bắc Thái Lan 18%, Campuchia 18%, Tây Nguyên và mưa tại chỗ đồng bằng chiếm 11%.
Trong đó, vùng mưa Bắc Lào ở Vientiane sang Nghệ An và vùng mưa Nam Lào thuộc tỉnh Champaksak sang Quảng Nam, Kon Tum là hai vùng mưa quan trọng. Khi hai vùng này mưa nhiều, gần như chắc chắn lũ sẽ lớn.
Năm nay, hiện tượng El Nino từ đầu năm đến hết tháng 8, mưa ít trong lưu vực nên sông thiếu nước. Mặt khác, do đầu năm nay toàn lưu vực đã trải qua mùa hạn lịch sử, các sông nhánh và hàng trăm hồ thủy điện trên sông nhánh bị thiếu hụt nước. Mưa đầu mùa đã phải bù vào những nơi này và gần như triệt tiêu, trước khi có nước đổ xuống dòng sông chính để xuôi về hạ lưu.
Bản thân các đập thủy điện ở thượng nguồn không tiêu thụ nước, nhưng chúng làm thay đổi dòng chảy về mặt thời gian qua hoạt động tích-xả của các đập. Khi thiếu nước, các đập phải tích cho đủ độ sâu trước khi xả ra. Nước đi qua chuỗi đập rất lâu vì đập trên tích thì đập dưới phải chờ. Do đó gặp tình huống hạn, thủy điện làm tình hình tồi tệ thêm.
Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, từ tháng 9 La Nina bắt đầu xuất hiện và 75% khả năng kéo dài đến cuối năm, mưa có thể nhiều hơn. Trong tháng 10, nếu đỉnh lũ cao, sau Tết sẽ đỡ hạn mặn vùng ven biển, ngược lại hạn mặn khu vực này sẽ gay gắt, đỉnh điểm là tháng 3-4. Mùa khô sắp tới vì thế cũng sẽ không gay gắt như mùa khô vừa qua.
Năm nay khác hơn so với năm 2019, là El Nino không kéo dài tới cuối năm. Nhờ có La Nina xuất hiện, nước sông Mekong thấp nhưng vùng bán đảo Cà Mau ít ảnh hưởng mặn vì nước ngọt vùng này chủ yếu là nhờ mưa tại chỗ.
- Ủy hội sông Mekong năm 2017 thống kê mỗi năm lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long gây tổn thất khoảng 60 đến 70 triệu USD. Vậy tai sao miền Tây phải ngóng lũ?
- Nước lũ có mặt lợi và mặt hại. Lũ gây vỡ đê, ngập lúa rất dễ tính toán giá trị kinh tế, nhưng những lợi ích của nước lũ thì khó thấy hơn, khó quy ra tiền cho đủ vì quá lớn.
Nước lũ từ sông đổ ra biển hàng năm tạo ra một vùng nước có độ mặn vừa phải. Lũ cũng mang phù sa và một lượng lớn chất dinh dưỡng nuôi nấng hệ sinh thái ven biển, làm cho sản lượng thủy sản biển của Đồng bằng sông Cửu Long bằng tất cả vùng khác của cả nước cộng lại.
Phù sa tạo một lớp nước đục khoảng 30 km tính từ bờ, bao bọc suốt chiều dài hơn 700 km bờ biển đồng bằng. Chính lớp nước mang nặng phù sa này đã miệt mài bồi đắp cho đồng bằng lấn ra biển trong 6.000 năm qua, với tốc độ trung bình 16 m mỗi năm ra hướng Đông và 26 m mỗi năm về hướng Mũi Cà Mau. Lớp nước đục này nặng hơn nước biển xanh, nên có khả năng hấp thu bớt năng lượng sóng biển. Khi lớp nước đục này ít phù sa, ít đục hơn sóng sẽ lấy đất cát của bờ đi để cân bằng năng lượng, gây sạt lở.
Nhờ có nước lũ trong mùa mưa nên sang mùa khô đồng bằng có nước ngọt để cân bằng mặn - ngọt ở vùng ven biển. Khi sông yếu thì biển lấn vào sâu gây xâm nhập mặn. Phù sa lũ dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng, vườn tược. Ngược lại, nước thiếu phù sa sẽ thành nước đói, lấy đi đất cát gây sạt lở bờ sông. Nguồn dinh dưỡng từ phù sa giúp giảm chi phí canh tác, không có phân bón nào có thể thay thế được. Lũ cũng giúp rửa phèn, mầm bệnh, độc chất tích tụ trong đất do quá trình canh tác tạo nên.
Nước lũ hàng năm còn mang về trứng cá và cá con. Ước lượng sản lượng cá trắng của ĐBSCL mỗi năm là 220.000 đến 440.000 tấn, là nguồn dinh dưỡng quan trọng của người dân và hệ sinh thái.
- Lũ thấp bất thường, các hoạt động sản xuất và đời sống dân sinh của gần 20 triệu dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động thế nào?
- Lũ ít, phù sa ít thì thủy sản biển sẽ suy kiệt ảnh hưởng đời sống ngư dân, gia đình của họ lẫn những ngành phụ thuộc như cảng cá, chế biến thủy sản, vận tải, thương mại. Song song đó, chi phí canh tác càng ngày càng tăng cao. Năm nào lũ thấp, sau Tết hạn mặn gia tăng ven biển, sạt lở bờ sông, bờ biển cũng sẽ gia tăng. Từ đó, nhiều công trình lớn sẽ được xây dựng, kèm theo vô số những hệ lụy, đảo lộn tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta không thể đinh ninh và bi đát hóa rằng từ nay đồng bằng sẽ không còn lũ. Nhìn như vậy cũng sẽ rất tai hại vì chỉ nhìn một chiều, phiến diện. Cần phải thấy được bức tranh toàn diện các tình huống.
Như trên đã phân tích, mực nước lũ ở đồng bằng phụ thuộc vào lượng mưa ở các vùng phía trên. Lượng mưa ở các vùng này lại phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Bình thường, lượng mưa các vùng này biến động lên, xuống khoảng 15% giữa các năm, nhưng giữa thập kỷ này với thập kỷ kia có thể chênh lệch nhau 30%.
- Trước đây, để ứng phó với lũ, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã xây đê bao. Trong khi đó, những vùng như Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang mặn vốn từ trong đất lại được chủ trương ngọt hóa. Ông đánh giá thế nào về những công trình này, trong tình hình lũ bất thường như hiện nay?
- Hai vùng trũng đầu nguồn Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lẽ ra là không gian để hấp thu nước lũ, phù sa. Trước đây, nền nông nghiệp tập trung chủ yếu vào sản lượng, mở rộng diện tích và thâm canh nên đê bao khép kín đã được xây dựng rất nhiều để tăng vụ. Nước lũ vì thế bị đẩy đi nơi khác, gia tăng ngập các thành phố, làng mạc phía hạ lưu, còn lại chảy hết ra biển. Sang mùa khô, khi dòng Mekong yếu đi thì bản thân đồng bằng đã kiệt, nước biển lấn vào sâu hơn.
Còn với các dự án ngọt hóa, vào mùa khô, khi các cống ven biển đóng im ỉm trong nhiều tháng, sông ngòi bị cắt đứt liên lạc với thủy triều, không còn chảy hoặc chảy lững lờ, trở thành những "dòng sông đen". Nước ngọt bên trong các công trình ngăn mặn không thể dùng cho sinh hoạt được. Do đó, người dân phải dùng nước ngầm nhiều hơn, làm sụt lún đất.
Song song đó, nhiều công trình đê bao và cống ngăn mặn đã được xây dựng để mở rộng, lấn vùng ngọt vào vùng mặn. Chúng ta hay nói nhiều về "xâm nhập mặn" nhưng lại ít nói về "xâm nhập ngọt". Trong những năm khô hạn cực đoan, các vùng ngọt hóa sẽ rất mong manh, càng gần biển, xa sông thì càng dễ thất thủ. Đó là vì, khi mặn đến sớm thì các vùng này phải đóng kín, "cách ly" tuyệt đối với bên ngoài. Lượng nước ngọt bên trong không thể kéo dài đến giữa mùa khô.
Khi các kênh nội đồng khô kiệt thì càng rút ẩm trong đất ra, cuối cùng là đất bị co ngót, giảm thể tích và sụt lún bề mặt, hư hại đường sá, nhà cửa như đã thấy ở vùng Gò Công, Tiền Giang và Trần Văn Thời, Cà Mau mùa khô năm nay. Lưu ý rằng sự sụt lún này không liên quan gì đến việc sụt lún chung của đồng bằng do khai thác nước ngầm.
Hơn nữa, đối với các vùng ngọt hóa, bản chất của đất là mặn, trước đây có 6 tháng ngọt là do nước mưa đè lên. Nay trong những năm khô hạn, lớp nước ngọt biến mất nhanh, mặn từ trong đất trồi lên. Gặp những năm cực đoan, các công trình ngăn mặn chỉ có thể kéo dài mùa ngọt thêm vài tuần. Đến giữa mùa khô, khi bên trong đã không còn nước ngọt, việc ngăn mặn từ ngoài vào không có tác dụng. Các công trình ngọt hóa cũng đã giúp tăng thu nhập, nhưng trong bối cảnh mới này, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại.
- Ông từng nói với Brian Eyler (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson - Mỹ) rằng ĐBSCL sản xuất phần lớn lúa gạo cho cả nước, nhưng sau 20 năm, thu nhập người dân thấp hơn 10% so với cả nước. Tăng lên ba vụ lúa mỗi năm, bớt lũ, nhưng một gia đình bình quân 5 người phải bỏ đi làm thuê ở thành phố, thay vì sống khỏe như trước đây. Vì sao có sự nghịch lý này?
- Đê bao khép kín cũng ngăn không cho phù sa vào đồng ruộng nên đất đai ngày càng bạc màu. Như đã nói, phân bón không thể thay thế phù sa được. Canh tác ba vụ lúa trong đê bao, chỉ giúp tăng thu nhập trong những năm đầu, nhờ tăng số vụ và vì dinh dưỡng trong đất vẫn còn do phù sa bồi đắp trong quá khứ.
Sau 10 năm, dinh dưỡng suy giảm, chi phí hơi tăng, nhưng vẫn còn có lời. Đến 25 năm, đất cạn kiệt, phân bón tăng, nhưng năng suất giảm. Nhìn bề mặt thì sản lượng và thu nhập tăng cao, nhưng lợi nhuận gần như không còn nữa. Người dân đất ít không còn sinh sống được nữa vì lợi nhuận canh tác không đủ trang trải, trong khi đó rau cá thiên nhiên, nước sông miễn phí ngày xưa cũng không còn.
Tôi đã phỏng vấn khoảng 100 hộ gia đình canh tác ở Đồng Tháp và phát hiện rằng canh tác ba vụ lúa không làm người dân thoát nghèo. Nếu tính cả chi phí đê bao, chi phí thiệt hại thủy sản thì càng canh tác ba vụ quốc gia càng nghèo thêm. Một hộ gia đình trung bình 5 người, trước đây canh tác hai vụ có thể sinh sống được với một ha đất, nhưng nay canh tác ba vụ thì không thể sinh sống được nữa và phải "đi Bình Dương". Còn nếu tính cả chi phí đê bao, thiệt hại thủy sản thì càng canh tác ba vụ quốc gia càng nghèo thêm. Có thể nói, đồng bằng đang đứng trước ngã ba đường, không thể tiếp tục đi theo con đường cũ, sản xuất thâm canh theo số lượng mà cần chuyển theo con đường mới.
Sau một thời gian dài, rất nhiều nơi nông dân và chính quyền địa phương đã nhận ra vấn đề thâm canh không thể bền vững dài lâu được. Nhiều nơi người dân muốn chuyển đổi nhưng lại thiếu nguồn lực.
- Với diễn biến phức tạp của lũ lẫn xâm nhập mặn, giải pháp nào để phục hồi và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, mà không vấp phải tình trạng tự phát manh mún?
- Ba năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, về sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết này đã đưa đồng bằng đến với cơ hội phát triển theo hướng làm kinh tế nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên để bảo đảm sản phẩm vươn tới thị trường giá trị cao hơn. Đến nay đã 3 năm sau khi ban hành, nhìn bên ngoài thì chưa thấy có chuyển biến cụ thể, bởi đó là một Nghị quyết ở tầm cao chiến lược, cần có thời gian và những kế hoạch cụ thể để thực hiện. Chính phủ đang trong quá trình soạn thảo một chương trình tổng thể để thay đổi nền nông nghiệp, song song đó đang soạn thảo một quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp cho miền Tây, do Hà Lan thực hiện.
Việc thực hiện chắc chắn không hề đơn giản, bởi phải đương đầu với những trở ngại ở tầm tư duy, nhất là quán tính tư duy nông nghiệp cũ và những trở ngại ở thực địa. Tư duy chiến lược liên hoàn trong phát triển hàm chứa trong Nghị quyết này cũng dễ bị hiểu đơn giản là "chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", như cách làm lâu nay mà không tính đến chất lượng, thị trường, môi trường bị ảnh hưởng như thế nào và tác động xã hội, đến người nông dân ra sao.
Đối với nông nghiệp, "liên hoàn kế" nên được hiểu là giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị thông qua chế biến và chuỗi giá trị, vươn tới thị trường giá trị cao. Cùng với việc xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì nên hạn chế ngăn mặn, cản trở dòng chảy để phục hồi thủy sản biển, phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún.
Diễn tả một cách dễ hình tượng, nếu chỉ dừng lại ở "chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi" thì giống như một người vẫn ở trong căn phòng và loay hoay thay áo nọ sang áo kia, thì vẫn là trong căn phòng ấy. Thị trường vẫn như thế, vẫn bán sản phẩm thô, vẫn can thiệp thô bạo vào tự nhiên thì không thể cải thiện gì nhiều được.
Lâu nay, tư duy quy hoạch phát triển đồng bằng chỉ chú trọng ba điều: đất liền, nước ngọt cho sản xuất và hệ canh tác nước ngọt, chủ yếu là lúa, bỏ qua môi trường nước sông ngòi và sự liên thông với biển. Từ đó không ngại can thiệp thô bạo, trái quy luật tự nhiên bằng những công trình lớn ngăn dòng chảy, ngăn cách sông ngòi nội địa với biển, tách đồng ruộng ra khỏi nước lũ hàng năm. Cần dẹp bỏ được sự cát cứ trong quy hoạch theo ngành và cục bộ địa phương, bỏ quên lợi ích tổng thể của cả vùng.
Trước mắt, cần có thêm nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tranh luận để làm rõ nội hàm của Nghị quyết, nhìn nhận lại những quan niệm về an ninh lương thực, phát triển bền vững. Những quy luật tự nhiên của vùng đồng bằng châu thổ cần được hiểu và tôn trọng.
- Là con nhà nông, sinh ra và lớn lên ở Hậu Giang, ký ức của ông về miền Tây xưa và hiện nay đã thay đổi như thế nào?
- Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở một làng quê Hậu Giang. Trước nhà là con sông nhỏ, ngày hai lần nước lớn nước ròng lên xuống, nước chảy đổi chiều. Nước lớn lên đầy ắp, nước ròng xuống gần cạn sông. Mỗi tháng hai lần nước rong vào ngày rằm và ba mươi âm lịch, nước lên cao nhất là ba mươi tháng 8 và rằm tháng 9. Mỗi năm có hai mùa, mùa nước nổi nước ngập sân nhà, mùa khô sông cạn, gặp lúc nước ròng thì ghe xuồng khó đi.
Phía sau là vườn cây ăn trái, sau nữa là đồng lúa. Tôi còn nhớ, thời đó đi học về là quăng cặp sách, vác câu lưới ra đồng hoặc nhào xuống sông bơi lội, mò tôm cá bằng tay trong các gốc cây. Một mình tôi, cậu bé hơn 10 tuổi, cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cả nhà sau vài giờ, không tốn chi phí. Lúa thì làm hai vụ, một vụ thần nông mùa hè và một vụ lúa múa thu hoạch ngay sau Tết. Sau đó bỏ đất trống phơi rạ. Chiều chiều chạy trên đồng, thả diều giấy tự làm, nên mới có "quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng" như trong thơ của Đỗ Trung Quân.
Ngày xưa, nhà nào cũng có cái lu, xách nước sông đổ vào lu, lấy cục phèn quậy vài vòng vào nước cho phù sa lắng xuống và dùng nước đó nấu ăn, uống hoàn toàn lành mạnh. Ngày xưa cũng có ô nhiễm nhưng rất ít và chỉ là ô nhiễm hữu cơ ở những nơi nào có chuồng heo hay ao cá thải thẳng ra sông, nhưng phần lớn sông ngòi là sạch. Nhà ai cũng có cây cầu xuống sông để già, trẻ, nam nữ đều xuống sông tắm. Gần như ai cũng biết bơi lội, biết bắt cá bằng chài, lưới, câu.
Nhìn lại, có thể thấy người dân rất nghèo về tiền, không có điện, không có tủ lạnh, điện thoại hay tivi như bây giờ, nhưng không ai đói, đời sống khá là dễ dàng, trong lành không căng thẳng. Tính cách con người cũng vui vẻ hơn, hào sảng, đôn hậu, chất phác, hiếu khách, lễ nghĩa hơn ngày nay.
Còn bây giờ, thay đổi quá nhanh, chỉ trong vòng một thế hệ mấy chục năm. Ai cũng giàu hơn, tiền nhiều hơn, trong nhà nông thôn có điện, có tivi, điện thoại, tủ lạnh, xe cộ, đường sá, và nhiều phương tiện hơn. Nhưng xem ra đời sống căng thẳng, nét văn hóa của người miền Tây mất dần. Không còn "tuổi thơ con thả trên đồng" nữa và quê tôi không còn ai tắm con sông quê nữa vì rất ngứa. Tôm cá trong ruộng vườn không còn vì đê bao khép kín khắp nơi.
Trong mương vườn ngày xưa, mùa nước nổi mang phù sa vào lắng đáy mương. Sang mùa khô, lấy đất bùn màu vàng mỡ gà này bồi lên gốc gây rất tốt. Ngày nay, đất bùn trong mương màu đen, thiếu oxy, lấy bồi lên gốc sẽ chết cây vì ngộ độc. Cây trái bây giờ phải ăn phân bón và sống nhờ thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Hóa chất đi vào trái cây, xuống mương, xuống sông, và từ đó chỉ cách một cái bàn ăn là đi vào mạch máu con người.
Ngày nay, có một nghịch lý lớn là đa số trẻ em nông thôn không biết bơi, vì không có chỗ để bơi, đê bao khép kín và sông ngòi ô nhiễm và cũng quen đi xe hai bánh hơn là đi ghe xuồng như xưa. Trong khi đó, trẻ em thành phố bơi lội giỏi hơn vì có hồ bơi.
Sông bây giờ cũng vắng bóng người, vì ngày nay người ta chạy xe vù vù trên bờ. Giờ đi vào làng quê thấy vắng vẻ hơn, chỉ thấy người già, người lớn trên 40 tuổi, còn người trẻ đã "đi Bình Dương", đến Tết mới về một lần.
Hoàng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét