Ukraine có thể đã dùng tên lửa S-200 hoặc loại UAV mới để hạ máy bay "mắt thần" A-50, song cũng có khả năng nó bị phía Nga bắn nhầm.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 23/2 thông báo lực lượng nước này đã bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50 trị giá 350 triệu USD của Nga.
Đây được coi là tổn thất lớn với không quân Nga, do mẫu phi cơ được coi là "mắt thần trên không" này có khả năng phát hiện vật thể bay từ khoảng cách 800 km và mục tiêu mặt đất từ cách 300 km, cho phép Nga xây dựng bản đồ tác chiến đường không sâu trong lãnh thổ Ukraine mà không cần hoạt động gần chiến tuyến.
Năng lực này cũng giúp chiếc phi cơ có thể phát hiện các vật thể bay thấp ở những khu vực mà radar mặt đất không thể quan sát, từ đó phát cảnh báo cho lực lượng Nga hoạt động trên tiền tuyến về nguy cơ bị tập kích.
Nhưng khả năng đó lại không giúp được chính những chiếc A-50 bị bắn hạ. Đây là "máy bay mắt thần" thứ hai Ukraine tuyên bố phá hủy trong năm nay, sau chiếc đầu tiên vào giữa tháng 1. Nga hiện sở hữu 9 chiếc A-50, trong đó ba chiếc còn đầy đủ năng lực hoạt động, bao gồm hai chiếc vừa bị bắn hạ. 6 phi cơ còn lại đang được đại tu và chưa thể đưa vào tác chiến.
GUR không cho biết khí tài nào đã được sử dụng để hạ chiếc A-50. Trong video chia sẻ trên mạng xã hội, chiếc máy bay liên tục thả mồi bẫy nhiệt, cho thấy nó dường như đang bị tên lửa tấn công, trước khi rơi xuống một địa điểm ở tỉnh Krasnodar.
Tờ Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin từ cơ quan này tiết lộ phòng không Ukraine đã dùng hệ thống phòng không S-200 đời cũ để bắn rơi máy bay "mắt thần". Một số tài khoản mạng xã hội cũng nêu khả năng Ukraine đã sử dụng hệ thống S-200 kết hợp với radar điều khiển hỏa lực của tổ hợp S-300 để phá hủy phi cơ.
"Thứ gì đó không phải Patriot đã bắn hạ chiếc A-50", chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nói. "Máy bay bị tập kích khi đang ở cách tiền tuyến tại miền nam Ukraine khoảng 200 km. Hệ thống Patriot chỉ có tầm bắn khoảng 140 km, trong khi S-200 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 250 km".
Tuy nhiên, Sameer Joshi, sĩ quan không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu và hiện là CEO một công ty chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV), cho rằng Ukraine đang dùng một loại vũ khí mới để đối phó A-50 Nga.
Theo ông, chiếc phi cơ trúng đạn khi đang bay ở độ cao khoảng một km, nên chỉ có thể bị bám bắt bởi radar ở cách đó dưới 112 km. Trong khi đó, tất cả hệ thống phòng không S-200 Ukraine đều được bố trí ở cách địa điểm chiếc A-50 bị rơi từ 200 km trở lên.
"Tên lửa S-200 không có hệ thống dẫn đường chủ động ở pha cuối, nên đây không thể là đạn của tổ hợp này", Joshi nêu quan điểm. Ông nhận định Ukraine dường như đang che giấu "vũ khí bí mật" chuyên dùng để hạ máy bay của Nga ở khoảng cách xa.
Dựa trên video, Joshi cho rằng Kiev có thể sở hữu một loại UAV đã được chỉnh sửa để có thể tập kích mục tiêu đối phương ở cách hơn 200 km, được dẫn đường bằng dữ liệu mục tiêu do các hệ thống trinh sát tầm xa của phương Tây cung cấp. Mẫu UAV này có khả năng phóng tên lửa tầm nhiệt Stinger hoặc ASRAAM với độ chính xác cao.
Joshi cho biết mẫu UAV bí mật của Ukraine có thể tương đồng sản phẩm thuộc Dự án Longshot của Mỹ. Đây là loại UAV được thiết kế để mang theo tên lửa không đối không, giúp tăng đáng kể tầm bắn hiệu quả.
"Một phiên bản Longshot của Ukraine có thể đã thành hiện thực. Trong video, hệ thống phòng không dưới mặt đất của Nga dường như đã được kích hoạt để nhắm bắn chiếc UAV, trong lúc nó đang phục kích chiếc A-50", chuyên gia này nói.
Một khả năng khác có thể là do máy bay A-50 đã bị chính lực lượng phòng không Nga bắn nhầm, theo một số tài khoản mạng xã hội thân Moskva. Rybar, kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu người theo dõi, nhận định rằng phòng không nước này có thể đã bị tên lửa đối phương đánh lừa và vô tình nhắm mục tiêu vào chiếc A-50.
"Không thể loại trừ khả năng đối phương đã cố ý phóng tên lửa phòng không, như tên lửa S-200 Vega cải hoán, về phía chiếc phi cơ, nhằm khiêu khích lực lượng Nga bắn trả. Binh sĩ Nga đã xác định nhầm chiếc A-50 là mục tiêu và tấn công nó", Rybar viết.
Mexico City, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, đang đối mặt khủng hoảng nước nghiêm trọng.
Alejandro Gomez thiếu nước sinh hoạt hơn ba tháng nay, thường chỉ hứng được một hai thùng suốt vài tiếng sau đó lại mất nước nhiều ngày. Gomez, sống ở quận Tlalpan của Mexico City, thủ đô Mexico, không lắp bể trữ nước cỡ lớn nên không thể lấy nước từ xe tải. Thay vào đó, anh và gia đình tìm cách tận dụng và tích trữ. Mỗi khi tắm rửa, họ hứng lại nước tắm để dội vệ sinh.
"Chúng tôi cần nước, nước là thứ thiết yếu cho mọi thứ", anh nói.
Tình trạng thiếu nước không hiếm ở khu phố, nhưng lần này khác. "Bây giờ, thời tiết nắng nóng. Mọi chuyện có thể còn nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn", Gomez bày tỏ.
Mexico City, đô thị rộng lớn với gần 22 triệu dân, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, xuất phát từ hàng loạt vấn đề như địa lý, phát triển đô thị thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều năm lượng mưa thấp bất thường, mùa khô kéo dài và nắng nóng gây thêm áp lực cho hệ thống nước vốn chật vật đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Giới chức buộc phải hạn chế hút nước từ hồ chứa.
"Một số vùng lân cận đã thiếu nước suốt nhiều tuần và 4 tháng nữa mới đến mùa mưa", Christian Domínguez Sarmiento, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), nói.
Các chính trị gia đang cố xua đi bất an của người dân về cuộc khủng hoảng, nhưng một số chuyên gia cho hay tình hình đang rất nghiêm trọng và Mexico City có thể cạn sạch nước ở một số khu vực trong những tháng tới.
Thành phố Mexico City nằm trên vùng vốn là lòng hồ. Xây dựng trên vùng đất sét, thành phố đang sụt dần và dễ gặp động đất cũng như tổn thương trước biến đổi khí hậu. Đây không phải nơi lý tưởng để xây dựng đô thị lớn ngày nay.
Các vùng đất ngập nước và sông ngòi đã bị thay thế bằng bê tông và nhựa đường. Vào mùa mưa, thành phố ngập lụt còn mùa khô, đất đai khô cằn.
Khoảng 60% nguồn nước cung cấp cho Mexico City lấy từ tầng ngậm nước, nhưng nguồn nước này bị khai thác quá mức đã đẩy tốc độ sụt lún của thành phố nhanh tới đáng sợ, với hơn 50 cm mỗi năm. Tốc độ bổ sung nước cho tầng ngậm nước không đủ nhanh, bởi nước mưa chảy khỏi bề mặt cứng, không thấm nước của thành phố thay vì ngấm xuống đất.
Phần nước sinh hoạt còn lại hút từ các nguồn bên ngoài. Quy trình này kém hiệu quả khiến 40% lượng nước bị thất thoát. Hệ thống nước Cutzamala, mạng lưới các hồ chứa, trạm bơm, kênh rạch và đường hầm, cung cấp khoảng 25% nước sinh hoạt cho Thung lũng Mexico, khu vực bao gồm cả thành phố Mexico City. Nhưng hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới nguồn nước này. Hiện tại, mạng lưới chỉ đầy 39% sức chứa, mức thấp nhất lịch sử.
Hồi tháng 10/2023, ủy ban nước quốc gia Mexico (Conagua), tuyên bố sẽ giảm lượng nước lấy từ Cutzamala 8%, "để đảm bảo cung cấp nước uống cho người dân nếu hạn hán nghiêm trọng".
Chỉ vài tuần sau, giới chức siết chặt hạn chế, giảm gần 25% lượng nước lấy từ hệ thống với lý do thời tiết. "Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để phân phối lượng nước mà Cutzamala có, để đảm bảo không hết nước", Germán Arturo Martínez Santoyo, tổng giám đốc Conagua, nói.
Một báo cáo tháng này cho thấy khoảng 60% diện tích Mexixco đang trải qua hạn hán từ trung bình đến nghiêm trọng. Gần 90% diện tích Mexico City đang hạn hán nghiêm trọng và tình hình sẽ xấu hơn bởi vài tháng nữa mới đến mùa mưa.
"Chúng tôi đang ở giữa mùa khô, nhiệt độ sẽ tăng và kéo dài cho tới tháng 4 hoặc tháng 5", June Garcia-Becerra, phó giáo sư ngành bách khoa Đại học Bắc British Columbia, nói.
Các hiện tượng thời tiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mexico. Ba năm La Nina khiến khu vực hạn hán, còn El Nino năm ngoái đem tới mùa mưa ngắn không đủ bổ sung cho hồ trữ nước.
Xu hướng nóng lên toàn cầu kéo dài do tác động của con người vẫn tiếp diễn, khiến mùa khô dài hơn và nắng nóng gay gắt hơn. "Biến đổi khí hậu khiến hạn hán nghiêm trọng hơn do thiếu nước", Sarmiento cho hay. Nhiệt độ cao cũng khiến nước trong hệ thống Cutzamala bốc hơi.
Đợt nắng nóng nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng vào mùa hè năm ngoái khiến ít nhất 200 người thiệt mạng ở Mexico. Theo một báo cáo khoa học, những đợt nắng nóng này "gần như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đặt gánh nặng lên khó khăn vốn có của thành phố, nơi hệ thống nước không theo kịp tốc độ tăng dân số.
Cuộc khủng hoảng gây tranh luận gay gắt về việc liệu thành phố có đến ngày cạn sạch nước hay không, khi hệ thống Cutzamala rơi xuống mực nước thấp tới mức không thể cung cấp cho thành phố.
Truyền thông địa phương hồi đầu tháng 2 đưa tin một quan chức Congagua cho hay nếu không có mưa lớn, "ngày cạn nước" có thể tới sớm nhất vào 26/6. Tuy nhiên, chính quyền cam kết sẽ không có ngày này.
Trong cuộc họp báo ngày 14/2, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho hay chính quyền đang giải quyết vấn đề nước. Thị trưởng Mexico City Martí Batres Guadarrama tuyên bố thông tin về "ngày cạn nước" là tin thất thiệt do phe phái đối nghịch tung ra.
Conagua từ chối yêu cầu phỏng vấn và không trả lời câu hỏi cụ thể về "ngày cạn nước", Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang ngoài tầm kiểm soát.
"Mexico City có thể hết nước trước khi mùa mưa đến nếu tiếp tục sử dụng nước theo cách hiện nay", bà Sosa-Rodríguez cảnh báo.
Điều này không có nghĩa là hệ thống cung cấp nước sẽ hoàn toàn sụp đổ bởi thành phố không chỉ phụ thuộc vào một nguồn. Mexico City sẽ không giống tình cảnh của Cape Town ở Nam Phi, nơi gần như cạn sạch nước năm 2018 sau đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều năm.
"Một số nhóm người vẫn có nước sử dụng", bà nói, "nhưng đa số thì không".
Raúl Rodríguez Márquez, chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nước phi lợi nhuận, nhận định thành phố sẽ không cạn nước trong năm nay nhưng cảnh báo điều này sẽ xảy ra nếu không hành động.
"Chúng ta đang ở trong tình thế nguy cấp và có thể rơi vào tình huống cực đoan trong vài tháng tới", ông nói.
Trong gần 10 năm, bà Sosa-Rodríguez liên tục cảnh báo giới chức về nguy cơ ngày cạn nước đối với Mexico City. Bà đánh giá biện pháp là xử lý nước thải tốt hơn để tăng lượng nước sẵn có và giảm ô nhiễm, đầu tư hệ thống thu và xử lý nước mưa giúp người dân giảm phụ thuộc vào mạng lưới nước và xe chở nước 30%.
Khắc phục đường ống rò rỉ sẽ giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn, giảm lượng nước phải khai thác từ tầng ngậm nước. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên như hồi sinh sông ngòi và vùng đất ngập nước, sẽ giúp cung cấp hệ thống giữ nước và lọc nước, đồng thời đạt lợi ích phủ xanh và làm mát thành phố.
Trong tuyên bố trên trang web, Conagua cho hay đang tiến hành dự án dài ba năm để lắp đặt, phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng nước nhằm giúp thành phố đối phó tình trạng suy giảm hệ thống Cutzamala, bao gồm bổ sung giếng mới và vận hành các nhà máy xử lý nước.
Nhưng trong lúc này, căng thẳng đang gia tăng khi người dân một số khu vực sống trong tình trạng thiếu nước, trong khi người ở khu vực khác, thường là những khu phố giàu có hơn, đa phần không bị ảnh hưởng.
"Rõ ràng có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận nguồn nước trong thành phố và điều này liên quan thu nhập của người dân", Sosa-Rodríguez nói. Ngày cạn nước có thể chưa xảy ra trên toàn thành phố Mexico City, nhưng một số khu dân cư đã đối mặt ngày này trong nhiều năm.
Amanda Martínez, cư dân ở quận Tlalpan, cho biết đối với người dân ở đây, tình trạng thiếu nước không có gì mới. Cô và gia đình thường phải trả hơn 100 USD cho một téc nước mua từ xe tải. Nhưng tình hình đang xấu đi. Đôi khi khu phố mất nước một đến hai tuần và có thể một ngày nào đó, cạn nước hoàn toàn.
"Tôi cho rằng chưa ai chuẩn bị được cho tình huống đó", cô nói.
Gây chú ý với ý tưởng triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine, ông Macron dường như muốn ghi điểm chính trị và thể hiện sức mạnh tập thể của NATO.
Trong bối cảnh quân đội Ukraine liên tiếp hứng chịu thất bại trên chiến trường, các lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt những cuộc tranh luận gay gắt về cách hỗ trợ tốt nhất cho Kiev. Ngay cả ý tưởng triển khai quân tới Ukraine, điều từng được xem là phương án cấm kỵ, giờ đây cũng được đề cập.
Tại cuộc họp ở Paris ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các lãnh đạo châu Âu "chưa đạt sự đồng thuận về việc đưa quân vào cuộc xung đột ở Ukraine", song thêm rằng "không nên loại trừ bất kỳ điều gì" và khẳng định phương Tây sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn Nga chiến thắng.
Từ chối nêu cụ thể quốc gia nào đang cân nhắc phương án điều quân đến Ukraine, ông Macron cho biết muốn giữ "tính mập mờ chiến lược" liên quan tới chủ đề nhạy cảm này. Tuy nhiên, điều đó dường như khiến nhiều đồng minh phương Tây khó chịu.
Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech và nhiều nước châu Âu khác tuyên bố không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước này cho biết họ không muốn lực lượng của mình tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, cũng như không muốn đụng độ trực tiếp với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một ngày sau phát biểu của ông Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này phản đối bất kỳ ý tưởng triển khai quân nào tới Ukraine.
"Tại Paris hôm qua, chúng tôi nhất trí rằng mọi người cần làm nhiều hơn để giúp Ukraine. Kiev cần vũ khí, đạn dược và khả năng phòng không. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết những vấn đề đó. Song rõ ràng là sẽ không chuyện gửi quân đội của các nước châu Âu hoặc NATO tới nước này", ông Scholz viết trên mạng xã hội.
Các nhà bình luận của Reuters cho rằng bình luận của ông Macron phù hợp với hình ảnh người thích phá vỡ những điều cấm kỵ và quy tắc thông thường. Bằng cách từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Pháp đã thách thức quan điểm phổ biến rằng động thái như vậy sẽ làm leo thang nghiêm trọng nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện giữa NATO và Nga, kịch bản có thể châm ngòi Thế chiến III và đẩy nhân loại vào cảnh hủy diệt.
Khi nỗ lực hỗ trợ Ukraine của Mỹ vấp nhiều trở ngại từ quốc hội nước này, giới quan sát cho rằng ông Macron đang cố gắng lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Washington để lại và cảnh báo Nga về sức mạnh tập thể của liên minh phương Tây.
Hội nghị các lãnh đạo châu Âu tại Paris tạo cơ hội để ông Macron thể hiện hình ảnh là một chính trị gia mạnh mẽ và có quan điểm cứng rắn với Nga. Bằng cách nêu ý tưởng về biện pháp quân sự trực tiếp ở Ukraine, Tổng thống Pháp dường như muốn thúc đẩy lời kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng của mình, cũng như chấm dứt cái mà ông gọi là "sự phụ thuộc nguy hiểm" vào chiếc ô an ninh của Mỹ.
Macron cho rằng châu Âu đã nhiều lần vượt qua những điều cấm kỵ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Khi chiến sự mới nổ ra, nhiều nước châu Âu cho rằng chỉ nên chuyển "túi ngủ và mũ sắt" cho Ukraine, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm.
Đức đã chuyển cho Ukraine xe tăng, thiết giáp, trong khi Anh, Pháp cung cấp tên lửa tầm xa, những vũ khí họ từng cho rằng sẽ chọc giận Nga và khiến chiến sự vượt tầm kiểm soát. Tổng thống Macron dường như tin rằng việc nêu ý tưởng đưa quân tới Ukraine sẽ là cách "vượt lằn ranh đỏ" khác của châu Âu.
Tuy nhiên, cách "ghi điểm chính trị" này của Tổng thống Pháp đang phản tác dụng, theo Jana Puglierin, nhà nghiên cứu chính sách tại tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) ở Đức.
Ý tưởng của ông Macron "gây ra chia rẽ không cần thiết đối với NATO, khi những thành viên liên minh vốn hoài nghi về ý tưởng này. Đây không phải là cách thúc đẩy đoàn kết và sức mạnh của châu Âu", Puglierin nhận định.
Các quan chức Pháp sau đó đã lên tiếng giải thích rằng ông Macron chỉ muốn thúc đẩy tranh luận và ý tưởng được nêu ra không liên quan tới binh sĩ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
"Chúng tôi phải cân nhắc tất cả các hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những điều này phải đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể, như rà phá bom mìn, bảo vệ an ninh mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ trên lãnh thổ Ukraine", Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói.
Cho đến nay, NATO chỉ giới hạn hỗ trợ Ukraine trong việc giúp huấn luyện lực lượng quân sự và cung cấp một số loại vũ khí nhất định. Các quốc gia thành viên liên minh lo ngại đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga ở Ukraine sẽ tiềm ẩn nguy cơ leo thang lớn. Tổng thống Vladimir Putin và các bộ trưởng Nga thường xuyên cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột lớn hơn.
Điện Kremlin cũng cảnh báo động thái điều quân tới Ukraine sẽ khiến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga trở thành điều "không thể tránh khỏi". Đây là kịch bản mà nhiều nước phương Tây luôn tìm cách tránh.
Tướng Onno Eichelsheim, sĩ quan quân đội hàng đầu của Hà Lan, cho rằng khi đề cập tới vấn đề gửi quân tới Ukraine, ông Macron có thể chỉ muốn nói rõ với lãnh đạo Nga rằng liên minh phương Tây sẽ không bỏ qua bất kỳ lựa chọn nào. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định ý tưởng này là điều xa vời và "tôi không nghĩ các nước NATO sẵn sàng làm điều đó".
Cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Estonia (EDF) Riho Terras cho rằng phát biểu mới của Tổng thống Macron không thực tế và dường như chỉ muốn thể hiện bản thân là lãnh đạo châu Âu dũng cảm, trái ngược với sự thận trọng của Thủ tướng Đức.
"Chúng ta cần xem xét khả năng ông Macron nói như vậy vì biết rõ rằng ông Scholz sẽ không thể thuyết phục cử tri Đức và sẽ phản đối ý tưởng", Terras nói. Trong bối cảnh đó, ông Macron nổi lên "như một hiệp sĩ dũng cảm nhưng bị Đức cản trở làm những điều tốt đẹp cho Ukraine".
Ông Terras thêm rằng thực tế Đức là nước đóng góp hỗ trợ đáng kể và trở thành nước ủng hộ Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, trong khi Pháp dường như chủ yếu hỗ trợ Ukraine bằng lời nói thay vì hành động. Mỹ cho đến nay đã cam kết viện trợ song phương cho Ukraine lên tới hơn 75 tỷ USD, trong khi Đức là hơn 24 tỷ USD và Pháp khoảng 2 tỷ USD, theo US News.
"Bởi vậy, tôi không tin vào những lời hô hào đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters, The Conversation, ERR, WSJ)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen kêu gọi sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây để mua thiết bị quân sự cho Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng 220 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga, trong đó khoảng 90% do công ty dịch tài chính Euroclear ở Bỉ nắm giữ. Ước tính khoản lợi nhuận từ số tài sản này có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
"Đã đến lúc bắt đầu thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận lớn từ tài sản bị đóng băng của Nga để mua thiết bị quân sự cho Ukraine", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm nay.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi tìm cách hỗ trợ nỗ lực chống Nga của Ukraine bằng cách khai thác các tài khoản ngân hàng, khoản đầu tư và nhiều tài sản bị đóng băng của Moskva kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022. Kiev cho biết nước này rất cần thêm hỗ trợ về quân sự và tài chính trong bối cảnh gói viện trợ bổ sung 60 tỷ USD của Mỹ mắc kẹt ở quốc hội.
"Dù có hay không có sự hỗ trợ từ các đối tác, chúng ta cũng không thể để Nga giành chiến thắng. Cái giá phải trả cho sự bất an và cho chiến thắng của Nga lớn hơn rất nhiều bất kỳ khoản tiết kiệm nào của chúng ta bây giờ", bà nói với các nhà lập pháp.
Bà Leyen nhấn mạnh hỗ trợ Ukraine cũng chính là cách châu Âu chịu trách nhiệm cho an ninh của chính họ.
"Mối đe dọa chiến tranh có thể chưa xảy ra, nhưng không phải là không thể xảy ra. Không nên thổi phồng quá mức rủi ro chiến tranh, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng", bà nói.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi tháng 12/2023 cho biết Moskva sẽ đáp trả tương xứng nếu EU chuyển lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Mỹ, EU và các đồng minh đã giáng nhiều đòn trừng phạt với Moskva nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến sự. Một trong số đó là phong tỏa khoảng 50% dự trữ vàng và ngoại tệ của Moskva ở nước ngoài, trị giá khoảng 330 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Biden cho rằng ông Trump "già không kém gì mình" và chế nhạo sự cố nói nhầm của người tiền nhiệm.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình NBC Seth Meyers hôm 26/2, khi được hỏi về những chỉ trích nhằm vào vấn đề tuổi tác bản thân, Tổng thống Mỹ Joe Biden, 81 tuổi, đáp trả: "Phải nhìn vào người đàn ông kia kìa", ám chỉ cựu tổng thống Donald Trump, 77 tuổi.
"Ông ấy cũng lớn tuổi như tôi, nhưng ông ấy còn không nhớ nổi tên vợ mình", ông Biden nói, đề cập tới việc ông Trump gọi nhầm vợ mình, Melania, là "Mercedes" khi phát biểu tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC) cuối tuần trước.
Tổng thống Mỹ nói thêm cử tri không chỉ nên xem xét độ tuổi của các ứng viên mà nên xem "những ý tưởng của họ chín chắn ra sao".
"Hãy nhìn người đàn ông này xem, ông ấy muốn kéo chúng ta thụt lùi. Ông ấy muốn đưa chúng ta về thời trước vụ kiện Roe chống lại Wade (phán quyết Tòa Tối cao Mỹ về quyền phá thai), ông ấy muốn khiến chúng ta thay đổi những vấn đề mà nước Mỹ vốn có lập trường vững chãi suốt 50, 60 năm qua", Tổng thống Biden nhắc về người tiền nhiệm Trump.
Tổng thống Mỹ nói các lãnh đạo nước ngoài đang lo sợ khi nghĩ tới kịch bản ông Trump tái đắc cử có thể tác động tiêu cực tới quan hệ của Mỹ với các nước.
"Nền dân chủ đang bị đe dọa. Sự thật là vậy", ông Biden nói.
Những bình luận của Tổng thống Biden có thể đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược truyền thông tranh cử của ông chủ Nhà Trắng để đối phó với ông Trump. Cựu tổng thống thường không trực tiếp chỉ trích tuổi tác của ông Biden, nhưng miêu tả người kế nhiệm là "thiếu minh mẫn", "có vấn đề về nhận thức".
"Tôi có nhiều bạn bè ngoài 80 tuổi. Tuổi tác thật thú vị vì một số người vẫn rất sắc sảo và một số người lại mất đi điều đó", ông Trump nói trong chương trình của người dẫn chương trình Megyn Kelly hồi cuối năm ngoái. "Không phải là ông Biden quá già, ông ấy chỉ đơn giản là kém cỏi thôi".
Ông Biden và ông Trump đang là hai gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ và Cộng hòa, có khả năng cao sẽ tái đấu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Nếu tái đắc cử, nhiệm kỳ hai của ông Biden sẽ kết thúc vào năm ông 86 tuổi. Nếu ông Trump giành chiến thắng, ông sẽ điều hành nước Mỹ tới khi ngoài 80.
Ngoại trưởng Pháp cho biết phương Tây có thể điều quân tới Ukraine để hỗ trợ quân đội nước này trong một số hoạt động, song không trực tiếp tham chiến.
"Chúng ta cần xem xét những hành động mới để hỗ trợ Ukraine", Ngoại trưởng Stephane Sejourne nói với các nghị sĩ Pháp trong cuộc họp ngày 27/2. "Những hành động đó phải đáp ứng nhu cầu rất cụ thể, đặc biệt là rà phá bom mìn, phòng thủ trên không gian mạng, sản xuất vũ khí tại Ukraine".
Theo ông Sejourne, một số hoạt động nói trên "có thể yêu cầu hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu".
"Chúng tôi không loại trừ điều gì, đây đã và vẫn là quan điểm của Tổng thống Pháp cho tới nay", ông Sejourne cho biết, đề cập tới tuyên bố trước đó của Tổng thống Emmanuel Macron.
Sau cuộc họp ngày 26/2 với khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris, Tổng thống Macron tuyên bố "phương Tây không loại trừ đưa quân đến Ukraine". Ông nói dù các bên chưa đạt đồng thuận về vấn đề này, họ sẽ làm mọi điều để đảm bảo Nga không chiến thắng trong xung đột với Ukraine.
Các quan chức ngoại giao Pháp giải thích ông Macron muốn khơi dậy cuộc tranh luận về vấn đề, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nào theo hướng này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu và thành viên NATO tuyên bố không có ý định đưa quân tới Ukraine hoặc không cân nhắc về vấn đề này.
Một quan chức NATO nhấn mạnh họ "không có kế hoạch triển khai lực lượng tác chiến trên bộ của liên minh ở Ukraine", bất chấp họ viện trợ quân sự chưa từng có cho nước này.
Trong cuộc họp báo ngày 27/2, Điện Kremlin cảnh báo điều quân tới Ukraine không có lợi cho các quốc gia phương Tây, hành động này nguy cơ gây ra đối đầu trực tiếp không thể tránh khỏi giữa NATO với Nga. Điện Kremlin nhận định một số quốc gia "đang khá tỉnh táo về nguy cơ tiềm ẩn trong hành động như vậy".
Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn dược và vật tư quân sự quan trọng trong lúc chiến sự với Nga đã bước sang năm thứ ba. Nhiều người ngày càng hoài nghi về tương lai hỗ trợ lâu dài cho Ukraine của Mỹ, khi quốc hội nước này chưa thống nhất về gói viện trợ mới.
Sau khi chặn đợt phản công quy mô lớn của Ukraine, lực lượng Nga gần đây giành một số bước tiến trên chiến trường, nổi bật nhất là kiểm soát hoàn toàn thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk và đánh bật đối phương khỏi ngôi làng ở bờ đông sông Dnieper.
Trung Quốc"Giấu trời qua biển", kế đầu tiên trong 36 kế, xuất phát từ việc một vị tướng bày mưu để khiến vua Đường Thái Tông không nhận ra ông đang vượt biển trên đường viễn chinh.
Ba mươi sáu kế là bộ sách tập hợp 36 sách lược quân sự của Trung Quốc cổ đại. 36 kế từng được cho là của Tôn Tử thời Xuân Thu, hoặc của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, nhưng các sử gia không coi họ là tác giả đích thực của tác phẩm này.
Nhiều người cho rằng 36 kế bắt nguồn từ cả lịch sử thành văn và truyền khẩu, các phiên bản khác nhau được biên soạn bởi các tác giả khác nhau trong suốt lịch sử Trung Quốc.
Ukraine thông báo rút quân khỏi làng Lastochkyne gần thành phố Avdeevka sau khi thành phố này thất thủ, rơi vào tay quân đội Nga.
"Các đơn vị Lực lượng Vũ trang Ukraine đã rút khỏi làng Lastochkyne để tập trung phòng thủ dọc theo tuyến Orlivka, Tonenke, Berdychi", phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy cho biết ngày 26/2.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết quân đội nước này đã "giải phóng" làng Lastochkino và tiếp tục củng cố lực lượng dọc tiền tuyến. Lastochkino là cách Nga gọi làng Lastochkyne.
Lastochkyne là ngôi làng nhỏ cách thành phố Avdeevka khoảng 5 km về phía tây. Quân đội Nga đã kiểm soát Avdeevka hơn một tuần trước.
Cuộc chiến giành Avdeevka là một trong những chiến dịch đẫm máu nhất trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm ở Ukraine. Nó được ví với chiến trường Bakhmut, nơi Nga đã kiểm soát hồi tháng 5/2023.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định Avdeevka có thể trở thành bàn đạp để lực lượng Nga mở rộng tấn công hàng loạt cứ điểm kiên cố của Ukraine, tiến tới kiểm soát hoàn toàn tỉnh Donetsk.
Họ cho rằng đây có thể là diễn biến mang tính bước ngoặt và góp phần thay đổi cục diện chiến trường, trong lúc quân đội Ukraine ngày càng cạn nhân sự và vũ khí, buộc phải chuyển sang thế phòng ngự trên khắp chiến tuyến.
Ông Zelensky nói Nga nắm được kế hoạch phản công lớn của Ukraine trước khi nó bắt đầu, tuyên bố Kiev đã chuẩn bị nhiều phương án cho năm nay.
"Kế hoạch phản công nằm trên bàn tại Điện Kremlin từ trước khi chiến dịch này được phát động", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc họp báo tại Kiev hôm 25/2, nhưng không tiết lộ thêm thông tin.
Ông Zelensky khẳng định Ukraine đã có kế hoạch rõ ràng trong năm 2024 khi được hỏi về khả năng Kiev mở thêm chiến dịch phản công quy mô lớn trong năm nay. "Chúng tôi sẽ chuẩn bị nhiều kế hoạch để đối phó tình trạng rò rỉ thông tin này", ông cho hay.
Văn phòng Tổng thống Ukraine sau đó xác nhận ông Zelensky đề cập vấn đề thông tin nhạy cảm và kế hoạch quân sự bị tuồn cho Nga, nhưng không nêu chi tiết.
Tổng thống Ukraine nhận định Nga có thể mở chiến dịch tiến công mới vào cuối tháng 5 hoặc trong mùa hè, cho rằng nỗ lực chiếm thành trì Avdeevka ở Donetsk không có ích cho Moskva. "Chúng tôi sẽ chuẩn bị để sẵn sàng đối phó những cuộc tấn công của đối phương. Tôi tin rằng chiến dịch được họ phát động ngày 8/10/2023 chưa mang lại kết quả nào", ông nói.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin.
Quân đội Ukraine đầu tháng 6/2023 mở chiến dịch phản công quy mô lớn ở phía đông và phía nam, với hy vọng các lữ đoàn được phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí sẽ giúp họ chọc thủng phòng tuyến Nga, cắt đôi hành lang trên bộ từ vùng Donbass đến bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, chiến dịch thất bại khi lực lượng Ukraine không thể vượt qua phòng tuyến kiên cố của đối phương, chỉ giành lại vài ngôi làng với tổn thất đáng kể về nhân lực và phương tiện chiến đấu. Lực lượng Nga đã chuyển từ thế phòng thủ sang tiến công, tái chiếm nhiều khu vực mà Ukraine từng kiểm soát trong cuộc phản công.
Chứng kiến cuộc chiến tiêu hao khốc liệt ở Ukraine, Lầu Năm Góc nhận ra họ phải thay đổi phương thức tác chiến để không quá phụ thuộc vào công nghệ dẫn đường.
Trong một cuộc họp hồi cuối tháng 1, tướng Curtis Taylor, chỉ huy Trung tâm Huấn luyện Quốc gia (NTC) và căn cứ lục quân Irwin của Mỹ, cầm trên tay một "thiết bị công nghệ chết người", nói rằng nó là nguyên nhân khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng trong đòn pháo kích của Ukraine nhằm vào thành phố Makiivka rạng sáng 1/1/2023.
"Thiết bị chết người" đó là một chiếc điện thoại di động thông thường. Trong vụ tập kích bằng pháo HIMARS của Ukraine xuống nơi đóng quân của lực lượng Nga tại Makiivka ngay sau giao thừa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ đã sử dụng điện thoại trái với lệnh cấm, khiến đối phương "theo dõi và xác định được tọa độ đơn vị".
"Thứ này cũng sẽ khiến rất nhiều binh sĩ Mỹ thiệt mạng", tướng Taylor nói.
NTC là căn cứ huấn luyện chủ chốt của quân đội Mỹ, nằm tại sa mạc Mojave ở bang California. Đây là nơi chuyên mô phỏng tác chiến thực tế, với một trung đoàn chuyên đóng vai quân địch, nhằm giúp binh sĩ Mỹ làm quen với những tình huống có thể gặp phải khi tham chiến.
Quân đội Mỹ đang phải xây dựng lại phương thức chiến đấu, từ bỏ chiến thuật chống phiến quân gắn liền với cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, nhằm tập trung vào chuẩn bị cho xung đột quy mô lớn với những cường quốc ngang hàng.
Những gì diễn ra suốt hai năm qua trên chiến trường Ukraine cho thấy Lầu Năm Góc phải thay đổi toàn bộ phương thức tác chiến, do hình thức xung đột không còn giống những gì Mỹ từng trải qua trong các xung đột trước đây. Vũ khí dẫn đường, máy bay không người lái (UAV) và các biện pháp trinh sát điện tử có thể vượt xa tiền tuyến, đặt ra mối đe dọa chết người với binh sĩ ở sâu trong hậu phương.
Giới chức Mỹ cho hay xung đột Ukraine là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách rút ra những bài học đắt giá. Lầu Năm Góc đã tiến hành nghiên cứu bí mật kéo dài một năm về những gì họ có rút ra từ cả hai bên tham chiến, nhằm xây dựng Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, tài liệu định hướng chính sách chiến lược quân sự và quốc phòng của Mỹ trong nhiều năm tới.
"Hình thái chiến tranh đã thay đổi, những bài học từ xung đột Ukraine sẽ là nguồn tư liệu được sử dụng lâu dài", một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên cho hay.
Chiến sự Ukraine đã thách thức những tính toán cốt lõi của Washington, cũng như làm suy yếu niềm tin rằng vũ khí dẫn đường luôn đóng vai trò trung tâm trong mọi chiến thắng của quân đội Mỹ.
"Xung đột hiện nay là cuộc chiến tiêu hao, trong đó mỗi bên đều tìm mọi cách bào mòn nguồn lực đối phương. Hình thái này từng được cho là lỗi thời và không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại", Stacie Pettyjohn, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho hay.
Những vũ khí dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS) được Mỹ viện trợ cho Ukraine như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời", đã liên tục bắn trượt mục tiêu do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu.
"Điều đó buộc Ukraine kết hợp đạn pháo thông thường đời cũ với trinh sát và UAV để tập kích mục tiêu. Các chỉ huy Mỹ chắc chắn đã nhận ra điều này", bà Pettyjohn nói thêm.
Các quan chức Mỹ thừa nhận mọi hành động của binh sĩ, từ xây dựng kế hoạch, tuần tra đến sử dụng công nghệ để làm nhiệm vụ, đều phải được xem xét lại.
Thao trường huấn luyện của NTC từng mô phỏng những khu vực bằng phẳng tại Afghanistan và Iraq, nhưng giờ đây lại đầy những chiến hào và cứ điểm tương tự tiền tuyến ở Ukraine. "Những gì diễn ra ở Ukraine cho thấy pháo binh Nga có thể cản trở nỗ lực cơ động đội hình và uy hiếp mọi sở chỉ huy tiền phương", tướng Taylor thừa nhận.
Giới chỉ huy tại NTC liên tục cảnh báo rằng mọi thiết bị điện tử mà binh sĩ mang theo đều có thể trở thành mục tiêu. Binh sĩ được lệnh không sử dụng điện thoại trên thao trường, trong khi các sĩ quan giám sát thường xuyên truy quét những người dùng thiết bị điện tử trái phép.
Tướng Taylor kể về câu chuyện một kíp bay trực thăng tấn công Apache đóng vai quân xanh né tránh được lưới phòng không trong diễn tập giả định. Binh sĩ quân đỏ ban đầu không thể xác định đường bay đối phương, nhưng đã dựa vào dữ liệu của một điện thoại di động và phát hiện nó di chuyển tới tốc độ gần 200 km/h trên sa mạc, từ đó vạch ra hành trình của chiếc Apache.
Chỉ huy Mỹ so sánh mối đe dọa của điện thoại thông minh hiện nay với vấn đề hút thuốc lá ở tiền tuyến thời Thế chiến, khi binh sĩ hai bên luôn tìm kiếm những đốm da cam bập bùng trong đêm để xác định vị trí đối phương. "Tôi nghĩ tình trạng nghiện điện thoại cũng gây nguy hiểm không kém nghiện thuốc", tướng Taylor nói.
Binh sĩ Mỹ cũng phải tăng cường chú ý đến những chiếc điện thoại xung quanh họ. Những quân nhân đóng vai dân thường tại NTC có thể chụp ảnh, quay phim và đánh dấu vị trí quân xanh, sau đó đăng lên mạng xã hội mô phỏng mang tên Fakebook. Những tư liệu này được quân đỏ sử dụng để lên kế hoạch tập kích.
Điện đàm, đài điều khiển thiết bị không người lái và phương tiện cơ giới đều tạo ra lượng lớn tín hiệu điện từ và hồng ngoại, có thể bị các hệ thống trinh sát phát hiện từ xa. Các chỉ huy tại NTC nói rằng binh sĩ Mỹ đang tiếp thu kiến thức, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục.
Trong cuộc diễn tập của Sư đoàn Thiết giáp số 1 lục quân Mỹ ở NTC, sở chỉ huy được phủ kín bởi lưới ngụy trang có khả năng chặn tín hiệu điện tử và hồng ngoại. Địa điểm này được che giấu rất kỹ, nhưng lại có một đài thu phát tín hiệu vệ tinh Starlink trắng sáng nằm ngay bên cạnh.
Một binh sĩ giải thích rằng lưới ngụy trang gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, buộc họ phải đặt ăng-ten Starlink ở ngoài để duy trì kết nối. "Nó sẽ trở thành mục tiêu thu hút UAV và trinh sát cơ địch. Phủ chăn lên ngay", tướng Taylor nói.
Trong các xung đột gần đây, Mỹ đều triển khai những dòng máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn, đắt tiền và chỉ được điều động theo lệnh của chỉ huy cấp cao. Ngược lại, quân đội Nga và Ukraine hiện nay đều biên chế lượng lớn drone trinh sát và tấn công cỡ nhỏ cho binh sĩ, mang đến khả năng tự quyết cho những đơn vị cấp phân đội, điều mà Mỹ chưa thể áp dụng trong thực tế.
Sự hiện diện của drone cỡ nhỏ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện "chuỗi hủy diệt" gồm trinh sát, phát hiện mục tiêu và công kích.
Chiến thuật dùng drone thả thuốc nổ được đánh giá ngày càng thay đổi cách thức tác chiến trong xung đột hiện đại. Những chiếc drone giá rẻ và có sẵn trên thị trường từng hạ gục mục tiêu giá trị cao của đối phương như xe tăng, thiết giáp, tổ hợp phòng không, ngoài ra chúng còn tấn công từng binh lính ẩn náu trong chiến hào.
Sư đoàn Dù số 82 trở thành đơn vị lục quân Mỹ đầu tiên cho binh sĩ huấn luyện dùng drone thả đạn vào mục tiêu trên thao trường.
Những loại UAV tự sát có uy lực lớn, giá rẻ và khả năng né tránh phòng không khiến các lãnh đạo quân đội Mỹ phải xem xét nguy cơ xuất hiện lỗ hổng trong năng lực phòng thủ. Ví dụ điển hình là vụ UAV tự sát tập kích căn cứ Mỹ ở Jordan khiến ba binh sĩ thiệt mạng và hàng chục người bị thương hôm 28/1.
Lục quân Mỹ cũng từ bỏ hai mẫu UAV trinh sát hạng nhẹ gồm RQ-7 Shadow và RQ-11 Raven, cho rằng chúng không thể sống sót trong xung đột hiện đại. "Tình hình chiến trường, đặc biệt là Ukraine, cho thấy trinh sát đường không đã thay đổi căn bản", tư lệnh lục quân Mỹ Randy George cho hay.
Tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), nói rằng quân đội Ukraine đang triển khai mạng lưới gồm hàng nghìn điện thoại gắn cảm biến âm thanh để phát hiện UAV Nga dựa vào tiếng động do chúng phát ra. Các đơn vị chuyên trách sau đó gửi cảnh báo tới lực lượng phòng không cùng các tổ săn UAV để họ đón lõng và bắn hạ mục tiêu.
"Nỗ lực này đã được thông báo cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Lầu Năm Góc, cũng như các chỉ huy quân đội Mỹ và NATO để xem xét học hỏi", tướng Hecker cho hay.
Tại khu rừng gần căn cứ Johnson thuộc bang Louisiana, các binh sĩ lục quân Mỹ đặt ra khẩu hiệu "đào hào hoặc chết" dựa trên những bài học từ Ukraine.
Những người đến Trung tâm Huấn luyện Sẵn sàng chiến đấu Liên quân (JRTC) đang học cách xây dựng mạng lưới chiến hào và công sự, những thứ từng được coi là "tàn tích của xung đột trong quá khứ", nhằm bảo vệ tính mạng của họ trước bom và drone mang thuốc nổ.
"Hy vọng quân đỏ sẽ xuất hiện. Tôi không muốn đào hào một cách vô nghĩa", một binh sĩ nói sau nhiều giờ đào đất và ngụy trang công sự.
Binh sĩ quân đỏ dùng phần mềm AI và drone giá rẻ nhằm gây bất ngờ cho lực lượng phòng thủ, giúp các quân nhân đúc rút kinh nghiệm. Các đợt huấn luyện cho thấy lính Mỹ đang cải thiện khả năng ngụy trang thực địa, nhưng vẫn để lại nhiều dấu hiệu điện tử cho trinh sát đối phương.
Trong một cuộc diễn tập, quân đỏ sử dụng loại drone có khả năng phát hiện tín hiệu WiFi và thiết bị bật bluetooth, cho phép họ phát hiện điểm tập kết quân xanh. Trong một vụ khác, sở chỉ huy quân xanh bị nhận diện vì đặt tên mạng WiFi là "sở chỉ huy".
Quân đội Mỹ và Ukraine có cách vận hành khác nhau, khiến nhiều kinh nghiệm trong xung đột không thể áp dụng với Washington, nhưng chuyên gia Pettyjohn cảnh báo rằng nhiều chỉ huy Mỹ vẫn chủ quan trước những bài học rút ra từ chiến sự và có thể phải trả giá đắt trong tương lai.
"Họ không tin rằng hình thái chiến tranh đã thay đổi và vẫn níu kéo niềm tin mạo hiểm là quân đội Mỹ sẽ làm tốt hơn trong tình huống tương tự", bà nói.