Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Nguyên nhân có thể khiến Nga mất máy bay 'mắt thần'

Ukraine có thể đã dùng tên lửa S-200 hoặc loại UAV mới để hạ máy bay "mắt thần" A-50, song cũng có khả năng nó bị phía Nga bắn nhầm.

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 23/2 thông báo lực lượng nước này đã bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50 trị giá 350 triệu USD của Nga.

Đây được coi là tổn thất lớn với không quân Nga, do mẫu phi cơ được coi là "mắt thần trên không" này có khả năng phát hiện vật thể bay từ khoảng cách 800 km và mục tiêu mặt đất từ cách 300 km, cho phép Nga xây dựng bản đồ tác chiến đường không sâu trong lãnh thổ Ukraine mà không cần hoạt động gần chiến tuyến.

Năng lực này cũng giúp chiếc phi cơ có thể phát hiện các vật thể bay thấp ở những khu vực mà radar mặt đất không thể quan sát, từ đó phát cảnh báo cho lực lượng Nga hoạt động trên tiền tuyến về nguy cơ bị tập kích.

Nhưng khả năng đó lại không giúp được chính những chiếc A-50 bị bắn hạ. Đây là "máy bay mắt thần" thứ hai Ukraine tuyên bố phá hủy trong năm nay, sau chiếc đầu tiên vào giữa tháng 1. Nga hiện sở hữu 9 chiếc A-50, trong đó ba chiếc còn đầy đủ năng lực hoạt động, bao gồm hai chiếc vừa bị bắn hạ. 6 phi cơ còn lại đang được đại tu và chưa thể đưa vào tác chiến.

GUR không cho biết khí tài nào đã được sử dụng để hạ chiếc A-50. Trong video chia sẻ trên mạng xã hội, chiếc máy bay liên tục thả mồi bẫy nhiệt, cho thấy nó dường như đang bị tên lửa tấn công, trước khi rơi xuống một địa điểm ở tỉnh Krasnodar.

Ukraine tuyên bố bắn rơi máy bay 'mắt thần' Nga

Video được cho là khoảng khắc chiếc A-50 bị tấn công hôm 23/2. Video: X/ War_Translated

Tờ Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin từ cơ quan này tiết lộ phòng không Ukraine đã dùng hệ thống phòng không S-200 đời cũ để bắn rơi máy bay "mắt thần". Một số tài khoản mạng xã hội cũng nêu khả năng Ukraine đã sử dụng hệ thống S-200 kết hợp với radar điều khiển hỏa lực của tổ hợp S-300 để phá hủy phi cơ.

"Thứ gì đó không phải Patriot đã bắn hạ chiếc A-50", chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nói. "Máy bay bị tập kích khi đang ở cách tiền tuyến tại miền nam Ukraine khoảng 200 km. Hệ thống Patriot chỉ có tầm bắn khoảng 140 km, trong khi S-200 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 250 km".

Tuy nhiên, Sameer Joshi, sĩ quan không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu và hiện là CEO một công ty chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV), cho rằng Ukraine đang dùng một loại vũ khí mới để đối phó A-50 Nga.

Theo ông, chiếc phi cơ trúng đạn khi đang bay ở độ cao khoảng một km, nên chỉ có thể bị bám bắt bởi radar ở cách đó dưới 112 km. Trong khi đó, tất cả hệ thống phòng không S-200 Ukraine đều được bố trí ở cách địa điểm chiếc A-50 bị rơi từ 200 km trở lên.

"Tên lửa S-200 không có hệ thống dẫn đường chủ động ở pha cuối, nên đây không thể là đạn của tổ hợp này", Joshi nêu quan điểm. Ông nhận định Ukraine dường như đang che giấu "vũ khí bí mật" chuyên dùng để hạ máy bay của Nga ở khoảng cách xa.

Dựa trên video, Joshi cho rằng Kiev có thể sở hữu một loại UAV đã được chỉnh sửa để có thể tập kích mục tiêu đối phương ở cách hơn 200 km, được dẫn đường bằng dữ liệu mục tiêu do các hệ thống trinh sát tầm xa của phương Tây cung cấp. Mẫu UAV này có khả năng phóng tên lửa tầm nhiệt Stinger hoặc ASRAAM với độ chính xác cao.

Máy bay A-50 Nga tại buổi diễn tập cho lễ Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ tháng 6/2020. Ảnh: Anadolu

Máy bay A-50 Nga tại buổi diễn tập cho lễ Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ tháng 6/2020. Ảnh: Anadolu

Joshi cho biết mẫu UAV bí mật của Ukraine có thể tương đồng sản phẩm thuộc Dự án Longshot của Mỹ. Đây là loại UAV được thiết kế để mang theo tên lửa không đối không, giúp tăng đáng kể tầm bắn hiệu quả.

"Một phiên bản Longshot của Ukraine có thể đã thành hiện thực. Trong video, hệ thống phòng không dưới mặt đất của Nga dường như đã được kích hoạt để nhắm bắn chiếc UAV, trong lúc nó đang phục kích chiếc A-50", chuyên gia này nói.

Một khả năng khác có thể là do máy bay A-50 đã bị chính lực lượng phòng không Nga bắn nhầm, theo một số tài khoản mạng xã hội thân Moskva. Rybar, kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu người theo dõi, nhận định rằng phòng không nước này có thể đã bị tên lửa đối phương đánh lừa và vô tình nhắm mục tiêu vào chiếc A-50.

"Không thể loại trừ khả năng đối phương đã cố ý phóng tên lửa phòng không, như tên lửa S-200 Vega cải hoán, về phía chiếc phi cơ, nhằm khiêu khích lực lượng Nga bắn trả. Binh sĩ Nga đã xác định nhầm chiếc A-50 là mục tiêu và tấn công nó", Rybar viết.

Phạm Giang (Theo Eurasian Times, Forbes, AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét