Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Ông Trump sẽ làm gì trong ngày đầu nhậm chức

Ông Trump được cho là sẽ ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa những lời hứa tranh cử ngay trong ngày đầu nhậm chức.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa đang có một chương trình nghị sự đầy tham vọng và sẽ kiểm soát lưỡng viện Mỹ trong khóa tới. Ông Trump từng nói sẽ "khiến mọi người phải choáng váng" với những gì ông làm sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1.

Nhóm của Tổng thống đắc cử cho biết sẽ có hàng loạt sắc lệnh hành pháp được ban hành từ Phòng Bầu dục trong tuần đầu tiên ông vào Nhà Trắng. Các chuyên gia chính sách và luật sư của ông đang soạn thảo những sắc lệnh này. Tuy nhiên, các nhóm vận động và thống đốc bang thuộc đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ phản đối một số kế hoạch.

Dưới đây là những gì Tổng thống đắc cử đã tuyên bố về các ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 5/10. Ảnh: AFP

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 5/10/2024. Ảnh: AFP

Nhập cư và biên giới

Karoline Leavitt, sẽ là phát ngôn viên Nhà Trắng tương lai, nhấn mạnh lời hứa của ông Trump về ký sắc lệnh hành pháp "để bảo vệ biên giới phía nam". "Chúng tôi biết rằng ngay ngày đầu tiên, ông ấy sẽ tiến hành đợt trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử Mỹ", cô cho hay.

Trong tuần đầu tiên sau khi tái đắc cử, ông Trump đã ưu tiên chọn lựa các vị trí lãnh đạo giám sát vấn đề nhập cư. Tổng thống đắc cử đã bổ nhiệm cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Tom Homan làm quan chức phụ trách các vấn đề biên giới, an ninh hàng hải, hàng không và chịu trách nhiệm về các nỗ lực trục xuất.

Ông chọn Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa và bổ nhiệm cố vấn cấp cao Steven Miller làm phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách. Miller là người đã định hình một số chính sách hạn chế cứng rắn nhằm đối phó vấn đề nhập cư bất hợp pháp trong chính quyền Trump đầu tiên.

Bất kỳ chương trình trục xuất hàng loạt nào cũng có thể gặp phải những khó khăn về mặt hậu cần cùng hàng loạt thách thức pháp lý từ các nhà hoạt động về nhập cư, nhân quyền.

Ông Trump có thể tái thực hiện chính sách "Ở lại Mexico", yêu cầu những người xin tị nạn phải chờ tại Mexico trong khi đơn yêu cầu của họ được xử lý. Dưới thời ông, khoảng 70.000 người xin tị nạn đã bị trả về Mexico để chờ đợi.

Ông Trump và thống đốc Texas Greg Abbott thăm biên giới Mỹ - Mexico ở thành phố Eagle Pass, bang Texas, hồi tháng 2. Ảnh: Reuters

Ông Trump và Thống đốc Texas Greg Abbott (ngồi xe lăn) thăm biên giới Mỹ - Mexico ở thành phố Eagle Pass, bang Texas, hồi tháng 2/2024. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden gọi chương trình này là "vô nhân đạo" và cố gắng chấm dứt nó vào ngày đầu tiên nhậm chức, song phải đối mặt với những thách thức pháp lý. Năm 2022, Tòa án Tối cao mới cho phép ông chặn chương trình.

Một lời hứa khác mà Tổng thống đắc cử hứa sẽ thực hiện trong ngày đầu nhậm chức là chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, nguyên tắc đã tồn tại 150 năm qua, quy định rằng bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ.

Không rõ ông Trump định thực hiện chính sách này như thế nào. Quyền công dân theo nơi sinh được đảm bảo trong Hiến pháp Mỹ, đồng nghĩa thay đổi nó là điều vô cùng khó khăn. Ông sẽ cần các bang đồng ý tổ chức một hội nghị toàn quốc hoặc có 2/3 số phiếu ủng hộ đề xuất thay đổi tại quốc hội. Sau đó, yêu cầu còn phải được 3/4 cơ quan lập pháp bang chấp thuận, nhưng đảng Cộng hòa chỉ kiểm soát hơn một nửa.

Ân xá

Ông Trump từ lâu đã ám chỉ rằng việc ân xá cho những người bị kết tội trong vụ bạo loạn Đồi Capitol năm 2021 sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Tổng thống Mỹ có thẩm quyền ân xá hoặc giảm án cho những người bị kết tội liên bang. Các công tố viên cũng có thể quyết định hủy bỏ các vụ án đang chờ xử lý tùy thuộc vào người mà ông Trump chọn để ân xá. Điều chưa rõ ràng là ai có thể được hưởng ân xá từ ông.

"Tôi dự định ân xá cho nhiều người trong số họ. Nhưng tôi không thể ân xá cho toàn bộ, bởi một số người có lẽ đã mất kiểm soát thực sự", Tổng thống đắc cử từng nói với CNN.

Leavitt cho hay ông Trump sẽ quyết định "trên cơ sở từng trường hợp cụ thể khi trở lại Nhà Trắng".

Hơn 1.500 người đã bị bắt liên quan đến cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Theo số liệu liên bang, hơn 750 người bị kết án vì các tội danh từ xâm phạm trái phép đến tấn công cảnh sát và âm mưu kích động nổi loạn.

Thỏa thuận khí hậu Paris

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã đưa việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. 6 tháng sau khi ông nhậm chức, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ trở lại thỏa thuận là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ký lá thư yêu cầu Mỹ được tái gia nhập.

Vậy ông Trump sẽ phản ứng thế nào trong nhiệm kỳ thứ hai? Truyền thông Mỹ đưa tin nhóm của ông đang chuẩn bị lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận một lần nữa ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền.

Việc rời khỏi thỏa thuận có nghĩa Mỹ không còn phải tuân thủ các mục tiêu cắt giảm phát thải carbon đã đề ra. Ông Trump từng nói ông muốn ưu tiên ngành sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ, trái ngược với mục tiêu mà thỏa thuận khí hậu Paris theo đuổi. Tổng thống đắc cử cũng hứa sẽ nhanh chóng đẩy nhanh quy trình cấp phép và khai thác dầu đá phiến.

"Chúng ta sẽ khoan, khoan, khoan", ông nhiều lần nói.

Chiến sự Ukraine

Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ít lần tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong một ngày". Ông cũng nhiều lần chỉ trích việc chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, coi đây là việc làm lãng phí tài nguyên.

Tổng thống đắc cử vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về cách ông định thúc đẩy đôi bên đàm phán chấm dứt chiến sự. Kể từ khi tái đắc cử, ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc gọi kéo dài "khoảng nửa giờ", với sự góp mặt của tỷ phú Elon Musk. Ông Trump hồi đầu tháng này họp với Tổng thống Zelensky tại Pháp, nhân dịp đến Paris dự lễ mở lại Nhà thờ Đức Bà.

Truyền thông Mỹ hồi tháng 11 đưa tin Tổng thống đắc cử đã gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin, cảnh báo lãnh đạo Nga không nên leo thang xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin phủ nhận thông tin này.

Thương mại và kinh tế

Kinh tế là vấn đề mà ông Trump đặc biệt nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử. Ông cam kết sẽ chấm dứt lạm phát ngay khi ông nhậm chức. "Chúng tôi sẽ giải quyết mọi thứ, từ khả năng chi trả cho ôtô đến chi phí nhà ở, bảo hiểm hay vấn đề về chuỗi cung ứng", ông tuyên bố. "Tôi sẽ chỉ đạo nội các của mình rằng tôi mong đợi có kết quả trong vòng 100 ngày đầu tiên, hoặc sớm hơn thế nhiều".

Tổng thống đắc cử cho hay ngay trong ngày đầu tiên, ông sẽ ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các bộ trưởng nội các và người đứng đầu các cơ quan liên bang "sử dụng mọi công cụ và thẩm quyền để đánh bại lạm phát và hạ giá tiêu dùng".

Kế hoạch của ông bao gồm việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng đến từ Trung Quốc, với lý do rằng những loại thuế này sẽ giúp duy trì việc làm trong ngành sản xuất Mỹ.

Tổng thống đắc cử từng gợi ý đánh thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, áp thuế 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Hiện chưa rõ ông Trump liệu có thực sự làm vậy không.

Ông Trump cũng đã cảnh báo sẽ nhắm vào Mexico và Canada. "Vào ngày 20/1, tôi sẽ ký tất cả giấy tờ cần thiết để áp mức thuế 25% với Mexico và Canada, áp dụng với toàn bộ sản phẩm họ xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một phần trong loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên", Tổng thống đắc cử Donald Trump đăng trên Truth Social ngày 25/11/2024.

Ông Trump khẳng định mức thuế trên sẽ duy trì tới khi Mexico, Canada siết chặt kiểm soát ma túy, nhất là fentanyl (thuốc giảm đau tổng hợp gây nghiện), và kiểm soát dòng người di cư đang vượt biên trái phép.

Canada những tuần vừa qua đã nỗ lực tiếp cận ông Trump về vấn đề thuế. Thủ tướng Justin Trudeau cuối tháng 11/2024 đến Mar-a-Lago gặp ông Trump. Tuần trước, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cùng Bộ trưởng Tài chính Dominic LeBlanc đến Florida họp cùng các thành viên trong chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cảnh báo thuế sẽ gây ra các biện pháp trả đũa qua lại, đe dọa cơ hội làm ăn của cả hai phía. Bà đã có cuộc điện đàm với ông Trump, nhắc đến tình trạng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán fentanyl vào Mỹ.

Những mức thuế quan này có thể không cần được quốc hội chấp thuận. Ông Trump từng áp dụng chính sách đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, trích dẫn Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, trao quyền cho tổng thống áp thuế đối với hàng hóa có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Những giây phút định mệnh trong vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc

Chỉ trong bốn phút từ lúc phi công phát cảnh báo khẩn cấp, máy bay Jeju Air lượn vòng, hạ cánh bằng bụng xuống giữa đường băng rồi đâm vào tường chắn, bốc cháy.

Rạng sáng 29/12, 175 hành khách, chủ yếu là công dân Hàn Quốc, làm thủ tục lên chuyến bay 7C2216 của hãng Jeju Air tại sân bay Bangkok, Thái Lan để trở về nước sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Hành khách nhỏ nhất là một cậu bé ba tuổi, lần đầu tiên được ra nước ngoài cùng bố mẹ.

"Dấu xuất nhập cảnh đầu tiên trong cuốn hộ chiếu đầu tiên của con", bố cậu bé viết đầy tự hào trên Instagram vào tối 28/12, khi cả nhà đến sân bay làm thủ tục xuất cảnh.

Máy bay khởi hành lúc 2h29, muộn khoảng một tiếng so với lịch trình. Họ bay trên một chiếc Boeing 737-800 thân hẹp đã hoạt động 15 năm, với khoang phổ thông được chia làm hai dãy, mỗi bên ba hàng ghế. Trong hành trình gần 5 tiếng, mọi thứ diễn ra thuận lợi và phi công được kiểm soát viên không lưu tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc cho phép hạ cánh lúc 8h57.

Sân bay Muan chỉ có một đường băng duy nhất chạy theo hướng bắc - nam dài khoảng 2.800 m, ngắn hơn nhiều so với các sân bay quốc tế lớn. Các máy bay có thể hạ cánh ở cả hai đầu, nhưng thường đáp xuống từ đầu phía nam đường băng.

Đường hạ cánh của máy bay Jeju Air trước thảm họa. Đồ họa: Yonhap

Đường hạ cánh của máy bay Jeju Air trước thảm họa. Đồ họa: Yonhap

Đúng lúc máy bay giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh, tháp kiểm soát không lưu bất ngờ phát cảnh báo tới phi công: "Đề phòng va chạm với chim".

Cảnh báo không có gì bất thường tại sân bay này, nơi thường có nhiều loài chim di cư hoạt động. Nhưng hai phút sau, tín hiệu khẩn cấp "Mayday" được phi công phát đi lúc 8h59.

"Mayday, Mayday, Mayday, va chạm với chim, va chạm với chim. Hủy hạ cánh", Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc dẫn lại lời cơ trưởng, một phi công dày dạn kinh nghiệm đã gần 7.000 giờ bay tích lũy.

Phi công lấy lại độ cao, vọt lên và thông báo với kiểm soát viên không lưu rằng ông sẽ "bay vòng lại", thuật ngữ để chỉ việc máy bay hủy bỏ nỗ lực hạ cánh đầu tiên, lượn vòng trên bầu trời để hạ cánh lần hai. Nhưng ông dường như đã không có đủ thời gian để bay vòng lại theo góc rộng.

Chỉ một phút sau, phi công cho máy bay vòng lại 180 độ, tiếp cận đường băng theo hướng bắc, ngược với hướng ban đầu. Đây là thời điểm một số hành khách trên khoang nhận thấy điều bất thường và dùng điện thoại liên lạc với người thân. Một người nhắn rằng đã nhìn thấy xác một con chim mắc kẹt trên cánh máy bay. "Tôi có nên để lại lời trăn trối không", người này viết.

9h01, tháp kiểm soát không lưu cho phép máy bay hạ cánh lần hai xuống đầu phía bắc của đường băng. Máy bay tiếp đất ở khoảng giữa đường băng, với càng đáp không được hạ xuống.

Phần cánh tà, bộ phận trên cánh chính dùng để hãm tốc, dường như không được mở ra hết mức, khiến tốc độ của máy bay không giảm xuống khi trượt trên đường băng, theo dữ liệu của Flightradar24.

9h03, máy bay của Jeju Air tiếp tục trượt với tốc độ cao trên đường băng và đâm mạnh vào bức tường bê tông ở rìa sân bay, vỡ nát và bốc cháy dữ dội. Toàn bộ 175 hành khách thiệt mạng. Chỉ 2 tiếp viên trong số 6 thành viên tổ bay sống sót.

4 phút hỗn loạn cuối cùng trên chuyến bay của Jeju Air hiện là trung tâm cuộc điều tra về thảm họa hàng không tồi tệ nhất từng xảy ra ở Hàn Quốc.

"Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao phi công phải vội vàng hạ cánh như vậy", Hwang Ho-won, chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng không Hàn Quốc, nói.

Ông Hwang cho biết khi phi công cố gắng hạ cánh trong tình thế hỏng càng đáp và ít nhất một trong hai động cơ còn hoạt động, họ thường cố gắng câu giờ bằng cách bay vòng, xả bớt nhiên liệu để giảm nguy cơ cháy nổ và cho nhân viên mặt đất có thêm thời gian phun bọt lên đường băng, chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp.

Đội cứu nạn tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở sân bay quốc tế Muan, thành phố Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Ảnh: AP

Đội cứu nạn tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở sân bay quốc tế Muan, thành phố Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Ảnh: AP

Tuy nhiên, cơ trưởng của Jeju Air dường như xác định ông không có đủ thời gian để làm như vậy mà phải hạ cánh bằng bụng ngay lập tức.

"Liệu có phải cả hai động cơ máy bay đều hỏng hay không? Quyết định hạ cánh vội vàng như vậy liệu có phải là sai lầm không?", ông Hwang nói.

Khi máy bay hạ cánh vào sáng 29/12, đường băng sân bay Muan đang được thi công để kéo dài và phi cơ chỉ có thể sử dụng gần 2.500 m còn lại. Giới chức Hàn Quốc cho biết quãng đường này đủ để những chiếc Boeing 737-800 hạ cánh an toàn trong tình huống bình thường.

Nhưng trong lần hạ cánh khẩn cấp thứ hai, phi cơ Jeju Air đã bỏ lỡ vị trí hạ cánh thông thường ở đầu đường băng, phần bụng máy bay chạm đất ở quãng giữa, khiến nó chỉ còn khoảng 800 mét đường băng khả dụng.

Phi công dường như cũng không thể kiểm soát động cơ và càng đáp, khiến máy bay mất hai trong ba công cụ giảm tốc chính gồm hệ thống phanh của càng đáp và lực đẩy ngược của động cơ, theo chuyên gia hàng không. Việc không mở cánh tà hãm tốc trên cánh chính cũng khiến tình huống trở nên tồi tệ.

Máy bay lao nhanh tới mức trượt quá đường băng và đâm vào bức tường bê tông cao khoảng 2 mét cách đó 250 mét, nơi dựng hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS). Ju Jong-wan, giám đốc chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, cho biết bức tường bê tông này được xây dựng theo đúng quy định, nhưng chính phủ đang điều tra xem liệu có nên thay đổi các quy định sau vụ tai nạn máy bay hay không.

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy

Khoảnh khắc máy bay Jeju Air lao khỏi đường băng ở sân bay Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Video: MBC

Một số chuyên gia, gồm cả ông Hwang, nói rằng nếu không có bức tường bê tông hoặc nó được xây dựng bằng vật liệu dễ vỡ hơn, máy bay có thể tránh được thảm kịch. Song họ đều nhấn mạnh sự cố của máy bay xảy ra trước khi nó đâm vào tường.

"Sự cố về động cơ không đồng nghĩa sẽ gây ra sự cố về càng đáp. Nhưng trong trường hợp này, cả hai dường như đều xảy ra, buộc máy bay phải đáp bằng bụng chỉ trong vài phút ngắn ngủi", Paek Seung-joo, giáo sư tại Đại học Open Cyber Hàn Quốc, nói.

J. Y. Jung, chuyên gia hàng không tại Đại học Khyungwoon ở Hàn Quốc, cho biết ngay cả khi mất một động cơ do đâm phải chim, máy bay vẫn có thể vận hành hệ thống thủy lực để hạ càng đáp bằng năng lượng từ động cơ còn lại.

Giới phân tích nói nếu cả hai động cơ gặp sự cố, phi công vẫn có thể hạ càng đáp bằng cách thủ công, nhưng việc phải quyết định hạ cánh vội vàng trong 4 phút ngắn ngủi cho thấy cơ trưởng không có đủ thời gian để thực hiện các thao tác đó.

"Những câu hỏi như vậy sẽ chưa thể có đáp án cho tới khi họ kiểm tra hộp đen máy bay", ông Jung nói.

Lee Geun-young, chủ một nhà hàng bên cạnh sân bay, cho biết anh nghe thấy âm thanh gào rú của động cơ và vội lao lên sân thượng, đúng lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh bằng bụng.

Video 54 giây anh ghi lại cho thấy máy bay trượt bụng trên đường băng trước khi đâm vào tường. Quả cầu lửa lớn bùng lên ngay sau đó. "Sức nóng mà mặt tôi cảm nhận được giống như hơi nước từ phòng xông hơi", Lee nói.

Ngày 31/12, nhiều người đã tới đặt hoa tại hàng rào sân bay Muan, để lại những tờ giấy ghi thông điệp tiếc thương các nạn nhân. "Cảm ơn hai phi công và phi hành đoàn đã nỗ lực hết sức để cứu hành khách. Cầu mong mọi người sẽ yên nghỉ".

Thùy Lâm (Theo WSJ, AFP, Yonhap)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Nga - Ukraine trao đổi hơn 300 tù binh

Nga và Ukraine trao đổi tổng cộng hơn 300 tù binh trong thỏa thuận do UAE làm trung gian trước thềm năm mới.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/12 cho biết cuộc trao đổi giúp 150 binh sĩ ở mỗi bên được trở về nhà. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy trong khi đó nói phía Kiev đón 189 binh sĩ trở về. Hai bên chưa giải thích về sự khác biệt trong tuyên bố.

"Người dân được trở về là tin tức rất vui với mỗi chúng ta. Hôm nay là một ngày vui như vậy, chúng ta đã đưa được 189 người Ukraine về nhà", ông Zelenksy đăng trên Telegram.

Đây là thỏa thuận trao đổi tù binh do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm trung gian trước thềm năm mới 2025. Ukraine cho biết các tù binh được trao trả của nước này là những người bị bắt ở Kursk, khi Kiev mở chiến dịch tấn công tỉnh Nga từ cuối mùa hè.

Binh sĩ Ukraine vui mừng đoàn tụ với người thân sau khi được trao trả hôm 30/12. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine vui mừng đoàn tụ với người thân sau khi được trao trả hôm 30/12. Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các tù binh của nước này được thả tại Belarus và từ đó lên đường về nước.

Phía Ukraine công bố video cho thấy người thân của các binh sĩ bật khóc nức nở trong thời khắc đoàn tụ, trong đó có cảnh binh sĩ tên Serhii, bị Nga bắt ở Mariupol năm 2022, gọi điện cho con trai. "Có phải bố không vậy?", đứa trẻ hỏi qua điện thoại.

"Con trai tôi hiện 5 tuổi, lần cuối hai bố con gặp nhau, nó mới 2 tuổi. Đó là lý do con ngập ngừng không nhận ra tôi. Trước đây tôi để tóc và nuôi râu. Tôi đã giảm 20 kg", Serhii nói.

Nga - Ukraine trao đổi hơn 300 tù binh

Các binh sĩ Nga được trao trả lên xe buýt trở về nhà hôm 30/12. Video: Bộ Quốc phòng Nga

Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova cũng đăng video những người lính Nga tập trung chờ lên xe buýt để trở về nhà. "Sẽ nhanh thôi, những người lính của chúng ta sẽ được ôm chầm lấy người thân, bạn bè và đón năm mới ở quê nhà", bà Moskalkova viết trên Telegram.

Nga và Ukraine đã thực hiện khoảng 60 cuộc trao đổi tù binh kể từ khi nổ ra chiến sự vào tháng 2/2022. Cuộc trao đổi gần đây nhất diễn ra vào giữa tháng 10, cũng do UAE hỗ trợ trung gian, hai nước đã trao đổi 95 tù binh mỗi bên.

Ngọc Ánh (Theo Reuters, Guardian)

Adblock test (Why?)

Đại sứ Mỹ chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt

Đại sứ Mỹ Marc Knapper gửi lời chúc mừng năm mới tới Việt Nam, tin tưởng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển, nắm bắt các cơ hội mới.

Đại sứ quán Mỹ ngày 30/12 chia sẻ video thông điệp chúc mừng năm mới 2025 của Đại sứ Marc Knapper. Ông sử dụng tiếng Việt hoàn toàn, điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm 2024 giữa Việt Nam và Mỹ, bày tỏ tin tưởng vào một năm 2025 hợp tác thành công hơn nữa.

Đại sứ Mỹ chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt

Đại sứ Mỹ điểm lại điểm nhấn quan hệ Việt - Mỹ năm 2024 và chúc mừng năm mới 2025. Video: Đại sứ quán Mỹ

Ông Knapper gọi 2024 là một năm "đầy ý nghĩa" đối với quan hệ Việt - Mỹ. "Chúng ta đã đạt được những dấu mốc quan trọng, thắt chặt quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và xây dựng một tương lai thịnh vượng và an ninh chung", ông nói.

Đại sứ cho rằng quan hệ Việt - Mỹ chứng kiến những "bước tiến mang tính chuyển mình". Trong hơn một thập kỷ, thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 4 lần, từ 30 tỷ USD lên hơn 120 tỷ USD. Phái đoàn Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 9 đã có chuyến thăm lớn nhất đến Việt Nam. Mỹ chuyển giao cho Việt Nam 5 máy bay huấn luyện T-6C đầu tiên, đồng thời công bố 12,5 triệu USD để tăng cường an toàn hàng hải như một phần cam kết của Washington đối với hòa bình và an ninh khu vực.

"Những cơ hội hợp tác đang mở ra ở cả hai bờ Thái Bình Dương", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Đại sứ cũng liệt kê một số dự án hợp tác nhằm bảo vệ môi trường và củng cố khả năng phục hồi khí hậu ở Việt Nam, như Dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long hay các sáng kiến thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Theo Đại sứ, hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành công, trong đó có việc ra mắt Chương trình Tăng tốc Lực lượng Lao động ngành Công nghiệp Bán dẫn (ITSI-CHIPS), giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ lao động có trình độ thế giới và cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh đó, năm qua, Mỹ cũng tham gia hỗ trợ Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh và đối phó thiên tai, đặc biệt là trận bão Yagi.

Nhấn mạnh 2025 là năm đánh dấu ba thập kỷ Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ Knapper khẳng định ông tự tin rằng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

"Cùng nhau, chúng ta sẽ nắm bắt những cơ hội mới, giải quyết những thách thức toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng, ổn định, an toàn cho tất cả mọi người", ông nói.

Vũ Hoàng - Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

'Giấc mơ Mỹ' của nhiều người nhập cư trước nguy cơ sụp đổ

Nhiều người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ để theo đuổi "giấc mơ Mỹ" lo rằng họ sẽ sớm bị trục xuất khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

Khi Oscar Silva tốt nghiệp Đại học Bắc Texas hồi tháng 5, anh đã tự hào bước lên bục để nhận bằng tấm bằng cử nhân kế toán và kinh tế. Nhiều bạn bè cùng khóa với anh đã có công việc lương cao, nhưng Silva tới giờ chưa thể tìm được việc do không phải là công dân hợp pháp tại Mỹ.

Silva, người nhập cư Mexico 24 tuổi sống tại Denton ở bang Texas, đã chọn tiếp tục học lên thạc sĩ. Anh hy vọng có thể kéo dài thời gian chờ quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấp tư cách công dân hợp pháp cho anh và hàng nghìn người nhập cư không giấy tờ đến Mỹ từ khi còn bé, hay còn được gọi là Dreamer (những người theo đuổi giấc mơ Mỹ).

Tuy nhiên, giấc mơ mà Silva và những Dreamer khác đang theo đuổi có nguy cơ sụp đổ khi ông Donald Trump, người nhiều lần tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, đắc cử tổng thống.

"Tôi suy sụp. Tôi bật khóc khi nghĩ rằng mọi công sức của mình đã đổ sông đổ bể", Silva nói.

Oscar Silva và vợ Natalie Taylor tại nhà riêng ở thành phố Denton, bang Texas hồi tháng 7. Ảnh: Dallas Morning News

Oscar Silva và vợ Natalie Taylor tại nhà riêng ở thành phố Denton, bang Texas hồi tháng 7. Ảnh: Dallas Morning News

Silva là một trong số hơn 400.000 sinh viên đại học không có quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ đang thấp thỏm chờ đợi kế hoạch trục xuất của ông Trump.

Các quan chức chính quyền mới, gồm cả ông trùm biên giới Tom Homan mà ông Trump bổ nhiệm, đã công khai thu hẹp phạm vi kế hoạch trục xuất, nhắm vào các thành viên băng đảng, những người chạy trốn và có tiền án. Tuy nhiên, ông Homan gần đây cảnh báo rằng những người nhập cư cư trú bất hợp pháp ở Mỹ "sẽ gặp rắc rối".

Lo sợ nguy cơ bị trục xuất, nhiều sinh viên nhập cư vội vã tìm hiểu các quyền của họ, cũng như lập kế hoạch "sống ẩn dật" nếu cần thiết. Một số thậm chí liên lạc với những họ hàng xa ở quê nhà để đề phòng trường hợp bị trục xuất tới đó.

Khoảng 100.000 sinh viên nhập cư ở Mỹ hiện được bảo vệ khỏi nguy cơ trục xuất theo Chương trình hoãn hành động đối với người nhập cư trái phép từ lúc còn nhỏ (DACA). Song chính nhóm này cũng lo ngại tòa án có thể chấm dứt DACA bất kỳ lúc nào.

Ông Trump, người từng nỗ lực chấm dứt chương trình DACA trong nhiệm kỳ đầu, gần đây bày tỏ muốn giúp đỡ nhóm nhập cư này ở lại. "Chúng ta phải làm gì đó với những Dreamer này vì họ được đến đây từ khi còn bé", ông nói trên chương trình Meet the Press của NBC tháng này.

Một số người có lập trường cứng rắn về nhập cư cũng nói rằng họ muốn để những Dreamer ở lại Mỹ. "Ông Trump nói rằng nhóm mà ông ấy muốn trục xuất là những người có tiền án và phạm tội. Tôi đồng tình với quan điểm này", nghị sĩ bang Texas Terri Leo Wilson nói.

Tuy nhiên, Wilson cho biết bà không nghĩ những người nhập cư này nên được hỗ trợ thêm. Tháng trước, nghị sĩ này đề xuất dự luật không cho người nhập cư không giấy tờ được hưởng mức đóng học phí dành cho những công dân của bang.

"Thật vô lý khi một người Mỹ không thuộc bang đó phải trả mức học phí cao dành cho người ngoại bang, trong khi người nhập cư bất hợp pháp thì không", bà nói.

California, bang có số sinh viên là người nhập cư không giấy tờ lớn nhất cả nước với khoảng 80.000 người, là một trong những bang thành trì của đảng Dân chủ muốn bảo vệ nhóm sinh viên nhập cư này. Hồi đầu tháng 12, Tổng chưởng lý California Rob Bonta nói với các cơ quan địa phương và cả các đại học rằng họ có thể từ chối hợp tác với nhân viên nhập cư liên bang và không cần lưu hồ sơ về tình trạng cư trú hợp pháp của sinh viên.

Một số trường học cũng đã chủ động giúp đỡ sinh viên. Một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Trường Luật Cornell từ một năm trước bắt đầu chương trình giúp đỡ những người thuộc chương trình DACA có được thị thực làm việc tạm thời. Sau cuộc bầu cử tháng 11, các đại học ở Mỹ đã tổ chức những cuộc hội thảo pháp lý và chương trình hỗ trợ cho sinh viên.

"Không chỉ buồn, chúng tôi còn có cảm giác thất vọng và bất công", Laura Enriquez, phó giáo sư Đại học California ở Irvine, nơi có khoảng 700 sinh viên không có giấy tờ nhập cư hợp pháp, nói.

Katherine Narvaez, một người thuộc chương trình DACA, đang theo học năm thứ ba tại Đại học Y khoa Upstate thuộc Đại học bang New York (SUNY Upstate) ở Syracuse. Cô lo bản thân sẽ mất quyền bảo vệ vì nó sẽ hết hạn vào cuối năm tới, khi ông Trump và chính quyền mới đã tiếp quản Nhà Trắng.

Nỗi lo về tình trạng cư trú đã đeo bám Narvaez từ khi cô còn là một thiếu niên sống ở vùng ngoại ô Atlanta. Narvaez và mẹ đã chuyển từ Guatemala tới Mỹ khi cô mới lên 6 với hy vọng tìm được cuộc sống tốt hơn.

Narvaez là học sinh giỏi ở trường phổ thông và nằm trong nhóm tốt nghiệp xuất sắc. Cô hy vọng trở thành bác sĩ chuyên khoa phụ sản hoặc bác sĩ gia đình sau khi tốt nghiệp trường y.

"Thật thất vọng khi nhìn lại những hy sinh của bản thân. Tôi đã ở bệnh viện từ 7h sáng tới 5h chiều mỗi ngày để làm những công việc như bạn bè tôi đang làm. Nhưng khác với tôi, họ có thể tiếp tục sự nghiệp của mình", cô gái 29 tuổi nói.

Người di cư bất hợp pháp ở khu vực biên giới bang California, Mỹ ngày 4/6. Ảnh: AFP

Người di cư bất hợp pháp ở khu vực biên giới bang California, Mỹ ngày 4/6. Ảnh: AFP

Silva, người không thuộc diện DACA, đã đến Mỹ khi còn là đứa trẻ. Bố mẹ anh đã vượt biên trái phép để chạy trốn tình trạng bạo lực ở quê nhà San Luis Potosi, Mexico.

Mùa hè vừa qua, nhận thấy khả năng ông Trump đắc cử, Silva đã tự tìm cách bảo vệ bản thân. Anh nộp đơn xin tham gia sáng kiến "Keeping Families Together" (Giữ các gia đình bên nhau) được Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 6 và triển khai từ tháng 8, trong đó mở đường và đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch Mỹ cho khoảng 500.000 người nhập cư bất hợp pháp đã kết hôn với công dân Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi chương trình được triển khai hồi tháng 8, nó đã bị tòa án liên bang chặn sau khi bang Texas dẫn đầu liên minh các bang tìm cách phản đối. Silva hiện chỉ biết tiếp tục chương trình học và cố gắng tìm kiếm nhà tuyển dụng có thể giúp anh có thị thực lao động.

"Nếu bị trục xuất, tôi sẽ mắc kẹt ở một đất nước mà tôi không biết gì về nó và cũng không quen biết ai, vì tôi đến Mỹ từ nhỏ", Silva nói.

Natalie Taylor, vợ của Silva, cho biết tình trạng bấp bênh hiện tại "ảnh hưởng tới gia đình chúng tôi và khiến tôi tức giận".

Thùy Lâm (Theo WSJ, Reuters)

Adblock test (Why?)

Phi cơ Hàn Quốc 'đâm phải chim, khạc lửa' trước tai nạn

Các nhân chứng cho biết phi cơ Jeju Air chở 181 người đã đâm phải chim, bị hỏng động cơ trước khi hạ cánh xuống sân bay Muan.

Ông Jeong, 50 tuổi, sáng 29/12 câu cá tại khu vực gần sân bay Muan, trước khi nghe thấy âm thanh va chạm giữa phi cơ đang hạ cánh với đàn chim bay theo hướng ngược lại. "Hai hoặc ba tiếng lụp bụp vang lên. Có vẻ một số con chim đã bị hút vào động cơ, khiến động cơ bên phải khạc ra lửa", ông kể lại.

Phi cơ hủy hạ cánh và tăng ga nhưng không thể lấy độ cao, phải lượn vòng ở độ cao nhỏ và tìm cách tiếp đất ở đầu đường băng đối diện.

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy ở sân bay Muan hôm 29/12. Video: MBC

"Phi cơ bay qua và có những tia lửa bắn ra từ động cơ bên phải. Tôi nói với cả nhà rằng dường như máy bay gặp sự cố và sau đó nghe thấy tiếng nổ lớn", Yoo Jae-yong, 41 tuổi, người đang ở nhà nghỉ gần sân bay, cho biết.

Kim Young-cheol, 70 tuổi, sống cách sân bay 2 km, nghe thấy hai âm thanh lớn giống như tiếng kim loại bị nghiến, khoảng 5 phút trước khi tai nạn xảy ra. "Tôi thấy máy bay hạ cánh bất thành và tìm cách lấy độ cao. Sau đó là tiếng nổ lớn kèm cột khói đen bốc lên trời", ông nói.

Jo Mo, 24 tuổi, khi đó ở khu vực cách sân bay hơn 4 km, mô tả phi cơ của Jeju Air dần hạ độ cao để đáp xuống đường băng và sau đó là tiếng nổ lớn. "Cột khói bốc lên, kèm theo nhiều tiếng nổ liên tiếp", cô kể lại.

Theo Korea Herald, một hành khách trên chuyến bay đã gửi tin nhắn cho người thân vài phút trước khi tai nạn xảy ra. "Một con chim kẹt ở cánh máy bay và chúng tôi không thể hạ cánh. Tôi có nên gửi lời trăng trối không?", tin nhắn được gửi lúc 9h có đoạn. Người thân cho biết vẫn chưa thể liên lạc với hành khách này.

Phi cơ của Jeju Air cháy rụi sau tai nạn ở Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Ảnh: Yonhap

Phi cơ của Jeju Air cháy rụi sau tai nạn ở Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Ảnh: Yonhap

Giới chức cho biết chuyến bay gặp nạn mang số hiệu 7C2216, khởi hành từ Bangkok lúc 1h30 và theo kế hoạch sẽ hạ cánh tại sân bay Muan lúc 8h30. Máy bay lao khỏi đường băng và bốc cháy lúc 9h07.

"Phi cơ dự định đáp xuống đường băng 01 nhưng dường như gặp vấn đề nên quyết định cất cánh, bay vòng để thử lại. Máy bay không thả được càng, tổ lái chọn phương án tiếp đất bằng bụng trong lần hạ cánh thứ hai. Tuy nhiên, phi cơ không thể giảm tốc độ", một quan chức tại hiện trường cho hay.

Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc xác nhận ít nhất 85 người đã thiệt mạng, trong khi lực lượng khẩn cấp thông báo đã tìm được hai người sống sót. Quan chức Sở cứu hỏa tỉnh Jeonnam sau đó nói rằng "gần như toàn bộ" trong số 181 người trên máy bay đã thiệt mạng, chỉ có hai người sống sót.

Như Tâm (Theo Yonhap, Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Cụ bà dành nửa đời người cưu mang 38 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Trung QuốcCụ Tang, từng làm lao công bệnh viện, đã nhận nuôi 38 trẻ sơ sinh bị bố mẹ bỏ rơi ngoài đường trong những năm 1980-1990.

Mùa đông năm 1982, Tang Caiying, khi đó là nữ lao công 46 tuổi tại bệnh viện ở Tân Dư, tỉnh Giang Tây, tìm thấy một bé gái sơ sinh được quấn trong tấm áo khoác, bị bỏ lại cạnh đường ray xe lửa trên đường bà đến bệnh viện đi làm.

Bà Tang ẵm em bé về nhà, cho ăn, tắm rửa, rồi đặt tên là Fangfang, nghĩa là "hương thơm" giống như hoa nở. Bà Tang khi đó đã là mẹ của 5 con, đứa nhỏ nhất 12 tuổi.

Vài năm sau, bà Tang phát hiện thêm một bé gái bị bỏ rơi tại bệnh viện. Bà mang em bé về chăm sóc, đặt tên là Zhenzhen, nghĩa là "món quà quý giá".

Kể từ đó trở đi, bà tiếp tục nhận nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Tổng cộng, bà Tang, hiện 88 tuổi, đã tiếp nhận và nuôi nấng 38 trẻ, hầu hết là trẻ sơ sinh, một số bị bỏ trong thùng rác, hoặc bên ngoài bệnh viện dưới tiết trời lạnh giá.

Cụ bà dành 4 thập kỷ cưu mang 38 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Cụ bà Tang (mang áo đỏ, giày đỏ ngồi giữa) cùng đàn cháu được bà cưu mang. Ảnh: Weibo

Bà thu xếp cho các em bé ở một căn phòng không sử dụng tại bệnh viện, dành thời gian theo dõi sức khỏe, cho chúng ăn. Chồng bà ban đầu không hiểu được hành động của vợ, khi cho rằng thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng thậm chí không đủ nuôi 5 con ruột.

Nhưng bà Tang vẫn kiên trì, quyết tâm cứu lấy những sinh mạng bà gặp được. Theo thời gian, chồng bà xuôi lòng, hết mực thương yêu đám trẻ.

Sau khi nghỉ hưu ở bệnh viện, bà Tang chắt bóp lương hưu, đi nhặt rác để kiếm tiền mua sữa, thức ăn cho các cháu. Khi ngày càng già yếu, cụ bà lựa chọn các gia đình nhận nuôi đám trẻ một cách cẩn thận.

Những đứa trẻ cuối cùng được bà nhận nuôi là một cặp sinh đôi. Bà Tang đặt tên cho bé lớn là Zhang, trong khi bé nhỏ hơn được một đôi vợ chồng là giáo viên nhận nuôi sau này.

Zhang, hiện 27 tuổi, đang là lính cứu hỏa. Anh vừa về Giang Tây hồi tháng 1 dự lễ mừng thọ 88 tuổi của cụ Tang. Giống như những đứa trẻ khác được cụ bà cưu mang, Zhang thường xuyên về thăm, gửi một phần lương cho cụ. "Nếu không có cụ, tôi không biết đời mình sẽ ra sao", anh nói.

Cụ bà dành 4 thập kỷ cưu mang 38 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi - 1

Bà Tang nhặt rác kiếm tiền mua thức ăn cho đám trẻ bà cưu mang. Ảnh: Weibo

Ngày 16/12, cụ Tang được đề cử giải thưởng Hình mẫu Đạo đức Quốc gia, danh hiệu cao quý về phẩm hạnh được trao cho những công dân bình thường ở Trung Quốc.

"Bà ấy làm việc thiện không phải để được công nhận, mà do cảm thấy đó là những điều nên làm. Đó là lòng tốt theo bản năng", Aiping, con gái cụ, nói.

Câu chuyện về cụ bà làm lay động công chúng Trung Quốc. "Thật cảm động. 'Người bà của Trung Quốc' dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của tình yêu, lòng vị tha đích thực", một người bình luận.

Đức Trung (Theo CNA, Paper, Global Times)

Adblock test (Why?)

Lãnh đạo lâm thời cam kết đưa Hàn Quốc vượt qua bất ổn chính trị

Ông Choi Sang-mok cam kết đưa Hàn Quốc vượt qua bất ổn chính trị, sau khi trở thành lãnh đạo lâm thời thay thế ông Han Duck-soo.

"Giảm thiểu tình trạng hỗn loạn của chính phủ là điều vô cùng quan trọng vào thời điểm này. Chính phủ sẽ dốc hết nỗ lực để vượt qua giai đoạn bất ổn hiện tại", ông Choi Sang-mok ngày 27/12 tuyên bố.

Phát biểu được đưa ra sau khi ông Choi trở thành quyền Tổng thống và quyền Thủ tướng Hàn Quốc, thay thế ông Han Duck-soo vừa bị quốc hội luận tội trước đó cùng ngày. Ông Choi vẫn giữ chức vụ Phó thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính đã đảm nhiệm từ tháng 12/2023.

Tân lãnh đạo Hàn Quốc gửi lời xin lỗi với tư cách là thành viên của nội các vì đã góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn hiện tại. Ông đang phải đối mặt với nhiều áp lực vì đã tham gia cuộc họp nội các được tổ chức ngay trước khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ra lệnh thiết quân luật đêm 3/12.

Tân lãnh đạo Hàn Quốc Choi Sang-mok phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia ở Seoul hôm 27/12. Ảnh: AFP

Lãnh đạo lâm thời Hàn Quốc Choi Sang-mok phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia ở Seoul hôm 27/12. Ảnh: AFP

Quyền Tổng thống Choi cũng kêu gọi quân đội Hàn Quốc duy trì cảnh giác cao độ trước khả năng có "hành động khiêu khích" từ Triều Tiên.

"Cần giữ vững trạng thái sẵn sàng để ngăn cản Triều Tiên thực hiện bất kỳ hành động thiếu suy nghĩ nào, cũng như duy trì lập trường an ninh vững chắc dựa trên liên minh vững mạnh giữa Hàn Quốc và Mỹ", ông nói.

Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, ông Choi đã điện đàm với chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) để tái khẳng định liên minh vững mạnh giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Ông cũng yêu cầu Ngoại trưởng Cho Tae-yul duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với các nước đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng chính sách ngoại giao của Hàn Quốc sẽ không thay đổi, hoạt động trao đổi quốc tế và giao thương sẽ không bị gián đoạn.

Tân lãnh đạo Hàn Quốc yêu cầu các cấp dưới đảm bảo trật tự công cộng, tăng cường hệ thống ứng phó thảm họa, ưu tiên các kế hoạch y tế khẩn cấp cho mùa đông và giữ cho hệ thống y tế khẩn cấp hoạt động trơn tru.

Ông Han bị quốc hội luận tội với cáo buộc "tiếp tay" cho lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon và từ chối bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Hiến pháp. Tổng thống Yoon đã bị quốc hội Hàn Quốc luận tội và đình chỉ quyền lực từ hôm 14/12.

Trường hợp của ông Han là lần đầu tiên một thủ tướng kiêm quyền tổng thống Hàn Quốc bị luận tội trong lịch sử nước này. Các nghị sĩ đối lập bỏ phiếu luận tội ông Han theo đề xuất của ông Choi, người đã cảnh báo rằng "nền kinh tế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế không được bất ổn thêm lần nào nữa". Ông Choi không thuộc đảng phái nào.

Phạm Giang (Theo AFP, Yonhap)

Adblock test (Why?)

Nga mô tả 'tình hình phức tạp' khi máy bay Azerbaijan cố gắng hạ cánh

Nga nói UAV Ukraine đang tấn công Grozny khi máy bay Azerbaijan tìm cách hạ cánh ở thành phố này, trước khi nó bị rơi ở Kazakhstan.

Dmitry Yadrov, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Nga Rosaviatsia, ngày 27/12 tiết lộ thêm nhiều chi tiết về vụ máy bay Embraer 190 của Azerbaijan Airlines (AZAL) bị rơi gần thành phố Aktau của Kazakhstan khi đang trên đường tới đô thị Grozny của Nga.

Theo ông, phi cơ đã hai lần tìm cách hạ cánh xuống sân bay Grozny nhưng không thành công, trong lúc thành phố đang có sương mù dày đặc và "tình hình trong ngày đó và những giờ đó ở xung quanh sân bay rất phức tạp".

"Máy bay không người lái (UAV) của quân đội Ukraine khi đó đang thực hiện các cuộc tấn công vào hạ tầng dân sự. Phi công được đề xuất các sân bay thay thế và quyết định tới sân bay Aktau", ông Yadrov viết trên Telegram. Quan chức này thêm rằng sân bay Grozny đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi do vụ tấn công UAV.

Ông nhấn mạnh giới chức Nga đã thông báo với phía Kazakhstan và Azerbaijan rằng họ sẵn sàng hợp tác toàn diện để điều tra về sự việc.

Các chuyên gia làm việc tại hiện trường vụ rơi máy bay Embraer 190 gằn thành phố Aktau hôm 25/12. Ảnh: AFP

Các chuyên gia làm việc tại hiện trường vụ rơi máy bay Embraer 190 gần thành phố Aktau hôm 25/12. Ảnh: AFP

Hôm 25/12, phi cơ Embraer 190 chở 67 người của AZAL bị rơi gần thành phố Aktau, trung tâm dầu mỏ và khí đốt của Kazakhstan, khiến 38 người trên chuyến bay thiệt mạng.

Theo lịch trình, chiếc phi cơ bay từ thủ đô Baku của Azerbaijan đến thành phố Grozny, thủ phủ Cộng hòa Chechnya thuộc Nga. Tuy nhiên, khi đến gần đô thị này, phi công thông báo về một vụ va chạm trên không, buộc phải chuyển hướng máy bay sang phía đông, di chuyển trên Biển Caspi để tìm cách hạ cánh tại sân bay Aktau, song không thành công.

Cơ quan Hàng không Nga Rosaviatsia trước đó cho rằng máy bay đâm phải chim trên hành trình từ Baku đến Grozny, nhưng một số dấu vết trên thân máy bay cho thấy phi cơ đã trúng nhiều mảnh sắc nhọn, dường như là đầu đạn tên lửa phòng không.

AZAL ngày 27/12 cho biết theo kết quả điều tra sơ bộ, máy bay Embraer 190 bị rơi do "sự can thiệp vật lý và kỹ thuật từ bên ngoài".

Trang web Caliber ủng hộ chính phủ Azerbaijan dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết họ tin một tên lửa do hệ thống phòng không dòng Pantsir-S của Nga đã bắn rơi máy bay.

Nghị sĩ Azerbaijan Rasim Musabekov yêu cầu Nga phải xin lỗi về sự việc. "Họ phải chấp nhận điều này, trừng phạt những người chịu trách nhiệm, hứa rằng điều đó sẽ không tái diễn, bày tỏ hối tiếc và sẵn sàng bồi thường", ông Musabekov nói. "Chúng tôi đang chờ Nga làm điều đó".

Nghị sĩ này cho biết phi cơ của Azerbaijan Airlines đã bị hư hại trên bầu trời gần thành phố Grozny và yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp. "Theo mọi quy định về hàng không, lẽ ra họ phải cho phép điều này", ông nhận định.

Trên thực tế, chiếc Embraer 190 đã không được phép hạ cánh tại Grozny hay các sân bay gần đó của Nga và buộc phải bay "rất xa" qua Biển Caspi để tới Kazakhstan, trong lúc hệ thống định vị GPS "bị tắt", nghị sĩ Musabekov nhấn mạnh.

Vị trí máy bay rơi ở Aktau, Kazakhstan, ngày 25/12. Đồ họa: AA

Vị trí máy bay rơi ở Aktau, Kazakhstan, ngày 25/12. Đồ họa: AA

Một số chuyên gia hàng không và quân sự đánh giá phi cơ có thể đã bị phòng không Nga bắn nhầm vì nó đang bay ở khu vực có máy bay không người lái (UAV) Ukraine hoạt động.

Dù vậy, ông Musabekov cho rằng nếu các lá chắn tên lửa khi đó đang được triển khai gần sân bay Grozny, giới chức Nga đáng lẽ đã phải đóng không phận. "Máy bay lẽ ra đã phải quay đầu khi đến gần Grozny. Tại sao điều đó không xảy ra?", nghị sĩ này đặt câu hỏi.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov ngày 27/12 cho biết cuộc điều tra về nguyên nhân máy bay Embraer 190 rơi vẫn đang điễn ra và Moskva sẽ không bình luận cho đến khi kết luận được công bố.

AZAL thông báo dừng chuyến bay đến các thành phố Mineralnye Vody, Sochi, Volgograd, Ufa, Samara, Grozny và Makhachkala của Nga kể từ ngày mai, thêm rằng quyết định được Cơ quan Hàng không Quốc gia Azerbaijan đưa ra.

Các tuyến bay đến Moskva, St. Petersburg, Kazan, Astrakhan, Yekaterinburg và Novosibirsk vẫn sẽ hoạt động bình thường.

"Hạn chế bay đến những thành phố trên sẽ có hiệu lực cho đến khi cuộc điều tra sơ bộ về vụ rơi máy bay Embraer 190 hoàn tất, do cân nhắc tới những rủi ro về an toàn bay", AZAL cho biết.

Phạm Giang (Theo Interfax, AFP)

Adblock test (Why?)

Nỗ lực xây quan hệ với ông Trump của Hàn Quốc tê liệt

Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc khiến nỗ lực xây dựng quan hệ với chính quyền Mỹ mới không có người chèo lái, làm nhiều doanh nghiệp nước này lo ngại.

Chưa đầy một tháng nữa, chính quyền mới sẽ tiếp quản Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế mạnh tay với hàng hóa nước ngoài và xem xét lại các khoản trợ cấp cho những công ty đầu tư vào Mỹ, kể cả những công ty từ các nước đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Washington.

Trong khi đó, Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi đầu tháng 12. Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua luận tội ông Yoon ngày 14/12, khiến Tổng thống bị đình chỉ chức vụ và đối mặt nguy cơ bị phế truất.

Thủ tướng Han Duck-soo sau đó giữ chức quyền Tổng thống nhưng quốc hội Hàn Quốc hôm nay tiếp tục luận tội ông này. Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok trở thành quyền Tổng thống kiêm quyền Thủ tướng.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc khiến nỗ lực xây dựng quan hệ với chính quyền Mỹ mới không có người chèo lái. Một số người am hiểu vấn đề cho biết nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc đã "tê liệt" trong nhiều ngày qua.

"Không ai trong chính phủ đại diện cho lợi ích của Hàn Quốc khi chúng tôi cần điều đó nhất", đại diện của một tập đoàn đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden nói. "Chúng tôi không thể rút các khoản đầu tư của mình ngay bây giờ. Chúng tôi như đang rơi vào tình huống bị giữ làm con tin".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cúi đầu xin lỗi người dân trong bài phát biểu vào ngày 12/12. Ảnh: AFP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cúi đầu xin lỗi người dân trong bài phát biểu vào ngày 12/12. Ảnh: AFP

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc đối mặt với những rủi ro liên quan tới chính quyền mới ở Mỹ. Ông Trump có thể tăng thuế với hàng hóa Hàn Quốc hoặc rút các khoản trợ cấp mà ông Biden vốn hứa hẹn với các nhà sản xuất chip, pin và xe điện.

Mối đe dọa xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vật lộn với nhu cầu trong nước suy giảm, vay nợ tư nhân tăng vọt và cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul thừa nhận bất ổn chính trị ở nước này đã làm gián đoạn nỗ lực ngoại giao, nhưng thêm rằng "chúng tôi cam kết sẽ lấy lại động lực đó nhanh nhất có thể".

Yeo Han-koo, cựu bộ trưởng thương mại Hàn Quốc và hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho biết ngay cả trước khủng hoảng chính trị, "có cảm giác rằng Hàn Quốc gần như lo lắng tới mức hoảng loạn".

Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị "tổn thương" trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, theo Yeo. Tổng thống Mỹ khi đó dọa hủy hiệp định thương mại tự do song phương và rút quân đội khỏi Hàn Quốc trừ khi Seoul đóng góp nhiều hơn để duy trì hiện diện quân sự của Washington.

Trong cuộc khảo sát với 239 công ty do Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc công bố tháng này, 82% cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị tổn hại vì các chính sách bảo hộ thương mại dự kiến của ông Trump.

Tuy nhiên, cựu bộ trưởng thương mại Yeo cho rằng một số người Hàn Quốc đã "thổi phồng" nỗi sợ chính quyền mới ở Mỹ, lập luận rằng "nhiều thứ đã thay đổi" so với khi ông Trump lần đầu đắc cử tổng thống. Hàn Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Mỹ trong năm ngoái, khi các công ty đầu tư hàng chục tỷ USD vào cơ sở sản xuất chip và công nghệ xanh của Mỹ.

"Hàn Quốc có thể lập luận rằng họ đóng góp cho sự hồi sinh ngành sản xuất ở Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác và xứng đáng được coi trọng", Yeo nói.

Nhưng nhiều người Hàn Quốc cho rằng điều này không đủ để giúp ích.

"Chúng tôi đã cố gắng thu hút họ bằng cách nhấn mạnh Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và tạo ra nhiều việc làm. Nhưng chúng tôi được phản hồi rằng điều đó không quan trọng đối với ông Trump, vì ông ấy quan tâm hơn đến những gì các công ty Hàn Quốc sẽ làm từ bây giờ. Ông ấy không muốn nghe những gì họ làm trong quá khứ", giám đốc điều hành một trong những hiệp hội công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc nói.

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ là 28,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 và dự kiến vượt qua mức kỷ lục 44,4 tỷ USD của năm ngoái, theo Tổ chức Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Phoenix, bang Arizona ngày 22/12. Ảnh: AFP

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Phoenix, bang Arizona ngày 22/12. Ảnh: AFP

Một nguồn tin thân cận với nỗ lực vận động hành lang của Hàn Quốc cho biết một vấn đề khác khiến nước này lo ngại là sự trở lại của cựu đặc phái viên thương mại Peter Navarro với vai trò cố vấn kinh tế cấp cao. Navarro từng cáo buộc tập đoàn Samsung và LG của Hàn Quốc "gian lận thương mại" bằng cách di dời địa điểm sản xuất để tránh biện pháp chống bán phá giá.

Ông Trump tháng này ca ngợi Navarro vì đã giúp đàm phán lại các thỏa thuận thương mại "không công bằng" như NAFTA và Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn.

Giới phân tích nói rằng các công ty Hàn Quốc khó có thể duy trì quy mô đầu tư do những thách thức phải đối mặt, gồm chi phí xây dựng, nhân công, thiếu nhân lực có tay nghề hay những khó khăn trong quá trình xin thị thực và thiếu nguồn cung điện đáng tin cậy. Đồng won sụt giảm giá trị và nhu cầu về xe điện giảm cũng khiến Hàn Quốc mất sức hấp dẫn.

Lee Tae-kyu, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), cho biết nền kinh tế nước này vẫn có thể tăng trưởng nếu thuế quan của ông Trump chỉ nhắm vào hàng xuất khẩu Trung Quốc. Lee thêm rằng đóng tàu, quốc phòng và hóa dầu là những lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc có thể hưởng lợi. Seoul cũng có thể giảm thặng dư thương mại bằng cách tăng mua vũ khí và nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo ngành sản xuất xe điện và pin của Hàn Quốc có thể đối mặt kịch bản ác mộng nếu ông Trump đạt thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh thành lập nhà máy ở Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống đắc cử nói sẽ cân nhắc.

"Nếu các công ty Trung Quốc được phép xây nhà máy ở Mỹ, đó sẽ là thảm họa với chúng tôi. Nhưng ngay cả các quan chức chính phủ của chúng tôi dường như cũng không biết ai có thể bày tỏ những lo ngại của mình với Washington", một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp pin Hàn Quốc, nói.

Thùy Lâm (Theo FT, Reuters, Yonhap)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Khoảng 16 tỷ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2024

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết kiều hối là nguồn lực quan trọng với đất nước, dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và các hoạt động thiện nguyện khác ở quê hương.

"Hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước", ông Sơn nói.

Mức kiều hối này tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.

Ông Sơn cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn kết hơn với trong nước, triển khai các biện pháp tổng thể lâu dài để chăm lo phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Nhiều chủ trương, chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đang được triển khai, giúp kiều bào dễ dàng về nước sinh sống, đầu tư kinh doanh. Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối của cộng đồng, bồi dưỡng và hỗ trợ phát triển nguồn lực của Việt Nam ở nước ngoài.

Các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Căn cước công dân ngày càng được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho kiều bào về sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tin tưởng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, ngày càng phát triển và gắn kết hơn với trong nước, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Bùi Thanh Sơn cho hay trong năm 2024, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm các nước, dự hội nghị đa phương và đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.

Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 nước.

Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế chung của đất nước. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục mới là 800 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.

"Trước những biến động trên thế giới, quốc phòng - an ninh - đối ngoại đã hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay.

Ngọc Ánh

Adblock test (Why?)

Mẹ của Elon Musk được yêu thích tại Trung Quốc

Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú Elon Musk, được ngưỡng mộ ở Trung Quốc vì là hình mẫu phụ nữ độc lập, tự chủ, nuôi dạy con thành đạt.

Maye Musk rất bận rộn. Là mẹ của người giàu nhất thế giới Elon Musk, bà thường xuyên di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tham gia sự kiện, đặc biệt ở Trung Quốc.

Trong tháng 12 này, bà đã tham gia một tiệc tối ở Hàng Châu, đi trên thảm đỏ một sự kiện của công ty mỹ phẩm ở Vũ Hán, ký tên bản dịch tiếng Trung cuốn A Woman Makes a Plan (Phụ nữ lập kế hoạch).

Maye Musk ký tặng sách ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 11/12. Ảnh: Instagram/Maye Musk

Maye Musk ký tặng sách ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 11/12. Ảnh: Instagram/Maye Musk

Ông Elon Musk rất nổi tiếng ở Trung Quốc và được đánh giá là có khả năng thúc đẩy quyết sách có lợi cho Bắc Kinh dưới thời chính quyền mới của ông Trump. Tuy nhiên, ông cũng bị giám sát chặt chẽ ở Trung Quốc vì mối liên hệ với Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua công ty hàng không vũ trụ SpaceX.

Trong khi đó, bà Maye Musk, người gần như tháng nào cũng tới Trung Quốc, được đánh giá là người mang tới thiện chí cho tham vọng mở rộng làm ăn và ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu cho con trai.

Người phụ nữ 76 tuổi không ít lần thẳng thắn bày tỏ tình cảm với Trung Quốc. "Trung Quốc là đất nước tiên tiến về đường bộ, đường hầm, nhà cửa, cơ sở hạ tầng và cảng biển. Lần nào tới thăm tôi cũng ngạc nhiên", bà viết trên X hồi tháng 10. Trong bài viết hồi tháng 11, bà đăng ảnh xe Tesla ở Thượng Hải cùng biểu tượng mắt hình trái tim.

Bà Maye thành công trong vai trò người mẫu và chuyên gia dinh dưỡng. Câu chuyện về người phụ nữ sinh ra ở Canada và lớn lên ở Nam Phi, đi khắp thế giới vì sự nghiệp và gia đình, đã truyền cảm hứng cho người hâm mộ Trung Quốc.

"Bà đại diện cho hình mẫu phụ nữ độc lập, tự chủ. Bà có nhiều kinh nghiệm phong phú ngay từ nhỏ. Bởi từng sinh sống ở nhiều quốc gia, Maye luôn có thái độ cởi mở với văn hóa và đời sống, nhiều lần lựa chọn rời khỏi vùng an toàn", một người hâm mộ viết trên diễn đàn Douban.

Maye hợp tác với hàng loạt thương hiệu Trung Quốc. Năm ngoái, bà trở thành đại sứ toàn cầu cho công ty điện tử Oppo. Năm nay, bà trở thành đại diện cho công ty đệm AISE Baobao và tham gia lễ khai trương cửa hàng của nhãn hiệu ở Thượng Hải hồi tháng 11.

Bà diện đồ của nhãn hiệu thời trang Trung Quốc JNBY, sải bước trên sàn diễn ở Hàng Châu. Hồi tháng 10, bà tham gia tiệc của nhãn hiệu thời trang Italy xa xỉ Moncler ở Thượng Hải, chia sẻ ảnh tạo dáng cùng ca sĩ Rihanna và A$AP Rocky trên tài khoản mạng xã hội Trung Quốc.

Maye Musk tham gia một sự kiện tiệc tối ở Hàng Châu ngày 7/12. Ảnh: Instagram/Maye Musk

Maye Musk tham gia một sự kiện tiệc tối ở Hàng Châu ngày 7/12. Ảnh: Instagram/Maye Musk

Các hợp đồng quảng cáo giúp bà xây dựng lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội. Bà có 577.000 người theo dõi trên Xiaohongshu, nền tảng tương tự Instagram, 356.000 người theo dõi trên Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc.

Yaling Jiang, người sáng lập Following the Yuan, trang tin tức về tiêu dùng ở Trung Quốc, nhận định danh tiếng mà Maye Musk có được một phần nhờ con trai, một phần nhờ xu hướng "người cao niên có sức ảnh hưởng" ở Trung Quốc.

"Thế hiện Thiên niên kỷ và Thế hệ Z ngưỡng mộ những người trong độ tuổi 60-90 già đi một cách duyên dáng", Jiang nói, lưu ý gần 85% người theo dõi Maye Musk trên Xiaohongshu là phụ nữ.

Những chi tiết trong cuộc đời của Maye cũng tạo nên sức hấp dẫn của bà ở Trung Quốc. Ngoài diện mạo nổi bật, bà còn là người giàu nghị lực, vượt qua bạo hành gia đình. Bà từng kể về việc bị đánh bầm tím người lúc đang mang thai, trong tuần trăng mật với Errol Musk, bố của Elon Musk.

"Elon lớn lên trong gia đình bạo lực", bà nói. Ông Errol phủ nhận bạo hành gia đình.

"Bà ấy là nữ cường nhân. Trong hành trình cuộc đời, từ một bà nội trợ, Maye Musk trở thành người mẫu nổi tiếng thế giới và nuôi dạy ba người con thành đạt. Câu chuyện này thậm chí còn thú vị hơn phim bom tấn Hollywood", một người hâm mộ nhận xét.

"Cuộc đời bà ấy đã truyền cảm hứng cho mọi người. Nếu muốn đội vương miện, ta phải chịu được sức nặng", một người khác viết.

Bà Maye và con trai Elon Musk tại California hồi tháng 2. Ảnh: Reuters

Bà Maye và con trai Elon Musk tại California hồi tháng 2. Ảnh: Reuters

Jiang dự đoán Maye Musk sẽ sớm ra mắt thương hiệu riêng ở Trung Quốc, có thể liên quan tới sức khỏe hoặc thể hình, "để tiếp tục kiếm tiền dựa vào sự nổi tiếng của bà ấy và Elon Musk ở quốc gia này".

Phán đoán này không phải vô căn cứ. Dù mới bắt đầu sự nghiệp ở Trung Quốc trong vài năm gần đây, người dùng mạng Weibo đã dùng một thuật ngữ thường dành cho những chính khách kỳ cựu trong quan hệ Mỹ - Trung để nhắc đến Maye Musk. Đó là "lão bằng hữu" (bạn lâu năm).

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Ông Biden và ông Trump gửi thông điệp Giáng sinh trái ngược

Tổng thống Biden kêu gọi đoàn kết trong thông điệp Giáng sinh, còn người kế nhiệm ông đưa ra lời chúc khi chỉ trích các đối thủ chính trị.

Trong video đăng vào đêm Giáng sinh trên Youtube quay cảnh Nhà Trắng được trang hoàng rực rỡ, Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân Mỹ gạt sang một bên "mọi sự ồn ào và mọi thứ chia rẽ chúng ta".

"Chúng ta ở đây trên Trái Đất này để chăm sóc lẫn nhau, để yêu thương lẫn nhau", ông nói khi máy quay lướt nhanh qua những cái cây và lò sưởi được trang trí sặc sỡ bên trong Nhà Trắng. "Nhưng chúng ta lại thường xuyên coi nhau là kẻ thù, không phải hàng xóm, không phải là những người Mỹ đoàn kết".

Thông điệp Giáng sinh trái ngược của ông Biden và ông Trump

Nhà Trắng được trang hoàng trong lễ Giáng sinh. Video: Nhà Trắng

Tổng thống Biden kêu gọi người Mỹ dành một khoảnh khắc "suy ngẫm tĩnh lặng" để nhắc nhở bản thân đối xử với nhau tôn trọng và đàng hoàng, "sống trong ánh sáng", nhớ rằng đoàn kết, thay vì chia rẽ, mới là điều quan trọng hơn. "Chúng ta thực sự may mắn khi được sống ở quốc gia này", ông nói.

Về phía Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông đăng lời chúc mừng Giáng sinh trên mạng xã hội Truth Social kèm với bức hình ông chụp cùng vợ, bà Melania, vào buổi sáng ngày 25/12. Nhưng sau đó, Trump liên tiếp đăng lại các bài báo hoặc bài viết khác trên mạng xã hội ủng hộ lập trường chính trị của ông về hàng loạt chủ đề, từ ứng viên Bộ Quốc phòng Pete Hegseth đến việc ông tuyên bố muốn mua lại Greenland và kênh đào Panama.

Tổng thống đắc cử tiếp tục đưa ra một thông điệp "Giáng sinh vui vẻ" dài hơn, gồm hai đoạn viết theo kiểu mỉa mai. Đoạn một cáo buộc rằng quân đội Trung Quốc "đang điều hành" kênh đào Panama, chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau và nhắc đến mong muốn mua Greenland.

"Xin gửi lời chúc Giáng sinh vui vẻ đến thống đốc Justin Trudeau của Canada, người đang đánh thuế công dân quá cao, nếu Canada trở thành bang thứ 51 của chúng tôi, thuế của họ sẽ được cắt giảm hơn 60%", ông viết.

Đoạn thứ hai chỉ trích Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ. "Xin gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến những bên cực tả điên rồ, những người đã liên tục cố gắng cản trở hệ thống tòa án và cuộc bầu cử của chúng ta", ông viết. "Họ biết rằng cơ hội sống sót duy nhất của họ là được ân xá từ một người đàn ông hoàn toàn không biết mình đang làm gì".

Ông Trump và bà Melania trong bức ảnh chúc mừng Giáng sinh năm 2024. Ảnh: Truth Social/Donald Trump

Ông Trump và bà Melania trong bức ảnh chúc mừng Giáng sinh năm 2024. Ảnh: Truth Social/Donald Trump

Tổng thống Biden nhậm chức vào năm 2021 với cam kết "chấm dứt cuộc nội chiến giữa phe đỏ và phe xanh, giữa nông thôn và thành thị, giữa phe bảo thủ và phe tự do" và nói rằng ông đã rút lui khỏi cuộc đua tổng thống năm 2024 hồi tháng 7 để đoàn kết đất nước.

Đảng Dân chủ của ông đã thua tại tất cả các bang chiến trường và cả lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 11.

Theo một số tính toán, tình trạng phân cực tại Mỹ vẫn gia tăng trong những năm qua và quốc hội Mỹ sắp tới đang trên đà trở thành quốc hội phân cực nhất từ trước đến nay.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Taliban cáo buộc Pakistan không kích khiến 46 người chết

Chính quyền Taliban cáo buộc tiêm kích Pakistan ném bom vào miền đông Afghanistan khiến 46 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Phó phát ngôn viên chính quyền Taliban Hamdullah Fitrat ngày 25/12 cho hay các cuộc ném bom của không quân Pakistan diễn ra tại 4 địa điểm thuộc tỉnh Paktika của Afghanistan.

"Afghanistan coi hành động tàn bạo này là sự vi phạm trắng trợn mọi nguyên tắc quốc tế và là hành động xâm lược rõ ràng", Enayatullah Khowrazmi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng của chính quyền Taliban, tuyên bố, thêm rằng sẽ đáp trả các cuộc không kích từ Pakistan.

Chiến đấu cơ F-16 của không quân Pakistan bay biểu diễn ở thành phố Karachi hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Chiến đấu cơ F-16 của không quân Pakistan bay biểu diễn ở thành phố Karachi hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Taliban cho biết những người thiệt mạng trong cuộc không kích "chủ yếu là người tị nạn Waziristani", ám chỉ họ đến từ vùng lãnh thổ Waziristan của Pakistan.

Chính phủ và các quan chức quân đội Pakistan chưa đưa ra bình luận.

Một quan chức Pakistan giấu tên am hiểu vấn đề trong khi đó cho hay nước này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một trại lính của nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban Pakistan (TTP).

TTP cam kết trung thành với lực lượng Taliban ở Afghanistan, nhưng không phải là một phần của nhóm đang điều hành chính phủ Afghanistan. TPP tự đặt ra mục tiêu áp đặt luật lệ Hồi giáo ở Pakistan như Taliban đã làm ở Afghanistan.

Một cuộc tấn công lớn của TTP tại khu vực Nam Waziristan của Pakistan, giáp ranh trực tiếp với địa điểm được cho là trại lính bị tấn công ở Afghanistan, đã khiến 16 nhân viên an ninh Pakistan thiệt mạng hồi cuối tuần trước.

Vị trí tỉnh Paktika của Afghanistan. Đồ họa: BBC

Vị trí tỉnh Paktika của Afghanistan. Đồ họa: BBC

Afghanistan và Pakistan có quan hệ căng thẳng khi Islamabad tuyên bố rằng một số cuộc tấn công của TTP xảy ra ở nước này đều xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan. Tuy nhiên, chính quyền Taliban phủ nhận cáo buộc.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng trở nên phức tạp hơn từ hồi tháng 3, khi Taliban cáo buộc Pakistan tiến hành hai cuộc không kích vào lãnh thổ Afghanistan, khiến 5 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.

Pakistan lúc bấy giờ thừa nhận rằng họ đã tiến hành "các hoạt động chống khủng bố dựa trên thông tin tình báo" ở Afghanistan nhưng không nêu rõ bản chất của các hoạt động này.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, ABC News, AFP)

Adblock test (Why?)