Vì xung đột Ukraine, Nga không thể toàn lực giúp chính quyền Syria chống đỡ phiến quân, nhưng cũng không thể từ bỏ đồng minh chiến lược ở Trung Đông.
Phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm đồng minh ngày 29/11 mở chiến dịch tấn công giành quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, và chiếm được nhiều khu vực lân cận.
Đến ngày 5/12, quân đội Syria tiếp tục phải rút khỏi Hama, thành phố lớn thứ tư đất nước, dưới áp lực từ các cuộc tấn công theo nhiều hướng của phiến quân. Phiến quân đang từ phía bắc áp sát Homs, thành phố lớn thứ ba đất nước, trong khi một nhóm khác ở miền nam đang tìm cách bao vây thủ đô Damascus.
Thủ lĩnh HTS tuyên bố mục tiêu của phiến quân là lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Các tay súng nổi dậy giờ đây chỉ cách trung tâm Damascus khoảng 10 km.
Đối diện nguy cơ sụp đổ, chính quyền Tổng thống Assad nhiều khả năng sẽ phải dựa vào đồng minh Nga để chặn đà tiến công của phiến quân.
Tuy nhiên, "Nga hiện tại không còn ở vị thế có thể hậu thuẫn chính quyền Assad như từng làm cách đây 10 năm", Ruslan Suleimanov, nhà nghiên cứu người Nga tại Đại học ADA ở thủ đô Baku, Azerbaijan, nhận xét.
Theo ông, mặc dù Nga vẫn tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria, điều này là không đủ để ngăn chặn HTS.
Sau khi quân đội chính phủ Syria trải qua 4 năm chiến đấu với phiến quân để giành giật Aleppo, chính quân đội Nga đã giúp Tổng thống Assad chiếm lại thành phố vào cuối năm 2016.
Điểm khác biệt chính của tình hình hiện nay so với trận chiến Aleppo năm xưa là Nga lúc này đang phải bận tâm nhiều hơn tới cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài gần ba năm qua.
"Rõ ràng, hiện diện của Nga ở Syria bắt đầu giảm dần từ đó", Suleimanov nói.
Nhưng trên thực tế, lực lượng quân đội Nga ở Syria luôn tương đối nhỏ. Năm 2015, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tăng cường sức mạnh quân sự cho Tổng thống Assad sau 4 năm nội chiến, ông chủ yếu triển khai lực lượng không quân tới Syria.
Con số này nhiều khả năng không tăng thêm. Ngoài ra, Nga vào thời điểm đó cũng điều động một lượng nhỏ lính đánh thuê, như Wagner, đến hỗ trợ chính quyền Syria. Họ tham gia vào các trận chiến trên bộ thường xuyên hơn so với binh sĩ chính quy Nga.
Tuy nhiên, ngày nay, các tay súng này hầu như vắng bóng ở Syria do họ đã được điều động đến Ukraine.
"Chiến lược của Nga là hỗ trợ lực lượng dân quân Syria, Iran và Shiite chiến đấu và lực lượng Nga yểm trợ hỏa lực từ trên không, chứ không phải ngược lại", nhà phân tích Mỹ Michael Kofman và Matthew Rojansky viết trong một bài nghiên cứu cho Nhà xuất bản Đại học Quân đội Mỹ năm 2018.
Trong khi đó, Iran và các lực lượng vũ trang đồng minh như Hezbollah hiện bị suy yếu đáng kể do cuộc xung đột với Israel. Hezbollah là lực lượng trên bộ chủ lực hỗ trợ quân đội chính phủ Syria trong hơn 10 năm nội chiến.
HTS và các nhóm đồng minh dường như nhận ra đây là thời cơ không thể bỏ lỡ để phát động chiến dịch tiến công mang tính định đoạt.
Vẫn chưa rõ liệu Nga có thể lấp đầy khoảng trống trong lực lượng mặt đất Syria hay không.
"Nhưng sẽ rất khó để tăng viện trợ cho Tổng thống Assad mà không làm suy yếu quân đội Nga ở Ukraine", Pavel Luzin, chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga, đánh giá.
Sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, một số thông tin cho hay Nga đã rút bớt chiến đấu cơ khỏi Syria và hệ thống tên lửa phòng không S-300 tại đây được chuyển tới một cảng gần Crimea.
Binh sĩ Nga đồn trú ở Syria được tập trung tại những căn cứ lớn, thay vì trấn giữ những tiền đồn nhỏ. Việc chuyển lực lượng lính đánh thuê giàu kinh nghiệm chiến đấu sang Ukraine cũng làm suy đáng kể vị thế của Nga ở khu vực, theo giới quan sát.
Suleimanov cho hay dù Điện Kremlin vẫn còn một số lượng nhỏ lính đánh thuê ở Syria, "những người này không tham gia nhiệm vụ chiến đấu mà chỉ thực hiện các nhiệm vụ khác, như giám sát các cơ sở sản xuất dầu".
Nhưng khi chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn là ưu tiên của Nga, "Tổng thống Putin chắc chắn sẽ không bỏ rơi chính quyền Assad", Suleimanov lưu ý.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/12 tuyên bố Moskva sẽ chống lại HTS bằng mọi biện pháp khả dĩ. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính quyền hợp pháp ở Syria, đồng thời thúc đẩy việc nối lại đàm phán với phe đối lập", ông Lavrov nói.
Nga có hai cứ điểm quan trọng đang bị đe dọa là căn cứ hải quân ở Tartus đảm bảo khả năng tiếp cận Địa Trung Hải và căn cứ không quân Hmeimim giúp quân đội Nga triển khai trên toàn bộ khu vực.
Syria cũng đóng vai trò quan trọng đối với Điện Kremlin trong việc duy trì hình ảnh một siêu cường, theo giới chuyên gia. Sau nỗ lực can thiệp thất bại của phương Tây vào Iraq và Libya, Nga muốn thể hiện hình ảnh là nhân tố ổn định trong khu vực và đã thành công trong việc khẳng định mình giống như một trụ cột ở Trung Đông.
Các cuộc không kích của Nga tại Syria đang được đẩy mạnh, nhắm vào những mũi tấn công của phiến quân.
Theo Rybar, kênh Telegram thân Điện Kremlin với 1,3 triệu người theo dõi, tướng Alexander Chaiko, người từng chỉ huy quân đội Nga ở Syria, đã được điều động trở lại nước này.
Bên cạnh đó, Moskva cũng tìm cách liên lạc với các cường quốc khác có liên quan, trên hết là Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang hưởng lợi nhiều nhất từ đà trỗi dậy của phiến quân. HTS được hỗ trợ bởi Mặt trận Giải phóng Quốc gia, liên minh các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tổng thống Putin đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan qua điện thoại và đại diện của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch gặp nhau vào cuối tuần tới.
"Đây sẽ là những cuộc đàm phán rất khó khăn, mệt mỏi đối với Nga, vốn đã dành rất nhiều nguồn lực cho Ukraine", Suleimanov nói. "Nếu muốn bảo vệ chính quyền Assad, Nga sẽ phải san sẻ bớt nguồn lực tới Trung Đông và đây chắc chắn không phải quyết định dễ dàng".
Vũ Hoàng (Theo DW, TASS, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét