Sáng 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Dự thảo mới nhất của đạo luật này dành một chương quy định về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm và do Thủ tướng quyết định.
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: QH |
Đại biểu Lê Thanh Vân (thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách) cho rằng, thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, mà quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư. "Ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền tham nhũng, phiền hà thì khoản được miễn giảm đó có khi còn ít hơn tiền mà doanh nghiệp phải chi ra để vận động", ông Vân nói.
Ông Vân cũng cho rằng, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là các khu vực được thiên nhiên ưu đãi, nhà nước đã đầu tư hạ tầng rất nhiều vào đây, giờ lại miễn 30 năm tiền thuê mặt đất, mặt nước thì không công bằng.
Ngoài ra, vị đại biểu nói thời gian cho thuê đất lên tới 99 năm là "không ổn" vì ba địa danh dự định thành lập đặc khu đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu TP HCM, cũng thống nhất với đại biểu Lê Thanh Vân là việc giao đất, cho thuê đất cần ở ba vị trí nêu trên cần được nghiên cứu thận trọng về đảm bảo an ninh, quốc phòng.
"Giao đất quá dài, lên tới 99 năm thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cần quy định rõ chúng ta không đánh đổi chủ quyền cho phát triển kinh tế", ông Khuê nói.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. Ảnh: QH |
Kiểm soát quyền lực để tránh lợi ích nhóm trỗi dậy
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu trong dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Trung ương Đảng. Cụ thể, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đặc khu, thay vì mô hình không có HĐND và UBND, chỉ có trưởng đơn vị đặc khu như trước đây.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, mô hình mới chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu. "Cơ chế kiểm soát quyền lực của chủ tịch UBND đặc khu như thế nào, với tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm cũng phải vượt trội. Chúng ta lại đang lấy quy định pháp luật bình thường để ứng xử với người được trao quyền quá lớn, như vậy là không ổn", ông Vân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông, với quy trình cán bộ như hiện nay khó chọn người tài đứng ở vị trí chủ tịch UBND đặc khu, chưa nói đến nguy cơ không kiểm soát được quyền lực thì "lợi ích nhóm có thể trỗi dậy".
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: QH |
Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đề nghị không nên tổ chức HĐND ở đặc khu để tạo cơ chế vận hành thông thoáng, "đơn vị đặc biệt thì tổ chức chính quyền cũng phải đặc biệt".
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 20/5).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét