Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Ngôi làng xem thổ cẩm như vật bất ly thân

Quảng NgãiNhững đứa trẻ làng Teng được dệt một tấm thổ cẩm để mẹ địu lúc chào đời, đến khi chết, họ lại nằm trên chính tấm thổ cẩm ấy.

Tấm địu sẽ được mắc như chiếc võng, người chết nằm trong đó lúc viếng tang. Sống sao thác vậy, những tấm địu thổ cẩm sẽ ru linh hồn về thế giới vĩnh hằng. "Những người giàu có hoặc già làng thì làm chiếc võng to hơn bằng hai tấm địu để thể hiện quyền uy", bà Phạm Thị Thung (80 tuổi, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) nói về sự gắn bó của dân làng mình với thổ cẩm.

Bà Phạm Thị Thung (phải), 80 tuổi, và Y Hòa, 30 tuổi bên khung dệt vải ở làng Teng. Ảnh: Phạm Linh.

Bà Phạm Thị Thung (phải), 80 tuổi, và Y Hòa, 30 tuổi bên khung dệt vải ở làng Teng. Ảnh: Phạm Linh.

Bà Thung là một trong những người cao tuổi nhất ở làng Teng, nơi có khoảng 200 hộ dân, nổi tiếng với nghề dệt. Những người già như bà Thung cũng không biết nghề có từ khi nào, chỉ biết từ nhỏ đã được mẹ, bà dạy cho cách dệt những tấm địu, khố, áo, khăn ấm, túi cho người thân và trao đổi lấy lương thực, hiện vật với người dân làng khác.

Trải qua thăng trầm thời gian, nghề dệt làng Teng vẫn được giữ gìn và kế tục như một phần bản sắc của người H'Re nơi này.

Chỉ vào chiếc ống nhựa lớn trong khung cửi dệt vải, bà Thung bảo rằng dụng cụ dệt bây giờ đã khác. Khi xưa, cha bà phải chọn ống tre to, tròn nhất để đảm bảo khi dệt sợi chỉ đều tăm tắp. Ngoài khung dệt vải còn có dụng cụ xe sợi từ cây bông. "Cây bông được trồng bên bãi bồi dọc sông Liên để lấy sợi, còn thuốc nhuộm vải cha tôi phải vào rừng sâu đào rễ cây để mài thành", bà Liên hồi tưởng.

Nhiều phụ nữ làng Teng gắn với nghề dệt thổ cẩm như gắn với vật bất ly thân. Bà Phạm Thị Thiêu, một nghệ nhân cao tuổi khác, kể rằng trong thời chiến, khi dân làng phải trốn vào núi Cao Muôn để tránh bom đạn, thì những phụ nữ như bà đem đêm vẫn bày khung cửi để dệt vải cho bộ đội người H'Re.

Khi đất nước hòa bình, người H'Re cũng hòa nhập với người Kinh, diện các trang phục hiện đại. Nhưng đàn bà, con gái trong làng vẫn thường tập trung đến nhà các mí (mẹ) như bà Thiêu, bà Thung... để học nghề.

Đặc biệt, đến ngày Tết, gia đình nào dù nghèo khó đến đâu cũng phải cố gắng dệt bộ trang phục thổ cẩm mới cho các thành viên. Ai không dệt được thì phải đổi nhiều buổi làm giùm để lấy vải.

Cô gái trẻ và hai bé gái ở làng Teng diện trang phục thổ cẩm để chụp ảnh Tết. Ảnh: Phạm Linh.

Cô gái trẻ và hai bé gái ở làng Teng diện trang phục thổ cẩm để chụp ảnh Tết. Ảnh: Phạm Linh.

Cánh đồng bông để lấy sợi chỉ còn trong ký ức bà Thung, bà Thiêu và những người già nhất trong làng. Ngày nay, người dân chỉ cần mua chỉ ba màu trắng, đỏ, đen để thay rút ngắn các công đoạn thủ công. Bà Thung nói rằng rất vui vì rất nhiều cô gái trẻ theo nghề dệt của làng. "Hồi xưa dệt vải để mặc là chính, bây giờ biết dệt và kiếm được tiền", bà cười nói.

Cột mốc đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nghệ dệt làng Teng đến từ việc Nhà nước đầu tư dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng cách đây năm năm với kinh phí 10,5 tỷ đồng; đồng thời lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề dệt làng Teng là di sản phi vật thể quốc gia.

Đây cũng là thời gian mạng xã hội bắt đầu phát triển mạnh, những cô gái trẻ ở làng bắt đầu quảng bá sản phẩm của mình và gia đình lên Facebook. Dần dần, thổ cẩm làng Teng trở thành một từ khóa "hot" ở Quảng Ngãi. Nhiều bạn trẻ đi học, làm xa... cũng về làng nối nghề.

Phạm Thị Y Hòa, 30 tuổi, từng học ngành y ở Huế và xa quê nhiều năm, cũng về lại làng Teng khoảng hai năm trước. Cô đã nói chuyện với các cụ già để hiểu rõ về ý nghĩa của màu sắc, họa tiết thổ cẩm.

Y Hòa kể lại, tấm thổ cẩm làng Teng có ba màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng. Màu đen tượng tưng cho màu da, màu đỏ là máu, màu trắng là linh hồn của con trâu, linh vật của người H'Re. Hoa văn trên tấm vải thổ cẩm thể hiện phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của người dân như mây trời, sông suối, núi rừng, mũi tên, tổ ong, da rắn, lá cây...

Tùy theo loại trang phục và độ công phu, một sản phẩm có thể dệt trong vài ngày hoặc một, hai tuần. "Việc dệt vải rất công phu nên nhiều khi phải dệt vào ban đêm để có nhiều sản phẩm", Hòa nói và tiết lộ thu nhập từ nghề dệt của cô khoảng ba triệu đồng một tháng. Cô còn kết hợp với bán rượu cần để cải thiện thu nhập.

Còn Phạm Thị Sung (26 tuổi), nhà ở đầu làng thì mở hẳn một cửa hàng nhỏ, vừa bán thổ cẩm vừa trưng bày những đồ vật của người H'Re như nỏ, cung, bộ nhạc cụ cồng chiêng.

Từng học ngành Công tác xã hội ở Đại học Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp, Sung mở một cửa hàng tạp hóa rồi mở thêm cửa hàng thổ cẩm khoảng 20 m2. "Dệt thổ cẩm với em vừa là sở thích vừa là mong muốn duy trì được nghề truyền thống của gia đình và làng Teng", Sung nói.

Phạm Thị Sung trong cửa hàng thổ cẩm giống một bảo tàng thu nhỏ của mình. Ảnh: Phạm Linh.

Phạm Thị Sung trong cửa hàng thổ cẩm giống một bảo tàng thu nhỏ của mình. Ảnh: Phạm Linh.

Cô gái tiết lộ, những thợ dệt trẻ như cô phải cải tiến thổ cẩm thành những sản phẩm phù hợp xu thế như váy, áo hai dây, đầm xẻ... để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngoài tiếp cận cái mới, thợ dệt thổ cẩm cũng có thêm thị trường khi ngành giáo dục các huyện miền núi yêu cầu học sinh mặc trang phục truyền thống vào một số ngày trong tuần.

Những năm qua, phụ nữ làng Teng thường được ngành văn hóa mời đi dự các Festival làng nghề truyền thống. Năm 2019, không khí ở làng Teng thêm nhộn nhịp tươi vui khi có hội thi dệt cho phụ nữ trẻ, và được đón nhận bằng công nhận nghề dệt thổ cẩm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, làng Teng đã thành lập tổ dệt. Tổ sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa để chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, ngày càng nhiều phụ nữ làng Teng biêt dệt, hiện đã có 70 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi đã giao Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Ba Tơ triển khai việc sử dụng tên địa danh Làng Teng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Dệt thổ cẩm Làng Teng".

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét