Để đối phó với người gây rối, cảnh sát Mỹ thường sử dụng đội hình hình vuông gồm nhiều lớp giúp giải tán đám đông và giảm thiểu thương tích.
Bước đầu tiên là gây sức ép về tinh thần. Lực lượng cảnh sát sẽ triển khai theo đội hình hẹp theo từng hàng ngang, sau đó sẽ gõ gậy baton vào lá chắn hoặc giậm chân theo nhịp nhằm khiến đối phương sợ hãi mà bỏ chạy.
Khi đám đông gây rối lên đến đỉnh điểm, cảnh sát sẽ triển khai đội hình hình vuông với nhóm chỉ huy ở trung tâm. Nhóm chỉ huy được bao bọc bốn mặt bằng những hàng cảnh sát được tổ chức theo nhóm 10-12 người. Ở giữa hình vuông còn có nhóm phụ trách việc bắt giữ.
Đơn vị chiến thuật này được đánh giá là rất linh hoạt, có thể thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi. Nếu bất chợt có mối de dọa xuất hiện ở đằng sau hoặc bên cạnh, hàng cảnh sát ở hướng đó sẽ trở thành hàng đầu của đơn vị. Toàn đơn vị cũng có thể đổi hướng mà không phải thực hiện quá nhiều thao tác.
Nếu đơn vị bị tấn công, cả đội không di chuyển cùng lúc mà theo từng hàng một. Một hàng cảnh sát sẽ di chuyển trong khi được đồng đội bắn yểm trợ hoặc che chắn bằng lá chắn. Sau đó, một hàng khác sẽ tiến lên trước để vào vị trí.
Đội hình dàn hàng ngang không phải là bức tường không thể bị xuyên thủng. Ngược lại, cảnh sát thường chừa lối thoát để người gây rối chạy qua. Các cảnh sát ban đầu có thể vào vị trí tĩnh, tức đứng giãn rộng sao cho khoảng cách giữa từng người là vài mét, mục đích là để người trong đám đông dễ dàng lọt qua. Nếu bị nhóm người bạo lực tiếp cận hoặc phát hiện nghi phạm cần bắt giữ, cảnh sát có thể mau chóng thu hẹp khoảng cách để tạo thành đội hình kín.
Khi những người không chịu giải tán, đơn vị hình vuông sẽ tiếp cận đám đông. Lúc này, hàng cảnh sát phía trước tản ra hai bên để bao vây người gây rối. Khi người gây rối đã ở trong hình vuông, cả đơn vị dừng lại. Hàng cảnh sát phía trước về vị trí để đội bắt giữ làm việc. Bắt giữ xong, cả đơn vị có thể tiếp tục di chuyển.
Cảnh sát nói họ không cố gắng bắt giữ tất cả mà tập trung vào những kẻ cầm đầu bởi đám đông gây rối sẽ giải tán khi không có người khuyến khích hoặc hô hào.
Do mục đích của cảnh sát là giải tán đám đông, để điều chỉnh hướng di chuyển của đám đông hoặc ngăn tiếp cận khu vực nào đó, cảnh sát thường kết hợp giữa việc cho từng hàng ngang tiến bước và dùng đạn hơi cay. Đám đông không bị ghim chặt và luôn được chừa cho đường thoát vì mục đích sau cùng của cảnh sát là muốn giải tán nhóm này.
Quốc Đạt (Theo How Stuff Works)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét