Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

EU phản đối Mỹ trừng phạt quan chức Tòa Hình sự Quốc tế

EU hối thúc Mỹ dừng trừng phạt các quan chức Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi đây là động thái "không thể chấp nhận và chưa có tiền lệ".

"Các biện pháp trừng phạt do chính quyền Mỹ công bố là những biện pháp không thể chấp nhận và chưa từng có, nhằm cản trở quá trình điều tra, xét xử của Tòa án", Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết hôm 3/9.

Borrell khẳng định Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phải có khả năng làm việc độc lập và khách quan, không bị can thiệp từ bên ngoài. Quan chức EU cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại lập trường và rút lại các biện pháp trừng phạt.

Chính phủ Pháp cũng đưa ra tuyên bố tương tự Borrell, gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là "cuộc tấn công nghiêm trọng" chống lại ICC và các nước ủng hộ cơ quan này. Pháp cho biết động thái của Mỹ cũng "thách thức chủ nghĩa đa phương và tính độc lập của cơ quan tư pháp".

"Pháp kêu gọi Mỹ ngay lập tức rút lại các biện pháp này", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói.

Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hà Lan hồi tháng 1/2019. Ảnh: Reuters.

Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hà Lan hồi tháng 1/2019. Ảnh: Reuters.

Washington hôm 2/9 công bố lệnh trừng phạt với công tố viên ICC Fatou Bensouda và Phakiso Mochochoko, lãnh đạo bộ phận Xét xử, Hỗ trợ và Hợp tác của cơ quan này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết công tố viên Bensouda bị trừng phạt vì "điều tra nghi vấn tội ác chiến tranh của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan", trong khi Mochochoko cũng bị đưa vào danh sách cấm vận vì "hỗ trợ công tố viên Bensouda".

Động thái được tiến hành gần ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cho phép trừng phạt những cá nhân "trực tiếp tham gia mọi nỗ lực của ICC để điều tra, bắt, giam giữ hoặc truy tố quan chức Mỹ và đồng minh mà không có sự đồng ý của Mỹ hoặc quốc gia đó".

Mỹ không phải thành viên của ICC và quan chức chính quyền Trump từ lâu đã bác bỏ thẩm quyền của tòa, đồng thời thực hiện các bước ngăn chặn điều tra như thu hồi thị thực của công tố viên Bensouda vào năm ngoái.

ICC ra đời năm 2002 theo một hiệp ước của Liên Hợp Quốc và được 123 nước phê chuẩn, chuyên điều tra các nghi phạm để mang lại công lý cho những người phải chịu nạn diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, khi chính quyền các nước không thể hoặc không thực hiện việc truy tố.

Ngọc Ánh (Theo Politico)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét