Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Ông Dương Trung Quốc: 'Bài học đoàn kết còn nguyên giá trị'

Trả lời phỏng vấn VnExpress nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhà sử học Dương Trung Quốc nói "bài học xây dựng lòng tin và đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị".

- Là người nghiên cứu lịch sử, ông phân tích ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám như thế nào?

- Cách mạng tháng Tám không chỉ chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và đồng thời kết thúc ách đô hộ của phát xít Nhật, vào lúc đó, chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm cũng đã kết thúc. Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại ngay lập tức.

Cách mạng tháng Tám cũng là sự tiếp nối những cuộc đấu tranh giành độc lập của bao thế hệ cha ông từ xa xưa.

Nếu tính từ lúc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 đến trước cách mạng tháng Tám, đã có rất nhiều người Việt Nam yêu nước, khát khao tìm đường giải phóng dân tộc. Mỗi cá nhân, tổ chức có khuynh hướng, lựa chọn học thuyết khác nhau. Đơn cử, các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng đã sẵn sàng xả thân vì nước, khi tham gia khởi nghĩa Yên Bái, họ nêu cao tinh thần "không thành công, cũng thành nhân". Trong đấu tranh cách mạng, các đảng viên cộng sản cũng sẵn sàng bị tù đày, lên đoạn đầu đài, bị hành hình.

Trong hoàn cảnh lịch sử trước năm 1945, lực lượng nào tập hợp được quần chúng hùng hậu, có tổ chức mạnh, biết chớp thời cơ thì sẽ thành công.

- Theo ông, sự thành công của cách mạng tháng Tám để lại những bài học lịch sử nào?

- Từ khi ra đời, Mặt trận Việt Minh luôn thực hiện đúng tinh thần của lãnh tụ Hồ Chí Minh là dựa vào thời cơ, lực lượng của thời đại, nhưng quan trọng nhất là phải "lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta". Quan điểm này rất quan trọng, vì góp phần tạo được nền độc lập bền vững cho dân tộc.

Khi về nước năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần đại đoàn kết. Mặt trận Việt Minh ra đời cũng nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phải để giải phóng dân tộc.

Những chính sách của Việt Minh đưa ra dựa trên tôn chỉ đoàn kết toàn dân, nên đã kêu gọi được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Lúc đó đường sá giao thông, liên lạc yếu kém, nhưng chỉ trong nửa tháng, người Việt Nam giành được chính quyền từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về thời kỳ cách mạng tháng Tám rằng: "Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều, có nước phải chặt đầu vua. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc, chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra khỏi bờ cõi".

Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học, nhưng theo tôi, "muôn dân đoàn kết" là một bài học rất quan trọng và vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

- Chủ trương đại đoàn kết còn được thể hiện sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như thế nào, thưa ông?

- Trước và sau Cách mạng tháng Tám, một số tổ chức dựa vào nước ngoài, như Việt Quốc, Việt Cách dựa vào quân đội của Tưởng Giới Thạch khi "Hoa quân nhập Việt"... Trong khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vị trí của cách mạng Việt Nam trong xu thế thời đại, nên ngay từ đầu đã lựa chọn đứng về phe Đồng minh.

Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hợp tác với Mỹ, không chỉ vì muốn dựa vào sức mạnh của Mỹ mà còn khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vì vậy, ngay từ đầu, Việt Nam đã là một thành viên của Đồng minh, đứng về phe chiến thắng.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cả nước tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Nhiều đảng phái không tham gia, thạm chí tẩy chay cuộc bầu cử này. Nhưng khi bầu xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục Quốc hội giành số ghế nhất định cho các đảng phái khác. Một số lãnh đạo các đảng phái khác được mời tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ vị trí quan trọng. Nhiều trí thức tiêu biểu tham gia Chính phủ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thuyết phục các nhân sĩ, trí thức không phân biệt đảng phái cùng tham gia chính quyền, giúp nước Việt Nam non trẻ vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Vua Bảo Đại sau khi thoái vị, lấy tên là công dân Vĩnh Thụy, được mời ra làm cố vấn tối cao cho Chính phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm điều đó, bởi tin rằng nếu thuyết phục được những người có tinh thần dân tộc đi theo thì cách mạng có thêm lực lượng. Tinh thần đại đoàn kết thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực như thế. Tất nhiên, trong những người được mời tham gia Quốc hội, Chính phủ lúc ấy, có người sau này đi theo cách mạng đến cùng, nhưng có người bị thực tiễn tự đào thải.

- Bài học đại đoàn kết này có ý nghĩa như thế nào với hiện nay?

- Nhìn về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh không chỉ là nhìn về quá khứ, mà chính là nhìn về hiện tại và tương lai. Đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng tỏ, nếu toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm thì đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, hoàn cảnh mỗi thời kỳ lịch sử có sự khác nhau, nên để phát huy tinh thần đoàn kết cũng phải có những cách làm phù hợp. Trước cách mạng tháng Tám, hàng triệu người dân mất nước đều khao khát giành lại độc lập, tự do, nên ngọn cờ giải phóng dân tộc của Việt Minh đáp ứng lợi ích chung, đã quy tụ được đông đảo quần chúng.

Mỗi thời đại, lòng dân có những đòi hỏi và yêu cầu khác nhau. Tôi nghĩ rằng, một trong những điều kiện tiên quyết hiện nay là phát huy dân chủ thực sự, có cơ chế tốt hơn nữa để người dân tham dự vào đời sống chính trị đất nước.

Từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo thường nhắc lại câu nói "được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả". Bài học này đơn giản nhưng không dễ thực hiện.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng trước sau như một, người dân luôn tin tưởng vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó để lại bài học cho những người lãnh đạo hôm nay, là muốn vượt qua được thời kỳ khó khăn, điều quan trọng nhất là phải có lòng tin của người dân. Trách nhiệm của nhà nước là phải làm cho dân hiểu, chứ không phải buộc người dân phải chấp thuận chính sách.

Cách đây 75 năm, tầm nhìn của người lãnh đạo và lòng dân là hai trong số các nguyên nhân làm nên thành công của cách mạng tháng Tám. Bài học đó đến nay chúng ta vẫn phải thường xuyên soi lại.

Viết Tuân

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét