Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

'Tên đường sai cần phải sửa'

TP HCMCác nhà nghiên cứu cho rằng đường Trương Quốc Dung, Kha Vạn Cân, Lương Nhữ Học... cần được đổi đúng tên nhằm bày tỏ sự tôn trọng với nhân vật, sự thật lịch sử.

Đồng tác giả Sổ tay tên đường ở TP HCM, PGS Lê Trung Hoa (nhà nghiên cứu địa danh học, Ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP HCM), cho biết tên đường bị đặt sai xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đường Trương Quốc Dung, đoạn giao với đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, có tên đúng phải là Trương Quốc Dụng, ngày 24/9. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đường Trương Quốc Dung, đoạn giao với đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, có tên đúng phải là Trương Quốc Dụng, ngày 24/9. Ảnh: Mạnh Tùng.

Thứ nhất, những người làm bảng tên đường sau khi có quyết định đặt tên, do phát âm sai hoặc nhầm lẫn nên in bảng tên theo cách hiểu của họ. Chẳng hạn đường Nguyễn Chánh Sắt (quận Tân Bình) trong quyết định đặt tên năm 2000 lại trở thành Nguyễn Chánh Sắc.

Thứ hai, do chính Hội đồng đặt đổi tên đường nhầm lẫn, dẫn đến quyết định đặt tên đường sai. Ví dụ của trường hợp này là Hoàng Đức Lương, Tôn Thất Đàm, Kha Vạng Cân bị nhầm thành Hoàng Đức Tương (quận 11), Tôn Thất Đạm (quận 1), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).

Thứ ba, tên đường sai do yếu tố lịch sử, chủ yếu là kiêng kỵ phạm húy. Chẳng hạn, Ngô Thì Nhậm, danh sĩ đời Hậu Lê trùng với tên thật vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi tên Nguyễn Phúc Thì. Do đó, tên đường phải đặt là Ngô Thời Nhiệm. Hoặc đường Lê Thánh Tông trùng với tên thật vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông nên sửa thành Lê Thánh Tôn.

Không chỉ tên đường bị sai mà TP HCM hiện có hơn 180 tuyến đường bị trùng tên nhau, ví dụ đường Nguyễn Đình Chiểu đều có ở quận 3 và Phú Nhuận. Trước đây, 3 đơn vị hành chính Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đặt tên đường độc lập với nhau. Sau khi thống nhất, ba đơn vị trên nhập thành TP HCM khiến nhiều đường trùng lặp tên.

"Tên đường sai cần phải sửa cho đúng để thể hiện sự tôn trọng với nhân vật được đặt tên, với lịch sử", PGS Hoa nói và bày tỏ sự cân nhắc tên đường nào cần phải sửa ngay, tên đường chưa cần thiết đổi, để tránh gây xáo trộn đời sống người dân, đặc biệt thủ tục hành chính.

Bảng tên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 (tên đúng Ngô Thì Nhậm), được Hội Khoa học Lịch sử TP HCM đề xuất giữ nguyên. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 (tên đúng Ngô Thì Nhậm), được Hội Khoa học lịch sử TP HCM đề xuất giữ nguyên, ngày 24/9. Ảnh: Mạnh Tùng.

GS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP HCM, cho hay mỗi giai đoạn lịch sử có những lý do cả chủ quan lẫn khách quan khiến việc đặt tên đường chưa chính xác. "Tuy nhiên không thể viện cớ tên đường đã sai quá lâu, gọi quen rồi nên không cần thay đổi, mà phải xác định tên sai cần phải sửa", ông Sen nói.

Hội Khoa học lịch sử TP HCM là cơ quan thẩm định 38 tên đường chưa chính xác do đơn vị tư vấn đưa ra theo đề nghị của UBND TP HCM. Những tên đường được đề xuất đặt lại với những lý do phù hợp, thuyết phục được hội chấp nhận, như Dương Tụ Quán (tên hiện hữu Dương Tự Quán), Đoàn Nhữ Hài (Đoàn Như Hài). Với những tên đường đề xuất đổi mà lý do chưa thuyết phục được hội đề nghị tạm gác lại.

Theo Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, có nhiều tên đường chưa đúng nhưng không nhất thiết phải đổi. Bởi ngoài việc tôn trọng tính chính xác của tên nhân vật, sự kiện lịch sử cũng phải quan tâm đến yếu tố đặc trưng văn hoá người Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung trong việc phát âm chữ Hán. Chưa kể việc đổi tên có thể gây ra những phiền phức hành chính không cần thiết.

Chẳng hạn, không cần đổi Hà Tôn Quyền (quận 11) sang Hà Tông Quyền, Lê Thánh Tôn (quận 1) thành Lê Thánh Tông, Ngô Thời Nhiệm (quận 3) thành Ngô Thì Nhậm, Tôn Đản (quận 4) thành Tông Đản. Nếu các tên đường này phải đổi, nhiều địa danh hành chính liên quan các từ Phước - Phúc, Cảnh - Kiểng, Tông -Tôn, Vũ - Võ, Châu - Chu, Chính - Chánh... phải được điều chỉnh để có sự thống nhất một cách tổng thể.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP HCM cho rằng quy trình đặt tên đường của thành phố đang thực hiện ngày càng chặt chẽ. Mỗi tên đường sau khi được đề xuất đều lấy ý kiến cơ quan, ban ngành, các thành phần xã hội, các nhà khoa học, hội đồng thẩm định... để không xảy ra sai sót tương tự.

Đường Nguyễn Văn Tráng (quận 1) được đề xuất đổi thành Phạm Văn Tráng. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đường Nguyễn Văn Tráng (quận 1) được đề xuất đổi thành Phạm Văn Tráng, ngày 24/9. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, đồng tình về phương án phân loại và đề xuất đổi tên những đường không chính xác của Sở Văn hóa Thể thao. Trung tâm cũng là đơn vị khảo sát, tìm ra 38 tên đường chưa đúng bằng nghiên cứu Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP HCM - Khảo sát hiện trạng và giải pháp đến năm 2020.

Theo PGS Trân, việc đường phải đổi tên do được quy hoạch lại, tên đường thiếu thẩm mỹ, đường trùng tên hoặc tên không chính xác. Việc đổi tên gây ra một số khó khăn cho người dân về giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhà, đăng ký sử dụng điện, nước, điện thoại... Song việc đổi tên ở khía cạnh nào đó giúp người dân có những thuận lợi, nhất là tên đường mới hay, ý nghĩa hơn.

Cũng theo bà Trân, hiện TP HCM có hơn 1.700 đường mang tên tạm hoặc đủ điều kiện được đặt tên nhưng chưa có tên. Do đó quỹ tên đường ở TP HCM cần được mở rộng với các nhân vật lịch sử ở địa phương, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tên các hải đảo của đất nước, các mỹ từ...

Hiện việc đặt đổi tên đường làm theo Nghị định 91 của Chính phủ. HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.

UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, giúp nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt hoặc đổi tên; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Nghị định 91 cũng quy định không đổi tên đường, phố và công trình công cộng có tên gọi quen thuộc, gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, địa phương và ăn sâu trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Nghị định quy định không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị. Trong trường hợp đặc biệt cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án phù hợp.

Hữu Công - Mạnh Tùng

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét