Khi Huawei được thành lập tại Thâm Quyến năm 1987, thành phố này lúc bấy giờ còn đang chật vật để khẳng định vị trí trong nền kinh tế Trung Quốc.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến khi đó không chỉ bị lấn át bởi đặc khu hành chính Hong Kong mà còn bởi cả những thành phố khác của Trung Quốc. Ít ai ngờ rằng sau 4 thập kỷ, nơi từng chỉ là một làng chài nhỏ bé lại có thể nổi lên như như một hình mẫu lý tưởng đại diện cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc.
Và càng ít người hơn dự đoán được rằng Huawei, đầu tàu kinh tế của Thâm Quyến hiện nay, lại có khả năng chuyển mình thành một gã khổng lồ toàn cầu về thiết bị viễn thông mà Mỹ coi là mối đe dọa an ninh và thách thức trật tự thế giới do nước này lãnh đạo.
Tuy nhiên, giữa lúc Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm ngày trở thành một trong 4 đặc khu kinh tế của Trung Quốc, không rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có thể tiếp tục tỏa sáng khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới đầy biến động hay không.
Khi Mỹ áp dụng một cách tiếp cận mang tính đối đầu quyết liệt hơn với Trung Quốc, khả năng kết nối dễ dàng với các nguồn vốn quốc tế, công nghệ và thị trường toàn cầu, vốn đóng vai trò rất quan trọng với sự trỗi dậy của Thâm Quyến, đang dần sụp đổ.
Với Huawei, vận may của họ đang suy kiệt khi Washington không ngừng tìm cách ngăn họ tham gia vào nỗ lực phát triển mạng lưới viễn thông 5G trên toàn thế giới, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận của tập đoàn này tới các linh kiện, công nghệ quan trọng do Mỹ sản xuất.
Một sắc lệnh mới của chính phủ Mỹ sẽ cấm Huawei và các chi nhánh mua vật liệu bán dẫn tại nước ngoài được sản xuất bằng phần mềm và thiết bị của Mỹ bắt đầu từ tháng 9. Nhiều nhà phân tích đánh giá quy định này giống như án tử đối với Huawei.
Sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của Huawei, hay nghiêm trọng hơn là việc họ sụp đổ hoàn toàn, không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến mà còn làm suy yếu niềm tin vào sức mạnh kinh tế, công nghệ của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy.
Liu Kaiming, giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết những biện pháp trừng phạt khiến Huawei suy yếu sẽ gây hiệu ứng tiêu cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử Trung Quốc.
"Không công ty nào khác có thể thay thế Huawei dẫn dắt ngành công nghệ và toàn cầu hóa của Trung Quốc", Liu nói. "Nếu Huawei không thể đương đầu với các lệnh trừng phạt từ Mỹ thì ai có thể?".
Với nền kinh tế Thâm Quyến, mất đi Huawei là một thiệt hại tàn khốc bởi công ty là một trong những viên ngọc sáng nhất trên vương miện của đặc khu.
Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thâm Quyến trong năm 2016, tạo ra khoảng 7% sản lượng kinh tế, theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ. Năm đó, họ là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương.
Huawei là doanh nghiệp đầu tư mạnh tay nhất vào nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến từ năm 2014 đến 2016, vượt mặt gã khổng lồ viễn thông Tencent Technologies, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI và cả nhà sản xuất xe điện BYD, theo một tài liệu nghiên cứu được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Thâm Quyến phát hành.
Tầm quan trọng của Huawei đối với Thâm Quyến tiếp tục được thể hiện vào năm 2018, khi công ty quyết định xây dựng một cơ sở hoạt động mới ở thành phố láng giềng Đông Quan.
Động thái này làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc Thâm Quyến đã làm gì để "đứa con cưng của mình" phải rời đi. Các bài viết kiểu như "xin đừng để Huawei ra đi" lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khi đó.
Huawei đã giúp Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhân tài về lập trình và kỹ thuật của Trung Quốc. Công ty đã tạo dựng được danh tiếng là nơi vô cùng hào phóng với những bộ óc sáng tạo và những người lao động chăm chỉ nhất.
Zhang Ji, 27 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo từ Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung, được Huawei tuyển với mức lương khởi điểm 2,01 triệu nhân dân tệ (291.000 USD) một năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 200.000 nhân dân tệ mỗi năm cho những người tốt nghiệp tiến sĩ bình thường khác.
Huawei đồng thời là công ty tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp lớn nhất từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2019, bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Đại học Phúc Đán, 4 trường đại học tốt nhất Trung Quốc.
Trong 194.000 nhân viên của công ty trên toàn cầu, hơn một nửa làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Peng Peng, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông, một viện chính sách liên kết với chính quyền tỉnh Quảng Đông, nhận định tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Huawei sẽ được cảm nhận trên toàn Trung Quốc và báo hiệu rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn được chào đón như trước nữa trên trường quốc tế.
"Vẫn rất khó dự đoán mức độ tác động của các biện pháp trừng phạt nhưng thị trường toàn cầu sẽ có thái độ khác đối với lĩnh vực sản xuất và sự trỗi dậy của Trung Quốc", ông nói.
Liu Kaiming, nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến, đồng tình rằng những vấn đề của Huawei sẽ có tác động sâu rộng đối với nền kinh tế quốc gia, báo hiệu sự kết thúc của một kỷ nguyên khi mà các công ty Trung Quốc được chấp nhận là thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Logic của những mối hợp tác như vậy đang đứt gãy và quá trình phân tách đã bắt đầu, Liu cho hay. Ông dự đoán một số công ty Trung Quốc với vốn đầu tư từ nước ngoài, rất nhiều trong số đó đặt tại Thâm Quyến, giờ đây sẽ phải gói ghém để rời đi.
"Các công ty điện tử do nước ngoài đầu tư này có vai trò đặc biệt đối với ngành công nghiệp sản xuất điện tử hướng tới xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc", Liu nói. "Việc họ rời đi không có lợi cho quá trình đổi mới công nghệ của đất nước".
Hồi đầu tháng, công ty Catcher Technology do Đài Loan đầu tư, một nhà cung cấp của Apple, thông báo sẽ bán toàn bộ cổ phần tại hai đơn vị của họ ở Trung Quốc cho Lens Technology với giá 1,43 tỷ USD.
Hồi tháng 7, Wistron, một nhà cung cấp khác cho Apple có trụ sở ở đảo Đài Loan, thông báo sẽ bán hai trong số các công ty con của họ ở miền đông Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
"Như đầu những năm 2000, khi khách hàng Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp của họ chuyển từ đảo Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc đại lục, giờ đây, cũng chính những người Mỹ này đang yêu cầu họ di dời từ Trung Quốc sang các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh", Liu cho hay.
Dù vậy, tương lai của Thâm Quyến và Huawei không hoàn toàn ảm đạm bởi thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là một nguồn động lực tăng trưởng lớn, chuyên gia đánh giá.
Li Daokui, giáo sư Đại học Thanh Hoa, tháng trước nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng thị trường nội địa với 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc, cùng với các thị trường khác ở các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, sẽ đủ để hỗ trợ những công ty Trung Quốc như Huawei.
"Hãy quên thị trường châu Âu và Mỹ đi. Rất khó để dựa vào họ trong tương lai nếu họ không tin tưởng chúng ta. Đây sẽ là kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa", Li nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét