Cuộc sống của hoàng đế có thực sự vui vẻ, cả ngày chỉ ăn chơi hưởng lạc như chúng ta vẫn nghĩ?
Nhịp sống trong xã hội hiện đại ngày càng nhanh, dù điều kiện vật chất ngày một nâng cao nhưng cũng kéo theo đó là vô vàn áp lực. Nhiều người mơ ước trở về thời cổ đại, sống một cuộc đời vô ưu.
Nhưng thật ra cuộc sống thời cổ đại cũng không hề đẹp đẽ như trong tưởng tượng. Cơ sở vật chất lạc hậu, tư tưởng con người chìm trong lễ giáo phong kiến cổ hủ, áp lực không hề nhỏ hơn chúng ta ở hiện tại. Ngay cả hoàng đế cũng không ngoại lệ.
Vậy công việc thường ngày của các hoàng đế thời cổ đại là gì?
Lấy Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh làm ví dụ, có thể nói ông là vị hoàng đế có cuộc sống thoải mái, an nhàn nhất thời phong kiến. Ông nội Khang Hy đã giúp ông dẹp tan mọi mối đe dọa đến từ các khu vực lân cận, cha là Ung Chính để lại cho một nguồn quốc khố dư dả. Nhiều người nghĩ Càn Long đế rất nhàn hạ nhưng thật ra mỗi ngày đều rất bận rộn. Ông dậy từ 3h sáng và lật thẻ bài thị tẩm lúc 7 giờ tối. Cuộc sống xa hoa mà nhàm chán cứ thế lặp đi lặp lại trong suốt 63 năm 4 tháng.
Thời kỳ Càn Long là thời kỳ nhà Thanh có diện tích lãnh thổ lớn nhất, lên tới 13,1 triệu km vuông với dân số trên 300 triệu người. Hơn nữa, vào thời nhà Thanh, quyền lực của triều đình tập trung ở mức tối đa, hoàng đế cần xử lý những việc trọng đại trong cả nước. Ngay cả khi Khang Hy và Ung Chính đã xây dựng cho Càn Long một nền móng vững chắc thì cũng khó mà quản lý được khối lượng công việc của một quốc gia lớn như vậy.
Trong mắt nhiều người, Càn Long là một vị hoàng đế rất lười biếng, cả ngày chỉ biết du sơn ngoạn thủy, 6 lần đến Giang Nam thăm thú. Nhưng trên thực tế, Càn Long vẫn khá chăm chỉ, ít nhất là hơn một số người ở hiện tại vì khi mọi người còn đang say giấc, ông đã bắt đầu làm việc.
Dưới triều đại của Càn Long, nhà Thanh đạt đến đỉnh cao, đời sống bách tính ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, Càn Long đế vẫn phải thượng triều mỗi ngày bàn chuyện chính sự vì Khang Hy đã đặt ra quy định này. Càn Long luôn một lòng ngưỡng mộ ông nội của mình, đương nhiên ở phương diện này càng không dám có chút sơ hở. Cho nên, dù có vất vả đến đâu đi chăng nữa, ông cũng duy trì đều đặn việc lên triều từ rất sớm.
Vào thời cổ đại, đi lại khó khăn, các quan đại thần để có thể vào cung lâm triều từ sớm chỉ có thể ngồi xe ngựa. Để không chậm trễ việc lâm triều vào sáng sớm, các quan đại thần mỗi ngày từ 3h sáng đã phải thức dậy chuẩn bị, cho nên lâm triều vào sáng sớm đối với các quan đại thần mà nói, thật ra cũng là một việc khá vất vả.
Hoàng đế Càn Long sống trong hoàng cung, mặc dù mỗi ngày không phải vất vả bôn ba, chạy đôn chạy đáo nhưng đều phải dậy từ 3h sáng. Bởi trước khi lâm triều, hoàng đế thường vào giờ Dần (tức là khoảng từ 3 - 5h) bàn việc quân cơ với các đại thần, nắm trước một chút về chính sự, sau đó mới tiếp các quan cấp dưới. Như vậy, thời gian lâm triều sẽ vào khoảng từ 5 - 7h.
Sau khi lâm triều, hoàng thượng sẽ quay về Dưỡng Tâm điện nghỉ ngơi một chút, bổ sung năng lượng với các loại bánh trái điểm tâm. Dưỡng Tâm điện còn là nơi các hoàng đế triều Thanh phê chuẩn tấu chương. Tấu chương trong cả nước đều tập trung tại đây chờ phê chuẩn. Trong chuyện phê chuẩn tấu chương, cả Càn Long, Ung Chính hay Khang Hy đều giống nhau, chính tay mình phê chuẩn chứ tuyệt đối không nhờ người khác.
Nhà Thanh có lãnh thổ rộng lớn, dân số đông, mọi việc đều do một mình Càn Long giải quyết, khối lượng công việc mỗi ngày lớn đến chừng nào có thể hình dung được. Khi xem tấu chương, thường chỉ những sự việc đặc biệt quan trọng mới thu hút sự chú ý của Càn Long. Những tấu chương như vậy sẽ để đến ngày hôm sau cùng các quan lâm triều cùng thảo luận. Hầu hết các tấu chương đều báo cáo những việc bình thường ở mức tầm thường. Sau khi đọc chúng, Càn Long đế thường chỉ viết mấy chữ có lệ như: “Đã xem” hoặc “Đọc được rất vui” biểu thị bản thân đã biết chuyện này.
Một số người có thể thắc mắc, chẳng nhẽ hoàng đế không ăn sáng sao? Tại sao sau khi lâm triều xong lại đến thẳng Dưỡng Tâm điện? Thực ra, chế độ ăn uống của hoàng đế nhà Thanh rất đơn giản. Càn Long chỉ ăn 2 bữa mỗi ngày là bữa sáng và bữa trưa. Bữa sáng điểm tâm bình thường sẽ vào khoảng từ 6 - 8h sáng, bữa trưa sẽ vào khoảng từ 1 - 2h trưa. Nếu như vào mùa hạ thu thì sẽ ăn trước khoảng 1 tiếng.
Bữa sáng của Càn Long đế khá đơn giản, sau khi thượng triều ông sẽ ăn một chút ở Dưỡng Tâm điện. Bữa tối thì phong phú hơn rất nhiều. Bình thường sẽ có hàng chục đến hàng trăm món. Với số lượng món ăn lớn như vậy, không ăn hết thì sẽ làm cách nào? Ăn không hết chỉ có thể đổ đi, thỉnh thoảng cũng sẽ ban thưởng cho các quan đại thần. Các quan đại thần bất kể có thích ăn hay không, có đói hay không, một khi hoàng thượng đã ban thưởng thì chỉ có thể ăn sạch sẽ, hơn nữa còn phải khen: “Hương vị này quả nhiên đỉnh của chóp.”
Càn Long ăn mỗi ngày hai bữa, nếu những lúc khác đói bụng thì phải làm thế nào? Đối với hoàng đế thì đây không phải vấn đề lớn. Chỉ cần liếc mắt một cái, kẻ hầu cận sẽ lập tức biết ý dâng lên rất nhiều điểm tâm. Đôi khi những tấu chương cần phê duyệt phải đến nửa đêm mới có thể xong hết, nếu như đói thì có thể gọi trù phòng làm thêm bữa ăn đêm, nhưng điều này hiếm khi xảy ra.
Sau khi ăn trưa, nếu việc triều chính còn chưa xử lý xong, Càn Long sẽ trở về Dưỡng Tâm điện làm nốt. Nhưng nếu đã hoàn thành chính sự thì có thể cùng cung tần dạo chơi vườn thượng uyển hoặc làm một số việc mình yêu thích. Với Càn Long mà nói, có một việc mà ngày ngày, bất kể có bận đến đâu ông cũng phải làm, chính là làm thơ. Cả đời Càn Long đã viết đến hơn 40.000 bài thơ, chưa bàn đến hay dở thế nào thì số lượng tác phẩm này cũng khiến người ta nể phục.
Công việc trong ngày gần xong thì sắc trời cũng ngả tối. 7h tối mỗi ngày là lúc Càn Long lật thẻ bài. Nhà Thanh vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ các hành vi sắc dục của hoàng đế, đến giờ sẽ có người gọi cửa nhắc nhở. Đây là giáo huấn mà tổ tiên để lại, Càn Long dù có là hoàng đế cũng phải nghiêm túc tuân theo.
Dù là hoàng đế nhưng Càn Long mỗi ngày đều rất bận rộn, không hề nhàn nhã như mọi người vẫn tưởng. Vì vậy, làm hoàng đế xưa nay không phải là một chuyện dễ dàng gì. Ngay cả Vạn Lịch đế, dù có ăn chơi vô độ, 20 năm không thiết triều thì cũng gặp khó khăn cùng quẫn khi không thể lựa chọn được người thừa kế theo ý nguyện.
So với thời cổ đại, xã hội hiện đại đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Thay vì cứ mãi ôm hận uất ức cuộc sống, hãy biến áp lực thành động lực, hướng tới ngày mai tươi sáng hơn.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/3yjp9dQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét