Trúng đạn vào tay, miệng đầy máu, Martine Moise nằm bất động trên sàn, không thể thở, khi các sát thủ lùng sục phòng ngủ của vợ chồng bà.
"Điều duy nhất tôi nhìn thấy trước khi chúng giết anh ấy là giày của chúng", Đệ nhất phu nhân Haiti kể lại giây phút chồng bà, Tổng thống Jovenel Moise, bị bắn chết tại nhà riêng hôm 7/7. "Sau đó, tôi nhắm mắt lại và không còn thấy gì nữa".
Martine lắng tai nghe khi những kẻ tấn công lùng sục căn phòng, tìm kiếm thứ gì đó trong đống giấy tờ, hồ sơ của chồng mình. "Không phải nó, không phải", bà nhớ lại một kẻ trong nhóm sát thủ đã nói như thế bằng tiếng Tây Ban Nha, lặp đi lặp lại. Cuối cùng, hắn ta reo lên: "Đây rồi".
Những tên sát thủ lần lượt rời khỏi phòng. Một tên giẫm lên chân bà. Tên khác chiếu đèn pin vào mắt Martine, dường như để kiểm tra xem bà còn sống hay không.
"Khi chúng đi, chúng nghĩ tôi đã chết", bà nói.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Jovenel bị sát hại, Đệ nhất phu nhân Martine, 47 tuổi, đã mô tả lại nỗi đau khôn xiết khi chứng kiến cảnh người chồng "đầu ấp tay gối" suốt 25 năm bị bắn chết ngay trước mắt mình.
Bà không bao giờ muốn nhớ lại tiếng súng chói tai, những bức tường và cửa sổ rung bần bật, nỗi khiếp sợ khi nghĩ rằng các con mình sẽ bị giết, nỗi kinh hoàng khi nhìn thấy thi thể chồng hay việc bà đã gắng gượng đứng lên như thế nào khi nhóm sát thủ bỏ đi. "Chỉ toàn là máu", bà nói, giọng trầm xuống.
Nhưng Martine biết mình cần phải lên tiếng bởi bà không tin rằng cuộc điều tra cái chết chồng bà đã trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: Ai đã ra lệnh và trả tiền cho vụ ám sát?
Cảnh sát Haiti đã bắt hàng loạt nghi phạm liên quan đến vụ ám sát, bao gồm 18 người Colombia cùng một số người Haiti và người Mỹ gốc Haiti. Trong số nghi phạm có các cựu biệt kích Colombia, một cựu thẩm phán, một nhân viên bán thiết bị an ninh, một nhà môi giới tài sản và bảo hiểm ở Florida cùng hai chỉ huy đội cận vệ của Tổng thống Jovenel.
Theo cảnh sát, âm mưu phức tạp này xoay quanh Christian Emmanuel Sanon, một người đàn ông 63 tuổi tự xưng là bác sĩ kiêm mục sư, người mà giới chức Haiti tin chính là chủ mưu thuê các sát thủ Colombia giết Tổng thống Jovenel nhằm giành quyền lực.
Nhưng những người không tin vào lời giải thích của chính quyền lại cho rằng không ai trong số các nghi phạm có đủ khả năng tài trợ cho âm mưu ám sát Tổng thống. Và Đệ nhất phu nhân Martine, như nhiều người dân Haiti khác, tin rằng phải có một kẻ chủ mưu với thế lực và tiềm lực tài chính lớn đứng sau tất cả, ra lệnh và cung cấp tiền.
Bà muốn biết chuyện gì đã xảy ra với 30-50 cận vệ thường xuyên túc trực tại tư dinh của vợ chồng bà bất kể khi nào Tổng thống Jovenel ở nhà. Không ai trong số các cận vệ của ông bị thương hay thiệt mạng. "Tôi không tin chuyện không có ai bị bắn", bà cho hay.
Thời điểm bị ám sát, Tổng thống Jovenel, 53 tuổi, đang phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng nghiêm trọng.
Những tháng gần đây, người biểu tình đã xuống đường để yêu cầu ông từ chức vào tháng 2, thời điểm họ cho là kết thúc nhiệm kỳ của ông. Trong khi đó, các băng đảng vũ trang đang gia tăng kiểm soát các con phố, khủng bố những khu dân cư nghèo và khiến hàng nghìn người phải chạy trốn, bắt cóc cả học sinh và mục sư nhà thờ.
Haiti cũng đối mặt tình trạng nghèo đói gia tăng, với nhiều người cáo buộc quan chức chỉ biết vơ vét cho bản thân, không cung cấp cho người dân ngay cả những dịch vụ cơ bản nhất.
Tổng thống Jovenel còn xung đột với một số nhà tài phiệt giàu có của đất nước, đáng chú ý nhất là dòng họ đang kiểm soát lưới điện quốc gia.
Mặc bộ đồ đen từ đầu đến chân với một cánh tay mềm nhũn và có lẽ sẽ vĩnh viễn trở nên vô dụng, như lời bà nói, Đệ nhất phu nhân Martine cho phép New York Times thực hiện cuộc phỏng vấn tại Nam Florida, Mỹ, với điều kiện tờ báo không được tiết lộ nơi ở của bà.
Vây quanh bởi các con, nhân viên an ninh, các nhà ngoại giao Haiti cùng những cố vấn khác, Đệ nhất phu nhân Martine trả lời phỏng vấn bằng một giọng nhẹ nhàng, gần giống như thì thầm.
Vào đêm định mệnh cách đây hơn ba tuần, bà và chồng đang ngủ thì bất giác tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng súng, bà nhớ lại. Martine chạy đến đánh thức hai con, đều đã ngoài 20 tuổi, giục các con trốn trong nhà vệ sinh, căn phòng duy nhất không có cửa sổ.
Chồng bà cầm điện thoại lên để gọi trợ giúp. "Tôi hỏi, 'anh à, anh gọi cho ai vậy?", bà kể. "Anh ấy nói, 'Anh vừa gọi cho Dimitri Hérard và Jean Laguel Civil'", hai quan chức hàng đầu phụ trách an ninh của Tổng thống. "Họ bảo rằng họ đang đến".
Nhưng nhóm sát thủ xông vào nhà rất nhanh, như thể không gặp bất kỳ cản trở nào. Tổng thống Jovenel bảo vợ nằm xuống sàn để tránh bị thương.
"Anh nghĩ em sẽ an toàn nếu nằm ở chỗ kia", phu nhân Martine nhớ lại lời chồng nói với bà.
Và đó là lời cuối cùng bà được nghe từ chồng.
Một tiếng súng vang lên, bắn trúng bà trước. Bị thương ở bàn tay và khuỷu tay, bà nằm im trên sàn, tin rằng bản thân mình và những người khác trong gia đình sẽ không thể sống sót trước nhóm sát thủ.
Không ai trong những kẻ tấn công nói tiếng Creole hay tiếng Pháp. Chúng chỉ nói tiếng Tây Ban Nha và liên lạc với ai đó qua điện thoại trong lúc lùng sục căn phòng. Nhóm sát thủ dường như tìm thấy thứ chúng muốn trên một cái giá nơi Tổng thống Jovenel thường cất giữ hồ sơ.
"Chúng tìm thứ gì đó trong phòng và đã tìm thấy", bà nói song thêm rằng bà không biết nó là gì.
"Lúc bấy giờ, tôi thấy ngạt thở vì máu ộc ra trong miệng và tôi không thể thở", Martine nhớ lại. "Trong tâm trí tôi, tất cả mọi người đã chết bởi nếu Tổng thống còn bị giết thì những người khác cũng khó có ngoại lệ".
Hai người mà Jovenel gọi để tìm kiếm trợ giúp, các quan chức phụ trách an ninh cho Tổng thống, đã bị bắt.
Giờ đây, Đệ nhất phu nhân Martine muốn các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tìm ra kẻ đã cung cấp tiền cho âm mưu ám sát. Những lính đánh thuê Colombia bị bắt không đến Haiti "chỉ để chơi trốn tìm", bà nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố ngày 30/7, FBI cho biết họ "vẫn cam kết phối hợp với các đối tác quốc tế để đảm bảo công lý".
Martine nghi ngờ rằng số tiền tài trợ cho âm mưu ám sát chồng bà đến từ các tài phiệt giàu có ở Haiti, những người bị cản trở công việc làm ăn vì Tổng thống Jovenel đang nhắm vào các hợp đồng béo bở của họ.
Bà nhắc tới Reginald Boulos, doanh nhân Haiti quyền lực đang muốn chạy đua vào ghế tổng thống, như một người có thể hưởng lợi từ cái chết của chồng bà. Tuy nhiên, Martine không cáo buộc ông ra lệnh ám sát.
Boulos và các doanh nghiệp do ông đứng đầu từng là tâm điểm của hàng loạt vụ kiện do chính phủ Haiti khởi xướng. Các tài khoản ngân hàng của Boulos đã bị đóng băng trước thời điểm Tổng thống Moise bị ám sát nhưng đều được giải phóng ngay sau đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, Boulos nói rằng chỉ các tài khoản cá nhân của ông với chưa đầy 30.000 USD bên trong là bị phong tỏa và một thẩm phán tuần qua đã ra lệnh giải tỏa số tiền này sau khi ông đâm đơn kiện chính phủ.
Boulos khẳng định ông không dính líu tới vụ ám sát và sự nghiệp chính trị của ông vốn đã tốt hơn Jovenel Moise kể cả khi Tổng thống còn sống.
"Tôi chắc chắn không liên quan gì đến vụ ám sát, ngay cả trong mơ", Boulos nói. "Tôi ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế độc lập, mạnh mẽ để tìm ra ai là kẻ lập mưu, ai là kẻ tài trợ và ai là kẻ thực hiện nó".
Đệ nhất phu nhân Martine khẳng định bà muốn những kẻ sát nhân biết bà không sợ chúng.
"Tôi muốn những kẻ gây ra chuyện này phải bị bắt, nếu không chúng sẽ giết tất cả những tổng thống khác lên nắm quyền", bà nói. "Chúng đã làm được một lần thì sẽ làm lại".
Martine cho hay bà đang cân nhắc nghiêm túc về việc chạy đua ghế tổng thống sau khi hoàn thành phẫu thuật cánh tay bị thương của mình. Bà đã trải qua hai ca phẫu thuật và các bác sĩ đang lên kế hoạch cấy ghép dây thần kinh từ bàn chân lên cánh tay nhằm khôi phục phần nào chức năng cho nó. Bà hiện chỉ có thể cử động hai ngón tay trên bàn tay phải.
"Tổng thống Jovenel ấp ủ một tầm nhìn và chúng tôi, người dân Haiti, sẽ không để tầm nhìn đó bị hủy hoại", bà quả quyết.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét