Một nam thanh niên 23 tuổi đã bị voi hoang giẫm chết khi đang cố gắng chụp ảnh "tự sướng" (selfie) ở tiểu bang Maharashtra.
Sự việc thương tâm xảy ra hôm 24/10. Lúc đó, Shashikant Ramchandra Satre, làm nghề thợ điện, đang lắp đặt cáp thì phát hiện một con voi lang thang trong rừng Abapur ở Gadchiroli, Maharashtra, NDTV đưa tin.
Shashikant được cho là đã cùng hai người nữa liều lĩnh vào sâu trong rừng để tận mắt nhìn con voi. Thậm chí, anh còn cố chụp ảnh "tự sướng" với con vật từ xa.
Ảnh: Times of India
Bất ngờ, con voi trở nên hung dữ, lao đến và giẫm đạp Shashikant dưới chân. Hai người đàn ông đi cùng vội bỏ chạy nên giữ được mạng sống.
Các viên chức kiểm lâm mô tả con voi này to lớn và hung dữ, xâm nhập vào rừng Gadchiroli ở Maharashtra từ tiểu bang Chhattisgarh lân cận.
Tờ Times of India đưa tin, con voi này đã giết chết ít nhất 7 người khác từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 tại các bang Chhattisgarh, Telangana và Maharashtra.
"Chúng tôi đã thông báo cho các làng lân cận thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bố trí nhân viên kiểm lâm tại mỗi làng", Vivek Khandekar, Giám đốc bảo tồn rừng của bang Maharashtra, cho biết.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Du lịch, đã có 379 trường hợp tử vong liên quan đến chụp ảnh "tự sướng" được ghi nhận trên toàn thế giới từ năm 2008 đến năm 2021.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói khoản tiền phạt 20,6 triệu tỷ tỷ tỷ USD với Google lớn đến mức "không đọc nổi", nhưng chỉ mang tính biểu tượng.
"Google không nên hạn chế các kênh truyền thông của Nga trên nền tảng của họ, nhưng họ vẫn làm. Điều tốt nhất mà ban lãnh đạo Google có thể làm là chú ý đến tình hình hiện nay và khắc phục tình hình", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo giới hôm nay, khi được hỏi về khoản tiền phạt mà tòa án Nga áp đặt với tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Mỹ.
Trước đó, các thẩm phán tòa án Nga đã quyết định phạt Google 20 tỷ tỷ tỷ tỷ ruble (khoảng 20,6 triệu tỷ tỷ tỷ USD), do tập đoàn công nghệ này đã chặn các tài khoản thân Nga trên nền tảng YouTube suốt nhiều năm qua. Phán quyết được đưa ra trong vụ 17 kênh truyền hình Nga kiện Google 4 năm trước.
"Dù đó là con số cụ thể, tôi thậm chí không thể đọc nổi nó. Tuy nhiên, đây chỉ là khoản phạt mang tính biểu tượng", ông Peskov nói thêm.
Khoản tiền phạt với Google còn cao hơn cả GDP của toàn thế giới cộng lại là 100 nghìn tỷ USD. Doanh thu mà Alphabet, công ty mẹ của Google, báo cáo năm 2023 là hơn 307 tỷ USD.
YouTube, thuộc sở hữu của Google, đã chặn nhiều kênh truyền thông Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Giới chức Moskva đáp trả bằng các khoản tiền phạt, nhưng không chặn Google.
Trong số 17 kênh truyền thông Nga kiện Google có kênh Channel One do nhà nước điều hành, đài truyền hình Zvezda liên kết với quân đội Nga và một công ty đại diện cho tổng biên tập RT Margarita Simonyan.
Công ty con của Google tại Nga tuyên bố phá sản năm 2023. Google cũng dừng quảng cáo ở Nga theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá, ngư dân bị bắt trái phép.
"Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước phụ cận. Điều này đã được chúng tôi nhắc lại, khẳng định nhiều lần", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 31/10 tuyên bố.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh việc lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền, cũng như lợi ích cơ bản, hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam", ông Việt cho hay.
Lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc hôm 29/9 trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS, tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 2/10 cho biết Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Liên quan thông tin 10 ngư dân Việt Nam cũng đã bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt ở khu vực đảo Hải Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định quan điểm của Việt Nam về việc lực lượng chức năng Trung Quốc bắt tàu cá, ngư dân Việt Nam là rất rõ ràng, nhất quán.
"Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá, ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, chúng tôi đều hết sức quan tâm và liên tục trao đổi, cũng như phản đối tới các cơ quan chức năng của Trung Quốc", ông Việt nói, thêm rằng thông tin các sự việc liên quan đều được báo chí trong nước và quốc tế đăng đầy đủ.
Kinh tế và nhập cư là hai mối quan tâm hàng đầu ở Mỹ, cũng là hai lĩnh vực cho thấy rõ sự khác biệt trong tầm nhìn chính sách của ông Trump và bà Harris.
Trong một tuần nữa, hơn 200 triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu lựa chọn giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để làm người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump và bà Harris đã đưa ra hai tầm nhìn chính sách hoàn toàn khác biệt về nhiều chính sách quan trọng cho nước Mỹ, đặc biệt là kinh tế và nhập cư, hai vấn đề nóng được cử tri quan tâm hàng đầu.
Kinh tế
Mặc dù bức tranh kinh tế Mỹ nhìn chung đã tươi sáng hơn trong những tháng gần đây, Phó tổng thống Harris thừa nhận sau gần 4 năm nhiệm kỳ của cấp trưởng Joe Biden, chi phí sinh hoạt "vẫn còn quá cao" với người Mỹ vì lạm phát tăng vọt.
Ứng viên đảng Dân chủ nói bà muốn xây dựng "nền kinh tế cơ hội", tập trung vào tầng lớp trung lưu, với các kế hoạch chống đầu cơ giá, thúc đẩy phát triển nhà ở, hỗ trợ người mua nhà lần đầu và mở rộng tín dụng thuế trẻ em. Tín dụng thuế trẻ em được hiểu là khoản khấu trừ thuế mà các gia đình có thể nhận khi sinh con.
Bà Harris cũng cam kết cắt giảm thuế cho hàng chục triệu gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời ủng hộ giảm thuế cho các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, bà muốn tăng thuế đối với doanh nghiệp lớn và người Mỹ có thu nhập từ 400.000 USD mỗi năm.
Phó tổng thống cũng ủng hộ đề xuất bỏ thuế tiền boa, điều mà ông Trump cũng đồng tình. Thông thường, những người làm nghề phục vụ ở Mỹ sẽ nhận tiền boa tương đương 15-20% hóa đơn. Sở Thuế vụ Mỹ coi đây là khoản thu nhập bị tính thuế.
Trong lĩnh vực thương mại, bà Harris dự kiến duy trì chính sách dưới thời Tổng thống Biden, dựa vào thuế quan và hạn chế xuất khẩu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong nước với hàng Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, bà cũng đã đề cập tới các khoản đầu tư đầy tham vọng của chính quyền Biden vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Trump cam kết "chấm dứt lạm phát và giúp nước Mỹ có giá cả phù hợp hơn". Cam kết giảm lạm phát của ông Trump chủ yếu dựa vào kế hoạch cắt giảm giá năng lượng bằng cách tăng khoan thăm dò, khai thác dầu khí, bãi bỏ các quy định về môi trường liên quan đến hoạt động này.
Ông đã chỉ trích gay gắt việc tăng lãi suất, vốn được xem là công cụ chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trump gần đây cho rằng tổng thống nên có tiếng nói trong các quyết định của Fed, cơ quan vốn hoạt động độc lập với chính quyền Mỹ.
Cựu tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ gia hạn và mở rộng loạt biện pháp cắt giảm thuế mà ông từng ký thành luật năm 2017, đồng thời cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với những công ty sản xuất tại Mỹ. Trump tuyên bố sẽ miễn thuế thu nhập cho các chế độ phúc lợi an sinh xã hội và các khoản tiền boa khi ông trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump từng tự gọi mình là "người đánh thuế", coi đây là giải pháp cho nhiều vấn đề kinh tế của Mỹ, từ phục hồi ngành công nghiệp ôtô trì trệ đến giảm chi phí chăm sóc trẻ em. Cựu tổng thống đề xuất áp mức thuế chung 10-20% đối với hàng nhập khẩu, cũng như áp thuế tới 60% hoặc thậm chí cao hơn với hàng hóa Trung Quốc.
Ông cũng cho biết sẽ yêu cầu quốc hội trao thẩm quyền áp đặt đòn thuế quan đáp trả đối với bất kỳ quốc gia nào đánh thuế hàng Mỹ.
Các nhà phân tích đánh giá kế hoạch thuế của cả hai ứng viên Mỹ đều sẽ dẫn tới tăng thâm hụt ngân sách, song thêm rằng kế hoạch của ông Trump có thể gây thâm hụt lớn hơn và lạm phát cao hơn.
Nhập cư và an ninh biên giới
Vào tháng 1/2021, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư của ông Trump, như ngừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico, dỡ lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia, chủ yếu là nước Hồi giáo. Ông cũng yêu cầu nội các làm việc để duy trì các biện pháp bảo vệ hàng trăm nghìn người được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất.
Các động thái của Tổng thống Biden đã mở hy vọng cho hàng triệu người muốn tìm đường tới Mỹ, kích hoạt làn sóng người nhập cư ồ ạt tới Mexico để vượt biên vào nước này. Khi khủng hoảng ở biên giới gia tăng, ông Biden đầu năm 2023 giao cho bà Harris nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhập cư vào Mỹ.
Đây là lý do ông Trump và đồng minh liên tục công kích bà Harris, gọi Phó tổng thống là "bà hoàng biên giới thất bại". Bà Harris năm 2021 từng khiến các thành viên cấp tiến trong đảng Dân chủ tức giận vì cảnh báo người nhập cư đừng đến Mỹ.
"Đừng tới đây. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thực thi luật pháp và bảo vệ biên giới", bà Harris nói trong cuộc họp báo chung với tổng thống Guatemala. "Nếu tới biên giới Mỹ, các bạn sẽ phải quay lại".
Bà Harris cũng từng bị chỉ trích nặng nề vì không tới thăm biên giới Mỹ vào đầu nhiệm kỳ. Khi đến biên giới vào tháng 6/2021, bà Harris dường như giảm bớt mức độ cứng rắn trong chính sách của mình, nói rằng vấn đề nhập cư "không thể bị chính trị hóa", bởi nó "liên quan đến trẻ em, các gia đình và nỗi đau khổ".
Ông Trump và đảng Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền Biden - Harris về tình hình vượt biên trái phép ở khu vực biên giới, cho rằng vấn đề nằm ở những chính sách nhập cư quá khoan nhượng.
Bà Harris đã nỗ lực tìm cách đảo ngược tình thế bằng cách đưa ra lập trường ngày càng cứng rắn về người tị nạn và ủng hộ siết an ninh biên giới. Bà đề xuất nếu lực lượng biên phòng ghi nhận trên 1.500 vụ vượt biên trái phép mỗi tuần, Mỹ sẽ ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn của người di cư.
Trong chuyến thăm khu vực biên giới giáp Mexico tại bang Arizona hồi tháng 9, bà Harris vạch kế hoạch siết hạn chế với người tị nạn. Quan chức chiến dịch của bà Harris cho biết bà dự định đề xuất mức thấp hơn để thực thi biện pháp hạn chế tiếp nhận đơn xin tị nạn.
Đây được xem là nỗ lực đáng chú ý của bà Harris khi Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu vụ vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Bà đầu năm nay ủng hộ dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng nhằm "khắc phục hệ thống nhập cư nhiều khiếm khuyết", nhưng ông Trump đã gây sức ép để các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện không thông qua dự luật, cho rằng nó sẽ "chỉ đem lại lợi ích cho phe Dân chủ".
Harris cáo buộc chính ông Trump "hủy hoại" dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng, kết sẽ hồi sinh nó nếu bà đắc cử. Dự luật an ninh biên giới mà phe Dân chủ đề xuất bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống tị nạn của quốc gia và cơ chế đóng cửa biên giới một cách hiệu quả đối với hầu hết người di cư khi số lượng người vượt biên đặc biệt cao.
Bà Harris đã kêu gọi cải cách toàn diện chính sách nhập cư, bao gồm xây dựng lộ trình cho phép người nhập cư trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp, đặc biệt là trẻ em.
Ông Trump trong khi đó thể hiện lập trường cứng rắn hơn về nhập cư. Cựu tổng thống cam kết sẽ tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ đối với người nhập cư không có giấy tờ. Các chuyên gia cảnh báo kế hoạch này có thể đối mặt với nhiều thách thức pháp lý.
Cựu tổng thống cũng dự định khôi phục một số chính sách gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu. Một trong đó là chương trình "Ở lại Mexico", yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt.
Tòa án Tối cao hồi tháng 6/2022 đã trao thẩm quyền chấm dứt chương trình "Ở lại Mexico" cho chính quyền Tổng thống Biden. Tới tháng 12 năm đó, một thẩm phán liên bang đã chặn thẩm quyền của chính quyền Biden, song không ra lệnh khôi phục chính sách này.
Một số chính sách khác có thể được khôi phục gồm Title 42 và lệnh cấm đi lại nhắm vào một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Title 42 là sắc lệnh y tế khẩn cấp được ông Trump ban hành năm 2020 nhằm đối phó đại dịch Covid-19, cho phép quan chức Mỹ nhanh chóng trục xuất những người di cư bị bắt tại biên giới Mỹ - Mexico và hạn chế dòng người nhập cư vào nước này.
Một trong những đề xuất đáng chú ý của ông Trump là chấm dứt quyền công dân với những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư không giấy tờ. Đề xuất này cũng được giới chuyên gia cho là khó có thể được tòa án thông qua.
Mưa lớn như trút nước gây lũ quét tại Valencia, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng, làm ngập đường sá, cuốn trôi phương tiện.
Trận mưa lớn từ 29/10 ở vùng Valencia, miền đông Tây Ban Nha, đã gây ra trận lũ chết chóc nhất châu Âu kể từ năm 2021, giới chức cứu hộ khu vực thông báo hôm nay. Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha AEMET đã ban bố cảnh báo đỏ ở Valencia, một số khu vực như Turis, Utiel ghi nhận lượng mưa 200 mm.
"Số người thiệt mạng tới nay là 51", cơ quan khẩn cấp vùng Valencia cho biết, thêm rằng thương vong có thể tăng cao, khi giới chức tiếp tục tìm kiếm và nhận dạng thi thể nạn nhân.
Hàng trăm người vẫn mắc kẹt trên hai tuyến đường chạy qua vùng này. Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân, phương tiện mắc kẹt trong dòng lũ đục ngầu, nhiều người phải trèo lên cây tránh bị lũ cuốn.
Giới chức đã huy động trực thăng giải cứu hàng chục người ở Alora, Andalusia sau khi nước sông ở đây tràn bờ.
Carlos Mazon, quan chức vùng Valencia, nói việc tiếp cận một số khu vực hiện tại là "hoàn toàn bất khả thi". Giới chức cứu hộ ở thị trấn Castilla-La Mancha đang dùng máy bay không người lái (UAV) để tìm kiếm người mất tích.
"Tôi đang theo dõi chặt chẽ báo cáo về thiệt hại sau mưa lớn. Hãy tuân thủ khuyến cáo của chính quyền, hết sức cẩn thận, tránh di chuyển không cần thiết", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói.
Quốc hội Tây Ban Nha đã dành một phút mặc niệm hôm nay để tưởng nhớ các những người thiệt mạng. Vua Felipe VI bày tỏ nỗi buồn đau sâu sắc trước thương vong lớn và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Mưa lớn khiến 22 chuyến bay đi và đến sân bay Valencia bị hủy. Một phần của vùng Valencia vẫn mất điện, sóng viễn thông.
Các chuyến tàu từ Valencia đến Madrid, Barcelona cũng tê liệt. Trường học bị đình chỉ. Một chuyến tàu chở 276 hành khách bị trật bánh ở phía nam Andalusia.
Trận mưa xảy ra do hiện tượng gota fria, khi không khí lạnh di chuyển qua vùng nước ấm ở biển Địa Trung Hải, hình thành mây vũ tích chỉ trong vài giờ và trút mưa xuống các vùng phía đông Tây Ban Nha. Giới khoa học cảnh báo thời tiết cực đoan đang trở nên khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.
Mùa đông là thời điểm ô nhiễm nhất ở New Delhi, nơi sinh sống của 20 triệu người. Thành phố thường bị làn khói mù ô nhiễm che phủ vào mùa này. Mức độ ô nhiễm tăng cao khi hàng triệu tín đồ Hindu đốt pháo kỷ niệm lễ hội ánh sáng Diwali. Lễ Diwali năm nay diễn ra vào 31/10.
Tuy nhiên, các tín đồ Hindu vẫn kiên quyết hành lễ ở Yamuna. Sáng 29/10, Jasraj, viên chức chính phủ đã nghỉ hưu, nằm trong số những người đến tắm ở Yamuna. Ông cho hay tới đây tắm rửa hành lễ từ năm 1980.
"Tôi tôn thờ dòng sông như mẹ, không lo lắng nó sạch hay bẩn. Mặt sông bẩn nhưng dưới đáy nước vẫn sạch", ông nói.
Hỏa hoạn xảy ra tại xưởng đóng tàu của hãng BAE Systems ở tây bắc Anh, cơ sở đang chế tạo tàu ngầm hạt nhân, khiến hai người nhập viện.
Cảnh sát địa phương cho biết đám cháy bùng phát vào khoảng 0h45 (7h45 giờ Hà Nội) ngày 30/10 tại xưởng đóng tàu của tập đoàn vũ khí BAE Systems ở thị trấn Barrow-in-Furness thuộc hạt Cumbria, tây bắc Anh.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa lớn và cột khói đen bốc lên từ nóc tòa nhà Devonshire Dock Hall, khu lắp ráp chính của xưởng. "Vụ cháy không gây ra nguy cơ hạt nhân, nhưng những người sống gần đó nên đóng cửa ra vào, cửa sổ và ở trong nhà trong lúc lực lượng cứu hộ ứng phó", cảnh sát hạt Cumbria thông báo.
Lực lượng này cho biết hai người đã được đưa đến bệnh viện, nghi do bị ngạt khói. Tập đoàn BAE Systems cho hay khu vực xung quanh Devonshire Dock Hall đã được sơ tán.
Giới chức chưa công bố nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Devonshire Dock Hall có diện tích khoảng 24.000 mét vuông, là tổ hợp đóng tàu trong nhà lớn thứ hai ở châu Âu, theo BAE Systems. Trong số các tàu đã được chế tạo tại đây có 4 tàu ngầm lớp Vanguard thuộc chương trình hạt nhân Trident của Anh.
Bốn tàu ngầm hạt nhân mới thuộc lớp Dreadnought đang được đóng tại cơ sở này và dự kiến thay thế các tàu lớp Vanguard vào đầu những năm 2030. Ngoài ra, chiếc cuối cùng trong số 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Astute cũng đang được chế tạo tại đây.
BAE Systems là công ty quốc phòng, an ninh và hàng không vũ trụ có trụ sở tại Anh, được thành lập từ năm 1999. Đây là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Công ty đã tham gia một số dự án quốc phòng lớn, trong đó có tiêm kích F-35 Lightning II hay máy bay Eurofighter Typhoon.
Sau khi bắt được con cá quý hiếm nặng 800kg, ngư dân đã mang ra chợ bán với giá hơn 600 triệu đồng.
Con cá Chilshankar khổng lồ nặng gần 800kg, đã bị bắt ở Digha, bang Tây Bengal, Ấn Độ và những người đánh cá vô cùng vui mừng về điều đó.
Cá Chilshankar là loài cá quý hiếm và chưa từng được ngư dân nhìn thấy trước đây. Nó trông giống như một con tàu bay.
Con cá bị bắt trên một tàu đánh cá do một người đàn ông ở Orissa làm chủ. Người dân và khách du lịch địa phương đã tụ tập để tận mắt xem con cá này.
Ngư dân bắt được con cá nặng 800kg.
Do quá nặng, các ngư dân đã phải dùng dây thừng để di chuyển con cá Chilshankar từ nơi này đến nơi khác. Sau đó, nó được mang lên xe tải và di chuyển tới Hiệp hội ngư dân Mohana.
Con cá đã được đấu giá tại chợ bán buôn với giá 2100 Rupee/kg. Tổng giá của con cá là hơn 20 lakh Rupee (hơn 600 triệu đồng).
Ajirul, một ngư dân địa phương cho biết: "Đây là cá Chilshankar. Nó nặng 800kg. Giá thị trường của loài cá này là 2100 Rupee một kg. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con cá lớn và hiếm như vậy".
Vảy cá và dầu được dùng để làm thuốc, phần còn lại của cơ thể cá được dùng làm món ngon.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết họ đã dành gần 540 triệu USD để đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống phòng không bằng laser mang tên "Tia Sắt".
Bộ Quốc phòng Israel hôm nay ra thông cáo cho biết đã ký một thỏa thuận lớn trị giá khoảng hai tỷ shekel (537 triệu USD) để nhanh chóng phát triển và sở hữu hệ thống đánh chặn bằng chùm tia laser để tích hợp vào mạng lưới phòng không.
Hệ thống mang tên "Tia Sắt" này được phát triển để cải thiện khả năng đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và các loại hỏa lực khác mà lực lượng Hezbollah tại Lebanon sử dụng để tấn công lãnh thổ Israel.
"Tia Sắt" được cho là sẽ hỗ trợ đắc lực cho khả năng phòng thủ trên không của hệ thống "Vòm Sắt" trong biên chế quân đội Israel. Eyal Zamir, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel, cho biết ông hy vọng Tia Sắt có thể "đi vào hoạt động trong vòng một năm tới.
Bộ Quốc phòng Israel sẽ hợp tác với các công ty quốc phòng Rafael và Elbit để phát triển hệ thống mới. Rafael là đơn vị nghiên cứu và phát triển quốc phòng chính của Israel, còn Elbit thông báo đã được trao hợp đồng trị giá khoảng 200 triệu USD để phát triển Tia Sắt.
Israel hồi cuối tháng 9 tuyên bố đã nhận được gói viện trợ quân sự mới của Mỹ trị giá 8,7 tỷ USD khi nước này xảy ra giao tranh với cả Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.
Theo Bộ Quốc phòng Israel, 5,2 tỷ USD từ khoản viện trợ trên được dành cho các hệ thống phòng không, trong đó có mục tiêu "hỗ trợ liên tục hệ thống phòng thủ laser tiên tiến đang trong giai đoạn phát triển cuối".
Bộ Quốc phòng Israel hồi năm 2021 công bố video thử nghiệm cho thấy hệ thống laser gắn trên một máy bay nhỏ đã bắn chùm tia công suất cao vào UAV mục tiêu, tạo ra lỗ thủng trên thân UAV và khiến nó bốc cháy.
Các hệ thống phòng không đa tầng hiện tại của Israel đã giúp đánh chặn phần lớn trong gần 200 tên lửa do Iran phóng để tập kích nước này hôm 1/10. Tuy nhiên, một số quả đạn của Iran vẫn xuyên thủng được lưới phòng không này và gây ra một số thiệt hại trên mặt đất.
Máy bay của Singapore Airlines chở 266 người phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Đài Loan khi đang trên đường tới Nhật Bản, do nứt kính chắn gió.
Chuyến bay số hiệu SQ636 chở 249 hành khách và 17 thành viên phi hành đoàn cất cánh từ sân bay Changi, Singapore lúc 23h07 ngày 27/10 và dự kiến hạ cánh tại sân bay Haneda, Nhật Bản lúc 6h20 ngày 28/10. Tuy nhiên, máy bay đã phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đào Viên ở đảo Đài Loan lúc 4h ngày 28/10.
Phát ngôn viên hãng Singapore Airlines (SIA) cho biết kính chắn gió bị nứt, khiến phi cơ phải chuyển hướng và đã hạ cánh an toàn.
Máy bay gặp sự cố là chiếc Boeing 777-300ER. Hành khách được bố trí nghỉ tại khách sạn. Sau khi khắc phục sự cố, chuyến bay được đổi số hiệu thành SQ9876 và sẽ khởi hành từ Đài Bắc đến Tokyo lúc 20h30 hôm nay.
Phi cơ dự kiến hạ cánh tại Haneda lúc 12h30 ngày 29/10, chậm khoảng 18 giờ so với lịch trình.
"SIA chân thành xin lỗi tất cả khách hàng bị ảnh hưởng vì sự bất tiện này", người phát ngôn cho biết, thêm rằng sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn là ưu tiên hàng đầu của hãng.
Hội đồng Bảo an sẽ họp khẩn ngày 28/10 theo đề xuất từ Iran, sau khi Tehran kêu gọi cơ quan này lên án cuộc không kích của Tel Aviv.
Thụy Sĩ, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA), cho biết cuộc họp khẩn sẽ diễn ra trong ngày 28/10 theo đề nghị của Iran với sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc và Algeria.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi trước đó gửi thư cho lãnh đạo Liên Hợp Quốc và HĐBA, yêu cầu lên án cuộc không kích trả đũa của Israel nhằm vào Iran ngày 26/10.
Ông cho biết "hầu hết vũ khí đều bị hệ thống phòng không đánh chặn", nhưng cuộc tấn công đã gây thiệt hại và khiến 4 binh sĩ Iran thiệt mạng. Ngoại trưởng Araghchi cũng khẳng định cuộc tấn công của Israel đã "vi phạm rõ ràng chủ quyền của Iran".
Quân đội Israel rạng sáng 26/10 triển khai 100 máy bay, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35I, phóng hàng loạt tên lửa vào các mục tiêu quân sự ở Iran nhằm đáp trả cuộc tấn công của Tehran hồi đầu tháng.
Truyền thông Mỹ và Israel dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Tel Aviv đã tiến hành ba đợt không kích nhắm vào khoảng 20 mục tiêu trên lãnh thổ Iran, trong đó có hệ thống phòng không S-300 ở sân bay quốc tế Imam Khomeinei, cùng các cơ sở sản xuất vũ khí và căn cứ tên lửa, máy bay không người lái.
Những thông tin trong hơn 24 giờ qua cho thấy Israel dường như chỉ tập trung vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Iran, cho thấy Tel Aviv đã nhượng bộ trước lời kêu gọi không leo thang từ Washington, không nhắm vào cơ sở dầu khí và hạt nhân của Tehran. Thiệt hại sau vụ tấn công dường như cũng nằm trong giới hạn mà Iran nhiều lần ám chỉ, giúp tình hình không leo thang thêm.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 27/10 khẳng định cuộc không kích đã hoàn tất mọi mục tiêu đề ra. "Chính phủ Iran phải hiểu điều đơn giản là ai làm hại chúng tôi đều sẽ phải trả giá", ông nói.
"Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên ngừng mọi hành động quân sự, gồm cả ở Dải Gaza và Lebanon, đồng thời quay lại con đường ngoại giao và nỗ lực tối đa để ngăn bùng phát chiến tranh toàn diện trong khu vực", người phát ngôn của ông Guterres cho biết trong thông cáo hôm 26/10.
Công tố viên trưởng ICC Karim Khan, người đề nghị phát lệnh bắt các quan chức Israel, đối mặt cáo buộc quấy rối tình dục một nữ trợ lý, nhưng ông bác bỏ.
Paivi Kaukoranta, người đứng đầu Hiệp hội Các nước thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 24/10 thông báo cơ quan giám sát độc lập (IOM) của tổ chức đã ghi nhận các báo cáo liên quan đến cáo buộc Công tố viên trưởng Karim Khan quấy rối một nữ trợ lý ở trụ sở tòa án tại The Hague, Hà Lan.
Bà Kaukoranta không nêu chi tiết cáo buộc và danh tính người phụ nữ này. Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 26/10 dẫn các nguồn thạo tin cho biết hai đồng nghiệp của nữ trợ lý hồi tháng 5 đã tố cáo ông Khan có hành vi gạ gẫm, quấy rối cô.
ICC sau đó vào cuộc điều tra và trao đổi với nữ trợ lý của ông Khan. Cuộc điều tra kết thúc sau 5 ngày, nữ trợ lý chọn không nộp đơn khiếu nại chính thức, còn ông Khan "không bị thẩm vấn".
Sự việc lắng xuống, nhưng sau vài tháng, một tài khoản ẩn danh trên X tuần trước tiết lộ một số thông tin về cáo buộc nhắm vào ông Khan. Nữ trợ lý từ chối bình luận về thông tin.
Trong tuyên bố phản hồi bà Kaukoranta, ông Khan bác bỏ cáo buộc quấy rối phụ nữ.
"Những cáo buộc này không đúng sự thật. Trong 30 năm làm việc ở nhiều nơi, chưa từng ai tố cáo tôi như vậy. Tôi ủng hộ bất kỳ nạn nhân quấy rối tình dục nào, khuyến khích họ lên tiếng ở bất cứ đâu", ông Khan viết, cho biết sẵn sàng cung cấp bất kỳ thông tin nào cần thiết cho IOM.
Ông Khan nói thêm cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào ông "có liên quan rõ ràng" đến việc ông đang yêu cầu hội đồng thẩm phán ICC xem xét phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant về các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở Dải Gaza.
Ông Khan, người yêu cầu ICC phát lệnh bắt hồi tháng 5, bị những người ủng hộ Israel chỉ trích dữ dội về động thái này. Công tố viên trưởng của ICC khi đó cũng yêu cầu bắt các quan chức Hamas cấp cao.
"Đây là thời điểm tôi và ICC hứng chịu nhiều cuộc tấn công, đe dọa", ông Khan nói. Chính phủ Israel tháng trước nộp đơn khiếu nại thẩm quyền của ICC, cũng như tính hợp pháp trong yêu cầu của ông.
Tel Aviv chưa bình luận về tuyên bố của ông Khan.
Công tố viên Karim Khan, 54 tuổi, nổi tiếng là người "dứt khoát, không biết sợ", từng phát lệnh bắt gây tranh cãi nhắm vào một số lãnh đạo thế giới. Ông đã kết hôn và có hai con.
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập năm 2002 để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Không giống Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ICC không truy tố các quốc gia mà chỉ nhắm vào cá nhân.
Triều Tiên chỉ trích Mỹ - Hàn tập trận không quân chung, cáo buộc Washington đang đẩy bán đảo vào một tình huống "không thể kiểm soát được".
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 21/10 bắt đầu cuộc tập trận không quân chung tên gọi Freedom Flag, kéo dài đến ngày 1/11. Đây là lần đầu tiên Freedom Flag diễn ra, thay thế cho hai cuộc tập trận thường niên chung là Korea Flying Training và Vigilant Defense.
"Freedom Flag là hành động khiêu khích quân sự nguy hiểm nhằm tung đòn phủ đầu bất ngờ vào Triều Tiên", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này.
Bình Nhưỡng cáo buộc Washington còn đang khuyến khích "sự thù địch điên rồ" của Seoul bằng cách ủng hộ Hàn Quốc thả truyền đơn sang Triều Tiên và triển khai khí tài chiến lược đến bán đảo.
"Mỹ đang đẩy bán đảo vào một tình huống không thể kiểm soát. Và nếu tình huống không ai muốn xảy ra, Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì là tác nhân chính làm gia tăng căng thẳng khu vực", theo KCNA.
Không quân Hàn Quốc ngày 24/10 cho biết Freedom Flag sẽ diễn ra tại nhiều căn cứ quân sự, huy động khoảng 110 phi cơ, trong đó có tiêm kích F-35A và F-15K của Hàn Quốc, tiêm kích F-35B, F-16 cùng thiết bị bay không người lái MQ-9 của Mỹ.
Không quân Hoàng gia Australia cũng tham gia tập trận chung, triển khai một phi cơ tiếp vận đa nhiệm KC-30A.
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên leo thang trong những tháng gần đây, khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đẩy mạnh thử vũ khí và đưa ra các thông điệp đe dọa, còn Hàn Quốc đáp trả bằng cách tăng cường tập trận chung với đồng minh Mỹ.
Triều Tiên giữa tháng 10 cho nổ các tuyến đường nối giữa hai miền và cáo buộc UAV Hàn Quốc xâm nhập thủ đô Bình Nhưỡng để rải truyền đơn. Ông Kim Jong-un ngày 17/10 nhận định "Hàn Quốc là nước thù địch", đồng thời giải thích việc cho nổ các tuyến đường liên Triều là để "chấm dứt mối quan hệ độc hại kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác và ý tưởng vô lý về tái thống nhất".
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh, sau khi cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.
Truyền thông Israel cho biết không quân nước này điều hơn 100 máy bay, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35I, tiến hành ba đợt không kích vào Iran.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 26/10 mở chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Iran để đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo của Tehran hồi đầu tháng. IDF cho biết họ nhắm vào các mục tiêu quân sự tại Iran, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu nước này trả đũa vụ không kích.
IDF cho biết đã điều động nhiều loại máy bay quân sự, trong đó có tiêm kích, máy bay tiếp liệu và trinh sát cơ, hiệp đồng không kích mục tiêu cách Israel khoảng 1.600 km. Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên IDF tuyên bố toàn bộ máy bay đã trở về Israel an toàn sau chiến dịch phức tạp.
Theo Jerusalem Post của Israel, hơn 100 máy bay của IDF, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35I, tham gia chiến dịch. Tiêm kích Israel ban đầu không kích các trạm radar ở Syria để ngăn Iran nhận cảnh báo từ xa, sau đó tấn công các mục tiêu ở Tehran và Karaj và một số địa điểm khác.
Chiến dịch không kích của Israel kéo dài nhiều giờ và chia thành nhiều đợt. Theo kênh Keshet 12 của Israel, IDF nhắm vào khoảng 20 mục tiêu trong ba đợt tấn công.
Quân đội Israel khẳng định các đợt không kích tập trung vào mục tiêu quân sự ở Iran, tránh xa các cơ sở hạt nhân và dầu khí tại nước này để ngăn xung đột leo thang. Trong số các vị trí bị tấn công có trận địa phòng không và cơ sở chế tạo tên lửa đạn đạo mà Iran dùng trong hai vụ tập kích vào tháng 4 và tháng 10.
IDF tuyên bố chiến dịch giúp không quân Israel "hành động tự do hơn ở không phận Iran" và họ có nhiều mục tiêu hơn để tấn công trong tương lai nếu cần. IDF cho biết sẽ sớm công bố thiệt hại mà Iran hứng chịu và nước này "đã phải trả giá cho các vụ tập kích nhằm vào Israel".
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA tuyên bố đòn tập kích của Israel đã bị hệ thống phòng không tích hợp của nước này "đánh chặn hoàn toàn". IRNA xác nhận các cơ sở quân sự ở Tehran, Khuzestan và Ilam đã bị tên lửa Israel nhắm tới, nhưng chỉ chịu "thiệt hại hạn chế".
Các lãnh đạo Iran chưa đề cập đến biện pháp đáp trả vụ tập kích của Israel.
Chiến dịch không kích diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Trung Đông sau loạt sự kiện, trong đó có việc Israel hạ loạt chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của Hamas và Hezbollah, Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel và IDF mở chiến dịch đột kích vào miền nam Lebanon.
Các cuộc không kích diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Israel tránh leo thang thêm với Iran.
Giới chức Mỹ cho biết đã được Israel thông báo trước về hoạt động và quân đội nước này không tham gia vào chiến dịch tấn công. Sean Savett, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, gọi đây là hành động tự vệ của Israel.
Binh sĩ Israel tiến vào Kamal Adwan, bệnh viện cuối cùng còn hoạt động ở miền bắc Gaza, giới chức dải đất nói rằng Tel Aviv bắt hàng trăm bệnh nhân và nhân viên y tế.
"Lực lượng Israel đã tràn vào và đang hiện diện bên trong bệnh viện Kamal Adwan. Họ bắt hàng trăm bệnh nhân, nhân viên y tế và một số người tị nạn tới từ các khu vực gần đó. Những người này đang trú ẩn ở bệnh viện để tránh các cuộc oanh tạc liên tục của Israel", cơ quan y tế tại Gaza ngày 25/10 cho biết, đề cập bệnh viện nằm trong trại tị nạn tại thành phố Jabalia ở miền bắc Gaza.
Cơ quan phòng vệ dân sự tại dải đất cho biết quân đội Israel đã bao vây bệnh viện Kamal Adwan trước khi tiến vào. "Hơn 150 bệnh nhân và nhân viên, trong đó có đội ngũ y tế và điều dưỡng, đang bị lực lượng Israel vây hãm bên trong bệnh viện", cơ quan này nói.
Quân đội Israel (IDF) xác nhận lực lượng của họ và cơ quan an ninh Shin Bet đang hoạt động bên trong khu vực bệnh viện Kamal Adwan. Họ giải thích rằng đã nhận được thông tin về sự hiện diện của các tay súng Hamas và hạ tầng của nhóm vũ trang tại đây.
COGAT, cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Israel và chuyên quản lý vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ Palestine, ngày 25/10 nói đã cho phép xe cứu thương Palestine và phương tiện Liên Hợp Quốc chuyển 23 bệnh nhân ra khỏi bệnh viện vào đêm hôm trước.
Cơ quan này cũng cho biết đã đồng ý để một xe nhiên liệu, 180 đơn vị máu và một xe tải chở thiết bị y tế do LHQ tài trợ vào bệnh viện.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói đã mất liên lạc với các nhân viên của mình tại bệnh viện Kamal Adwan, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình tại đây. Lực lượng Hamas gọi vụ Israel đột kích bệnh viện Kamal Adwan là "tội ác chiến tranh và hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".
Kamal Adwan là bệnh viện cuối cùng còn hoạt động tại miền bắc Gaza. Cơ sở này phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt vật tư kể từ đầu xung đột và tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn sau khi quân đội Israel phát động chiến dịch mới ở bắc Gaza hồi đầu tháng.
Bệnh viện "không có nguồn cung thực phẩm, thuốc men và vật tư y tế cần thiết để cứu sống những người bị thương, bị bệnh", cơ quan y tế tại Gaza cho biết, đồng thời gọi tình hình bên trong cơ sở là "thảm khốc theo mọi nghĩa của từ này".
Theo cơ quan phòng vệ dân sự tại Gaza, 770 người Palestine đã thiệt mạng tại Jabalia và các khu vực khác ở miền bắc vùng lãnh thổ kể từ khi Israel mở chiến dịch mới tại đây vào ngày 6/10. Trong khi đó, IDF nói đã hạ hàng trăm tay súng và sơ tán khoảng 45.000 người trong chiến dịch ở Jabalia.
Israel công bố video để khắc họa Yahya Sinwar như "kẻ trốn chạy" trong phút cuối đời, còn Hamas lại tôn vinh ông là "thủ lĩnh chiến binh" thực thụ.
Cuộc truy đuổi một năm qua của quân đội Israel với thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar kết thúc khi ông được xác nhận thiệt mạng trong một cuộc chạm trán ở khu Tel al-Sultin, thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza.
Tuy nhiên, cái chết của Sinwar lại mở ra một cuộc chiến mới trên mặt trận truyền thông, khi cả Israel và Hamas đều tìm cách khắc họa hình ảnh trái ngược nhau về ông vào giây phút cuối đời.
Ngay sau khi có thông tin Sinwar đã chết, quân đội Israel (IDF) lập tức công bố những bức ảnh chi tiết thi thể thủ lĩnh Hamas và cảnh quay bằng máy bay không người lái (UAV) về khoảnh khắc cuối cùng của ông.
Trong video của IDF, Sinwar ngồi gục trên ghế, đơn độc, với một cánh tay bị thương được buộc bằng dây điện. Đây là lần hiếm hoi Israel công bố một video nhanh chóng, chi tiết và rõ nét đến vậy về giao tranh ở Dải Gaza.
Trên truyền thông nước này, hàng loạt nhà bình luận đưa ra những phát biểu như "cái kết của kẻ hèn nhát" để mô tả về thủ lĩnh Hamas. Một số người thậm chí so sánh việc Sinwar bị bắn hạ trên mặt đất với "chuột chui ra khỏi hang".
Nhưng Hamas và những người ủng hộ Sinwar lại nhấn vào các khía cạnh khác của Sinwar trong video, như trang phục chiến đấu lấm lem bụi đất, chiếc khăn kaffiyeh biểu trưng của người Palestine mà ông quấn quanh mặt, để khắc họa thủ lĩnh Hamas như một "người hùng" đã ngã xuống khi chiến đấu.
Họ nói rằng video không cho thấy Sinwar thất bại, mà làm bật lên hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ, không khuất phục, một chiến binh dù bị thương nặng vẫn tìm thấy sức mạnh để ném cây gậy gỗ về phía UAV bằng cánh tay còn lại, dù vô ích.
Ít nhất là ở một số khu vực trong thế giới Arab, Israel đang thua trong cuộc chiến truyền thông này, theo giới chuyên gia. Chỉ sau vài giờ, những hình ảnh do IDF công bố đã được in lên áp phích và dán trên tường ở Jenin và các thành trì khác của người Palestine ở Bờ Tây. Người dùng mạng xã hội Arab đã biến chúng thành meme để ca ngợi những gì họ coi là "kết thúc oai hùng" của thủ lĩnh Hamas.
Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc ra tuyên bố làm nổi bật sự tương phản trong hành động cuối cùng của Sinwar với cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, người mà họ mô tả là đã "phản bội những người ủng hộ" bằng cách "cầu xin tha mạng" khi bị lính Mỹ kéo ra khỏi nơi ẩn nấp vào năm 2003.
Hình ảnh Sinwar "trên chiến trường, trong trang phục chiến đấu, không phải ở nơi ẩn náu, đối mặt với kẻ thù" sẽ chỉ củng cố thêm làn sóng ủng hộ dành cho ông, phái đoàn Iran ở LHQ nhấn mạnh.
Beverley Milton-Edwards, thành viên cấp cao tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, tin rằng Iran đã đúng. Ông coi cái chết của Sinwar là một chiến thắng với Hamas "trong cuộc chiến tuyên truyền".
Một quan chức IDF giấu tên ủng hộ quyết định công bố những hình ảnh về Sinwar, khẳng định với Washington Post rằng quân đội Israel cảm thấy có nghĩa vụ phải ghi lại hiện trường và chia sẻ với người dân.
"Chúng tôi chỉ cố gắng minh bạch, đó là những gì đã xảy ra", người này nói. "Chúng tôi biết trước rằng với bất kể hình ảnh nào được công bố, Hamas sẽ thúc đẩy một chiến dịch để biến ông ta thành người hùng".
Gần như ngay lập tức sau khi xét nghiệm ADN và dấu vân tay xác nhận danh tính Sinwar, IDF bắt đầu thuật lại chi tiết những tình huống dẫn đến cái chết của thủ lĩnh Hamas.
Binh sĩ Israel tuần tra quanh Rafah vào ngày 16/10 đã tình cờ chạm trán ba tay súng Hamas đi nối đuôi nhau. Một cuộc đấu súng nổ ra sau đó, khiến người đàn ông đi cuối cùng bị thương. Người này được cho là Sinwar, mặc dù các quan chức IDF nói rằng "không có bằng chứng" nào cho thấy ông tham gia vào cuộc đấu súng.
Người bị thương này chạy vào một ngôi nhà gần đó. Binh sĩ Israel điều khiển chiếc UAV bay vào nhà qua cửa sổ, ghi lại cảnh ông ngồi trên chiếc ghế, khuôn mặt trùm kín khăn. Lính Israel không tiến vào trong, mà cho xe tăng nã pháo bắn trúng căn phòng. Sáng hôm sau, quân đội Israel mới tiến vào hiện trường và tìm thấy thi thể Sinwar.
Milton-Edwards lưu ý lời kể trên của IDF, cùng với các bức ảnh và video được công bố sau đó, trái ngược với những mô tả thường thấy từ phía Israel về việc Sinwar ẩn náu dưới lòng đất, giữa những con tin Israel để đảm bảo an toàn.
"Ông ấy không ở trong đường hầm, không có những con tin Israel gầy gò và sợ hãi bị trói vây quanh, cũng không có lá chắn sống người Palestine", Milton-Edwards, đồng tác giả một cuốn sách về lịch sử Hamas, cho hay.
Việc Sinwar chết không phải trong một cuộc đột kích được lên kế hoạch bài bản, mà trong một cuộc chạm trán tình cờ là minh chứng cho chiến lược quân sự của Israel đã phát huy tác dụng, theo giới quan sát.
Tel Aviv suốt một năm qua liên tục siết chặt vòng vây, tấn công hệ thống đường hầm của Hamas, nhắm vào những thành trì cuối cùng ở miền nam, từ đó khiến Sinwar không còn nơi ẩn náu và dễ mắc sai lầm hơn.
Hoàn cảnh cái chết của Sinwar không thay đổi được sự thật rằng "ông đã dành 95% thời gian trong năm qua ẩn náu dưới lòng đất", quan chức IDF giấu tên nói.
"Rõ ràng, điều này không phản ánh đúng bản chất hành vi của ông ta trong suốt cuộc chiến", ông cho biết.
Hôm 20/10, để chứng minh cho quan điểm trên, IDF công bố đoạn video ghi lại cảnh Sinwar cùng gia đình đi vào đường hầm ở Khan Younis một ngày trước khi Hamas tiến hành cuộc đột kích lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái.
Nhưng đó không phải hình ảnh khiến nhiều người Palestine ghi nhớ. Tại Ramallah, thành phố Bờ Tây do phong trào Fatah, đối thủ chính trị của Hamas, kiểm soát, Faisal Sayid, 60 tuổi, đang xem tin tức tại một quán cà phê khi Israel công bố Sinwar đã chết.
Sinwar "không lẩn trốn như những gì người Israel nói", Sayid cho biết. "Ông ấy đã đưa phong trào của mình lên tới đỉnh cao và chiến đấu tới cùng". Theo ông, trận chiến cuối cùng của thủ lĩnh Hamas "sẽ đi vào lịch sử".
Theo một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo an ninh cấp cao Israel, nhóm người xem chính mà các quan chức nước này nghĩ đến khi công bố video là công chúng trong nước. Đối với nhiều người dân Israel, Sinwar là kẻ thù số một và các quan chức cảm thấy việc cung cấp ngay lập tức bằng chứng không thể chối cãi về cái chết của ông là điều tối quan trọng.
Bên trong Israel, cái chết của Sinwar được đón nhận bằng niềm vui và cảm giác nhẹ nhõm, cả trên đường phố và trên mạng xã hội. Ngay cả những người đã miệt mài yêu cầu chính phủ đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin với Sinwar suốt nhiều tháng cũng bày tỏ hài lòng khi IDF cuối cùng đã hạ được Sinwar, người bị coi là "kiến trúc sư" của vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào miền nam Israel.
Theo Michael Milshtein, cựu giám đốc các vấn đề dân sự Palestine của quân đội Israel, có lẽ sẽ tốt hơn nếu Tel Aviv hành xử kiềm chế hơn với những hình ảnh, video về phút cuối của Sinwar.
"Có thể chỉ cần một thông báo là đủ, hoặc một bức ảnh không quá cụ thể", ông bình luận. "Thực sự không cần thiết phải cung cấp mọi chi tiết, bởi điều này góp phần tạo nên huyền thoại về Sinwar".
Nhưng việc giữ kín những chi tiết đó có thể không khả thi, bởi tất cả binh lính Israel tham gia trận đánh đều mang theo điện thoại thông minh. Một số hình ảnh đầu tiên chưa được xác nhận về Sinwar đã được lính IDF đăng trên mạng xã hội, phớt lờ thông điệp chiến lược mà các lãnh đạo và chỉ huy của họ muốn đưa ra.
"Trên chiến trường hiện nay, rất khó để các hình ảnh không bị lộ ra ngoài", một quan chức IDF thừa nhận.
Cảnh sát đã lập tức tới hiện trường và bắt giữ Sommai, người đang trốn sau một cái cây chỉ với một chiếc khăn tắm.
Theo Newsflare, Lamphong, 67 tuổi, đang ở một mình tại ngôi nhà gần cánh đồng lúa khi nghi phạm say rượu, Sommai, được cho là đã xông vào và quấy rối bà tại tỉnh Nong Khai, Thái Lan vào khoảng 11h tối ngày 17/10.
Người phụ nữ về hưu này cho biết, bà đã trốn thoát khỏi sự tấn công của người đàn ông bằng cách giả vờ đau ngực. Bà khẳng định mình đã giả vờ uống thuốc trước khi nhốt mình trong phòng tắm để gọi điện cho chính quyền và báo rằng có một người đàn ông đang cố gắng hãm hiếp mình tại nhà riêng.
Người đàn ông bị khống chế.
Cảnh sát đã lập tức tới hiện trường và bắt giữ Sommai, người đang trốn sau một cái cây chỉ với một chiếc khăn tắm. Nghi phạm đã bị đưa đến đồn cảnh sát.
Ông ta khẳng định mình say xỉn và không biết đã làm gì. Người đàn ông cũng xin lỗi và hứa sẽ cư xử đúng mực. Nghi phạm đã được tại ngoại vào ngày 20/10.
Lamphong cho biết bà rất sợ sẽ có một cuộc tấn công khác.
Bà nói: "Tình trạng tinh thần của tôi rất tệ. Tôi liên tục lo lắng rằng anh ta sẽ lại tấn công tôi. Tôi quá sợ hãi đến mức không dám ra khỏi nhà vì tôi luôn ở một mình. Tôi hy vọng cảnh sát lắng nghe mối quan tâm của tôi".
Con trai của Lamphong là Wittaya, 41 tuổi, cho biết anh sống ở một tỉnh khác để kinh doanh và mẹ anh không muốn chuyển đến sống cùng.
Anh nói: "Tôi muốn lệnh tại ngoại của người đàn ông đó bị thu hồi và vụ án được xem xét lại càng sớm càng tốt. Nếu anh ta được thả tự do, anh ta có thể làm điều gì đó khác, không chỉ với mẹ tôi mà còn với những người phụ nữ khác".
Trung tá cảnh sát Surasak Dankaew thuộc Đồn cảnh sát Phon Phisai đã đến thăm người phụ nữ vào ngày 22/10 để giải thích lý do tại sao Sommai được tại ngoại.
Ông nói: "Việc tại ngoại hoặc tạm thời tại ngoại là quyền của tòa án. Nếu bị cáo vi phạm các điều kiện tại ngoại, chúng tôi có thể bỏ tù anh ta. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn tất cuộc điều tra. Tôi muốn yêu cầu trưởng thôn thông báo cho chúng tôi ngay lập tức nếu các điều kiện tại ngoại bị vi phạm".
Ông nói thêm rằng, Sommai sẽ bị buộc tội "có hành vi khiếm nhã với người trên 15 tuổi mà không có lý do chính đáng".
Cộng đồng người Việt tại Nga gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác, trong đó có tăng tần suất chuyến bay thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 23/10 gặp cộng đồng người Việt Nam tại Nga nhân chuyến công tác dự hội nghị nhóm BRICS mở rộng tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga.
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga, cho biết các hoạt động cấp cao giữa hai nước gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khoảng 70.000 - 80.000 người Việt sinh sống, làm việc tại nước này.
Ông Hoàng cũng đại diện cộng đồng kiến nghị chính phủ có giải pháp gỡ khó trong việc thanh toán, phát triển hệ thống logistics, tăng tần suất của các chuyến bay thương mại đến Nga.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam và Nga đã nối lại đường bay trực tiếp giữa Moskva và TP HCM từ cuối tháng 1. Từ tháng 6/2023, hãng hàng không IAERO của Nga cũng thực hiện chuyến bay trực tiếp giữa thành phố Irkusk, Nga và Hà Nội bằng máy bay của Nga với tần suất hai chuyến mỗi tuần.
Thủ tướng chia sẻ những khó khăn mà kiều bào tại Nga gặp phải sau đại dịch, biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Ông đánh giá cao nỗ lực, cố gắng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng người Việt Nam tại Nga.
Theo Thủ tướng, cộng đồng người Việt tại Nga luôn đùm bọc nhau trong gian khó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Cộng đồng này cũng có những đặc thù như rất đa dạng, nhiều doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, công nghệ đều từng học tập, làm việc tại Nga.
Thủ tướng mong muốn người Việt tại Nga có địa vị pháp lý vững chắc, được tôn trọng, ngày càng lớn mạnh. Ông tin tưởng rằng các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Nga cũng sẽ phát triển, có nhiều đóng góp cho quốc gia sở tại và quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dự Hội nghị BRICS mở rộng tại thành phố Kazan theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nhóm BRICS năm 2024.
Trong cuộc gặp Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm qua, Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga, bao gồm các doanh nghiệp dầu khí, quan tâm, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam và Nga xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2012. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin hồi tháng 6, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là hạ tầng, năng lượng.
Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo Musk việc ông hứa thưởng một triệu USD mỗi ngày cho cử tri có thể vi phạm luật pháp, theo truyền thông nước này.
CNN và 24sight New ngày 23/10 dẫn nguồn thạo tin cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi thư cho siêu ủy ban hành động chính trị America PAC do tỷ phú Elon Musk hậu thuẫn, cảnh báo chương trình treo thưởng một triệu USD mỗi ngày cho cử tri của ông có thể vi phạm luật liên bang, vốn cấm chi tiền để thuyết phục người khác đăng ký bỏ phiếu.
Bộ Tư pháp Mỹ từ chối phản hồi và ông Musk chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Tại sự kiện kêu gọi ủng hộ cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ở Pennsylvania hôm 19/10, tỷ phú Musk công bố chương trình trao thưởng ngẫu nhiên một triệu USD mỗi ngày cho một cử tri đã đăng ký tại các bang chiến trường. Để đủ điều kiện tham gia, họ được yêu cầu ký vào bản kiến nghị ủng hộ "quyền tự do ngôn luận và sở hữu vũ khí". Chương trình sẽ kéo dài đến ngày bầu cử 5/11.
Danielle Lang, giáo sư chuyên về luật bầu cử tại Trường Luật Georgetown, nhận định chương trình có thể bị Bộ Tư pháp điều tra hình sự hoặc dân sự.
"Vì 'cuộc thi' yêu cầu người thắng một triệu USD tiền thưởng phải là cử tri đã đăng ký tại các bang chiến trường, hoặc cần đi đăng ký nếu chưa làm điều đó, nó đã vi phạm luật liên bang", bà nói.
Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro cũng hoài nghi về chương trình, gọi đây là khoản "tiền đen" cần phải điều tra. Đáp trả, Musk nói rằng phát biểu của ông Shapiro mới là điều đáng lo ngại.
America PAC hôm 20/10 chỉnh sửa thông điệp về chương trình, nói rằng người chiến thắng được chọn "để kiếm 1 triệu USD với tư cách người phát ngôn cho America PAC".
Dù vậy, một số chuyên gia về luật bầu cử chỉ ra rằng các điều khoản chính thức của chương trình trên trang web của America PAC chưa thay đổi, vẫn yêu cầu người tham gia phải là cử tri đã đăng ký tại một trong 7 bang chiến trường và ký vào bản kiến nghị.
Hôm 21/10, khi phản hồi bài đăng cáo buộc mình đang trả tiền để những người ủng hộ đảng Cộng hòa đăng ký bỏ phiếu, tỷ phú Mỹ nhấn mạnh "người chiến thắng có thể thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào, thậm chí không cần bỏ phiếu". Tuy nhiên, ông không đề cập các vấn đề pháp lý tiềm ẩn của chương trình.
Tỷ phú Musk đã tài trợ cho America PAC khoảng 75 triệu USD, trong nỗ lực tiếp sức cho ứng viên Cộng hòa Trump trở lại Nhà Trắng. Ông từng tuyên bố sẽ "tất tay" cho cựu tổng thống Mỹ. America PAC đặt mục tiêu thu hút một triệu cử tri ở 7 bang chiến trường.
Sự việc một người giúp việc tại Ấn Độ trộn nước tiểu của mình vào nguyên liệu làm thức ăn cho gia đình chủ nhà đang khiến dư luận nước này phẫn nộ, lên án.
Reena Kumar, một người giúp việc gia đình ở Ấn Độ, không hài lòng khi liên tục bị chủ khiển trách. Để trả thù, người phụ nữ 32 tuổi đã trộn nước tiểu của mình vào bột làm chapati và roti, khiến cả gia đình đổ bệnh.
Tờ Times of India đưa tin, Reena Kumar đã làm việc với gia đình này được 8 năm.
Thời gian gần đây, các thành viên trong gia đình này liên tục gặp các vấn đề về sức khỏe.
Theo lời khuyên của bác sĩ, gia đình quyết định chỉ ăn đồ ăn nấu tại nhà với hy vọng tình trạng của họ sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, họ không chỉ không hết bệnh mà còn mắc thêm một số vấn đề về sức khỏe khác.
Vì thế, mọi nghi ngờ đổ dồn vào Reena vì cô là người duy nhất chuẩn bị bữa ăn hằng ngày.
Nữ giúp việc trộn nước tiểu vào thức ăn của gia chủ vì bực tức chuyện bị la mắng.
Một camera quan sát được lắp đặt kín đáo trong nhà bếp và gia đình đã bị sốc trước những gì họ nhìn thấy.
Trong đoạn clip dài khoảng 44 giây được trích xuất từ camera, Reena đã tiểu vào một chiếc bát, trộn nó vào bột dùng để làm bánh chapati và bánh roti rồi mang cho cả gia đình ăn.
Phát hiện sự việc, ngày 14/10, gia đình này đã trình báo cho cơ quan chức năng.
Theo Trợ lý Ủy viên Cảnh sát (ACP) Wave City, Lipi Nagaich, Reena ban đầu bác bỏ những cáo buộc nhắm vào mình.
Thế nhưng, nữ giúp việc nhanh chóng thừa nhận hành vi sau khi được cho xem đoạn clip ghi lại "tội ác" của mình.
"Cô ấy nói rằng bản thân làm như vậy là để trả thù cho những lần bị chủ nhà la mắng", Lipi Nagaich nói.
Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ Reena và cô có thể phải đối mặt với án tù lên tới 2 năm, phạt tiền hoặc cả hai.
AustraliaCô gái 23 tuổi trượt chân, rơi vào khe đá sâu ba mét và mắc kẹt trong tư thế chổng ngược vì cố nhặt điện thoại.
Hiệp hội Xe cứu thương New South Wales ngày 22/10 cho biết Matilda Campbell, 23 tuổi, làm rơi điện thoại vào khe đá khi đang chụp ảnh trong chuyến đi bộ đường dài cùng bạn bè hồi đầu tháng ở Hunter, phía bắc bang New South Wales, Australia.
Khi tìm cách cứu chiếc điện thoại, Campbell trượt chân, rơi xuống khe nứt sâu ba mét giữa hai tảng đá lớn và mắc kẹt ở đó trong tư thế lộn ngược, khiến cô không thể thoát được ra ngoài.
Bạn bè cố kéo Campbell khỏi khe nứt trong hơn một tiếng nhưng không thành. Do khu vực này không có sóng điện thoại, họ phải cử người đi bộ ra ngoài để nhờ giúp đỡ.
Sau khi nhận được tin báo, đội cứu thương New South Wales cùng Hiệp hội cứu hộ tình nguyện Cessnock, Sở cứu hỏa nông thôn New South Wales, đã cùng nhau vạch phương án giải cứu.
Họ phải dịch chuyển một số tảng đá để có thể tiếp cận nơi Campbell mắc kẹt. Khi chạm được vào chân Campbell, nhóm đối mặt thử thách đưa cô ra ngoài qua khe hình chữ S. Họ phải dùng tời chuyên dụng để dịch chuyển những tảng đá nặng 80- 500 kg.
Campbell được giải cứu sau hơn 7 tiếng mắc kẹt, trong tình trạng xây xước nhẹ nhưng sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, cô vẫn không tìm lại được chiếc điện thoại.
"Trong hơn 10 năm làm nhân viên cứu hộ, tôi chưa từng gặp trường hợp nào như thế này. Đây quả là một ca thách thức nhưng vô cùng hữu ích", Peter Watts, một nhân viên cứu hộ, cho hay. "Mỗi đơn vị phụ trách nhiệm vụ riêng. Chúng tôi đã phối hợp nhịp nhàng để đạt kết quả tốt nhất".