Mảnh vỡ tại hiện trường cuộc không kích hai tòa nhà khiến 22 người chết ở Beirut, Lebanon, cho thấy Israel đã dùng bom lượn JDAM do Mỹ sản xuất.
Quân đội Israel (IDF) không kích hai tòa nhà ở trung tâm Beirut đêm 10/10, khiến 22 người thiệt mạng, 117 người bị thương, đánh dấu cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào thủ đô Lebanon từ khi giao tranh Hezbollah - Israel tăng nhiệt hồi tháng 10/2023.
Tại hiện trường tòa chung cư đổ nát ở khu al-Basta al-Fouqa, phóng viên Guardian của Anh, phát hiện mảnh bom dẫn đường (JDAM) do Mỹ sản xuất.
JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom lượn thông minh, bằng cách gắn các bộ dẫn đường do Boeing chế tạo. Đây là phương án giúp tận dụng kho dự trữ bom thông thường, thay vì phải sản xuất những quả bom dẫn đường có chi phí cao.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và một cựu kỹ thuật viên về bom mìn của quân đội Mỹ đã xác nhận nguồn gốc mảnh bom.
"Mẫu bu lông, hình dáng và vị trí của nó phù hợp với với cánh đuôi của bộ dẫn đường JDAM do Mỹ sản xuất trên bom Mk-80", Richard Weir, chuyên gia cấp cao từ bộ phận phân tích khủng hoảng, xung đột và vũ khí của HRW, cho biết.
Bom Mk-80 có ba loại, loại nhỏ nhất nặng 250 kg, loại lớn nhất nặng gần một tấn. Đây có thể là lần đầu tiên bom Mỹ được sử dụng trong một cuộc tấn công nhằm vào Beirut kể từ năm 2006.
Mỹ và Israel chưa bình luận về thông tin.
Vũ khí Mỹ đóng vai trò quan trọng trong xung đột của Israel ở Dải Gaza và Lebanon. Bom JDAM làm một trong những loại vũ khí được Israel yêu cầu nhiều nhất từ Mỹ.
Washington hứng chỉ trích nặng nề do tiếp tục viện trợ quân sự cho Tel Aviv, lên đến 17,9 tỷ USD vào năm ngoái, bất chấp thương vong dân thường nặng nề do chiến sự ở Gaza và Lebanon. Hồi tháng 9, nhiều tổ chức nhân quyền đã ký thư chung gửi Tổng thống Joe Biden, kêu gọi ông đình chỉ chuyển giao vũ khí cho Israel, với lý do Tel Aviv sử dụng đạn dược của Washington nhắm vào dân thường ở Dải Gaza.
Sau đòn không kích đêm 10/10 của IDF vào Beirut, các đội cứu hộ đã phải làm việc suốt đêm để tìm kiếm người sống sót, đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát ở khu al-Basta al-Fouqa.
Đây là khu phố của tầng lớp lao động, nổi tiếng với du lịch, đồ cổ, kiến trúc truyền thống. Người địa phương cho biết tòa nhà bị không kích có nhiều dân thường sinh sống, cũng là nơi tiếp nhận nhiều người di tản từ miền nam Lebanon. "Nơi này từng được cho là an toàn", Ali, cư dân 30 tuổi sống gần đó, nói.
Chính phủ Lebanon cho biết các đợt tập kích của Israel trong năm qua đã khiến hơn 2.150 người thiệt mạng, hơn 10.200 người bị thương, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu thành viên Hezbollah trong số đó.
Đức Trung (Theo Guardian, Times of Israel, Al Jazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét