Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Những người ôm mộng đổi đời từ kim cương

Ấn ĐộPrakash Sharma, 67 tuổi, đã mê mải đào kim cương trong các khu mỏ ở Panna suốt 50 năm qua, tiếp nối giấc mộng đổi đời của thế hệ trước.

Ông Sharma bắt đầu đào kim cương ngay sau khi học xong phổ thông năm 1974, nối bước cha mình, người từng là một thợ săn kim cương nổi tiếng trong khu mỏ ở Panna, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ.

Ông sớm "trúng số" sau khi đào được một viên kim cương 6 carat, trị giá cả một gia tài hồi đó.

Ông Prakash Sharma trả lời truyền thông tại một khu mỏ kim cương ở Panna. Ảnh: BBC

Ông Prakash Sharma trả lời truyền thông tại một khu mỏ kim cương ở Panna. Ảnh: BBC

"Thành quả đầu đời này đã thúc đẩy tôi tiếp tục đào. Tôi muốn làm việc này, thay vì nhận một công việc lương thấp trong chính quyền", Sharma nói. "Tôi sẽ phát ốm nếu không đi đào kim cương. Công việc này như ma túy vậy".

Sau 50 năm, ông vẫn là một trong hàng nghìn người đàn ông bám trụ cả ngày trong khu mỏ, nuôi giấc mộng thoát đói nghèo.

Panna là nơi tập trung hầu hết trữ lượng kim cương của Ấn Độ, điểm đến hàng đầu của giới săn kim cương, song cũng là một trong những vùng lạc hậu nhất đất nước, nơi người dân đối mặt với đói nghèo, thất nghiệp và khan hiếm nước sạch.

Trữ lượng kim cương tại các mỏ ở Panna cũng dần cạn do tình trạng khai thác quá mức. Dù vậy, những thợ săn kim cương nhiều thế hệ vẫn đặt hy vọng lớn vào hành trình đổi đời tại đây.

Họ bắt đầu đào đất sỏi từ sáng sớm, sau đó sàng đãi để tìm kim cương đến khi mặt trời lặn. Công việc kéo dài 10 tiếng mỗi ngày.

Giống Sharma, nhiều người ở đây coi đào kim cương là nghề truyền thống cha truyền con nối. Có những người được cả gia đình ủng hộ đi đào kim cương.

Shyamlal Jatav, 58 tuổi, cũng xuất thân từ một gia đình như vậy. Ông nội của Jatav từng đào kim cương, và giờ con trai của Jatav cũng đang vừa học vừa làm việc bán thời gian trong mỏ.

Jatav cho biết ông nội mình từng tìm được nhiều kim cương, song thời đó chúng không được bán với giá hàng trăm nghìn USD mỗi viên như hiện nay.

Cả gia đình ông Sharma đi đào kim cương ở khu mỏ Panna. Ảnh: BBC

Cả gia đình ông Sharma đi đào kim cương ở khu mỏ Panna. Ảnh: BBC

Ấn Độ có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp kim cương toàn cầu. Nước này từng là nguồn cung kim cương duy nhất trên thế giới suốt 3.000 năm, cho đến khi các mỏ mới được phát hiện ở Brazil và Nam Phi vào thế kỷ 18.

Hầu hết các mỏ kim cương ở Panna hiện do chính quyền điều hành. Khi đào được kim cương, thợ mỏ phải nộp cho phòng quản lý, nơi sẽ định giá và bán đấu giá chúng. Sau khi trừ các khoản thuế, số tiền còn lại được chuyển cho thợ đào.

Raja Ground là một trong số ít người gặp may gần đây. Sau 10 năm làm việc ở Panna, anh đào được viên kim cương lớn nặng 19,22 carat hồi tháng 7, được bán đấu giá với giá 95.000 USD. Khoản tiền thu về đã giúp Ground thanh toán hết nợ nần.

Tuy nhiên, hầu hết thợ đào tìm được kim cương không muốn nộp lại cho phòng quản lý, mà tìm cách bán lậu ra ngoài để trốn thuế.

Theo một nhà buôn kim cương giấu tên, ngoài trốn thuế, thợ đào còn muốn bán kim cương trên chợ đen để đảm bảo nhận được tiền nhanh chóng. "Nếu thông qua kênh chính thức, họ sẽ chỉ nhận được tiền bán kim cương sau khi đấu giá, đôi khi có thể mất nhiều năm", người này nói.

Thợ đào Ấn Độ sàng lọc sỏi đất để tìm kim cương ở Panna. Ảnh: BBC

Thợ đào Ấn Độ sàng lọc đất đá để tìm kim cương ở Panna. Ảnh: BBC

Ravi Patel, quan chức phòng quản lý khai thác mỏ ở Panna, cho biết giới chức đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn tình trạng buôn bán kim cương bất hợp pháp, nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu giám sát, bởi hầu hết kim cương tìm thấy đều tương đối nhỏ, không bán được giá.

Các quan chức cũng thừa nhận có tình trạng sụt giảm trong số lượng kim cương được gửi về sàn đấu giá của chính quyền. Năm 2016, văn phòng nhận được 1.133 viên kim cương, nhưng đến năm 2023, con số này chỉ còn 23 viên.

Chính quyền địa phương cũng áp thêm nhiều hạn chế khai thác kim cương để bảo tồn quần thể 50 con hổ ở Panna. Sở Lâm nghiệp đã quy định nhiều vùng cấm đào kim cương ở các khu rừng rậm, từng là nơi hoạt động khai thác phát triển mạnh. Thợ đào vi phạm có thể bị phạt rất nặng.

Bất chấp nhiều khó khăn, hạn chế, hàng nghìn người vẫn kiên trì đào bới trong các mỏ kim cương, nối tiếp giấc mơ đổi đời của thế hệ trước.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chính quyền áp lệnh phong tỏa năm 2020, Prakash Majumdar mất đi công việc làm nông, khiến anh phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Khi đang tuyệt vọng, Majumdar tìm thấy viên kim cương đầu tiên trị giá 35.000 USD chỉ sau một tháng đào bới ở Panna.

Gia đình anh sau đó có tiền xây nhà. Anh còn được bầu làm trưởng làng, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm những viên đá quý.

"Săn kim cương đã thành một phần trong cuộc sống của tôi. Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi trở nên giàu có", Majumdar nói.

Đức Trung (Theo BBC, India Times, Hindustan Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét