Ông Trump cam kết chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong 24 giờ", khiến cả hai bên giờ phải nỗ lực tăng lợi thế chiến trường trước khi ông trở lại Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ kể từ khi ông nhậm chức, dự kiến vào ngày 20/1/2025. Ông trước đó nhiều lần phản đối viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine, cho rằng Washington đang phải ký "séc trắng" cho Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng báo hiệu Moskva để ngỏ cánh cửa đàm phán, khiến nhiều người ở Kiev và các nước châu Âu lo ngại Tổng thống thứ 47 của Mỹ có thể ủng hộ một thỏa thuận có lợi cho Nga, trong đó có kịch bản đóng băng xung đột tại vị trí hai bên đang kiểm soát.
Bởi vậy, nhiều quan chức và nhà phân tích quân sự nhận định thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức là khoảng thời gian rất quan trọng đối với hai bên xung đột, đặc biệt là với Ukraine, buộc họ phải cố gắng giành nhiều lãnh thổ nhất có thể.
Một số quan chức cấp cao Ukraine tin rằng nếu Kiev có thể ngăn chặn đà tấn công của Nga và nắm thế chủ động trên chiến trường vào thời điểm ông Trump nhậm chức, họ có thể thuyết phục lãnh đạo Mỹ đứng về phía mình. Lực lượng Nga cũng được cho là đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công và không muốn bị thất thế trên chiến trường hay bàn đàm phán.
Nga những tháng gần đây tăng cường tấn công ở mặt trận phía đông với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ khi xung đột bắt đầu tháng 2/2022. Kiev tin rằng các đợt tiến công của Nga sẽ ác liệt hơn trong hai tháng tới.
Ngoài mặt trận miền đông và cả phía nam Ukraine, giao tranh giữa hai bên còn diễn ra ở tỉnh Kursk ở biên giới phía tây Nga. Đây là khu vực mà quân Ukraine kiểm soát một phần sau chiến dịch tấn công bất ngờ qua biên giới hồi tháng 8.
Nga được cho là đã triển khai lực lượng khoảng 50.000 binh sĩ nhằm đẩy lùi Ukraine khỏi lãnh thổ trong tương lai gần, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức tình báo phương Tây.
Trước khi ông Trump nhậm chức, Nga đang gấp rút tìm cách giành lại thị trấn Sudzha, nơi Ukraine đã thiết lập chính quyền quân sự, cũng như toàn bộ lãnh thổ tỉnh Kursk đang bị đối phương kiểm soát, theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng (CDS) ở Kiev.
Nếu phải rút quân khỏi tỉnh Kursk, Ukraine sẽ đánh mất lá bài thương lượng có giá trị trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Nga, dù ông Zelensky nhiều lần tuyên bố chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Moskva rút toàn bộ quân khỏi nước này.
Tổng thống Putin tuyên bố có thể đàm phán nếu Kiev chấp nhận tất cả các yêu cầu của Moskva, trong đó có việc chấp nhận thực tế các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông và miền nam. Đây là điều mà Ukraine kiên quyết phản đối.
Kể từ tháng 8, Nga đã giành được nhiều bước tiến trên chiến trường. Quân Nga đã kiểm soát hơn 1.200 km2 ở Ukraine, theo dữ liệu của nhóm theo dõi xung đột Ukraine Deep State. Con số này nhiều gấp đôi diện tích mà lực lượng Ukraine nắm giữ ở Kursk.
Tại một số điểm nóng trên khắp chiến tuyến dài 1.000 km, quân đội Ukraine đang hứng chịu các đợt tấn công không ngừng nghỉ. Một chỉ huy đơn vị pháo binh Ukraine gần Kurakhove, nơi giao tranh dữ dội nhất, cho biết quân Nga đang tấn công "từ ba phía". Ông cho biết đơn vị của mình đã sẵn sàng rút lui nhưng chưa nhận được lệnh từ cấp trên.
Kurakhove và thành phố Pokrovsk, cách đó 40 km về phía bắc, đều là những trung tâm hậu cần quan trọng đối với quân đội Ukraine và hiện phần lớn bị phá hủy. Nhà máy luyện cốc ở ngoại ô Pokrovsk, đã bị tấn công trong các cuộc giao tranh, là nhà máy lớn nhất ở Ukraine và rất quan trọng đối với ngành sản xuất thép của nước này.
CDS ước tính tới tháng 12, "tiền tuyến sẽ dịch chuyển thêm 30-35 km về phía tây so với hiện tại".
Thiếu tướng Ukraine Dmytro Marchenko tháng trước nói rằng mặt trận miền đông đang "sụp đổ" do thiếu đạn dược và nhân lực. "Mọi người kiệt sức. Họ không thể giữ vững mặt trận của mình", ông nói.
Nhân lực vẫn là thách thức lớn nhất của Ukraine trong nỗ lực ngăn đà tiến của Nga, theo các chỉ huy và giới phân tích.
"Tuổi trung bình của binh sĩ trong nhiều lữ đoàn Ukraine hiện là trên 40 và dường như họ không có đủ quân tiếp viện tới tiền tuyến", Franz-Stefan Gady, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London gần đây thăm Ukraine, cho hay.
Ukraine đang lên kế hoạch tuyển thêm 160.000 binh sĩ từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia đánh giá con số này chỉ đủ đáp ứng 85% nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự và thậm chí quan chức cấp cao của Ukraine hoài nghi về khả năng đạt mục tiêu tuyển quân, cho rằng họ chỉ có thể có thêm tối đa 100.000 tân binh. Số quân này có thể bù đắp 50% tình trạng thiếu hụt hiện tại, song đó vẫn là điều cần thiết đối với nhiều đơn vị.
"Rất nhiều thanh niên Ukraine xem lệnh gọi nhập ngũ như bản án tử", một binh sĩ cấp cao gia nhập quân đội Ukraine từ năm 2022 nói về rào cản ngăn nhiều người tòng quân để tăng viện cho tiền tuyến.
Stanislav Aseyev, nhà báo nổi tiếng Ukraine đã nhập ngũ, cho rằng nếu Bộ Quốc phòng Ukraine không đưa ra cam kết rõ ràng về thời gian phục vụ và chất lượng huấn luyện, các tân binh sẽ mất tinh thần và không thể chiến đấu hiệu quả.
Để bù đắp thiếu hụt, một số đơn vị bộ binh đã phải bổ sung quân bằng phi công chiến đấu, kỹ sư, y bác sĩ, theo Mariana Bezuhla, nghị sĩ trong ủy ban chính sách đối ngoại của Ukraine. Đại tá Yuriy Ignat, quan chức không quân cấp cao, đầu tháng này nói một số nhân sự của lực lượng này đã được điều chuyển tới các đơn vị tiền tuyến vì tình hình khó khăn.
Tuy nhiên, một người phát ngôn quân đội Ukraine bác bỏ thông tin của Ignat. "Các đơn vị không quân, gồm cả kỹ sư, phi công, nhân viên bảo trì và đội y tế, vẫn đảm nhận vị trí chuyên môn của họ", người này nói, thêm rằng nhiều nhân viên y tế được điều động tới các "vị trí ổn định" gần tiền tuyến nhất để đề phòng giao tranh dữ dội và thương vong nặng nề hơn.
Hai chỉ huy đơn vị hàng đầu ở mặt trận miền đông nói rằng nhiều nhân lực có chuyên môn như y bác sĩ từng được điều động cho bộ binh. "Chiến tranh đôi khi sẽ xảy ra những tình huống như vậy. Tôi từng huy động cả đầu bếp của đơn vị tới chiến hào chiến đấu", một chỉ huy nói.
Dara Massicot, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế từng thăm tiền tuyến ở Ukraine gần đây, cho biết Nga đang áp đảo Ukraine vì có nhiều nguồn lực hơn. "Họ không có nhiều lực lượng thiện chiến, nhưng nguồn nhân lực được bổ sung liên tục đã giúp họ làm suy yếu lực lượng Ukraine", bà nói.
Những bước tiến của Nga trên chiến trường cũng đi kèm cái giá rất đắt, theo giới quan sát. Đô đốc Tony Radakin, tư lệnh lực lượng vũ trang Anh, gần đây ước tính quân đội Nga ghi nhận khoảng 1.500 người chết và bị thương mỗi ngày trong tháng 10, với tổng thương vong từ tháng 2/2022 lên tới 700.000 người. Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về con số thương vong này.
Tuy nhiên, Dara Massicot lưu ý dù Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ sản xuất vũ khí vào cuối năm tới, "Ukraine vẫn là bên đang gặp nhiều vấn đề bất lợi hơn" trong cuộc đua giành lợi thế chiến trường trước khi ông Trump nhậm chức.
Thùy Lâm (Theo FT, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét