Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Hỗn loạn bên trong văn phòng Phó tổng thống Mỹ

Khi Phó tổng thống Kamala Harris tuần trước quyết định thăm biên giới Mỹ - Mexico, nhiều người trong chính văn phòng của bà không hay biết kế hoạch này.

Suốt nhiều ngày, các cố vấn và đồng minh bên ngoài Nhà Trắng của Harris đã liên tục gọi điện, nhắn tin với nhau, bày tỏ nghi ngại về những hệ quả chính trị không mong muốn mà chuyến thăm biên giới phía nam có thể mang lại.

Khi thông tin về chuyến thăm của Harris tới El Paso được công bố, không ít người trong số họ ngỡ ngàng, bao gồm cả những quan chức chịu trách nhiệm sắp xếp hậu cần, di chuyển và các cố vấn khác.

Kamala Harris tham gia một hội nghị về kiểm soát súng đạn ở Las Vegas, Nevada, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Kamala Harris tham gia một hội nghị về kiểm soát súng đạn ở Las Vegas, Nevada, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Những vấp váp, bất đồng trong việc xử lý chuyến thăm biên giới là minh chứng mới nhất về hỗn loạn bên trong văn phòng Phó tổng thống Mỹ. Đội ngũ của Harris đang trải qua quãng thời gian khó khăn khi tinh thần làm việc giảm sút, khâu trao đổi, truyền đạt thông tin thiếu thông suốt và lòng tin giữa các trợ lý và quan chức cấp cao suy giảm nghiêm trọng.

Phần lớn nỗi thất vọng của họ tập trung vào Tina Flournoy, chánh văn phòng của Harris, một chính trị gia kỳ cựu thuộc đảng Dân chủ mới bắt đầu làm việc cho Phó tổng thống Mỹ từ đầu năm nay.

Trong các cuộc phỏng vấn, 22 trợ lý của Harris, cả những người đương nhiệm lẫn đã nghỉ việc, đều mô tả về một bầu không khí căng thẳng, đôi khi ảm đạm, tại văn phòng Phó tổng thống Mỹ.

Các trợ lý và đồng minh cho biết Flournoy đã tạo ra một môi trường làm việc thiếu tích cực, nơi những ý tưởng mới thường bị phớt lờ hoặc bị bác bỏ thẳng thừng và các quyết định thường bị trì hoãn. Bà được cho là thường xuyên trốn tránh trách nhiệm về những vấn đề tế nhị, đổ lỗi cho nhân viên về các kết quả tiêu cực xảy ra sau đó.

Bên cạnh đó, hai quan chức chính phủ giấu tên còn cho rằng bản thân Phó tổng thống Harris cũng phải chịu trách nhiệm về cách mà văn phòng của bà vận hành. "Tất cả bắt nguồn từ người cao nhất", một người nói.

"Đây không phải một môi trường làm việc lành mạnh và mọi người thường thấy như mình bị ngược đãi. Đó không phải nơi mọi người cảm thấy được hỗ trợ mà là nơi họ có cảm giác bị đối xử như cỏ rác", quan chức còn lại cho hay.

Sự rối loạn bên trong văn phòng Phó tổng thống có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh vốn được xây dựng cẩn thận của Nhà Trắng như một nơi có những đội ngũ chuyên nghiệp, hợp tác làm việc chặt chẽ, không xung đột.

Symone Sanders, cố vấn cấp cao kiêm người phát ngôn chính của Phó tổng thống Harris, đã bác bỏ những lời chê trách và bảo vệ Flournoy, khẳng định bà luôn có "chính sách cởi mở". Về những người giấu tên chỉ trích Flournoy, Sanders cho rằng họ "thật sự hèn nhát khi làm theo cách này".

Phó tổng thống Harris chỉ mới nhậm chức 6 tháng, song một số cố vấn trong văn phòng của bà cho biết họ đang để mắt tới cơ hội công việc khác. Vài người thậm chí đã rời đi, trong đó có hai quan chức hàng đầu Karly Satkowiak và Gabrielle DeFranceschi.

Với DeFranceschi, quyết định ra đi bắt nguồn từ "khác biệt trong quan điểm về cách mọi thứ diễn ra", theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Người này cho hay văn phòng của Harris vận hành "rất khác" so với thời kỳ cựu tổng thống Barack Obama, nơi DeFranceschi từng làm việc. "Nếu bạn có ý kiến về cách thức vận hành công việc nhưng nó không được lắng nghe, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy bực bội".

DeFranceschi không trả lời yêu cầu bình luận.

Trợ lý thứ ba của Harris làm việc trong đội kỹ thuật số, Rajan Kaur, nghỉ việc sau khi quyết định không chuyển từ Brooklyn đến Washington.

Anita Dunn, cố vấn cấp cao cho Tổng thống Joe Biden, đã bảo vệ Flournoy cũng như quyết định chỉ thông báo thông tin về chuyến thăm biên giới của Harris trong một nhóm nhỏ trợ lý, thêm rằng văn phòng của Phó tổng thống có vẻ như không muốn nó bị rò rỉ hoặc "biến nó thành thứ gì đó quá hoành tráng".

Tina Flournoy trong một hội nghị năm 2008. Ảnh: AP.

Tina Flournoy trong một hội nghị năm 2008. Ảnh: AP.

"Dường như có những nhân viên của bà ấy cảm thấy bị tổn thương vì không được tham gia cuộc thảo luận", Dunn nói. "Nhưng bất kỳ đánh giá nào cho rằng công việc bị xử lý sai hay được giữ bí mật đối với những người cần biết về nó đều hoàn toàn không đúng".

Khi được hỏi bà có biết về những lời phàn nàn liên quan tới văn phòng Phó tổng thống Harris không, Dunn quả quyết nó "không hề giống những gì bạn mô tả".

Flournoy là một quan chức lâu năm của đảng Dân chủ, từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, cũng như tham gia chiến dịch tái tranh cử của Clinton và phó tổng thống Al Gore vào năm 2000. Bà cũng là thành viên một nhóm không chính thức gồm những phụ nữ da màu thuộc đảng Dân chủ, đã làm việc cùng nhau trong nhiều thập kỷ, như Donna Brazile, Minyon Moore, Leah Daughtry và Yolanda Caraway.

"Tina mạnh mẽ, bà ấy thông minh, có định hướng nên luôn muốn tập hợp được những người mạnh mẽ, thông minh, có định hướng xung quanh mình", Daughtry nói. "Nhưng một số người có thể thấy những người thông minh, mạnh mẽ, có định hướng là đáng sợ... Tuy nhiên, không có bất kỳ điều gì trong kinh nghiệm của bà ấy khiến Tina trở thành người đáng sợ".

Nhóm người chỉ trích cho rằng vai trò của Flournoy chỉ là ngăn chặn những ảnh hưởng từ bên ngoài đối với Phó tổng thống và đảm bảo chỉ các vấn đề quan trọng mới được trình lên bà.

Nhưng Flournoy được cho là đã đẩy vai trò "người gác cổng" đó lên mức cực đoan.

"Nhiều người mà Clinton đã quen biết nhiều thập kỷ bỗng nhiên không thể liên lạc được với ông vì bị Tina chặn lại", một nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về thời gian Flournoy giữ vai trò chánh văn phòng cho tổng thống Clinton sau khi ông mãn nhiệm tiết lộ. "Vì Clinton không sử dụng email. Ông ấy chỉ dùng chiếc điện thoại BlackBerry của mình để liên lạc với gia đình, bạn thân và vài phụ tá thân cận. Bà ấy có thể ngăn nhiều người bạn tiếp cận Bill".

Dù một phần công việc của chánh văn phòng là hạn chế lượng người tiếp cận cấp trên của mình, song theo nguồn tin "bạn không thể cứ thế phớt lờ mọi người mà không hồi đáp họ".

Phó tổng thống Harris trong chuyến thăm El Paso, Texas, ngày 25/6. Ảnh: Reuters.

Phó tổng thống Harris (trái)trong chuyến thăm biên giới ở El Paso, Texas, ngày 25/6. Ảnh: Reuters.

Mới đây, một người bạn của Harris đã thay mặt một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho đảng Dân chủ đích thân liên hệ với Flournoy để cố gắng sắp xếp cuộc họp với Phó tổng thống Mỹ. Song họ bị phớt lờ hoàn toàn. Người bạn này cho hay họ không rõ liệu Flournoy có biết họ là ai hay không.

Nhà tài trợ cũng liên hệ riêng với văn phòng của Harris để kết nối nhưng không nhận được phản hồi trong nhiều tuần sau đó. Họ cuối cùng được thông báo rằng Phó tổng thống quá bận nên không thể thu xếp thời gian.

"Đây là người đã quyên góp hàng trăm nghìn USD, thậm chí hàng triệu USD, cho cấp trên của bạn, vậy mà bạn quay lưng với họ như vậy ư? Lần tới, nếu Kamala muốn gì từ họ, họ sẽ nói rằng 'Này, tôi thậm chí còn không được chánh văn phòng của bà gọi lại!'", người bạn của Harris mỉa mai.

Những khó khăn của đội ngũ nhân viên hỗ trợ Harris không phải điều gì quá mới mẻ. Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, những người từng làm việc với bà trong quá khứ mô tả nó giống như "sự hỗn loạn được kiểm soát". "Không phải lúc nào cũng đoán trước được kỳ vọng của bà chủ", một cựu trợ lý của Harris cho biết.

Theo cựu trợ lý này, tinh thần làm việc hiện nay bên trong đội ngũ nhân viên của Harris cũng khá "rệu rã". Một phần nguyên nhân tạo nên bầu không khí đó bắt nguồn từ danh mục chính sách mà Harris chấp nhận xử lý, bao gồm cả một số vấn đề khó giải quyết nhất của chính quyền Biden.

Ngay từ đầu, Harris đã được giao nhiệm vụ giải quyết gốc rễ vấn đề người di cư ở biên giới phía nam. Nó lập tức khiến bà trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích bảo thủ, trong đó yêu cầu bà phải đích thân tới biên giới phía nam để đánh giá tình hình.

Suốt nhiều tuần lễ, các trợ lý của Harris đều cho rằng bà không cần thiết phải lập tức đến tận nơi để thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhưng khác với điều họ kỳ vọng, Harris đã quyết định tới những quốc gia là điểm xuất phát của người di cư hoặc nơi họ đi qua.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, Harris chế giễu ý tưởng bà sẽ đến biên giới bằng lập luận rằng bà thậm chí còn chưa tới châu Âu. Câu trả lời này khiến bà nhận về không ít phàn nàn và ngay cả các thành viên trong đội ngũ của Harris cũng cảm thấy thất vọng.

Vài tuần sau, Harris cuối cùng quyết định thực hiện chuyến thăm El Paso. Đội ngũ của bà khẳng định động thái này không nhằm đáp lại những lời chỉ trích. Nhưng các trợ lý và thân tín khác lại cho rằng rõ ràng là Harris đang cố gắng đẩy lùi những bản tin tiêu cực về mình, qua đó, ngụ ý rằng bà đang là mục tiêu của truyền thông sai lệch từ phía cánh hữu.

Sau cùng, chuyến thăm biên giới vội vã không giúp ích gì nhiều cho bà. Tất cả những gì lưu lại là một cuộc họp báo mà Harris tổ chức, ở đó bà phải rất cố gắng phát biểu dưới tiếng gầm rú của động cơ máy bay.

Nhưng những người bảo vệ Harris nói những khoảnh nhắc như vậy đã bị thổi phồng quá mức. "Điều quan trọng là Phó tổng thống đang tập trung vào công việc", Sanders nhấn mạnh.

Điều đáng lo ngại hơn đối với những người quan tâm tới Harris là làm thế nào để ngăn tình trạng các nhân viên đang thất vọng bỏ việc và cải thiện tinh thần làm việc tại văn phòng của bà. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa bà với Tổng thống Biden cũng như đội ngũ của ông.

Theo những người hiểu về tính cách của Harris, bà thể hiện rõ vai trò dẫn dắt khi những người xung quanh bà bình tĩnh và trật tự, tạo ra cảm giác tự tin và chắc chắn.

"Khi mọi người khiến bà ấy lo lắng, tất cả bỗng biến mất, những mặt xấu bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn", một người bạn của Harris cho hay.

Vũ Hoàng (Theo Politico)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét