Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Lãnh đạo Myanmar Suu Kyi hầu tòa qua video

Lãnh đạo bị phế truất của Myanmar Suu Kyi xuất hiện qua video tại tòa án ở Naypyidaw hôm nay để đối mặt với những cáo buộc từ quân đội.

Khin Maung Zaw, luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cho biết nữ lãnh đạo 75 tuổi trông có vẻ khỏe mạnh khi tham dự phiên tòa. Bà Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Theo luật sư Min Min Soe, bà có lẽ bị giảm cân một chút và đã yêu cầu được gặp nhóm pháp lý của mình.

Bà Suu Kyi đang đối mặt với các cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai khi tổ chức sự kiện vận động trong cuộc bầu cử năm ngoái. Maung Zaw, một luật sư nhân quyền kỳ cựu, cho biết ông đã không thể trao đổi với thân chủ của mình trước phiên tòa.

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng trước. Ảnh: Times.

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng trước. Ảnh: Times.

Trong phiên xét xử hôm nay, tòa bổ sung thêm một cáo buộc đối với bà Suu Kyi theo một phần bộ luật hình sự thời thuộc địa về cấm công bố thông tin có thể "gây ra nỗi sợ hãi, báo động" hoặc phá vỡ "sự yên tĩnh nơi công cộng". Phiên tòa tiếp theo diễn ra ngày 15/3.

Phiên tòa diễn ra khi cảnh sát ở thành phố Yangon sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình, một ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính. Hiện chưa có báo cáo lập tức về thương vong.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2, bắt bà Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự với lý do xảy ra gian lận trong bầu cử. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong một tháng qua để phản đối đảo chính.

Trong cuộc biểu tình đẫm máu nhất xảy ra hôm 28/2, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết cảnh sát dùng đạn thật bắn chết ít nhất 18 người và khiến 30 người bị thương. Tuy nhiên, một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong "ngày đẫm máu".

Quân đội Myanmar chưa bình luận về vụ bạo lực, trong khi cảnh sát và phát ngôn viên quân đội cũng từ chối trả lời. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 270 người bị bắt hôm 28/2, trong tổng số 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án từ sau đảo chính.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là "bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar, trong khi Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là "kinh khủng". Cả hai ngoại trưởng đều kêu gọi phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế.

Tom Andrews, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết quân đội nước này chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng. Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự Quốc tế.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar. Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.

*Tiếp tục cập nhật

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Người Myanmar tiếp tục biểu tình sau 'ngày đẫm máu'

Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính, kêu gọi dân chủ, bất chấp hành động trấn áp đẫm máu của cảnh sát một ngày trước.

Cảnh sát cùng vòi rồng và xe quân sự được huy động tại các điểm nóng biểu tình ở thành phố Yangon hôm nay, trong khi người biểu tình tuần hành ở thị trấn Kale, tây bắc Myanmar, giơ cao ảnh của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hô vang "dân chủ, chính nghĩa của chúng ta".

Video được phát trực tiếp trên Facebook cho thấy nhiều người đội mũ bảo hộ lao động tụ tập trên một con phố ở Lashio, bang Shan, hô vang khẩu hiệu khi cảnh sát tiến về phía họ.

Người Myanmar tiếp tục xuống đường sau biểu tình đẫm máu

Đám đông biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Yangon, Myanmar hôm nay. Video: Malaysia Now.

"Đã một tháng trôi qua kể từ cuộc đảo chính. Họ trấn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng hôm qua. Chúng tôi sẽ trở lại vào hôm nay", thủ lĩnh biểu tình Ei Thinzar Maung đăng Facebook.

Một số người biểu tình kêu gọi phá hủy các camera giám sát được chính quyền sử dụng, và chia sẻ công thức chế tạo hơi cay trên mạng xã hội. Những người khác chế tạo khiên chắn kim loại cho người biểu tình đối đầu với lực lượng cảnh sát và binh sĩ được trang bị đầy đủ.

Dọc theo một con đường ở Yangon, người biểu tình dán xuống đất hàng trăm bức ảnh Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing với dòng chữ "xấu hổ về ông, chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông".

Biểu tình diễn ra một ngày sau Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp bằng vũ lực của lực lượng an ninh với người biểu tình Myanmar. Những người tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.

Một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong "ngày đẫm máu" 28/2. "Sử dụng vũ lực quá mức và các hành vi vi phạm khác của quân đội đang bị phơi bày và họ sẽ phải chịu trách nhiệm", ủy ban cho hay.

Quân đội Myanmar chưa bình luận về vụ bạo lực, trong khi cảnh sát và phát ngôn viên quân đội cũng từ chối trả lời. Trong bài đăng hôm qua, tờ Global New Light của Myanmar cảnh báo "chắc chắn sẽ có hành động nghiêm khắc" chống lại "đám đông vô chính phủ" mà quân đội không thể phớt lờ, dù trước đó đã kiềm chế.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 270 người bị bắt hôm 28/2, trong tổng số 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án từ sau đảo chính. Một số nhân chứng cho biết nhiều người bị cảnh sát đánh đập trước khi bị bắt đi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là "bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar, trong khi Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là "kinh khủng". Cả hai ngoại trưởng đều kêu gọi phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế.

Tom Andrews, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết quân đội nước này chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng. Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự Quốc tế.

"Những lời lên án được hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải hành động", Andrews cho biết trong một tuyên bố. "Cơn ác mộng ở Myanmar đang bày ra trước mắt chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thế giới phải hành động".

Myanmar 'như chiến trường'

Cảnh sát đụng độ người biểu tình Myanmar hôm 28/2. Video: Guardian.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Trump đề xuất loạt thay đổi bầu cử

Cựu tổng thống Trump đưa ra nhiều đề xuất về bầu cử, trong đó gồm hạn chế phiếu bầu vắng mặt và số ngày người Mỹ có thể bỏ phiếu.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando, Florida, hôm 28/2, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ngày bầu cử chỉ nên diễn ra trong một ngày, thay vì nhiều ngày cho phép bỏ phiếu. Ông cũng yêu cầu "phải có lý do chính đáng với những người bỏ phiếu vắng mặt".

Cựu tổng thống Mỹ còn đề xuất xóa hình thức bỏ phiếu qua thư, yêu cầu cử tri khi bỏ phiếu trực tiếp phải xuất trình giấy tờ tùy thân và những người bỏ phiếu vắng mặt phải khớp chữ ký phổ thông.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Orlando, Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Orlando, Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.

Tuyên bố của Trump, được soạn thảo với sự giúp đỡ từ cựu cố vấn Stephen Miller, được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang thúc đẩy thay đổi luật bầu cử và đề nghị đưa ra những hạn chế mới về bỏ phiếu sau khi để mất Nhà Trắng và Thượng viện vào tay phe Dân chủ trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Hàng chục nhà lập pháp Cộng hòa địa phương đã đưa ra nhiều dự luật nhằm hạn chế các hình thức bỏ phiếu ở các bang khắp cả nước. Một dự luật ở Georgia được cho là sẽ hạn chế sử dụng các hòm phiếu và ngăn bỏ phiếu sớm vào các chủ nhật.

Cựu tổng thống Trump còn kêu gọi các đảng viên Cộng hòa phải đấu tranh mạnh mẽ chống lại dự luật quyền bỏ phiếu mới, trong đó sẽ sửa đổi các quy tắc bỏ phiếu và bao gồm điều khoản rằng các ủy ban độc lập sẽ chỉ định lại các khu vực quốc hội thay vì để các cơ quan lập pháp bang làm như vậy.

"Con quái vật này cần được ngăn lại", Trump nói.

Ngay từ trước khi bắt đầu cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020, Trump liên tục tố bỏ phiếu qua thư là "gian lận" và phản đối hình thức bỏ phiếu này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và quan chức bầu cử nhận định chính việc Trump bài xích phiếu qua thư đã khiến người ủng hộ của ông không tham gia bỏ phiếu, một trong những yếu tố dẫn đến cách biệt ít hơn 7 triệu phiếu trước Joe Biden.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Nam Phi nới hạn chế Covid-19

Tổng thống Nam Phi tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19, hạ cảnh báo từ mức 3 xuống mức 1 bởi số ca nhiễm "giảm đáng kể".

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết quốc gia này bắt đầu nới lỏng các hạn chế bắt đầu từ ngày 1/3. Các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường trong khi cả nước tiến hành tái thiết nền kinh tế bị Covid-19 tàn phá.

Ramaphosa cho hay Nam Phi đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong 8 tuần qua, ghi nhận số ca nhiễm mới, cũng như số ca nhập viện giảm dần.

"Do số ca nhiễm giảm, đất nước có thể bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đi lại và hoạt động kinh tế", Tổng thống Nam Phi nói. "Chúng ta sẽ tiến hành thật thận trọng".

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 28/2. Ảnh: GCIS

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 28/2. Ảnh: GCIS

Ramaphosa cho hay cả nước chỉ ghi nhận dưới 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua, giảm so với hơn 40.000 ca trong tuần cuối cùng của tháng 1 và khoảng 90.000 ca trong tuần cuối tháng 12/2020.

Ông cho hay số ca nhiễm "giảm đáng kể" nhờ các biện pháp y tế cộng đồng, thay đổi hành vi và tích lũy miễn dịch ở những người đã từng nhiễm. Cảnh báo Covid-19 tại Nam Phi cũng được hạ từ mức 3 xuống mức 1, nghĩa là giờ giới nghiêm giờ đây chỉ kéo dài từ nửa đêm tới 4h sáng.

Tuyên bố được Ramaphosa đưa ra một ngày sau khi Nam Phi nhận được lô vaccine thứ hai của Johnson & Johnson. Đã có hơn 63.600 nhân viên y tế Nam Phi được tiêm chủng từ một tuần trước.

Người cao tuổi, giáo viên, thợ mỏ, cảnh sát, binh sĩ, công chức và người trên 18 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được tiêm chủng từ cuối tháng 4, giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch tiêm vaccine ba giai đoạn.

Chính phủ Nam Phi đã đạt thỏa thuận mua 11 triệu liều vaccine Johnson & Johnson, trong đó 2,8 triệu liều dự kiến được chuyển giao trong quý II. Quốc gia này cũng đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Pfizer và dự kiến có thêm 12 triệu mũi nữa thông qua chương trình phân phối vaccine COVAX của Liên Hợp Quốc.

Nam Phi ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và gần 50.000 ca tử vong, cao nhất châu lục. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40 triệu người, tương đương 67% dân số, vào cuối năm 2021.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Ngày đẫm máu nhất trong một tháng biểu tình ở Myanmar

28/2 đánh dấu bước ngoặt đau thương của phong trào phản đối đảo chính ở Myanmar khi người biểu tình bị trấn áp thẳng tay bởi lực lượng an ninh.

Lực lượng an ninh với sự trợ giúp của quân đội Myanmar ngày 28/2 nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa ở một số thành phố, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, theo Liên Hợp Quốc.

Các video và hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy cảnh nhiều người nằm la liệt trên đường phố, máu dính khắp cơ thể, trong khi số khác cố tháo chạy khỏi cảnh sát khi hơi cay và khói trắng bốc lên mù mịt. Cuộc trấn áp mới nhất của Myanmar đối với người biểu tình đã hứng chịu vô số chỉ trích gay gắt từ quốc tế.

Một người biểu tình tại Mandalay bị thương ở chân sau khi trúng đạn của cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Một người biểu tình tại Mandalay bị thương ở chân sau khi trúng đạn của cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Phản ứng quyết liệt từ quân đội cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền quân sự trong nỗ lực dập tắt bất ổn tại Myanmar đã kéo dài suốt một tháng qua kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực leo thang nhằm vào người biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội lập tức ngừng sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ôn hòa", phát ngôn viên văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani hôm qua cho hay.

Tại thành phố Dawei phía nam Myanmar, cảnh sát đã nổ súng vào đám đông hàng trăm người, các nhân chứng chia sẻ với báo New York Times. Ít nhất ba người đã thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương, bác sĩ Tun Min, người chữa trị cho các nạn nhân tại bệnh viện, nói. Một bác sĩ giấu tên cũng xác nhận con số trên.

Các bác sĩ ở Mandalay xác nhận có ba vụ nổ súng dẫn tới tử vong tại đây và thương vong cũng được ghi nhận ở Yangon và thành phố Mawlamyine. Thông cáo từ Liên Hợp Quốc cho biết họ có báo cáo về người chết "do đạn bắn vào đám đông" ở Yangon, Mandalay và Dawei cùng các thành phố Myeik, Bago và Pokokku.

Đây là con số thương vong lớn nhất trong một ngày kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội nhằm lật đổ chính quyền dân cử tại Myanmar. Trước ngày 28/2, chỉ ba trường hợp tử vong được đưa tin rộng rãi, dù hai cái chết khác gần đây được đưa ra qua lời kể từ gia đình nạn nhân.

Chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing trước đây tỏ ra khá kiềm chế trong phản ứng với người biểu tình và phong trào bất tuân dân sự đang nổ ra trên khắp Myanmar. Nhưng khi các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối đảo chính không có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ một cuộc đàn áp đẫm máu, quy mô lớn hơn đang ngày càng trở nên rõ ràng. Năm 1988 và 2007, quân đội Myanmar cũng đã dập tắt các phong trào dân chủ bằng cách bắn vào người biểu tình.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, U Maung Maung Oo, một người biểu tình, đã bị bắn chết với một viên đạn trúng đầu, xuyên qua mũ bảo hiểm trong lúc đang tháo chạy khỏi cảnh sát và binh sĩ quân đội. Hai người khác bị thương.

U Si Thu, một bác sĩ tham gia biểu tình, cho biết ông và ba nạn nhân nằm trong số khoảng 50 người đang cố tìm cách chạy trốn khỏi cảnh sát và quân đội, những người đã phá vỡ kế hoạch biểu tình của họ trước khi nó bắt đầu.

"Tôi không biết đạn đến từ đâu nhưng một người đàn ông bị bắn trúng trán và ngã xuống", bác sĩ Si Thu kể lại. Một đoạn video đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy một số người đã khiêng nạn nhân lên xe cứu thương. Máu từ vết thương nhỏ đẫm mặt đất.

Nạn nhân U Maung Maung Oo được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Mandalay sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu. Ảnh: NYTimes.

Nạn nhân U Maung Maung Oo được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Mandalay sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu. Ảnh: NYTimes.

Vài phút sau khi xe cứu thương rời đi, một chiếc xe tải quân đội dừng lại ở phía cuối đường và binh sĩ bắt đầu xả đạn vào đám đông, khiến hai người bị thương, một ở ngực, một ở cánh tay, theo lời bác sĩ Si Thu.

Maung Maung Oo được đưa tới Bệnh viện Hiệp hội Xã hội Byamaso và qua đời tại đây, theo bác sĩ U Zar Ni. Theo lời bác sĩ U Lei Lei, một người biểu tình khác cũng qua đời tại bệnh viện này cùng ngày.

Sau khi hầu hết những người biểu tình ở Mandalay đều đã giải tán, một phụ nữ bị bắn trúng đầu và thiệt mạng khi cảnh sát và binh lính dọn hàng rào và bắn những người trên đường, dường như là ngẫu nhiên, theo lời kể nhân chứng. Nữ nạn nhân chết trên đường tới bệnh viện Byamaso.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, một người biểu tình tên Hein Htut Aung, 23 tuổi, bị bắn và thiệt mạng tại cuộc biểu tình ở khu Thingangyun Township. Bệnh viện Nadi Ayar, nơi bệnh nhân được đưa tới, xác nhận cái chết của anh. Một người biểu tình khác ở Yangon, Nyi Nyi Aung Htet Naing, cũng bị bắn và không qua khỏi, theo thành viên gia đình anh. Bài đăng cuối cùng trên Facebook của Aung Htet Naing đặt câu hỏi trong dòng hashtag: "Bao nhiêu thi thể nữa thì Liên Hợp Quốc mới hành động?".

Cuộc biểu tình biến thành đổ máu tại Myanmar

Một người biểu tình trúng đạn ở Yangon hôm 28/2.

Khi các giáo viên tập hợp để tuần hành tại một cuộc biểu tình khác ở Yangon, cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su về phía họ. Một giáo viên tiểu học tên Daw Tin Nwet Yi đã chết vì lên cơn đau tim, nhận chứng cho hay.

Cảnh sát cũng bắt ít nhất 100 sinh viên y khoa tại Yangon khi họ chuẩn bị tuần hành. Các bác sĩ là những người đi đầu trong phong trào bất tuân dân sự. Nhiều người đã từ chối làm việc tại các bệnh viện của chính phủ, nơi nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội sau đảo chính.

Khi cảnh sát chuẩn bị đưa các sinh viên y khoa lên xe tải, người dân đã đổ ra đường chặn xe lại song cuối cùng cảnh sát vẫn vượt qua được.

Người đầu tiên được cho là đã thiệt mạng trong biểu tình hồi tháng hai ở Myanmar là Mya Thwate Thwate Kaing, 20 tuổi. Cô bị cảnh sát bắn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Naypyidaw ngày 9/2. Thwate Kaing qua đời 10 ngày sau đó, trở thành một biểu tượng của phong trào phản đối đảo chính.

Một ngày sau cái chết của Thwate Kaing, lực lượng an ninh đã nã đạn vào đám đông biểu tình tại một nhà máy đóng tàu ở Mandalay, khiến hai người thiệt mạng, trong đó có một thiếu niên 16 tuổi, và hàng chục người bị thương.

Một người đàn ông khác tham gia biểu tình ở xưởng đóng tàu, thương nhân đá quý U Kyi Soe, 48 tuổi, bị cảnh sát đánh và qua đời trong đêm, theo lời vợ ông, Daw Chaw Ei Thein.

Kyi Soe tới khu chợ gần địa điểm biểu tình để mua thức ăn và không thể trở về nhà. Một người bạn sau đó gọi báo cho gia đình rằng ông bị cảnh sát đánh đập thậm tệ.

Do lệnh giới nghiêm, Chaw Ei Thein không thể gặp chồng mình cho tới tận sáng hôm sau. Khi bà đến nơi, ông đã qua đời.

Người biểu tình dựng rào ngăn lực lượng an ninh tiến vào khu phố của họ ở Mandalay ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Người biểu tình dựng rào ngăn lực lượng an ninh tiến vào khu phố của họ ở Mandalay ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

"Theo các nhân chứng, ông ấy đã bị cảnh sát đánh đập dã man trong cuộc biểu tình. Tôi nhìn thấy một vết bầm lớn phía dưới bên trái đầu của anh ấy", bà kể. Chaw Ei Thein không khám nghiệm tử thi vì bà biết rõ ràng chồng mình đã chết vì bị đánh.

Một người khác tử vong trong cuộc biểu tình ở xưởng đóng tàu là U Yarzar Aung, 26 tuổi, công nhân xây dựng, bị lực lượng an ninh bắn vào gối. Anh được đưa tới một bệnh viện quân sự nhưng người thân không thể gặp mặt.

4 ngày sau cuộc biểu tình, bệnh viện liên lạc với gia đình thông báo anh đã qua đời. Thời điểm đó, vợ anh, Daw Phyu Phyu Win, được phép gặp mặt chồng. Theo lời cô, thi thể Yarzar Aung vẫn bị còng vào giường bệnh viện.

"Khi tôi thấy chồng mình tại bệnh viện, có rất nhiều vết bầm tím và vết thương trên mặt anh ấy", cô nói trong một cuộc phỏng vấn. "Họ bảo rằng chồng tôi cố tìm cách bỏ trốn nên họ phải trói anh ấy lại".

Phyu Phyu Win muốn đưa thi thể chồng mình đi chôn nhưng các bác sĩ từ chối. Họ bảo rằng anh chết vì Covid-19 nên thi thể phải được hỏa táng ngay lập tức.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes)

Let's block ads! (Why?)

Nghị sĩ Cộng hòa nói đặt cược nhà để giành hạ viện

"Chúng tôi sẽ giành lại thế đa số. Chúng tôi còn 5 ghế nữa. Tôi sẽ đem nhà mình ra cược, đó là nhà riêng của tôi. Đừng tiết lộ với vợ tôi rằng tôi sẽ đặt cược nó", lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, nói trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 27/2, thêm rằng đảng Dân chủ đang giữ thế đa số "nhỏ nhất trong vòng 100 năm".

Trong cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ vẫn giữ quyền kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, thế đa số của đảng Dân chủ khá "mỏng" và đảng Cộng hòa chỉ cần 5 ghế để giành lại quyền kiểm soát. Đảng Dân chủ cũng giành lại Thượng viện từ tay đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử năm ngoái, trao cho Tổng thống Joe Biden "thành trì vững chắc" trong quốc hội.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, nói trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Florida hôm 27/2. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, nói trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Florida hôm 27/2. Ảnh: AFP.

Hạ nghị sĩ McCarthy khẳng định đảng Cộng hòa sẽ không có chuyện để thua tiếp tục vào năm 2022. Văn phòng của hạ nghị sĩ Cộng hòa hiện chưa bình luận thêm về thông tin.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ngay lập tức phản pháo lại tuyên bố của McCarthy.

"Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thủ lĩnh phe thiểu số sẵn sàng đem nhà ra cược. McCarthy chẳng còn gì để mất sau khi hy sinh sự chính trực của bản thân để cố gắng hủy khoản trợ cấp 1.400 USD cho những người Mỹ đang cố kiếm sống giữa đại dịch chết chóc", Robyn Patterson, phó giám đốc truyền thông của Pelosi, cho biết.

Trước McCarthy, đảng Cộng hòa đã nhắc đến khả năng giành lại Hạ viện và Thượng viện ngay từ những ngày đầu sau lễ nhậm chức hôm 20/1 của Biden. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham hồi đầu tháng cũng tuyên bố sẽ cố gắng tận dụng ảnh hưởng của cựu tổng thống Donald Trump để đảm bảo đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện và Thượng viện vào năm 2022.

"Tôi sẽ cố gắng thuyết phục Trump rằng chúng tôi không thể tới đích nếu không có ngài ấy, nhưng cựu tổng thống cũng không thể duy trì phong trào Trump mà không có đảng Cộng hòa đoàn kết bên cạnh", Graham nói, thêm rằng ông dự định tới gặp Trump để bàn về tương lai của đảng Cộng hòa và vai trò của Trump trong đảng.

Đảng Cộng hòa đã kết thúc CPAC, bắt đầu từ ngày 25/2, với bài phát biểu của cựu tổng thống Trump trong phiên kết thúc hôm 28/2. Đảng Cộng hòa đang đặt mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa ky năm 2022 cũng như chọn ra ứng cử viên sáng giá trong năm 2024 để giành lại Nhà Trắng, bao gồm cả Trump.

Ngọc Ánh (Theo Business Insider)

Let's block ads! (Why?)

Khoảnh khắc Arab Saudi hạ tên lửa đạn đạo phiến quân

Arab Saudi công bố video lực lượng phòng không đánh chặn tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi đang hướng tới thủ đô Riyadh.

Quân đội Arab Saudi thông báo đánh chặn thành công một cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi nhằm vào thủ đô Riyadh hôm 27/2, đồng thời bắn hạ 6 máy bay không người lái (UAV) vũ trang đang bay tới các thành phố ở miền nam nước này.

Video do hãng thông tấn nhà nước Arab Saudi SPA công bố cho thấy các tên lửa phòng không nước này khai hỏa, đánh trúng quả đạn trên bầu trời. Mảnh vỡ từ tên lửa rơi xuống một nhà dân ở Riyadh, làm hư hỏng tài sản nhưng không gây thương vong.

Khoảnh khắc Arab Saudi hạ tên lửa đạn đạo phiến quân

Phòng không Arab Saudi đánh trúng tên lửa đạn đạo của Houthi đêm 27/2. Video: Al-Arabiya.

Phiến quân Houthi ở Yemen xác nhận đã phóng một tên lửa đạn đạo và 15 UAV vũ trang về phía các mục tiêu quân sự và dân sự ở thủ đô Riyahd, cũng như thành phố Abha và Khamis Mushait của Arab Saudi.

Xung đột nổ ra ở Yemen từ cuối năm 2014 khi phiến quân Houthi chiếm nhiều phần lãnh thổ nước này, bao gồm cả thủ đô Sanaa, đe dọa chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.

Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu triển khai chiến dịch can thiệp vào Yemen từ tháng 3/2015 để đẩy lùi Houthi, khôi phục chính phủ của Hadi. Để đáp trả, phiến quân Houthi thường dùng tên lửa, UAV tấn công mục tiêu trong lãnh thổ các nước liên quân, cũng như dùng xuồng tự sát tập kích tàu hàng và tàu hải quân trên Biển Đỏ.

Với sự hậu thuẫn của Iran, lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với những chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Trump chỉ trích chính quyền Biden 'tệ hại'

Trump chỉ trích chính quyền Biden "tệ hại" về vấn đề nhập cư, Covid-19, thương mại trong phát biểu công khai đầu tiên từ khi rời Nhà Trắng.

"Tất cả chúng ta đều biết chính quyền Biden sẽ trở nên tệ hại, nhưng không ai trong chúng ta tưởng tượng được họ sẽ tệ hại như thế nào và đến mức nào", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nói với đám đông ủng hộ tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở thành phố Orlando, bang Florida hôm 28/2.

Trong bài phát biểu hơn một giờ, Trump chỉ trích gay gắt nhiệm kỳ tổng thống non trẻ của Joe Biden về loạt vấn đề từ nhập cư, đại dịch, thương mại đến quyền của người chuyển giới. Ông cho rằng chính quyền Biden "chống việc làm, chống gia đình, chống biên giới, chống năng lượng, chống phụ nữ và phản khoa học".

Thông điệp trong bài phát biểu này được cho là giống diễn văn đầu tiên của Trump với tư cách ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2015, trong đó ông nhấn mạnh vào vấn đề nhập cư và biên giới của Mỹ.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở thành phố Orlando, bang Florida hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở thành phố Orlando, bang Florida hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

"Họ có thể là những kẻ giết người, hiếp dâm. Họ có thể là những kẻ buôn lậu ma túy. Bạn đón nhận họ và thả họ vào đất nước của chúng ta", Trump nói, đề cập người nhập cư không giấy tờ.

Trump cũng nhắm vào phản ứng của Biden đối với đại dịch Covid-19 và đề cao công lao của ông trong phân phối vaccine ở Mỹ.

"Tôi đã trao cho chính quyền mới phép màu y học hiện đại", ông nói. "Tôi đã hối thúc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) như họ chưa từng bị hối thúc. Tôi không thích họ chút nào, nhưng khi chúng tôi hoàn thành công việc, tôi đã nói 'Bây giờ tôi yêu các bạn rất nhiều'".

Trump nhấn mạnh các vấn đề bảo thủ nóng bỏng, gồm động thái cho phép phụ nữ chuyển giới tham gia các môn thể thao nữ. "Huấn luyện viên nào muốn tuyển một phụ nữ trẻ nếu kỷ lục của cô ấy có thể bị một người sinh ra là đàn ông dễ dàng phá vỡ?", cựu tổng thống Mỹ cho hay. "Tôi nghĩ điều đó thật điên rồ. Chúng ta phải bảo vệ sự toàn vẹn của thể thao nữ".

Trump cũng sử dụng bài phát biểu để công kích những người chỉ trích và ủng hộ luận tội ông trong đảng Cộng hòa, gồm hạ nghị sĩ Adam Kinzinger và thượng nghị sĩ Mitt Romney. Ông kêu gọi loại bỏ Chủ tịch Hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện Liz Cheney, người trước đó tuyên bố Trump không nên ở vị trí lãnh đạo đảng.

"Và người hiếu chiến, thích chứng kiến quân đội chúng ta chiến đấu, Liz Cheney", Trump nói. "Hy vọng họ sẽ loại bỏ bà ấy trong cuộc bầu cử tiếp theo. Hãy loại bỏ tất cả bọn họ".

Trước bài phát biểu, Trump giành chiến thắng trong cuộc thăm dò ý kiến của CPAC, với 55% số người được hỏi nói sẽ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ giả định năm 2024 của đảng Cộng hòa. Cựu tổng thống cũng bác thông tin thành lập đảng mới, nói rằng không có lý do gì để phân chia phiếu bầu của đảng Cộng hòa.

Sự kiện ở Orlando nhấn mạnh ảnh hưởng của Trump vẫn mạnh mẽ trong đảng Cộng hòa, trong bối cảnh đảng tìm cách giành lại đa số tại Hạ viện và Thượng viện năm 2022. Trump cũng không loại trừ khả năng tái tranh cử năm 2024, khi liên tục trêu đùa khả năng này trong suốt bài phát biểu, thu hút sự cổ vũ lớn từ đám đông.

"Đầu tiên chúng tôi sẽ lấy lại Hạ viện, sau đó một tổng thống Cộng hòa sẽ ca khúc khải hoàn ở Nhà Trắng. Tôi tự hỏi đó sẽ là ai?", ông nói cuối bài phát biểu với sự hoan nghênh nhiệt liệt từ đám đông ủng hộ.

Huyền Lê (Theo Hill)

Let's block ads! (Why?)

Tàu ngầm Mỹ từng 'ngắm sẵn' chiến hạm Nga gần Syria

Tàu ngầm USS John Warner sẵn sàng khai hỏa nếu chiến hạm Nga tấn công tàu hải quân Mỹ phóng tên lửa vào Syria năm 2018, theo Fox News.

"Tàu ngầm USS John Warner phóng 6 tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải vào lãnh thổ Syria. Sau đó nó lặn xuống biển và sẵn sàng đánh chìm bất kỳ tàu chiến Nga nào định tấn công các tàu mặt nước Mỹ trong khu vực, trong đó có một chiếc đóng vai 'chim mồi' và không phóng đạn", tờ Fox News của Mỹ hôm 28/2 đăng thông tin "chưa từng được công bố" về cuộc tập kích tên lửa của Mỹ vào Syria năm 2018, dưới thời tổng thống Donald Trump.

Trận không kích hồi tháng 4/2018 này được Trump phê chuẩn nhằm phá hủy các cơ sở vũ khí hóa học của quân đội chính phủ Syria. Nó cũng đánh dấu lần tham gia thực chiến đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, chiếc USS John Warner.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ vừa tiến hành đòn không kích đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhằm vào căn cứ của dân quân thân Iran tại Syria.

USS John Warner sau một chuyến ra biển năm 2019. Ảnh: US Navy.

USS John Warner sau một chuyến ra biển năm 2019. Ảnh: US Navy.

USS John Warner được hạ thủy năm 2015, là một trong những tàu ngầm mới và hiện đại nhất trong biên chế hải quân Mỹ, trang bị nhiều cảm biến và hệ thống điện tử tối tân. Đây là tàu ngầm thứ 12 thuộc lớp Virginia, cũng là chiếc đầu tiên thuộc lớp này đặt theo tên người, được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa hành trình Tomahawk và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.

Mỹ và đồng minh phóng 105 tên lửa hành trình vào ba mục tiêu ở Syria ngày 14/4/2018 nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Đòn tấn công được tiến hành bất chấp những lo ngại rằng lực lượng hải quân Nga đồn trú ở Syria có thể tung đòn đáp trả vào các chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải.

Nga cho biết quân đội Syria đã chặn được ít nhất 71 tên lửa của Mỹ và đồng minh bằng cách triển khai các hệ thống phòng không S-125, S-200, 2K12 Kub có từ thời Liên Xô, cùng tổ hợp Buk-M2E và Pantsir-S1 hiện đại. Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định họ đã đánh trúng vào ba mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học ở Syria và không tên lửa nào bị bắn hạ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó cho rằng Washington không vượt qua lằn ranh đỏ mà Moskva đặt ra tại Syria. "Nói về nguy cơ đối đầu quân sự, tôi chắc chắn 100% rằng quân đội sẽ không cho phép điều này xảy ra và tất nhiên cả Tổng thống Putin và Tổng thống Trump cũng vậy", ông nhấn mạnh.

Vũ Anh (Theo Fox News)

Let's block ads! (Why?)

Niềm tin vaccine Covid-19 tăng ở các nước phát triển

Khảo sát tại 6 quốc gia công nghiệp phát triển cho thấy thái độ sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19 tăng so với năm ngoái, với tỷ lệ cao nhất ở Anh.

Công ty tư vấn quốc tế KekstCNC hôm nay công bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện tháng trước, cho thấy ngày càng nhiều người ở Anh, Mỹ và thậm chí ở quốc gia hoài nghi vaccine như Pháp, tán thành ý tưởng tiêm vaccine. Khảo sát ở Đức, Nhật và Thụy Điển cũng cho thấy xu hướng tương tự.

"Khi các đợt triển khai vaccine bắt đầu, số lượng người dân nói sẽ tiêm vaccine ngày càng cao ở tất cả quốc gia", nghiên cứu cho biết.

Cụ ông 97 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở bang New York, Mỹ hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Cụ ông 97 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở bang New York, Mỹ hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ chấp thuận vaccine cao nhất được ghi nhận ở Anh với 89%, tăng từ 70% hồi tháng 12. Ở Thụy Điển, tỷ lệ là 76% so với 53% vào tháng 12; ở Mỹ là 64% so với 58%; Đức là 73% so với 63% và Nhật là 64% so với 50%.

Người Pháp tham gia khảo sát kém nhiệt tình nhất, nhưng ý kiến tích cực về vaccine vẫn tăng mạnh, đạt 59% so với mức 40% tháng 12.

Trong khi đó, một số người cũng chỉ trích triển khai vaccine Covid-19. 76% người Anh cảm thấy chính phủ đã đạt tốc độ triển khai "đúng đắn", nhưng tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 32%, ở Đức và Nhật là 28%, ở Pháp là 22% và ở Thụy Điển là 20%.

Người dân ở toàn bộ 6 quốc gia được khảo sát đều đánh giá Israel và Anh triển khai vaccine Covid-19 tốt nhất thế giới.

Covid-19 đã giết chết hơn 2,5 triệu người từ khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc tháng 12/2019. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 29 triệu người nhiễm và hơn 525.000 người tử vong.

Huyền Lê (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Cuộc biểu tình biến thành đổ máu tại Myanmar

Theo văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh. Những trường hợp tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự và yêu cầu khôi phục nền dân chủ tại Myanmar đã bước sang tuần thứ tư, với mức độ bạo lực trong các vụ đụng độ không ngừng leo thang.

Let's block ads! (Why?)

Đức siết kiểm soát biên giới với Pháp ngăn biến chủng Covid-19

Đức áp đặt quy định nhập cảnh khắt khe hơn tại biên giới với vùng Moselle của Pháp bởi đây là nơi có tỷ lệ mắc biến chủng nCoV cao.

"Vùng Moselle ở miền đông nước Pháp hiện được xếp vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao do sự xuất hiện phổ biến của các biến chủng nCoV", Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, thông báo hôm 28/2.

Từ 2/3, người nhập cảnh đến từ Moselle, khu vực cạnh bang Saarland và Rhineland-Palatinate của Đức, sẽ phải trình kết quả xét nghiệm nCoV âm tính được tiến hành trong vòng 48 giờ trước đó.

Rào chắn tại biên giới Pháp và Đức. Ảnh: AFP

Rào chắn tại biên giới Pháp và Đức. Ảnh: AFP

Đức đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại vùng biên với Cộng hòa Czech và khu vực Tyrol của Áo, bỏ qua lời kêu gọi mở cửa biên giới trong Liên minh châu Âu của Brussels.

Tại những khu vực biên giới này, chỉ người Đức và những người không phải công dân Đức nhưng sinh sống tại vùng đó mới được phép nhập cảnh, cũng như lái xe tải và người thường xuyên qua lại biên giới để làm việc trong một số ngành nghề nhất định.

Công tác kiểm soát tại biên giới Đức ở vùng giáp Moselle dự kiến nghiêm ngặt hơn, một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho hay. Thay vì kiểm tra theo hệ thống, cảnh sát sẽ dừng ngẫu nhiên các phương tiện ở phía Đức, yêu cầu tài xế xuất trình giấy xét nghiệm âm tính và đăng ký nhập cảnh trực tuyến.

Đức đang lo lắng về sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng nCoV mới, đặc biệt là biến chủng phát hiện tại Anh và Nam Phi.

Các biến chủng này đang lây lan nhanh tại Moselle so với những nơi khác tại Pháp, nhưng giới chức Pháp đã đề nghị Berlin tránh đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp Clement Beaune hôm 28/2 cho hay Pháp đang đàm phán với Berlin để tìm giải pháp cho 16.000 người đi lại làm việc giữa Moselle và Đức mỗi ngày.

Beaune gợi ý nới lỏng hạn chế để tài xế chỉ cần xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 mới sau 2-3 ngày thay vì hàng ngày. Ông bày tỏ muốn tránh "những mất mát từng xảy ra vào ngày đầu đại dịch", khi việc đóng cửa biên giới vào mùa xuân năm 2020 làm dấy lên căng thẳng Pháp - Đức.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho hay hai nước sẽ thảo luận chi tiết về tác động của các lệnh hạn chế ở khu vực biên giới vào 1/3.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Thống đốc New York nói bị hiểu lầm là 'tán tỉnh phụ nữ'

Thống đốc New York Cuomo thừa nhận đã có hành vi "bị hiểu lầm là tán tỉnh phụ nữ", cam kết hợp tác điều tra cáo buộc quấy rối tình dục.

"Tôi giờ đây đã hiểu các hành động của bản thân có thể đã thiếu tinh tế hay quá riêng tư và một số lời nói của tôi cũng khiến người khác hiểu theo ý tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi thừa nhận một vài điều tôi nói đã bị hiểu lầm thành tán tỉnh gây khó chịu. Đối với bất cứ ai đã cảm thấy như vậy, tôi thật lòng xin lỗi về tất cả", Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết hôm 28/2.

Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích về cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào mình ngày một tăng, Thống đốc New York khẳng định ông chưa từng động chạm hay đề nghị bất cứ ai làm điều gì không phù hợp. Tuy nhiên, ông thừa nhận đã "trêu đùa" mọi người về vấn đề cá nhân chỉ để họ cảm thấy "vui vẻ hơn".

"Trong công việc, đôi khi tôi nghĩ rằng mình đang trêu đùa và pha trò với mọi người theo cách tôi cho là hài hước. Thi thoảng tôi vẫn trêu mọi người theo cách tôi cho là dễ chịu", Coumo nói.

Thống đốc New York Andrew Cuomo phát biểu tại Albany hôm 28/2. Ảnh: AP.

Thống đốc New York Andrew Cuomo phát biểu tại Albany hôm 28/2. Ảnh: AP.

Thống đốc New York khẳng định dù chưa từng làm điều gì đi quá xa, ông vẫn hợp tác điều tra vì người dân "xứng đáng nhận được câu trả lời" về những cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào ông.

"Văn phòng Thống đốc muốn có một cuộc đánh giá độc lập và kỹ lưỡng. Văn phòng do đó đã yêu cầu Tổng chưởng lý Tish James chọn một luật sư tư đủ tiêu chuẩn để đánh giá độc lập về các cáo buộc quấy rối tình dục", cố vấn cấp cao của Thống đốc Cuomo Beth Garvey nói.

Thống đốc New York, 63 tuổi, trong tuần qua đã đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục từ cựu cố vấn y tế Charlotte Bennett, 25 tuổi, và cựu cố vấn Lindsey Boylan, 36 tuổi. Nhiều đảng viên Dân chủ, gồm hai lãnh đạo cao nhất bang New York Andrea Stewart-Cousins và Carl Heastie đều ủng hộ Tổng chưởng lý James tiến hành điều tra cáo buộc nhằm vào Cuomo.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết "cần có một cuộc đánh giá độc lập về các cáo buộc" càng nhanh càng tốt, thêm rằng đó cũng là điều mà Tổng thống Joe Biden ủng hộ.

Các cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào Cuomo xuất hiện khi Thống đốc New York đối mặt áp lực ngày càng tăng liên quan đến việc xử lý các cụm dịch Covid-19 trong viện dưỡng lão của bang.

Ngọc Ánh (Theo AP/ NY Post)

Let's block ads! (Why?)

Mỹ, EU lên án cảnh sát Myanmar bắn chết 18 người biểu tình

Mỹ và EU lên án lực lượng an ninh Myanmar sau khi Liên Hợp Quốc thông báo ít nhất 18 người bị bắn chết trong biểu tình cuối tuần qua.

"Chúng tôi lên án hành động bạo lực ghê tởm nhằm vào người dân của lực lượng an ninh Myanmar và sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm đối với những người chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đăng Twitter sau biểu tình bạo lực ở Myanmar hôm 28/2.

"Chúng tôi kiên quyết sát cánh cùng những người dân Myanmar dũng cảm và khuyến khích tất cả quốc gia lên tiếng ủng hộ ý chí của họ", Blinken cho biết thêm.

Một người biểu tình bị thương đang được di chuyển trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Dawei, Myanmar hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Một người biểu tình bị thương đang được di chuyển trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Dawei, Myanmar hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar, xác nhận khối sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt để đáp trả.

"Bạo lực sẽ không mang lại tính hợp pháp cho việc lật đổ bất hợp pháp chính phủ được bầu dân chủ ở Myanmar", Borrell cho biết trong một tuyên bố. "Khi xả súng vào những người dân không có vũ khí, lực lượng an ninh đã coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và phải bị xử lý trách nhiệm".

Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính và quyết định giữ lại một số viện trợ phát triển cho quốc gia Đông Nam Á này. Biện pháp trừng phạt dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.

Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh. Những người tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.

"Chúng tôi cực lực lên án bạo lực leo thang nhằm vào các cuộc biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội dừng ngay việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình ôn hòa", Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho hay.

Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.

Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng từ khi bị bắt. Phiên tòa xét xử bà sẽ diễn ra trong hôm nay, song luật sư của Suu Kyi cho biết ông vẫn không thể gặp lãnh đạo này.

Myanmar 'như chiến trường'

Cảnh sát đụng độ người biểu tình Myanmar hôm 28/2. Video: Guardian.

Huyền Lê (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Cảnh sát đụng độ người biểu tình Thái Lan

Cảnh sát Thái Lan ngày 28/2 sử dụng vòi rồng và hơi cay với những người biểu tình gần một doanh trại quân đội ở thủ đô Bangkok.

Phong trào biểu tình do giới thanh niên dẫn dắt kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha từ chức những tháng gần đây yên ắng do sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát. Tuy nhiên, việc 4 lãnh đạo phong trào biểu tình bị bắt hồi tháng trước với cáo buộc phỉ báng hoàng gia đã khiến họ sôi sục trở lại.

Một người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động bao vây ở Bangkok tối 28/2. Ảnh: Reuters.

Một người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động bao vây ở Bangkok tối 28/2. Ảnh: Reuters.

4 người này nằm trong 58 người biểu tình đang đối mặt các cáo buộc khi quân và có thể phải chịu án 15 năm tù nếu bị kết tội xúc phạm hoàng gia.

Khoảng 2.000 người hôm qua đã tuần hành từ Tượng đài Chiến thắng tại thủ đô Bangkok đến một doanh trại quân sự gần đó, nơi có tư dinh của Thủ tướng Prayut. Trong đám đông gồm cả nhiều lao động nhập cư Myanmar phản đối cuộc đảo chính do quân đội nước này thực hiện đầu tháng trước.

Một số người biểu tình Thái Lan đội mũ cứng và mang theo cờ đỏ. Họ đã đẩy lùi các thùng chở hàng được dựng lên để chắn đường và tiếp cận hàng rào thép gai của doanh trại quân đội, dẫn đến cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại lối vào doanh trại.

"Họ chuẩn bị mọi thứ: Lá chắn, dùi cui, nước pha chất hóa học và đạn cao su", một người biểu tình nói với truyền thông Thái Lan.

Trước bối cảnh căng thẳng dâng cao, các sĩ quan cảnh sát đã phun vòi rồng và ném lựu đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông. Đây là lần đầu tiên các biện pháp vũ lực phi sát thương được sử dụng với một cuộc biểu tình ở Bangkok trong nhiều tháng qua.

Biểu tình tại Thái Lan nổ ra từ tháng 7 năm ngoái, lúc cao điểm thu hút đến hàng chục nghìn người, chủ yếu là giới trẻ, tham gia. Người biểu tình tập trung vào ba yêu cầu chính gồm đòi Thủ tướng Prayuth từ chức, thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ của Vua Maha Vajiralongkorn.

Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayuth đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, Prayuth cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định ông sẽ không từ chức.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Trump tuyên bố không lập đảng mới

Cựu tổng thống Trump xác nhận sẽ không thành lập một đảng chính trị mới, sau khi xuất hiện suy đoán rằng ông muốn lập "đảng Yêu nước".

"Chúng tôi không dự định thành lập các đảng mới. Bạn biết đấy, họ cứ liên tục nói 'Ông ấy sẽ lập một đảng mới'. Chúng ta đã có đảng Cộng hòa. Nó luôn đoàn kết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 28/2.

Suy đoán về việc Trump đang cân nhắc thành lập một đảng chính mới nổi lên sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1. Nhiều đảng viên Cộng hòa khi ấy đã chỉ trích trích cựu tổng thống kêu gọi đám đông ủng hộ ông kéo tới tòa nhà quốc hội và cũng không hề ngăn cản những người này khi tình hình bắt đầu trở nên nguy hiểm.

Tuy nhiên, sự tức giận của đảng Cộng hòa với Trump đã giảm nhiệt và chỉ có một số hạ nghị sĩ cùng thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu đồng ý luận tội ông với cáo buộc "kích động bạo loạn". Khi đảng Cộng hòa dường như đã chấp nhận Trump một lần nữa, suy đoán về việc ông lập một đảng mới cũng giảm dần.

"Tôi không có ý định lập một đảng mới. Đó là tin giả. Cứ lập một đảng mới và phân chia phiếu bầu của chúng ta để ai đó có thể không bao giờ giành chiến thắng ư? Không, chúng tôi không quan tâm tới điều đó", cựu tổng thống Mỹ nói, khẳng định cam kết của ông với đảng Cộng hòa.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Orlando, Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Orlando, Florida, hôm 28/2. Ảnh: AFP.

Trump cũng trích dẫn kết quả các cuộc thăm dò bỏ phiếu tại CPAC, trong đó ông đã giành chiến thắng với tỷ lệ chênh lệch lớn. Cựu tổng thống Mỹ nhận được 55% phiếu bầu trong cuộc thăm dò của đảng Cộng hòa, theo sau là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis ở vị trí thứ hai với 21%.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy Trump nhận được 97% sự ủng hộ trong đảng, với 87% cho rằng họ rất tán thành Trump làm tổng thống. Trong khi đó 68% ủng hộ cựu tổng thống Mỹ nên tái tranh cử một lần nữa.

Trong bài phát biểu tại CPAC, Trump cũng nhận định đảng Cộng hòa phải nỗ lực chiến đấu với cánh tả sau khi đảng Dân chủ đã giành Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng.

"Trong 4 năm tới, những người Cộng hòa dũng cảm trong căn phòng này sẽ là trọng tâm của nỗ lực chống lại đảng Dân chủ, các phương tiện truyền thông giả mạo và văn hóa bôi nhọ của họ. Và tôi muốn bạn biết rằng, tôi sẽ luôn chiến đấu sát cánh bên các bạn", cựu tổng thống nói.

Trump cũng chỉ trích Tổng thống Joe Biden về vấn đề nhập cư và mở cửa lại các trường học, ám chỉ ông có thể tái tranh cử vào năm 2024 và lặp lại tuyên bố ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Dù đã rời Nhà Trắng từ ngày 20/1, Trump vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa và được coi là ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Nhiều quan chức Cộng hòa, bao gồm cả những người từng chỉ trích Trump, đã tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ"nếu ông được chọn làm ứng viên tổng thống của đảng năm 2024.

Ngọc Ánh (Theo Fox News)

Let's block ads! (Why?)

Hơn 114 triệu ca nCoV toàn cầu, 20 triệu người dân Anh được tiêm vaccine

Thế giới ghi nhận hơn 114,6 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu ca tử vong. Anh tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên được cho hơn 20 triệu dân.

Thế giới ghi nhận 114.663.819 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.542.540 người đã chết, tăng lần lượt 311.579 và 5.693, 90.214.579 người đã bình phục, ttheo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 4.176.554 ca nhiễm và 122.849 ca tử vong, tăng lần lượt 6.035 và 144 trường hợp.

Theo dữ liệu được công bố ngày 28/2, hơn 20 triệu người dân trên khắp nước Anh đã nhận được mũi vaccine Covid-19 đầu tiên. Thủ tướng Boris Johnson cho biết cột mốc quan trọng này là "một thành tựu to lớn của quốc gia" và ông dành lời khen tặng cho đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên và quân đội.

"Tôi kêu gọi tất cả mọi người đi tiêm vaccine khi được gọi", Johnson nói. "Mỗi mũi tiêm đều tạo ra khác biệt trong cuộc chiến của chúng ta chống lại Covid-19".

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.247.577 ca nhiễm và 525.802 ca tử vong, tăng lần lượt 44.744 và 1.135 trong 24 giờ qua.

Giới chức Mỹ ngày 27/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson (J&J) phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Vaccine của J&J đạt hiệu quả 66% trong cuộc thử nghiệm trên toàn thế giới với khoảng 44.000 người tham gia. Trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ, vaccine của J&J đạt hiệu quả 72% trong 28 ngày. Tại Nam Phi, hiệu quả vaccine của J&J giảm xuống 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 15.572 ca nhiễm và 106 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.112.012 và 157.193.

New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19, song cảnh báo rằng việc vi phạm các quy định phòng chống dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.

Gần một tháng sau khi Bộ Y tế tuyên bố Covid-19 đã được kiểm soát, các bang Maharashtra và Kerala vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh do dân địa phương ngày càng không muốn đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách.

"Mọi sự lơ là trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt đối với những chủng virus mới, đều có thể làm tình hình thêm phức tạp", Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 755 ca tử vong, nâng tổng số lên 255.018. Số ca nhiễm nCoV tăng 34.027 trong 24 giờ qua, lên 10.551.259.

Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 19.952 ca nhiễm và 122 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.755.968 và 86.454.

Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.

Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế Pháp yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2 để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.

Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.450.294 ca nhiễm và 70.687 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.117 và 98 ca so với một ngày trước đó.

Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biến chủng nCoV.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.334.634 ca nhiễm, tăng 5.560, trong đó 36.166 người chết, tăng 185.

Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, tập trung vào nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương từ chối thực hiện, khiến chương trình tiêm chủng của chính phủ gặp thêm nhiều thách thức. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.

Indonesia hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 576.352 ca nhiễm và 12.318 ca tử vong, tăng lần lượt 2.113 và 29 ca.

Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Ông Tập và bài toán lòng trung thành của 'hồng nhị đại'

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoa Quốc Phong, tầng lớp hậu duệ các khai quốc công thần Trung Quốc đã nhận một thông điệp chính trị quan trọng.

Hoa Quốc Phong, người từng được kỳ vọng sẽ tiếp bước Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc, có thời điểm giữ mọi chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị nước này: chủ tịch đảng, chủ tịch quân ủy trung ương và thủ tướng. Sau khi rời khỏi mọi vị trí quyền lực, ông rời xa chính trị, sống cuộc đời gần như ẩn danh. Cựu thủ tướng Trung Quốc qua đời khi Olympics Bắc Kinh 2008 đang diễn ra. Ông cũng ít khi được truyền thông nhắc đến kể từ ngày đó.

Khi tưởng chừng cái tên đã chìm vào dĩ vãng, Bắc Kinh bất ngờ tổ chức tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cho Hoa Quốc Phong.

"Ông Hoa là một đảng viên kiệt xuất của đảng Cộng sản Trung Quốc, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên và tài ba, một nhà cách mạng vô sản từng giữ những vị trí quan trọng nhất trong đảng và chính phủ", Tân Hoa xã dẫn lại nội dung tọa đàm.

Ông Tập phát biểu tại Bắc Kinh hôm 25/1. Ảnh: AFP.

Ông Tập phát biểu tại Bắc Kinh hôm 25/1. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến sự kiện. Tuy nhiên, Bộ chính trị Trung Quốc có đến 5 đại diện tham gia, trong đó hai người là ủy viên thường vụ. Tiếng nói chính trị từ buổi tọa đàm rõ ràng rất "nặng ký".

Sự kiện ngày 20/2 gây ra không ít xôn xao trên chính trường Trung Quốc khi được tổ chức giữa bối cảnh đất nước đang tiến đến hai cột mốc quan trọng: Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm 2021 và đại hội đảng toàn quốc năm 2022.

Ông Hoa là người trung thành tuyệt đối với cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, ngay cả trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa đầy sóng gió. Sau khi ông Mao qua đời vào năm 1976, Trung Quốc bước vào kỷ nguyên cải cách và mở cửa với sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Cũng trong thời gian cải cách, ông Hoa lần lượt rời khỏi những chức vụ quan trọng trong đảng, đầu tiên là ghế thủ tướng vào năm 1980, sau đó là hai vị trí chủ tịch đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 1981. Một năm sau, ông rời khỏi Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.

Sự thay đổi cấu trúc quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc, từ tập trung cá nhân sang lãnh đạo tập thể, cũng diễn ra trong cùng giai đoạn. Điều lệ đảng được điều chỉnh để không một nhà lãnh đạo nào có thể nắm quyền lực trọn đời. Chủ nghĩa "tôn sùng cá nhân" bị cấm và vị trí chủ tịch đảng cũng không còn.

Trong hiến pháp cải cách, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình giới hạn chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ 5 năm. Điều này đã thay đổi vào tháng 3/2018, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy thành công điều chỉnh hiến pháp cải cách thời ông Đặng và xóa giới hạn nhiệm kỳ, đánh dấu một giai đoạn mới trên chính trường Trung Quốc và quá trình tập trung quyền lực của ông Tập.

Năm 2018 cũng là thời điểm CCTV bắt đầu chạy chương trình nhiều kỳ Bình Dị Cận Nhân - hiền họa dễ gần - gồm những trích dẫn của ông Tập. Một cách trùng hợp, ngày diễn ra tọa đàm Hoa Quốc Phong, truyền hình quốc gia Trung Quốc đêm đó chọn chủ đề "Trung thành" cho Bình Dị Cận Nhân.

Một điểm cần lưu ý nữa trong sự kiện ngày 20/2 là thành phần tham gia. Ngoài các ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, một số lượng đáng kể những "hồng nhị đại" - hậu duệ các bậc khai quốc công thần, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đất nước - cũng góp mặt. Đây là nhóm có tiếng nói "nặng ký" trên chính trường Trung Quốc.

Nổi bật trong nhóm "hồng nhị đại" đến dự có tướng về hưu Lưu Nguyên, con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Ông là một người bạn thâm niên của ông Tập và từng có vai trò quan trọng với chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ, diệt ruồi" với các quan chức quân đội. Một gương mặt đáng chú ý khác là Mao Tân Vũ, cháu của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, hiện mang hàm thiếu tướng lục quân.

Cựu thủ tướng Trung Quốc Hoa Quốc Phong. Ảnh: AFP.

Cựu thủ tướng Trung Quốc Hoa Quốc Phong. Ảnh: AFP.

Bản thân ông Tập cũng thuộc nhóm "hồng nhị đại", có phụ thân là cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân. Khi khởi động chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng, ông đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ những người cùng nhóm. Nhiều người quyền lực trên chính trường đã sa lưới, trong đó có cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, chỉ một vài thành viên trong tầng lớp "hồng nhị đại" chịu kỷ luật.

Giới quan sát chỉ bắt đầu hoài nghi về sóng ngầm trong mối quan hệ giữa ông Tập và nhóm "hồng nhị đại" trong kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2017. Số thành viên trong nhóm chính trị được chọn cho những vị trí then chốt trong đảng ở mức thấp ngoài mọi dự đoán. Thay vào đó, đội ngũ thân cận với ông Tập là những cộng sự có thâm niên và được ông tin tưởng, trong đó nhiều người là thân tín từ thời ông làm lãnh đạo ở Chiết Giang. Bước cải cách hiến pháp năm 2018 và nỗ lực củng cố hình ảnh cá nhân ông Tập thời gian qua cũng khó mà hợp ý nhóm hậu duệ thế hệ lãnh đạo thứ nhất, vốn trải qua vô số gian truân bởi đấu đá chính trị trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.

Giữa bối cảnh chính trị này, thông điệp từ Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Vương Hỗ Ninh - người được xem là lãnh đạo quyền lực thứ 5 trong hàng ngũ lãnh đạo đảng - càng thêm đáng chú ý. Trước những "hồng nhị đại", ông Vương chọn ca ngợi ba đức tính của cựu thủ tướng Hoa Quốc Phong: trung thành, chân thành và tuân thủ kỷ luật đảng.

Vương nhắc lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nói Hoa Quốc Phong đã "bất kể an toàn cá nhân" để hành động dũng cảm, không chấp nhận "chủ nghĩa bè phái trong hàng ngũ đảng" và hợp tác dẹp nạn "Tứ nhân bang" thâu tóm quyền lực. Cách ông Vương đề cập đến "hoạt động chủ nghĩa bè phái" có thể mang hàm ý chính trị đương đại đáng kể.

Thông điệp này tương tự lần ông Tập Cận Bình tuyên bố đảng viên không thể đứng ngoài cuộc khi chống tham nhũng và chờ xem bên nào thắng cuộc. Dường như tầng lớp "hồng nhị đại", ngay trước thềm hai cột mốc quan trọng của chính trị Trung Quốc, đang được nhắc nhở thêm lần nữa rằng "hoạt động bè phái" sẽ không tiếp tục được chấp nhận.

Trung Nhân (Theo Nikkei Asia)

Let's block ads! (Why?)

Myanmar 'như chiến trường'

Myanmar được miêu tả "giống như chiến trường" sau khi cảnh sát nước này hôm nay dùng bạo lực trấn áp biểu tình, khiến ít nhất 18 người chết.

Cảnh sát đã sử dụng đạn thật, lựu đạn choáng và hơi cay với người biểu tình tại một số thành phố, thị trấn của Myanmar. Theo văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh. Những trường hợp tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.

Tại Yangon, một phụ nữ thiệt mạng sau khi cảnh sát sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình của các giáo viên, tuy nhiên nguyên nhân dẫn tới cái chết hiện chưa rõ, Reuters đưa tin. Một người đàn ông 23 tuổi cũng bị bắn chết.

Người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

"Cảnh sát tiếp cận và súng của họ đã sẵn sàng. Chúng tôi không nghĩ họ sẽ bắn thật", Ye Swan Htet, cháu họ nạn nhân 23 tuổi, nói với Guardian. Cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, đám đông chỉ hát và vỗ tay. "Đó là tất cả những gì chúng tôi làm. Và rồi họ nổ súng", anh kể.

"Myanmar giống như chiến trường", Charles Maung Bo, Hồng y Công giáo đầu tiên tại nước này, viết trên Twitter. Ông đồng thời chia sẻ bức ảnh cho thấy một nữ tu ở tỉnh Kachin, phía bắc Myanmar, đã quỳ gối trước hàng ngũ cảnh sát, cầu xin họ kiềm chế.

Đạn thật được sử dụng tại nhiều nơi ở Yangon, bao gồm cả Hledan Junction, một điểm tập trung của những người biểu tình, sau khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng hơi cay và lựu đạn choáng.

Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang, dùng khăn che kín mũi, đội mũ và mang kính bảo hộ để tự vệ sau những phản ứng ngày càng dữ dội từ phía cảnh sát vào hôm qua. Theo kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình ngày 27/2. Hiện chưa rõ bao nhiều người bị bắt hôm nay.

"Họ bắn dân thường... Đây thực sự là tội ác", một nhân viên y tế chuyển người bị thương tới Bệnh viện Đa khoa Yangon nói. Một số nạn nhân đang được điều trị những vết thương nghiêm trọng do trúng đạn. "Nhiều người còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi", anh cho biết thêm.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự và yêu cầu khôi phục nền dân chủ tại Myanmar đã bước sang tuần thứ tư, với mức độ bạo lực trong các vụ đụng độ không ngừng leo thang.

Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.

Mỹ, Anh cùng một số quốc gia và tổ chức kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar cùng các đối tác kinh doanh của họ. Quân đội Myanmar cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới và khẳng định sẽ trao lại quyền cho bên chiến thắng.

Vũ Hoàng (Theo Guardian)

Let's block ads! (Why?)

LHQ lên án bạo lực với người biểu tình Myanmar

Liên Hợp Quốc lên án hành vi bạo lực với người biểu tình tại Myanmar ngày 28/2 đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự nước này ngừng sử dụng vũ lực.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ tình trạng leo thang bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội ngay lập tức dừng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa", Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Cao ủy Liên Hợp Quốc, cho biết trong một thông báo.

Người biểu tình ở Yangon tháo chạy sau khi bị cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su ngày 28/2. Ảnh: Nikkei.

Người biểu tình ở Yangon tháo chạy sau khi bị cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su ngày 28/2. Ảnh: Nikkei.

"Người dân Myanmar có quyền tụ tập trong hòa bình và yêu cầu khôi phục nền dân chủ", bà nói thêm. "Những quyền cơ bản này phải được quân đội và cảnh sát tôn trọng, không bị đàn áp một cách bạo lực và đẫm máu. Sử dũng vũ lực gây chết người chống lại những người biểu tình bất bạo động không bao giờ là hành động chính đáng theo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế".

Trưởng văn phòng phụ trách nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cũng nhắc lại lời kêu gọi lập tức thả những người giam giữ tùy tiện, bao gồm cả các thành viên của chính quyền dân cử Myanmar.

"Cộng đồng quốc tế phải đoàn kết với những người biểu tình và tất cả những người đang tìm cách khôi phục nền dân chủ ở Myanmar", Shamdasani nhấn mạnh.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn tiếp tục diễn ra hôm nay tại nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước Myanmar để phản đối quân đội đảo chính và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Cơ quan an ninh Myanmar được cho đã nổ súng để đẩy lùi người biểu tình, khiến ít nhất 11 người chết và nhiều người khác bị thương.

Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.

Mỹ, Anh cùng một số quốc gia và tổ chức kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar cùng các đối tác kinh doanh của họ. Quân đội Myanmar cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới và khẳng định sẽ trao lại quyền cho bên chiến thắng.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Hong Kong cáo buộc 47 nhà hoạt động đối lập tội 'âm mưu lật đổ'

47 nhà hoạt động đối lập Hong Kong bị bắt và đối diện cáo buộc "âm mưu lật đổ" theo luật an ninh quốc gia.

Trong số này có nhà hoạt động Sam Cheung, 27 tuổi, người từng tham gia cuộc tranh cử sơ bộ do đảng Dân chủ tổ chức tháng 7 năm ngoái. Đây là một phần trong chiến lược "35 cộng" nhằm tối đa hóa cơ hội của đảng với mục tiêu giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp Hong Kong gồm 70 thành viên.

Nhà hoạt động Mike Lam King-nam tới trình diện cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Nhà hoạt động Mike Lam King-nam tới trình diện cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Cheung bị bắt cùng 54 nhà hoạt động khác hôm 6/1 trong chiến dịch đột kích và bắt người hàng loạt lớn nhất của cảnh sát được thực hiện kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực hồi tháng 6 năm ngoái.

Đảng Dân chủ tổ chức các cuộc tranh cử sơ bộ tại 5 khu vực bầu cử để xác định ai sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (Legco) vào tháng 9/2020. Cuộc bầu cử sau đó đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.

Chiến lược "35 cộng", nếu thành công, sẽ cho phép đảng thành lập một khối hùng mạnh ở Legco để chặn ngân sách, các dự luật và làm tê liệt chính quyền một cách hiệu quả. Cảnh sát nói rằng chiến lược này là hành động lật đổ theo luật an ninh quốc gia Bắc Kinh ban hành tháng 6 năm ngoái, nửa tháng trước khi bầu cử sơ bộ diễn ra.

Theo cảnh sát Hong Kong, 47 nhà hoạt động đối lập bị cáo buộc chung một tội danh và phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào sáng mai.

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Sam Cheung ôm vợ khi đến đồn cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Sam Cheung ôm vợ khi đến đồn cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Trong số những người bị bắt hồi tháng một, chỉ có 8 người chưa bị buộc tội, bao gồm luật sư nhân quyền Mỹ John Clancey và nhà hoạt động kỳ cựu James To, những người hiện vẫn tại ngoại.

Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Nhà Trắng không quan tâm phát biểu của Trump tại hội nghị bảo thủ

Nhà Trắng nêu rõ quan điểm rằng họ sẽ không để tâm đến những phát ngôn của cựu tổng thống Trump tại một hội nghị bảo thủ ở Florida ngày 28/2.

"Mối quan tâm của chúng tôi chắc chắn không nằm ở những gì tổng thống Trump sẽ nói" tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Florida, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/2 cho biết.

Theo các chính trị gia và nhà sử học lâu năm, đây là một chiến lược từng phát huy hiệu quả trong quá khứ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại một cuộc họp báo ngày 9/2. Ảnh: Reuters.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại một cuộc họp báo ngày 9/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Joe Biden "đang tuân theo một quy tắc chính trị cũ, đó là 'không bao giờ cản đường một con tàu trật đường ray'", cựu chiến lược gia đảng Dân chủ hiện là giám đốc Trung tâm Tương lai Chính trị thuộc Đại học Nam California, bình luận.

Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden trong các cuộc thăm dò do Gallup thực hiện vẫn ở mức trên 55% kể từ thời điểm ông nhậm chức ngày 20/1 và tỷ lệ ủng hộ đối với gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Nhà Trắng đang ngày càng tăng cao.

"Tại sao một người với tỷ lệ tín nhiệm 60% lại phải đi tranh đấu với một người chỉ có 33% tín nhiệm", Shrum nói.

Chiến lược gia đảng Dân chủ Steve Elmendorf đồng tình. "Một trong những điểm mạnh của Biden khi ông tiến hành chiến dịch tranh cử là chỉ tập trung vào tương lai... Ông ấy đã làm chính xác những gì cần làm là nói về Covid-19 và kinh tế", Elmendorf đánh giá.

Trump tại hội nghị bảo thủ ngày 28/2 ở Florida được cho là sẽ phát đi tín hiệu về việc tranh cử vào năm 2024, công kích những đảng viên Cộng hòa đã ủng hộ luận tội ông, đồng thời chỉ trích Tổng thống Biden vì chính sách mở cửa cho người nhập cư.

Nhà Trắng vẫn dự định phớt lờ."Chúng tôi không coi cựu tổng thống Trump hay bất kỳ cố vấn nào của ông ấy là hình mẫu về cách tiếp cận vấn đề nhập cư", Thư ký báo chí Psaki nói.

CPAC là hội nghị quan trọng của đảng Cộng hòa, diễn ra thường niên, tập hợp các nghị sĩ và gương mặt truyền thông có quan điểm bảo thủ. Một số đảng viên Cộng hòa hàng đầu được đánh giá là những gương mặt sáng giá cho vị trí ứng viên đảng tranh cử tổng thống năm 2024 cũng dự kiến phát biểu tại CPAC, như cựu ngoại trưởng Mike Pompeo hay Thống đốc bang Nam Dakota Kristi Noem.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Bác sĩ hầu tòa trực tuyến trong lúc phẫu thuật cho bệnh nhân

Giới chức y tế California cho biết sẽ điều tra một bác sĩ thẩm mỹ tại Sacramento vì vừa dự phiên tòa xét xử của chính mình vừa phẫu thuật.

Báo Sacramento Bee đưa tin bác sĩ thẩm mỹ Scott Green hôm 25/2 dự phiên tòa xét xử ông vi phạm giao thông được tiến hành trực tuyến vì đại dịch Covid-19 từ một phòng phẫu thuật.

Green mặc đồ màu xanh và ở đằng sau, nơi khuất tầm nhìn, dường như đang có một bệnh nhân. Có thể nghe rõ tiếng bíp phát ra từ máy móc y tế trong phòng.

Bác sĩ Scott Green (trên cùng bên phải) trong phiên tòa trực tuyến ngày 25/2. Ảnh: AP.

Bác sĩ Scott Green (trên cùng bên phải) trong phiên tòa trực tuyến ngày 25/2. Ảnh: AP.

"Xin chào ông Green? Xin chào, ông có sẵn sàng dự phiên tòa không", một thư ký tòa án hỏi qua Zoom. "Hình như ông đang có mặt trong phòng phẫu thuật thì phải?".

"Đúng vậy, thưa ngài", Green đáp. "Vâng, tôi đang ở trong phòng phẫu thuật và tôi sẵn sàng dự phiên tòa. Xin cứ tiếp tục".

Thư ký tòa án nhắc Green rằng toàn bộ quá trình tố tụng sẽ được phát trực tuyến bởi các phiên tòa xét xử vi phạm giao thông được yêu cầu công khai và Green nói ông hoàn toàn hiểu. Ông dường như vẫn tiếp tục làm việc trong lúc chờ ủy viên tòa án Gary Link tiến vào phòng xử.

Khi Link xuất hiện và nhìn thấy Green trên màn hình, thẩm phán này tỏ ra lưỡng lự, không muốn tiếp tục phiên tòa vì lo lắng cho an toàn của bệnh nhân.

"Tôi có một bác sĩ phẫu thuật khác đang ở đây cùng tôi, vậy nên tôi có thể vừa dự phiên tòa vừa tiến hành phẫu thuật cùng lúc", Green trả lời. Thẩm phán nói ông nghĩ rằng xét xử trong hoàn cảnh hiện tại là không phù hợp. Ông yêu cầu Green lên lịch một ngày khác cho phiên tòa.

Hội đồng Y khoa California cho biết sẽ điều tra sự việc, nhấn mạnh họ "mong muốn các bác sĩ phải tuân thủ các tiêu chuẩn chăm sóc khi điều trị cho bệnh nhân của họ".

Vũ Hoàng (Theo Guardian)

Let's block ads! (Why?)

Philippines nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ Trung Quốc

Philippines hôm nay nhận 600.000 liều vaccine Covid-19 từ Trung Quốc, chuẩn bị khởi động chương trình tiêm chủng của đất nước.

Các quan chức cấp cao chính phủ và nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine vào ngày mai. Loại vaccine mà Trung Quốc chuyển cho Philippines có tên là CoronaVac, do hãng dược phẩm Sinovac sản xuất, vừa được cơ quan quản lý dược phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vài ngày trước.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giám sát quá trình nhận các liều vaccine tại một căn cứ quân sự ở Manila.

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc được chuyển tới sân bay tại căn cứ quân sự Villamor ở thủ đô Manila, Philippines, ngày 28/2. Ảnh: AP.

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc được chuyển tới sân bay tại căn cứ quân sự Villamor ở thủ đô Manila, Philippines, ngày 28/2. Ảnh: AP.

Khoảng 525.000 liều vaccine AstraZeneca dự kiến cập bến Philippines vào ngày 1/3. Đây là một phần trong chương trình tiêm chủng toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng. Các mũi tiêm cũng sẽ được sử dụng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Cơ quan quản lý dược Philippines không khuyến nghị dùng CoronaVac cho nhân viên y tế do những tranh cãi về tính hiệu quả của nó. Một nhóm cố vấn của chính phủ Philippines đồng ý cung cấp vaccine cho những người sẵn sàng chấp nhận nó nhưng nhiều y bác sĩ vẫn hoài nghi và muốn chờ loại vaccine khác.

Tại Bệnh viện Đa khoa Philippines, một trong những cơ sở điều trị Covid-19 chính của nước này, chưa đầy 10% số nhân viên chấp nhận tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất, trong khi 94% số người muốn tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech, phát ngôn viên Jonas Del Rosario cho hay.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy niềm tin vào vaccine của người dân Philippines tương đối thấp, với gần 1/2 dân số được cho là không muốn tiêm vaccine chống lại Covid-19. Nhằm tăng cường lòng tin trong công chúng, các quan chức hàng đầu đất nước, bao gồm cả Bộ trưởng Y tế, có kế hoạch tiêm vaccine CoronaVac.

Tổng thống Duterte, người thường xuyên lên tiếng bảo vệ vaccine do Trung Quốc sản xuất, đã đề xuất rằng ông sẽ tiêm vaccine trước công chúng, song các bác sĩ của ông chưa quyết định loại nào.

Philippines hiện là một trong những điểm nóng Covid-19 của Đông Nam Á với hơn 570.000 ca nhiễm và 12.000 trường hợp tử vong.

Ngoài các nhân viên bệnh viện, quân đội cũng dự kiến nhận 100.000 liều vaccine Covid-19 từ Sinovac. Các thành viên lực lượng vũ trang Philippines bắt buộc phải tiêm chủng và những người từ chối có thể bị kỷ luật.

Chính phủ Philippines đang đàm phán mua vaccine với 7 nhà sản xuất, hy vọng mua đủ số liều để tiêm chủng cho 70 triệu, chiếm khoảng 60% dân số, trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine sẽ khó đến tay người dùng cho tới mùa hè này.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Trực thăng Nga hạ cánh khẩn cấp ở Syria

Một trực thăng Mi-35 của Nga hôm nay phải hạ cánh khẩn cấp tại tỉnh Kasaka, phía bắc Syria, vì lý do kỹ thuật.

"Phi hành đoàn đã nhanh chóng sơ tán đến sân bay. Không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với tính mạng các phi công", hãng thông tấn RIA dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết và thêm rằng trực thăng không bị cháy.

Một trực thăng tấn công Mi-35 của quân đội Nga. Ảnh: Aero Contact.

Một trực thăng tấn công Mi-35 của quân đội Nga. Ảnh: Aero Contact.

Truyền thông nhà nước Syria trước đó đưa tin một trực thăng Nga đã rơi ở tỉnh Hasaka, gần Tal Tamr, khiến phi công thiệt mạng. Nơi này gần với một căn cứ của Nga, nơi Moskva thực hiện các cuộc tuần tra chung theo thỏa thuận ký giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2019, cho phép Moskva mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.

Nga là đồng minh mạnh mẽ nhất của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đã giúp Ankara lật ngược thế cờ trong cuộc nội chiến của đất nước bằng cách giành lại phần lớn lãnh thổ từ tay phiến quân kể từ năm 2015.

Nga triển khai quân đội tại Syria vào tháng 9/2015 sau đề nghị của Tổng thống Assad. Tiêm kích bom và cường kích của Nga nhiều lần không kích vào vị trí của phiến quân Syria để yểm trợ cho các lực lượng chính phủ.

Chiến dịch quân sự của Nga và quân đội Syria đã đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và dồn các nhóm phiến quân Hồi giáo tới tỉnh Idlib, tây bắc Syria, nơi quân đội Nga phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tiến hành tuần tra nhằm đảm bảo an ninh.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Trung Quốc nói trinh sát hạm Mỹ hoạt động gần Hoàng Sa

Viện nghiên cứu Trung Quốc cho biết trinh sát hạm Impeccable của hải quân Mỹ hoạt động quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong nhiều ngày.

Tổ chức Sáng Kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), đặt trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ngày 26/2 cho biết trinh sát hạm USNS Impeccable hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 23/2, song không rõ điểm đến của con tàu.

"Các vị trí theo dõi thường xuyên như vậy không bình thường với một tàu trinh sát trong khu vực Biển Đông", SCSPI đăng trên Twitter. Nhóm nghiên cứu này cũng cho hay một trinh sát cơ RC-135U của không quân Mỹ ngày 27/2 bay qua khu vực phía nam đảo Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về thông tin này.

Trinh sát hạm USNS Impeccable của Mỹ đậu tại cảng Subic, Philippines, tháng 2/2018. Ảnh: Flickr/davids_world_2011.

Trinh sát hạm USNS Impeccable của Mỹ đậu tại cảng Subic, Philippines, tháng 2/2018. Ảnh: Flickr/davids_world_2011.

Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội nước này tổ chức diễn tập bắn đạn thật để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa ở "vùng biển xa". Địa điểm và thời gian cuộc diễn tập không được công bố.

Cuộc diễn tập có sự tham gia của khu trục hạm Ngân Xuyên, hộ vệ hạm Hành Dương, tàu đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn và tàu hậu cần Tra Can Hồ. Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Trung Quốc phụ trách các hoạt động ở khu vực Biển Đông và phía nam đảo Đài Loan.

Hải quân Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định hoạt động của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không thu hẹp quy mô hoạt động thách thức yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, sau những chiến dịch tuần tra tự do hàng hải được tăng cường dưới thời chính quyền Donald Trump.

Khi được hỏi về về việc chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 25/2 cho biết "Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông".

Bà Hằng nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Impeccable là con tàu duy nhất thuộc lớp tàu trinh sát cùng tên, được hải quân Mỹ biên chế tháng 3/2001. Impeccable mang theo mảng sonar tần số thấp chủ động và thụ động SURTASS, có khả năng phát hiện và theo dõi các mối đe dọa dưới nước như tàu ngầm, song không được vũ trang.

Tháng 3/2009, 5 tàu Trung Quốc áp sát Impeccable khi trinh sát hạm Mỹ hoạt động ở khu vực phía nam đảo Hải Nam, buộc Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama lệnh điều khu trục hạm USS Chung-Hoon tới bảo vệ Impeccable. Vụ đối đầu này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Let's block ads! (Why?)