FBI bắt một người bị cáo buộc xịt hóa chất đuổi gấu vào cảnh sát quốc hội Sicknick trong vụ bạo loạn ngày 6/1, khiến sĩ quan này thiệt mạng.
Các quan chức thực thi pháp luật ngày 27/2 cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định được nghi phạm sau khi thu được video cho thấy người này xịt hóa chất vào Brian Sicknick và các cảnh sát quốc hội khác trong vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi đầu tháng 1. Sicknick gục xuống sau khi hít phải hóa chất và qua đời sau đó.
Giới chức Mỹ chưa công bố danh tính nghi phạm, cũng như chưa đưa ra kết luận chính thức về mối liên quan giữa hành động của nghi phạm với cái chết của Sicknick. CNN từng công bố đoạn ghi âm cuộc đối thoại của các sĩ quan cảnh sát quốc hội cho biết người biểu tình mang theo bình xịt hóa chất đuổi gấu khi xâm nhập tòa nhà.
New York Times đưa tin các điều tra viên đã bắt được nghi phạm, sau khi thu hẹp phạm vi điều tra nhờ bằng chứng từ video.
Tuy nhiên, các điều tra viên cho biết đây là cuộc điều tra khó khăn và chưa rõ cáo buộc nào có thể đưa ra đối với nghi phạm liên quan đến cái chết của Sicknick. Cảnh sát quốc hội Mỹ trong thông cáo ngày 26/6 cho biết giám định pháp y về cái chết của Sicknick chưa kết thúc.
"Chúng tôi đang chờ kết quả kiểm tra chất độc và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chính phủ khác trong cuộc điều tra về cái chết của Sicknick", thông cáo cho biết. "Gia đình của Sicknick yêu cầu sự riêng tư trong thời gián khó khăn này và đề nghị ngăn lan truyền thông tin sai lệch về cái chết của ông".
Đoạn ghi âm cuộc đối thoại của cảnh sát quốc hội Mỹ trong vụ bạo động, được phát trong phiên tòa luận tội cựu tổng thống Donald Trump tại Thượng viện, cho thấy các sĩ quan hét lên rằng một số người biểu tình "xịt hơi cay" về phía họ.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney nói Eugene Goodman, sĩ quan cảnh báo ông về những người biểu tình đang "săn lùng" các nghị sĩ hôm 6/1, cho biết "đã hít phải nhiều hơi cay và cảm thấy buồn nôn" trong vụ bạo động.
Các điều tra viên Mỹ ban đầu tin rằng Sicknick thiệt mạng sau khi bị đám đông bạo loạn đập bình cứu hỏa vào đầu, dựa trên những lời khai thu được. Tuy nhiên, khi thu thập thêm nhiều chứng cứ, họ đi đến nhận định mới là sĩ quan này đã bị xịt hóa chất đuổi gấu trước khi thiệt mạng.
Một số người tham gia vụ bạo động hôm 6/1 bị cáo buộc hành hung các sĩ quan cảnh sát quốc hội Mỹ, song không ai trong số này liên quan đến Sicknick. Tài liệu của tòa án cho biết hơn 100 cảnh sát bị thương trong vụ bạo động, trong đó ít nhất 15 người phải nhập viện.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét