Trí tuệ nhân tạo của T-14 Armata có thể phát hiện các mục tiêu tiêu biểu trên chiến trường, nhưng quyết định khai hỏa vẫn do trưởng xe đưa ra.
"Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-14 Armata có một danh sách dấu hiệu mục tiêu điển hình trên chiến trường gồm xe tăng, thiết giáp kháng mìn, trực thăng... Các yếu tố trí tuệ nhân tạo cho phép hệ thống trên xe tự tìm kiếm và nhận dạng mục tiêu, lựa chọn ưu tiên để đối phó", một nguồn tin quân sự Nga ngày 25/2 cho biết.
Hệ thống máy tính trên tăng chủ lực T-14 có thể phân biệt giữa mục tiêu với môi trường phức tạp xung quanh mà không cần thành viên kíp lái tham gia, nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn mục tiêu để khai hỏa vẫn phụ thuộc vào trưởng xe.
Nguồn tin cho biết chưa có nước nào sở hữu hệ thống nhận dạng mục tiêu tương tự trên xe tăng T-14 của Nga. Các mẫu thiết giáp khác, bao gồm xe tăng nước ngoài, mới được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu và yêu cầu kíp lái chọn vật thể cần theo dõi trước đó.
"Trong các cuộc thử nghiệm trên thao trường, nhiều thiết giáp Nga đóng vai mục tiêu mà Armata cần tìm kiếm. Kết quả thử nghiệm xác nhận hiệu quả của hệ thống đúng với các đặc tính tác chiến được công bố", nguồn tin cho biết. Hệ thống kính ngắm kết hợp trên T-14 tìm kiếm mục tiêu thông qua hình ảnh quang học và hồng ngoại.
Bộ phận báo chí của Uralvagonzavod, hãng sản xuất xe tăng thuộc tập đoàn Rostec của Nga, cho biết các cuộc thử nghiệm tính năng tự động tìm kiếm mục tiêu của T-14 đã thành công, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Cục Kỹ thuật Giao thông Vận tải Ural, thuộc Uralvagonzavod, phát triển nền tảng chiến đấu đa năng Armata từ năm 2010, bao gồm tăng chủ lực T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15. Xe tăng T-14 và thiết giáp T-15 xuất hiện lần đầu trong lễ duyệt binh ở Moskva hồi tháng 5/2015.
Nga đang triển khai các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với T-14. Quân đội Nga dự kiến biên chế mẫu xe tăng này trong năm 2021.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét