Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Lính Mỹ 'phục sát đất' chiến thuật phục kích của quân Litva

Binh sĩ Litva ngụy trang kỹ lưỡng, cài mìn và đánh tạt sườn đoàn thiết giáp Mỹ, khiến họ thất bại trong tập trận, dù vượt trội lực lượng.

Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 21 của Litva đánh bại lính Mỹ và khiến họ "tâm phục khẩu phục" trong cuộc phục kích mô phỏng diễn ra tại khu rừng đầy tuyết ở Kairai, ngay cạnh bờ biển Baltic hôm 21/2. Trận phục kích nằm trong đợt tập trận lớn hơn, trong đó binh sĩ thuộc tiểu đoàn 2 của lục quân Mỹ đóng vai lực lượng xâm lược, nhằm kiểm tra năng lực phòng thủ của quân đội Litva vốn có ít phương tiện hạng nặng và binh sĩ hơn.

"Trận phục kích quả là hoàn hảo. Họ ẩn nấp kỹ lưỡng, chúng tôi không thể phát hiện ra họ dù ở ngay phía trên đầu họ", hạ sĩ Joseph Salamon, phát ngôn viên tiểu đoàn 2 lục quân Mỹ, cho biết trong thông cáo. "Họ đã làm rất tốt và hiểu rất rõ khí tài của mình".

Đại úy Evan Ringel, chỉ huy đại đội 2-8 của Mỹ, giải thích dù có ít xe tăng và binh sĩ hơn lực lượng tấn công, song tiểu đoàn Dragoon 21 Litva biết tận dụng mọi thứ mình có. Binh sĩ Litva bù đắp thiếu hụt về số lượng bằng chiến thuật tác chiến độc đáo, khi chia thành nhóm nhỏ, tận dụng mọi trang thiết bị mà họ có thể tìm thấy để phục vụ cho trận phục kích.

"Khóa huấn luyện này chuyên về tác chiến với kỹ thuật chống xe tăng", trung úy Eimantas Maslauskas, thuộc Lực lượng Tình nguyện Litva, cho biết trước khi triển khai đợt phục kích.

Binh sĩ Litva tham gia trận phục kích lính Mỹ tại một cánh rừng, ngày 21/2. Ảnh: US Army.

Binh sĩ Litva tham gia trận phục kích lính Mỹ tại một cánh rừng, ngày 21/2. Ảnh: US Army.

Maslauskas cùng các binh sĩ cài mìn ở nhiều nơi, sau đó bố trí lực lượng mang súng phóng lựu ẩn nấp ở những điểm chính dọc theo đoạn đường dài khoảng ba km chạy xuyên rừng. Chiến thuật phục kích này được tiến hành nhằm làm tê liệt hoặc vô hiệu hóa thiết giáp Bradley của đại đội 2-8, khiến binh sĩ Mỹ phải xuống xe và nó đã phát huy tác dụng.

Khi thiết giáp Mỹ tiến vào con đường xuyên rừng, một chiếc Bradley trúng phải quả mìn được vùi dưới tuyết và cành cây. Vài giây sau khi lính Mỹ rời chiếc Bradley bị hỏng, một vụ nổ nhỏ mở đầu đòn tấn công nhằm vào sườn của đoàn xe Mỹ, báo hiệu việc họ rơi vào một tình huống tồi tệ.

"Nếu đây là trận phục kích thật, chúng tôi chắc chắn chịu nhiều thương vong", đại úy Ringel cho biết. "Chúng tôi vượt trội về số lượng so với họ, song khả năng chặn đà tiến của chúng tôi bằng chiến thuật của họ cao hơn nhiều lần. Họ không ngại ngần điều gì và chiến đấu dũng mãnh".

Đối với binh sĩ Litva, vụ phục kích chứng minh tính hiệu quả của đợt huấn luyện, còn binh sĩ Mỹ nhận được bài học sâu sắc về chiến thuật phục kích để chuẩn bị đối phó trong tương lai. Maslauskas, sĩ quan Litva lên kế hoạch phục kích, bày tỏ tự tin sau trận đánh.

"Chúng tôi rất vui, các bạn thấy là chúng tôi đang mỉm cười", Maslauskas nói. "Chắc đến 100% là chúng tôi sẽ huấn luyện lần nữa với quân đội Mỹ".

Binh sĩ Mỹ rời thiết giáp Bradley để đối phó với lính Litva trong buổi diễn tập, ngày 21/2. Ảnh: US Army.

Binh sĩ Mỹ rời thiết giáp Bradley để đối phó với lính Litva trong buổi tập trận ngày 21/2. Ảnh: US Army.

Litva không phải quốc gia duy nhất mà quân đội Mỹ tập trận chung. Thủy quân lục chiến Mỹ thường tập trận cùng thủy quân lục chiến Anh, không quân Mỹ thường xuyên tổ chức không chiến mô phỏng với các quốc gia khác trong các cuộc tập trận như Red Flag và Cope North.

Những năm qua, Mỹ tăng gấp đôi hoạt động hợp tác với các nước Baltic như Litva do họ nằm giữa Nga, đối thủ của nước này, và khu vực Bắc Đại Tây Dương. Belarus nằm ngăn giữa Litva và Nga, song Minsk là một trong các đồng minh chặt chẽ của Moskva.

Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét