Toàn cầu ghi nhận hơn 113,5 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu ca tử vong vì Covid-19, Israel dừng kế hoạch tặng vaccine sau chỉ trích trong và ngoài nước.
Thế giới ghi nhận 113.505.801 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.517.590 người đã chết, tăng lần lượt 452.036 và 11.584 ca, trong khi 89.096.116 người bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang có dấu hiệu tích cực. Tính đến 19/2, có 112 nước báo cáo số ca nhiễm giảm, trong khi 62 nước ghi nhận số ca tăng. Số nước bắt đầu chương trình tiêm chủng cũng đang tăng dần. 216 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 101 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz hôm 25/2 cho biết nước này sẽ hoãn chương trình gửi vaccine Covid-19 ra nước ngoài sau những chỉ trích trong và ngoài nước về cái gọi là ngoại giao vaccine.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó thông báo họ sẽ gửi lượng lớn vaccine dư thừa đến 19 quốc gia, động thái có thể dẫn đến hình thức tiền tệ ngoại giao mới. Tuy nhiên, văn phòng cho biết khả năng hỗ trợ không đáng kể cho đến khi Israel hoàn tất chiến dịch tiêm chủng.
Netanyahu còn bị chỉ trích vì người Palestine cho rằng họ mới là những người nên được cung cấp vaccine thay vì các nước ngoài. Nhiều chuyên gia Liên Hợp Quốc đánh giá Israel chịu trách nhiệm sức khỏe của người dân Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza
Văn phòng Netanyahu không bình luận ngay lập tức sau thông tin kế hoạch đang bị tạm dừng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel cáo buộc Netanyahu hành động mà không có sự giám sát hoặc minh bạch.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.042.099 ca nhiễm và 520.491 ca tử vong, tăng lần lượt 67.214 và 2.119 trong 24 giờ qua.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 25/2 phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường trong tủ đông dược phẩm hai tuần, nới lỏng yêu cầu trước đó rằngvaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, từ -80 đến -60 độ C.
"Nhiệt độ vận chuyển và bảo quản mới sẽ giúp giảm gánh nặng mua sắm thiết bị bảo quản lạnh cực thấp cho các điểm tiêm chủng và giúp đưa vaccine đến nhiều địa điểm hơn", Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA cho biết.
Tủ đông dược phẩm thường hoạt động ở khoảng -20 độ C. Động thái được đưa ra sau khi Pfizer gửi yêu cầu dựa trên nghiên cứu độ ổn định của vaccine dưới nhiệt độ ấm hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 gợi ý rằng Nhà Trắng sẽ gửi trực tiếp khẩu trang tới người dân trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đây là phương án từng được các quan chức y tế đề xuất dưới chính quyền Donald Trump nhưng bị cựu tổng thống chặn.
Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới nCoV đã giảm 5 tuần liên tiếp, song mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.568 ca nhiễm và 119 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.063.038 và 156.861.
New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19 song cảnh báo rằng việc vi phạm các giao thức chống dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.
Gần một tháng sau khi Bộ Y tế tuyên bố Covid-19 đã được kiểm soát, các bang như Maharashtra ở phía tây hay Kerala ở phía nam vẫn báo cáo số ca nhiễm tăng mạnh. Người dân ngày càng không muốn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
"Mọi sự lơ là trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt đối với những chủng virus mới... đều có thể làm tình hình thêm phức tạp", Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, chỉ ra 9 bang đang có dấu hiệu tuân thủ lỏng lẻo.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.419 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 251.498. Số ca nhiễm nCoV tăng 64.453 trong 24 giờ qua, lên 10.390.461. Brazil hôm 26/2 sẽ đánh dấu một năm ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên, là doanh nhân trở về từ Italy.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn, cũng như không đảm bảo được nhiều vaccine hơn. Một tháng sau khi triển khai, khoảng 6 triệu người Brazil đã được tiêm mũi đầu tiên và 1,3 triệu người được tiêm đủ hai mũi.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 25.403 ca nhiễm và 261 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.686.813 và 85.582.
Thủ tướng Jean Castex cho biết Pháp sẽ áp đặt các biện pháp, gồm phong tỏa cuối tuần ở Paris và 19 khu vực khác, từ đầu tháng 3 nếu các dấu hiệu gia tăng lây nhiễm vẫn tiếp diễn. Ông loại bỏ khả năng phong tỏa toàn quốc, nhưng nói sự lây lan rộng đang gây lo ngại ở cả 20 khu vực hành chính của đất nước.
Theo Bộ trưởng Y tế Oliver Veran, trong tuần qua, Pháp đã mất tất cả tiến bộ đạt được hai tuần trước đó do các biến thể mới dễ lây lan hơn.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.426.819 ca nhiễm và 70.003 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 10.782 và 393 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.
Các trường học tại 10 bang của Đức đã mở cửa trở lại hôm 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.314.634 ca nhiễm, tăng 8.493, trong đó 35.518 người chết, tăng 264. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp ba lần.
Indonesia triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Nước này hôm 17/2 khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 568.680 ca nhiễm và 12.201 ca tử vong, tăng lần lượt 2.269 và 72 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.
Cơ quan quản lý dược phẩm Philippines tuần này phê duyệt khẩn cấp vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, dù loại vaccine này vẫn gây nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả. Hiện chưa rõ ai sẽ được ưu tiên tiêm chủng, hoặc chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu khi nào. Quân đội Philippines đã lệnh binh sĩ tiêm vaccine Covid-19 và những người không thực hiện có thể bị kỷ luật.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian, Worldometer)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét