Giới chuyên gia đánh giá đảo chính Myanmar là đòn giáng mạnh vào nền dân chủ và kêu gọi Mỹ cùng các nước trừng phạt lãnh đạo quân đội bắt Aung San Suu Kyi.
Quân đội Myanmar sáng sớm 1/2 bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo cấp cao khác. Họ nói rằng đây là động thái để phản ứng trước cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 và tuyên bố sẽ cầm quyền một năm.
Các chính quyền quân sự đã cầm quyền ở Myanmar trong phần lớn lịch sử, kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1948. Tướng Ne Win lật đổ chính quyền dân sự vào năm 1962, nói rằng họ không đủ khả năng để điều hành. Ông lãnh đạo đất nước trong 26 năm nhưng từ chức vào năm 1988 sau các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc phản đối sự trì trệ kinh tế và cai trị độc đoán.
Một thế hệ lãnh đạo quân sự mới nắm quyền vài tuần sau đó, với lý do cần phải khôi phục lại luật pháp và trật tự trong nước.
Lãnh đạo chính quyền quân sự, tướng Than Shwe từ chức vào năm 2011, trao lại quyền lực cho một chính phủ gồm các tướng về hưu sau khi thông qua hiến pháp hiện hành của đất nước.
Hiến pháp năm 2008 quy định quân đội tiếp tục giữ vai trò chính trị to lớn, trao cho họ quyền kiểm soát các bộ nội vụ, biên giới và quốc phòng then chốt. Bất kỳ thay đổi nào cũng cần sự ủng hộ của các nhà lập pháp quân sự, những người kiểm soát 1/4 số ghế trong quốc hội nước này mà không cần qua bầu cử.
Suu Kyi và chính quyền của bà đã cố gắng sửa đổi hiến pháp kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, nhưng đạt được rất ít thành công. Trong nhiệm kỳ trước, bà đã "né" được một quy định trong hiến pháp ngăn bà đảm nhận chức tổng thống. Suu Kyi đảm nhiệm chức danh là cố vấn nhà nước, mặc dù bà là lãnh đạo đất nước trên thực tế.
Nhà phân tích chính trị Soe Myint Aung cho biết kẽ hở này là một trong những lỗ hổng mà quân đội không lường trước được. "Họ thấy rằng họ đã mất kiểm soát đáng kể đối với tiến trình chính trị", ông nói.
Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được được 33 trong số 476 ghế tại quốc hội. Trong khi đó, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành được 83% số phiếu. Quân đội nói rằng họ đã phát hiện 10 triệu trường hợp gian lận bầu cử, trong khi NLD phản bác cáo buộc của quân đội là vô lý và vô căn cứ.
Cuộc đảo chính đã bị Mỹ và Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ. Nhà Trắng cảnh cáo Myanmar chớ cố gắng thay đổi kết quả bầu cử và sẽ hành động nếu quá trình chuyển đổi dân chủ bị cản trở.
Giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về động thái này. "Cánh cửa đến một tương lai rất khác vừa mở ra. Tôi có cảm giác rằng sẽ không ai thực sự có thể kiểm soát được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy nhớ Myanmar là một đất nước ngập trong vũ khí, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các dòng tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người có thu nhập gần như không đủ sống", Thant Myint-U, nhà sử học gốc Myanmar, nói.
Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu về Đông Á dưới thời Barack Obama - người đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với Suu Kyi, cho rằng việc quân đội lại một lần nữa tiếp quản Myanmar là một đòn giáng mạnh vào nền dân chủ trong khu vực.
"Đây là một bước thụt lùi lớn, không chỉ đối với nền dân chủ Myanmar, mà còn đối với lợi ích của Mỹ. Đó là một lời nhắc nhở rằng việc Mỹ không có can dự đáng tin cậy và ổn định trong khu vực đã tạo điều kiện cho các lực lượng chống dân chủ trỗi dậy", ông nói.
"Ngay từ đầu, chính quyền quân sự đã kiểm soát Myanmar trong nhiều thập kỷ chưa bao giờ thực sự từ bỏ quyền lực. Họ chưa bao giờ thực sự chấp nhận chính quyền dân sự, vì vậy, các sự kiện hôm nay theo một nghĩa nào đó chỉ đơn thuần tiết lộ một thực tế chính trị đã tồn tại từ lâu", John Sifton, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đánh giá.
"Mỹ và các quốc gia khác có chế độ trừng phạt nên gửi một thông điệp mạnh mẽ ngay hôm nay, bằng cách hủy bỏ ngay lập tức việc nới lỏng trừng phạt và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc và trực tiếp đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar và các tập đoàn kinh tế khổng lồ của họ. Đồng thời, họ nên thúc giục các quốc gia chủ chốt khác, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, buộc các doanh nghiệp phải thoái vốn", ông nói thêm.
Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định tình hình này là thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ.
Trước khi vụ bắt các lãnh đạo Myanmar xảy ra, "gần đây nhất là vào ngày 29/1, Mỹ đã tham gia cùng các quốc gia khác thúc giục quân đội Myanmar không xúc tiến lời đe dọa đảo chính", Hiebert nói, nhắc đến việc quân đội Myanmar từ tuần trước đã phát tín hiệu rằng họ "sẽ hành động".
"Chính quyền Biden nói rằng họ sẽ ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Nhưng các sĩ quan quân đội hàng đầu Myanmar đã bị trừng phạt nên chưa rõ Mỹ có thể nhanh chóng đưa ra thêm biện pháp gì", ông nhận định.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)