Quân đội sáng nay đã bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính quyền Myanmar trong một cuộc đột kích mà họ tuyên bố nhằm phản ứng với cuộc bầu cử gian lận hồi tháng 11, trong đó đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng.
Các động thái diễn ra sau nhiều ngày nổi lên lo ngại về một cuộc đảo chính, phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa bà Suu Kyi và lực lượng quân đội.
Năm 1991, Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình, trong khi vẫn bị quản thúc tại gia. Bà được ca ngợi là "tấm gương xuất sắc về sức mạnh của người không có quyền lực".
Tại quê nhà, bà vẫn được người dân tôn kính. Nhưng trên trường quốc tế, cách Suu Kyi phản ứng với cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya khiến uy tín của bà bị giảm sút đáng kể.
Suu Kyi đã trải qua 15 năm bị giam giữ từ năm 1989 đến 2010. Cuộc đấu tranh của bà nhằm mang lại nền dân chủ cho Myanmar, vốn được cai trị bởi quân đội, đã khiến Suu Kyi trở thành một biểu tượng quốc tế về nỗ lực phản kháng hòa bình khi đối mặt với áp bức.
Tháng 11/2015, bà lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar trong vòng 25 năm.
Hiến pháp Myanmar ngăn Suu Kyi trở thành tổng thống bởi bà có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài. Nhưng Suu Kyi, 75 tuổi, vẫn được coi là nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar với chức danh chính thức là cố vấn nhà nước. Tổng thống Myanmar Win Myint là một đồng minh thân cận của bà.
Suu Kyi là con gái của anh hùng dân tộc Myanmar, tướng Aung San. Ông bị ám sát năm bà mới hai tuổi, không lâu trước khi Myanmar giành được độc lập khỏi tay thực dân Anh năm 1948.
Năm 1960, bà tới Ấn Độ với mẹ là Daw Khin Kyi, người được bổ nhiệm làm Đại sứ Myanmar tại Delhi lúc bấy giờ.
4 năm sau, bà đến Đại học Oxford, Anh, theo học ngành triết học, chính trị và kinh tế. Tại đây, bà gặp người chồng tương lai của mình, học giả Michael Aris.
Sau thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, Suu Kyi định cư tại Anh, nuôi dạy hai con là Alexander và Kim. Tuy nhiên, bà vẫn luôn đau đáu nghĩ về đất nước Myanmar.
Khi bà trở về Rangoon (nay là Yangon) năm 1988 để chăm sóc người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, Myanmar đang rơi vào một cuộc chính biến lớn. Hàng nghìn học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường biểu tình yêu cầu cải cách dân chủ.
"Là con gái của cha tôi, tôi không thể thờ ơ với những gì đang diễn ra", bà tuyên bố trong bài phát biểu ở Rangoon ngày 26/8/1988. Suu Kyi sau đó lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại nhà cầm quyền quân sự Myanmar, tướng Ne Win.
Lấy cảm hứng từ các chiến dịch bất bạo động của lãnh đạo dân quyền Mỹ Martin Luther King và Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Suu Kyi đã tổ chức các cuộc mít tinh trên khắp đất nước, kêu gọi cải cách dân chủ trong hòa bình và bầu cử tự do.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị bị quân đội đàn áp thẳng tay. Lực lượng này đã giành chính quyền trong một cuộc đảo chính ngày 18/9/1988. Suu Kyi bị quản thúc tại gia vào năm 1989.
Chính quyền quân sự Myanmar tổ chức bầu cử quốc gia vào tháng 5/1990. Đảng NLD của Suu Kyi giành chiến thắng thuyết phúc song các lãnh đạo quân đội từ chối chuyển giao quyền lực.
Suu Kyi bị quản thúc tại gia ở Rangoon trong 6 năm. Bà được trao trả tự do vào tháng 7/1995.
Bà một lần nữa bị quản thúc vào tháng 9/2000 khi cố gắng đến thành phố Mandalay nhằm phản đối các biện pháp hạn chế đi lại. Suu Kyi được trả tự do vô điều kiện vào tháng 5/2002 nhưng chỉ hơn một năm sau bà lại bị bỏ tù sau một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà và lực lượng do chính phủ hậu thuẫn. Bà sau đó được trở về nhà nhưng tiếp tục bị quản thúc tại gia.
Đôi khi Suu Kyi có thể được gặp các quan chức đảng NLD và một số nhà ngoại giao nhưng trong những năm đầu, bà thường bị biệt giam. Bà không được phép gặp hai con trai và chồng mình. Chồng bà qua đời vào tháng 3/1999 vì ung thư.
Giới chức quân sự Myanmar lúc đó đề nghị để bà quay về Anh gặp chồng khi ông ốm nặng nhưng bà từ chối vì sợ rằng sẽ không được quay trở lại đất nước.
Suu Kyi bị gạt sang một bên trong cuộc bầu cử đầu tiên của Myanmar sau hai thập kỷ vào ngày 7/11/2010. Tuy nhiên, bà được bãi bỏ quản thúc tại gia 6 ngày sau đó và gặp lại con trai.
Khi chính phủ mới bắt tay vào cải cách, Suu Kyi và đảng của bà bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại. Họ giành được 43/45 ghế còn trống tại quốc hội gồm 664 thành viên của Myanmar trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4/2012.
Tháng 5/2012, Suu Kyi rời Myanmar lần đầu tiên trong 24 năm, dấu hiệu của sự tin tưởng rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo mới sẽ cho phép bà quay trở lại đất nước.
Từ khi trở thành cố vấn nhà nước, uy tín của Suu Kyi trong vai trò lãnh đạo bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cách bà xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya.
Năm 2017, hàng trăm nghìn người dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh vì một cuộc truy quét của quân đội sau một số vụ tấn công chết người nhằm vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine, vùng duyên hải phía tây đất nước, là nơi sinh sống chủ yếu của người Rohingya.
Myanmar hiện phải đối diện một vụ kiện với cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế, trong khi Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra nước này về tội ác chống lại loài người.
Những người ủng hộ Suu Kyi trước đây trong cộng đồng quốc tế giờ chỉ trích bà vì không làm gì để ngăn hành vi hãm hiếp, giết chóc thậm chí là tội ác diệt chủng có thể xảy ra khi từ chối lên án quân đội hay thừa nhận các hành vi tàn bạo.
Nhiều người ban đầu cho rằng Suu Kyi là một chính trị gia thực dụng chỉ đang cố gắng điều hành một quốc gia đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Nhưng việc bà bảo vệ quân đội trước hành động với người Rohingya tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, hồi năm ngoái được coi là bước ngoặt mới khiến danh tiếng quốc tế của Suu Kyi sụp đổ.
Tuy nhiên, tại quê nhà Myanmar, Suu Kyi vẫn được coi trọng trong cộng đồng tín đồ Phật giáo chiếm đa số, vốn không mấy thiện cảm với người Rohingya theo đạo Hồi.
Kể từ khi lên nắm quyền, Suu Kyi và chính phủ NLD của bà cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì quyết định truy tố các nhà báo và nhà hoạt động dựa trên những luật từ thời thuộc địa.
Bà đã đạt được tiến bộ trong cải cách ở một số lĩnh vực nhưng quân đội vẫn nắm giữ 1/4 số ghế tại quốc hội và kiểm soát các bộ chủ chốt như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Biên giới.
Tháng 8/2018, Suu Kyi mô tả các tướng lĩnh trong nội các của bà là "khá ngọt ngào".
Giới chuyên gia nhận định quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar dường như đang bị đình trệ.
Đại dịch Covid-19 hiện cũng diễn biến khá nghiêm trọng ở nước này, làm gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã nghèo nàn của đất nước. Những biện pháp phong tỏa tàn phá sinh kế người dân.
Dù vậy, độ tín nhiệm của Suu Kyi vẫn ở mức cao. Một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy 79% người dân Myanmar vẫn đặt niềm tin vào bà, tăng từ mức 70% năm 2019.
Sau cuộc bắt giữ Suu Kyi, quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong một năm. Quyền lãnh đạo đất nước được trao cho tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Một số nước đã lên tiếng về vụ việc. Australia kêu gọi quân đội thả những người bị bắt giữ, trong khi Mỹ tuyên bố sẽ "hành động" nếu tiến trình dân chủ ở Mynamar bị cản trở.
Vũ Hoàng (Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét