Tân Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói quan hệ Washington - Bắc Kinh "quan trọng nhất", song phản đối chính sách Tân Cương của Trung Quốc.
"Càng ngày, quan hệ Mỹ - Trung càng có một số khía cạnh bất lợi", tân Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, người đã được Thượng viện xác nhận hôm 26/1, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 27/1. Đây cũng là cuộc họp báo đầu tiên của ông Blinken trên cương vị mới.
Theo ông Blinken, quan hệ với Trung Quốc "được cho là mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta có trên thế giới".
"Vẫn có hợp tác và những hợp tác nằm trong lĩnh vực mà chúng ta cùng có lợi ích để nỗ lực làm việc cùng nhau, gồm vấn đề khí hậu, trong đó có lợi ích của Trung Quốc và lợi ích của Mỹ cùng các nước trên thế giới, để đạt tiến bộ cụ thể nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu", ông nói thêm.
Tuy nhiên, Blinken cũng nhấn mạnh rằng chính sách của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số ở Tân Cương cấu thành "tội diệt chủng". Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Dù đặt Trung Quốc lên đầu danh sách các mối quan hệ song phương quan trọng, Blinken vẫn chưa điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Vài giờ sau khi được xác nhận, Blinken đã gọi cho Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, trong đó ông nhấn mạnh hợp tác giữa Washington, Seoul và Tokyo là điều cần thiết để duy trì "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Hai cuộc gọi khác của Blinken ngay sau khi ông được xác nhận là cho Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard và Ngoại trưởng Canada Marc Garneau. Ông cũng điện đàm với những người đồng cấp ở Anh, Pháp và Đức hôm 27/1.
Việc tiếp cận nhanh chóng của Blinken nêu bật cam kết của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử, nhằm "xây dựng liên minh đối tác và đồng minh cùng chí hướng".
"Về mặt ngoại giao, các cuộc gọi đầu tiên của Blinken ở châu Á sẽ là tới Nhật Bản và Hàn Quốc để trấn an các đồng minh đó, đồng thời đây cùng là những nước có sự hỗ trợ trong khu vực rất quan trọng để đối phó Trung Quốc", Sarah Kreps, giáo sư tại Đại học Cornell, Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, chính quyền Biden được cho là đang tiến gần đến lập trường của cựu ngoại trưởng Mike Pompeo trong việc siết chặt nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27/1 gọi các sản phẩm của Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia.
"Thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các nhà cung cấp không đáng tin cậy, gồm Huawei, là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các mạng viễn thông Mỹ không sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp không đáng tin cậy và chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh để bảo vệ mạng viễn thông của họ", Psakia nói.
Huyền Lê (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét