Trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai ra tòa hôm nay trong phiên điều trần nhằm giành quyền tại ngoại.
"Phiên điều trần hôm nay có thể là phiên tòa quan trọng nhất trong lịch sử Hong Kong sau năm 1977", Antony Dapiran, một luật sư người Hong Kong, nhận định về nỗ lực xin bảo lãnh của Jimmy Lai.
Jimmy Lai, 73 tuổi, ông chủ của Apple Daily, là một trong hơn 100 nhà hoạt động ở Hong Kong bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia mà Bắc Kinh ban hành hồi tháng 6. Lai bị buộc tội "thông đồng với thế lực nước ngoài" vì đã kêu gọi các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Lai bị bắt hồi tháng 12/2020 và ban đầu được tại ngoại, sau khi đồng ý tuân thủ nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, bao gồm quản thúc tại gia và không được trả lời phỏng vấn hay phát ngôn trên mạng xã hội.
Nhưng vài ngày sau, Tòa phúc thẩm Hong Kong quyết định đưa ông trở lại nhà giam trong thời gian chờ đợi phiên điều trần tuần này. Trong phiên điều trần, các thẩm phán hàng đầu của Hong Kong sẽ phải xem xét trường hợp của Lai giữa Luật An ninh Quốc gia và hệ thống luật của đặc khu.
Giới chuyên gia pháp lý nhận định kết quả của phiên tòa sẽ cho thấy liệu cơ quan tư pháp Hong Kong có sẵn lòng đi ngược lại Luật An ninh Quốc gia hay không.
"Đây là cơ hội đầu tiên cho tòa án cấp cao nhất của Hong Kong thể hiện quan điểm của mình về Luật An ninh Quốc gia, cũng như thể hiện cơ quan này có thể làm theo hệ thống thông luật của Hong Kong và các biện pháp bảo vệ nhân quyền hiện hành hay không", luật sư Dapiran nói.
Luật An ninh Quốc gia là bước ngoặt trong quan hệ Hong Kong với Trung Quốc đại lục từ khi thành phố được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Luật này hình sự hóa hành vi và cho phép nhân viên an ninh Trung Quốc đại lục hoạt động trong đặc khu, cũng như trao quyền xét xử cho Trung Quốc đại lục trong một số trường hợp.
Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh ban hành không có quy định bảo lãnh, trong khi đây là một biểu tượng của hệ thống luật pháp thông luật đặc thù của Hong Kong.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đại lục đã tuyên bố Lai có tội, mong đợi các thẩm phán Hong Kong sẽ sát cánh cùng Bắc Kinh trong vấn đề an ninh quốc gia, nghĩa là bất kỳ động thái nào đi ngược lại với Luật An ninh Quốc gia đều có thể khiến cơ quan tư pháp Hong Kong rơi vào tình thế xung đột với chính quyền trung ương.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét