Thư ký Nhà Trắng nói Biden ký hơn 40 sắc lệnh hành pháp trong tuần đầu tại vị nhằm "thực hiện các cam kết trong phát biểu nhậm chức".
"Trước tiên, tôi phải nói rằng một phần của quá trình đoàn kết đất nước là giải quyết các vấn đề mà người dân Mỹ đang phải đối mặt và nỗ lực liên hệ với các thành viên lưỡng đảng để thực hiện chính xác điều đó. Tổng thống đã liên hệ với nhiều nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, ngài ấy đang thực hiện nhiều cuộc gọi hơn trong hôm nay", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 28/1, khi được hỏi về số sắc lệnh hành pháp cao kỷ lục mà Tổng thống Joe Biden ký trong tuần đầu nhiệm kỳ.
Psaki cho biết việc tân Tổng thống Biden ban hành hơn 40 sắc lệnh trong thời gian qua là một phần trong việc thực hiện các cam kết ông đã nêu trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1.
"Ngài ấy ra tranh cử với cam kết hành động ngay lập tức để giải quyết nỗi đau và khó khăn mà người dân Mỹ đang gánh chịu, bao gồm việc đảo ngược một số chính sách và hành động bất lợi, gây hại hay thậm chí là đi ngược đạo đức của chính quyền tiền nhiệm", Thư ký Báo chí Nhà Trắng nói thêm.
Psaki cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng việc Tổng thống Biden "lạm dụng" các sắc lệnh hành pháp, quy trình có thể giúp ông "phớt lờ" quốc hội, đã đi ngược lại lời hứa đoàn kết của ông.
Các đảng viên Cộng hòa, trong đó gồm nhiều người từng ngợi ca cựu tổng thống Donald Trump khi ông ký loạt sắc lệnh hành pháp, lại công khai chỉ trích Biden bỏ qua các quy trình dân chủ để ban hành những sắc lệnh mà thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio gọi là "chương trình nghị sự cực tả".
Thư ký Báo chí Nhà Trắng cũng nói rằng gói cứu trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD đã được người dân ủng hộ mạnh mẽ và Nhà Trắng sẵn sàng làm việc với các nghị sĩ lưỡng đảng để thông qua. Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng hòa cho rằng con số 1,9 nghìn tỷ USD quá lớn và Biden có thể đối mặt khó khăn nếu muốn quốc hội thông qua gói cứu trợ này.
Sắc lệnh hành pháp là một phần trong quyền lực to lớn của Tổng thống Mỹ, được người đứng đầu Nhà Trắng ban hành để nhanh chóng thực thi các chính sách mà không phải thông qua quốc hội. Sắc lệnh hành pháp mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng cũng dễ dàng bị tổng thống kế nhiệm đảo ngược.
Cựu tổng thống Donald Trump trong những giờ đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2017 chỉ ký một sắc lệnh duy nhất tập trung vào việc "giảm thiểu gánh nặng kinh tế" của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), hay còn được gọi là Obamacare.
Ngọc Ánh (Theo Yahoo News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét