Cảnh sát Nga bắt hơn 5.100 người tham gia biểu tình tại nhiều thành phố lớn trên toàn quốc đòi trả tự do cho thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
Những người này bị bắt khi tham gia các cuộc biểu tình khắp nước Nga với quy mô hàng chục nghìn người cuối tuần qua, yêu cầu giới chức thả Navalny, theo nhóm quan sát OVD-Info.
Tại Moskva, nhà chức trách áp đặt các biện pháp an ninh chưa từng có ở khu vực trung tâm, như đóng cửa ga tàu điện ngầm gần Điện Kremlin, giảm lưu lượng xe buýt và yêu cầu các nhà hàng, cửa hàng đóng cửa.
Nhóm biểu tình ủng hộ Nalvany ban đầu kêu gọi tổ chức tuần hành vào 31/1 ở quảng trường Lybyanka, nơi đặt trụ sở chính của Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Khi đối mặt với cảnh sát xung quanh quảng trường, người biểu tình di chuyển sang những quảng trường và đường phố khác ở khu vực trung tâm.
Có lúc đám đông đi về phía nhà tù Matrosskaya Tishina, nơi Nalvany đang bị giam, nhưng bị cảnh sát chống bạo động chặn lại. Họ tiếp tục tuần hành quanh thủ đô, đi qua nhiều chốt bảo vệ của cảnh sát.
Hơn 1.600 người tham gia biểu tình ở Moskva bị bắt, bao gồm Yuli, vợ của Nalavny. Cô đã được thả sau vài giờ điều trần trước tòa án hôm nay với cáo buộc tham gia biểu tình chưa được cấp phép.
Vài nghìn người đã tuần hành khắp St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai nước Nga, ẩu đả sau đó nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát, khiến hơn 1.100 người bị bắt. Một số cuộc biểu tình lớn nhất được tổ chức ở Novosibirsk và Krasnoyarsk tại khu vực Đông Siberia và Yekaterinburg ở Urals.
Bộ Nội vụ Nga trước đó cảnh báo người dân không tham gia các cuộc biểu tình "trái phép". Luật liên bang Nga yêu cầu nhà tổ chức phải nộp đơn xin phép cho chính quyền địa phương ít nhất 10 ngày trước khi tiến hành biểu tình.
Navalny bị bắt hôm 17/1, ngay khi vừa về nước cùng vợ sau nhiều tháng điều trị tại Đức. Nhà hoạt động đối lập này và nhiều nước châu Âu cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng bằng chất độc thần kinh Novichok có từ thời Liên Xô, nhưng Moskva bác bỏ.
Giới chức Nga cho biết Navalny bị bắt với cáo buộc vi phạm quy định về án treo và sẽ bị tạm giam đến cuối tháng, khi một phiên tòa được tổ chức nhằm quyết định có chuyển bản án treo của ông thành án tù 3,5 năm hay không.
Navalny từng nhiều lần dẫn đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố Nga, gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019 khi các đồng minh của ông không được phép tham gia các cuộc bầu cử địa phương.
Việc Nga bắt Navalny hứng chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, Nga nhiều lần đáp trả, yêu cầu các lãnh đạo nước ngoài "tôn trọng luật pháp quốc tế" và "xử lý các vấn đề trong đất nước" của họ. Điện Kremlin cũng khẳng định sẽ không xem xét yêu cầu thả Navalny của các nước phương Tây bởi đây là vấn đề nội bộ.
Hồng Hạnh (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét