Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Ấn - Trung bắt đầu rút quân khỏi điểm nóng tranh chấp

Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi hồ Pangong, khu vực tranh chấp dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC), sau bế tắc kéo dài 8 tháng.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết hai bên bắt đầu rút quân "đồng thời" một cách "có kế hoạch, trật tự" hôm 10/2. Động thái nhằm thực hiện thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ chín giữa chỉ huy quân đội hai nước ngày 24/1.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận thời điểm bắt đầu rút quân và kêu gọi phía Ấn Độ duy trì cam kết.

"Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ và phía Trung Quốc sẽ hành động theo cùng một hướng, thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận mà cả hai bên đã đạt được và đảm bảo việc thực hiện suôn sẻ quá trình rút quân", ông Uông nói.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc diễn tập chung tại bang Meghalaya, Ấn Độ, tháng 12/2019. Ảnh: PLA.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc diễn tập chung tại bang Meghalaya, Ấn Độ, tháng 12/2019. Ảnh: PLA.

Hồ Pangong, nằm giữa Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, là một trong những khu vực tranh chấp nhất dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước. Ấn Độ kiểm soát vùng phía tây, trong khi Trung Quốc kiểm soát phía đông.

Việc rút quân được xem là dấu hiệu tích cực trong cuộc đối đầu quân sự tồi tệ nhất trên dãy Himalaya suốt nhiều thập kỷ giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân. Căng thẳng bắt đầu tháng 5/2020 và lên đỉnh điểm vào tháng 6 với cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan, phía bắc hồ Pangong, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc được cho là cũng chịu thương vong, song không công bố.

Bắc Kinh và New Delhi đều cam kết giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Các chỉ huy quân khu Nam Tân Cương của Trung Quốc và Quân đoàn 14 của Ấn Độ, những đơn vị phụ trách khu vực này, đã gặp nhau 9 lần ở biên giới để đàm phán về kế hoạch rút quân.

Việc rút quân diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường khuôn khổ "Bộ Tứ", liên minh khu vực giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ là thành viên duy nhất trong "Bộ Tứ" có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc.

Huyền Lê (Theo SCMP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét