Chính quyền Biden đe dọa sẽ trừng phạt quân đội Myanmar vì "tước đoạt quyền lực" từ chính phủ dân sự, song ông thực sự không có nhiều lựa chọn.
Năm 2011, chính quyền quân sự Myanmar bắt đầu quá trình cải cách dân chủ khi trao lại quyền lực cho một chính phủ bán dân sự của cựu tướng Thein Sein, khôi phục nhiều quyền cơ bản của công dân, bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế về tụ họp và bày tỏ ý kiến. Sự trỗi dậy của nền dân chủ Myanmar ban đầu được ca ngợi là thành tựu quan trọng dưới chính quyền Obama, thời kỳ Biden còn giữ chức phó tổng thống.
Nó đánh dấu bước chuyển mình mở cửa tại một quốc gia mà trước đó tương đối tách biệt với thế giới bên ngoài và lâu nay nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi tháng 11/2015 giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar trong vòng 25 năm, Ben Rhodes, trợ lý chính sách đối ngoại cấp cao cho Obama, đã bày tỏ sự ủng hộ và kêu gọi Myanmar sửa đổi hiến pháp để bà có thể trở thành tổng thống.
Nhưng Aung San Suu Kyi, người bị bắt hôm 2/1 sau cuộc binh biến của quân đội, đã nhanh chóng đánh mất ủng hộ từ phương Tây khi không làm gì để ngăn chặn hay thừa nhận những cáo buộc "thảm sát" mà quân đội nước này được cho là đã gây ra với cộng đồng dân tộc thiểu số Rohingya.
Tân Tổng thống Mỹ Biden trong một tuyên bố mạnh mẽ hôm 1/2 cảnh báo sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Myanmar và kiên định ủng hộ nguyên tắc dân chủ, như những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
"Mỹ sẽ đấu tranh vì dân chủ tại bất cứ nơi nào nó bị tấn công", Biden nói, yêu cầu quân đội Myanmar "ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ vừa chiếm giữ".
Tuy nhiên, Derek Mitchell, đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar sau khi nước này mở cửa, cho rằng Washington hiện không còn được hưởng những đòn bẩy lợi thế như trước đây nữa để gây sức ép với giới quân sự Myanmar.
"Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng Rohingya về cơ bản đã đưa mọi thứ trở về vạch xuất phát. Với lý do chính đáng, hiển nhiên chúng ta cần lên tiếng và chống lại tội ác diệt chủng nhưng nó phải trả giá bằng mối quan hệ", ông nói.
Mitchell, hiện là chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia Mỹ, nhấn mạnh thế giới cần tôn trọng chiến thắng áp đảo của đảng Liên minh Dân tộc (NLD) của Suu Kyi trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Theo ông, ánh hào quang của Suu Kyi như "biểu tượng dân chủ toàn cầu" trong lòng phương Tây giờ đây đã tắt, sau những phản ứng của bà đối với cuộc khủng hoảng của người Rohingya. Tuy nhiên, ông khẳng định bà vẫn là một "lựa chọn dân chủ" của người dân Myanmar và cộng đồng quốc tế cần tôn trọng lựa chọn đó.
"Vấn đề không nằm ở một cá nhân, mà ở cả quá trình", Mitchell nhấn mạnh.
Suzanne DiMaggio, chuyên gia cấp cao tại Viện hòa Bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho rằng chính quyền Biden không nên lập tức áp đặt trừng phạt lên Myanmar, mà hãy thử con đường ngoại giao.
"Myanmar là một phép thử bất ngờ đối với chính quyền Biden, vốn luôn đề cao nhân quyền và dân chủ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của họ", DiMaggio đánh giá. "Nhanh chóng cử một đặc phái viên đến Naypyidaw với sự ủng hộ hiếm hoi từ lưỡng đảng có lẽ là bước đi thích hợp tiếp theo", bà nói, nhắc tới thủ đô 15 năm tuổi của Myanmar.
Khi Myanmar bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã thu phục những nhà cải cách trong chính quyền quân sự nước này bằng lời hứa về hợp tác kinh tế, giảm nhẹ trừng phạt cũng như sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mỹ giờ đây không có nhiều đề nghị hấp dẫn đối với một người đứng đầu quân đội đang có những mục tiêu khiến ông quay lưng với một thập kỷ thay đổi của Myanmar.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing, người dẫn đầu cuộc binh biến, đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì chiến dịch chống lại người Rohingya mà theo Washington là hành động "thanh trừng sắc tộc".
"Đưa ra tuyên bố thì dễ nhưng rất khó để xác định việc gì cần làm tiếp theo", Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. "Họ còn làm được gì hơn nữa? Tôi nghĩ họ có thể trừng phạt vài công ty quân đội Myanmar. Điều này sẽ mang đến chút ít áp lực bởi ảnh hưởng của quân đội đã ăn sâu bén rễ vào nhiều lĩnh vực kinh tế Myanmar".
Các quốc gia chủ yếu mà Mỹ có thể hợp tác trong nỗ lực xử lý vấn đề Myanmar là Nhật Bản và Ấn Độ, hai đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực và có mối quan hệ nồng ấm với Myanmar. Ấn Độ vài ngày trước vừa chuyển 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 viện trợ cho Myanmar.
Trung Quốc cũng phát triển những mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo dân sự Myanmar, những người vốn rất quan tâm tới sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng.
"Một điều trớ trêu là tôi nghĩ Trung Quốc thực sự có quan hệ tốt với Aung San Suu Kyi hơn là quân đội Myanmar", Hiebert cho hay.
Nhưng trước viễn cảnh phương Tây siết chặt vòng vây, các lãnh đạo quân sự mới của Myanmar không còn lựa chọn nào khác là dựa vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Biden từng hứa sẽ tập trung hơn vào các mối quan hệ với đồng minh và rất nhiều người ở Đông Nam Á đang háo hức coi Washington như một hàng rào chống lại ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
"Chuyện xảy ra ở Myanmar lập tức khiến tầm nhìn này trở nên khó khăn hơn", Hiebert nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét