Chuyên gia nhận định Đại hội XIII tiếp tục cho thấy sự nhất quán cần thiết về đường hướng của Đảng để chèo lái Việt Nam vượt qua thách thức.
Đại hội XIII của Đảng đã bế mạc sáng 2/1, sau 8 ngày làm việc với sự tham gia của 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước.
Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại Viện nghiên cứu khu vực Leiden ở Hà Lan, đánh giá đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với Việt Nam, khi "quyết định chủ trương của Đảng và Nhà nước" trong 5 năm tới, nhằm đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống của người dân trong bối cảnh kinh tế, chính trị quốc tế ngày càng phức tạp.
Đại hội đã thông qua những mục tiêu cụ thể cho Việt Nam trong 5 năm tới và xa hơn. Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 đạt trung bình từ 6,5% - 7% mỗi năm.
Đại hội cũng đã bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) với 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được tái bầu là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "với số phiếu gần như tuyệt đối".
"Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư nhiệm kỳ ba có thể cho thấy sự nhất trí về việc cần có bàn tay lãnh đạo vững vàng và dày dạn, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều bất ổn nghiêm trọng như hiện nay", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, nhận định.
Theo chuyên gia Philippines, chèo lái đất nước tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vì đại dịch và đối phó với tình trạng gia tăng cạnh tranh nước lớn là hai thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới.
"Việc xử lý tốt đại dịch và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã nâng cao sự đúng đắn của giới lãnh đạo Việt Nam. Sự lãnh đạo vững vàng và quen thuộc như vậy có thể giúp Việt Nam đạt được tình trạng ổn định cần thiết để vượt qua những cơn bão phía trước", ông Pitlo III chia sẻ.
Nhìn lại một năm vừa qua, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã đối mặt với thách thức chưa từng có, khi đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng tứ bề và cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Bên cạnh đó, thế giới còn đối mặt với những khuynh hướng xuất hiện từ nhiều năm nay như chống lại toàn cầu hóa, chống lại thương mại tự do, chủ nghĩa bảo hộ, làm xói mòn chủ nghĩa đa phương.
Tuy nhiên, Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về khả năng chống dịch, cũng như việc đảm trách thành công các trọng trách đối với khu vực và quốc tế, như Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. Giới chuyên gia nhận định sự lãnh đạo vững vàng và nhất quán của Đảng và Nhà nước là yếu tố góp phần to lớn làm nên những thành công trên.
"Dù có thông tin Covid-19 xuất hiện lại, cho đến nay, khả năng lãnh đạo của Đảng và nhà nước đã khiến quốc tế khá ấn tượng. Sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng và nhà nước Việt Nam rõ ràng đã mang lại hiệu quả", chuyên gia London nói.
Bảng xếp hạng Chỉ số Ứng phó Covid-19 được Viện Lowy ở Sydney, Australia, công bố ngày 28/1 cho thấy Việt Nam đứng hàng đầu về khống chế đại dịch thành công trong số gần 100 quốc gia trên thế giới. Việt Nam, với chiến lược xét nghiệm diện rộng và khoanh vùng cách ly tập trung, được xem là một hình mẫu chống Covid-19.
"Khả năng ứng phó với đại dịch và khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể cung cấp những bài học quý giá cho khu vực trong tương lai, bởi Covid-19 có lẽ không phải là dịch bệnh cuối cùng tấn công thế giới", chuyên gia Pitlo III nhận định.
Ông Pitlo III thêm rằng nếu có thể tiếp tục khéo léo duy trì mối quan hệ với hai đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể trở thành "khuôn mẫu" cho các nước trong khu vực Đông Nam Á đang phải đương đầu với bài toán ngoại giao này.
Nhận định về chính sách của Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng, ông Jonathan London cho rằng sẽ không có những thay đổi quá lớn, thay vào đó là các điều chỉnh dựa nên đường hướng nhất quán. Ông dẫn chứng về vấn đề Biển Đông và cho rằng chính sách của các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền hầu như không thay đổi qua các kỳ đại hội.
"Một đặc điểm của Việt Nam là dù có sự đa dạng nhất định trong những thảo luận cấp cao, các đường hướng chính sách vẫn khá nhất quán", ông London nói.
Sự nhất quán này được cho là "chìa khóa" quan trọng góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành công và vượt qua các thách thức, khi mà giới chuyên gia dự báo Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước trong bối cảnh tình hình đại dịch còn diễn biến khó lường, cùng các thách thức phi truyền thống, các cuộc khủng hoảng bất ngờ, cũng như cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét