Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Dàn cảm biến tàu ngầm Nhật 'bất lực' trước tàu hàng

Tàu ngầm JS Soryu mang hàng loạt cảm biến hiện đại, nhưng không thể cảnh báo và ngăn chặn vụ va chạm tồi tệ với tàu hàng Ocean Artemis.

"Tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường và phát hiện tàu hàng qua kính tiềm vọng khi đang nổi lên, nhưng không kịp né tránh. Thiết bị thông tin liên lạc trên tàu ngầm bị hư hỏng, khiến thủy thủ đoàn mất hơn 3 tiếng di chuyển đến nơi có sóng điện thoại để báo cáo", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết hôm 8/2, đề cập tới vụ tàu ngầm JS Soryu va chạm với tàu hàng Ocean Artemis ngoài khơi bờ biển phía nam nước này.

Sự cố khiến cánh lái bên phải của JS Soryu bị gãy gập, một phần thượng tầng cũng bị móp và tàu ngầm phải di chuyển trong trạng thái nổi để về căn cứ. Thiết bị liên lạc trên tháp chỉ huy của tàu ngầm cũng đã hư hại sau cú va chạm mạnh.

Nguyên nhân dẫn tới vụ va chạm chưa được xác định, nhưng giới chuyên gia cho rằng sự cố một lần nữa cho thấy hiểm họa luôn hiện hữu trong hoạt động của tàu ngầm.

JS Soryu bị hư hại nặng sau vụ va chạm hôm 8/2. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản.

JS Soryu bị hư hại nặng sau vụ va chạm hôm 8/2. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản.

"Tàu ngầm dễ gặp sự cố nhất khi nâng kính tiềm vọng khỏi mặt nước, do rất khó xác định tình hình xung quanh. Kíp điều khiển tàu ngầm phải hiểu rõ điều này và tuân thủ quy trình nổi lên một cách cẩn thận, bao gồm xác nhận an toàn bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar)", giáo sư Ito Toshiyuki, cựu phó đô đốc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, nhận xét.

Tàu ngầm lớp Soyru được trang bị hàng loạt cảm biến, trong đó chủ lực là tổ hợp sonar Hughes/Oki ZQQ-7, với một sonar ở mũi, 4 cụm sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi để tăng khả năng theo dõi. Bên cạnh đó là kính tiềm vọng quang điện tử và radar nhìn vòng cảnh giới đường không ZPS-6F cho mục tiêu mặt nước và máy bay.

Thủy thủ đoàn có thể sử dụng sonar chủ động để phát hiện chướng ngại vật và cảnh báo nguy cơ va chạm. Tuy nhiên, chúng thường hiếm khi được kích hoạt trong các kịch bản chiến đấu, do sonar chủ động phát ra tín hiệu âm thanh có thể đánh động tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay săn ngầm đối phương.

"Có một số điều kiện cho phép vận hành sonar chủ động trong thời gian ngắn để nhận diện môi trường xung quanh, nhưng điều kiện tác chiến thường không ủng hộ hành động này. Nếu bạn tự phát ra tín hiệu, chắc chắn sẽ có người phát hiện ra bạn", cựu sĩ quan tàu ngầm Anh Jeff Tall cho hay.

Tàu ngầm cũng có thể sử dụng sonar thụ động, vốn không phát ra tín hiệu mà chỉ thu thập sóng âm từ môi trường. Nó cung cấp ít thông tin và có độ chính xác thấp hơn sonar chủ động, nhưng hoàn toàn đủ khả năng phát hiện một tàu hàng lớn như Ocean Artemis.

Một tàu ngầm lớp Soryu nổi lên trong diễn tập hồi năm 2019. Ảnh: JMSDF.

Một tàu ngầm lớp Soryu nổi lên trong diễn tập hồi năm 2019. Ảnh: JMSDF.

Trong quá trình lặn, tàu ngầm thường dựa vào hệ thống định vị quán tính để cung cấp dữ liệu vị trí chính xác, nhưng nó chỉ hỗ trợ vượt qua các chướng ngại vật cố định. Hệ thống này cũng cần được cân chỉnh liên tục để bảo đảm chính xác, cũng như phụ thuộc rất nhiều vào bản đồ đáy biển.

"Nổi lên mặt biển là một trong những quá trình nguy hiểm nhất một tàu ngầm phải trải qua. Trước khi thực hiện thao tác này, thủy thủ đoàn phải vạch lộ trình của mọi vật thể đã được phát hiện trước đó, gồm tàu hàng dân sự và chiến hạm", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.

Chưa rõ vì sao kíp vận hành tàu ngầm JS Soryu chỉ phát hiện được tàu hàng Ocean Artemis ngay trước va chạm, khiến họ không kịp áp dụng biện pháp cơ động né tránh. "Nếu hệ thống cảm biến hoạt động bình thường, có thể đã xảy ra vấn đề với trình độ của thủy thủ đoàn hoặc khả năng phối hợp của họ", cựu phó đô đốc Toshiyuki nhận xét.

Vũ Anh (Theo Drive)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét