Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

Gần 105 triệu ca nCoV toàn cầu, châu Âu bắt đầu đón nhận vaccine Nga

Toàn cầu đã ghi nhận gần 105 triệu ca nCoV, gần 2,3 triệu người chết, Thủ tướng Đức nói rằng EU có thể sử dụng vaccine Sputnik V sau khi nó được khối này phê duyệt.

Thế giới ghi nhận 104.853.916 ca nhiễm và 2.275.668 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 506.173 và 14.379 ca trong 24 giờ qua. 76.499.721 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.

Sputnik V, đã được triển khai ở Nga và một số quốc gia khác, được phát hiện có hiệu quả 91,6% đối với các ca nhiễm nCoV có triệu chứng, trong kết quả thử nghiệm được công bố bởi tạp chí ý khoa hàng đầu Lancet.

"Không còn lập luận nào cho những người chỉ trích loại vaccine này, bài báo trên Lancet là nước cờ chiếu tướng", Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), bên tham gia phát triển Sputnik V, nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng "mọi loại vaccine đều được chào đón ở Liên minh châu Âu" sau khi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận. Bà cho biết đã nói chuyện với Putin vào tháng trước về cách Đức có thể hỗ trợ các nỗ lực vaccine của Nga, đề gợi ý rằng Viện Paul Ehrlich của Đức có thể hỗ trợ Nga trong quy trình đăng ký xin phê duyệt ở EMA.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 3/2 xác nhận họ đang đàm phán với Moskva về khả năng sản xuất Sputnik V ở Đức hoặc các nơi khác ở châu Âu.

Các liều Sputnik V tại bệnh viện ở Argentina hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Các liều Sputnik V tại bệnh viện ở Argentina hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 100.397 ca nhiễm và 3.415 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 27.136.640 và 461.346 người chết.

Từ khi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Mỹ phải mất 311 ngày, tức đến ngày 27/11/2020 mới ghi nhận 13 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, chỉ trong 64 ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 13 triệu ca.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 29/1 yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi đi máy bay, tàu thủy, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi cũng như tại các trung tâm vận chuyển hành khách như sân bay, bến xe buýt, bến phà, ga tàu, cảng biển. Lệnh trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 23h59 ngày 1/2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc tiêm chủng cho toàn bộ dân số Mỹ là một thách thức khó khăn và chương trình tiêm chủng kế thừa từ chính quyền Trump "đang ở tình trạng tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán hoặc mong đợi".

"Đây là công việc thời chiến", ông nói, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ mua thêm 200 triệu liều và sẽ đủ để tiêm chủng cho 300 triệu người Mỹ, tức hầu như toàn bộ dân số, vào đầu mùa thu.

Gần 32,8 triệu liều vaccine Covid-19 đã được phân phối trên khắp nước Mỹ, theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố ngày 2/2. Khoảng 8% dân số Mỹ, tương đương trên 26,4 triệu người, đã được tiêm ít nhất một liều và khoảng 6 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 12.703 ca nhiễm và 99 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.790.909 và 154.734.

Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ hoàn toàn tự chủ nguồn cung cấp vaccine Covid-19, trong bối cảnh quốc gia này đã tiêm hơn hai triệu liều kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. Giới chức Ấn Độ đã thảo luận với hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna về sản xuất vaccine của họ tại nước này. Pfizer cũng đang tìm cách xin cấp phép sử dụng vaccine tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân Ấn Độ quyết định không tiêm vaccine Covid-19, do lo ngại tác dụng phụ sau những tin tức về tình trạng sốc phản vệ hoặc tử vong. Giới chức y tế châu Âu cho biết không có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân gây ra cái chết của một vài người trong viện dưỡng lão sau khi tiêm chủng.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.180 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 227.563. Số người nhiễm nCoV tăng 53.164 ca trong 24 giờ qua, lên 9.339.420.

Cơ quan quản lý y tế Brazil ngày 3/2 cho biết họ sẽ thay đổi các yêu cầu xung quanh việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine, để cho phép phê duyệt vaccine được thử nghiệm bên ngoài nước này. Trước đó, chỉ vaccine được thử nghiệm giai đoạn ba ở Brazil mới đủ điều kiện để được phép sử dụng khẩn cấp.

Cơ quan quản lý cho biết động thái này sẽ giúp tăng nguồn cung vaccine trong nước. Hiện tại, chỉ những mũi tiêm do AstraZeneca và công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển mới được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil.

Trung tâm y sinh Butantan của Brazil cho biết khoảng 8,5 triệu liều vaccine CoronaVac, do công ty Sinovac sản xuất, đến nước này vào ngày 3/2, đồng thời hy vọng lô hàng số lượng tương tự đến ngay sau đó. Butantan cũng có kế hoạch thiết lập một nhà máy hoàn toàn dùng để sản xuất vaccine Trung Quốc vào đầu năm tới.

Lo ngại về tình hình đại dịch ở Brazil giờ đây tập trung vào thành phố Manaus, bang Amazonas. Hệ thống y tế khẩn cấp của thành phố gần như sụp đổ, không có nguồn cung oxy cho bệnh nhân, buộc chính phủ huy động bình oxy từ khắp cả nước để cứu các bệnh nhân. Đây cũng là nơi xuất hiện biến chủng nCoV mới với những đặc điểm tương đồng các chủng siêu lây nhiễm ở Anh và Nam Phi.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 16.474 ca nhiễm nCoV và 526 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.901.204 và 74.684. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đang có chiều hướng giảm.

Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại Nga được khởi động từ ngày 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi. Vaccine Sputnik V Nga đang sử dụng cũng đã được phê duyệt ở nhiều nước trên thế giới.

Sputnik V đã được phê duyệt ở hơn 15 quốc gia, bao gồm một số nước thuộc Liên Xô, Argentina, Tunisia và Pakistan. Giới chức Nga cho biết hơn hai triệu người trên khắp thế giới đã tiêm vaccine này. Điện Kremlin ngày 3/2 cho biết Nga đặt mục tiêu tăng cường sản xuất Sputnik V ở nước ngoài.

Anh ghi nhận thêm 1.322 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 109.335, trong khi số ca nhiễm tăng 19.202 ca so với hôm trước, lên 3.871.825.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết chính phủ đang nỗ lực tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 3.500 người nhập viện mỗi ngày. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo hôm 26/1 nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.

Hancock ngày 3/2 cho biết hơn 10 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, mô tả cột mốc quan trọng này là "cực kỳ quan trọng".

Anh đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 70 tuổi, những người dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế tuyến đầu vào giữa tháng hai. Tốc độ tiêm chủng hiện đang ở mức 400.000 mũi mỗi ngày, khiến Anh chỉ đứng sau Israel và UAE về số liều tiêm trên 100 người.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 26.362 ca nhiễm và 357 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.251.160 và 77.595.

Tình hình dịch bệnh ở Pháp làm dấy lên lo ngại về đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron bác khả năng này, khẳng định lệnh giới nghiêm hiện nay sẽ đủ để kiềm chế virus lây lan, trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến chủng mới được cho là dễ lây nhiễm hơn.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 31/1 cho biết số ca nhiễm mới hầu như không tăng trong tuần qua, trong khi các chỉ số khác, chẳng hạn như dấu vết của virus được phát hiện trong nước thải, cũng khiến họ yên tâm.

Chính phủ Pháp đã đưa ra lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt vào ban đêm sau khi đợt phong tỏa lần thứ hai kết thúc hồi tháng 12. Pháp, quốc gia 67 triệu dân, hôm 1/2 cho biết đã tiêm hơn 1,5 triệu mũi vaccine Covid-19 trong chương trình tiêm chủng, con số cao hơn 50.000 so với 24 giờ trước đó.

Iran, vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Đông, ghi nhận thêm 6.870 ca nhiễm và 79 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.438.286 và 58.189. Các con số có xu hướng giảm trong những tuần gần đây.

Iran đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng trong nước, đồng thời đang nỗ lực mua vaccine từ AstraZeneca và các công ty khác. Trong chuyến thăm Moskva, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cho hay họ có kế hoạch nhập khẩu và sản xuất Sputnik V. Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani, quá trình tiêm chủng sẽ bắt đầu trong những tuần tới.

Bộ trưởng Y tế Iran ngày 3/2 thông báo Iran dự kiến nhận được hơn 4 triệu liều AstraZeneca kể từ giữa tháng hai thông qua chương trình phân phối vaccine Covax.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.111.671 ca nhiễm, tăng 11.984, trong đó 30.770 người chết, tăng 189. Giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Gunadi Sadikin cho biết sẽ có những cải tiến trong công tác chống dịch, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ hướng dẫn y tế. Chính phủ đã khởi động chương trình tiêm chủng hàng loạt từ đầu tháng, siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển, trong bối cảnh hệ thống bệnh viện chịu áp lực ngày càng lớn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chính phủ Indonesia nên ban hành quy định rõ ràng hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn nữa.

Từ 3/2, Indonesia khởi động một chương trình sàng lọc Covid-19 tại các ga tàu bằng cách sử dụng máy đo hơi thở. Máy đó GeNose được phát triển bởi Đại học Gadjah Mada (UGM), trường này cho biết nó phát hiện phản ứng giữa nCOV và mô cơ thể trong đường hô hấp với độ chính xác ít nhất 95%. Người dùng được yêu cầu thổi vào túi và có kết quả chỉ sau hai phút.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, báo cáo 530.118 ca nhiễm và 10.942 ca tử vong, tăng lần lượt 1.266 và 68 ca. Tình hình càng gây lo ngại khi các lô vaccine Covid-19 dự kiến tới nửa sau của năm mới bắt đầu đến nơi.

Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại nước này, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 25/1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét