Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Internet tại Myanmar khôi phục một phần

Internet tại Myanmar ngày 7/2 được khôi phục sau một ngày gián đoạn, giữa lúc hàng chục nghìn người xuống đường phản đối việc quân đội tiến hành đảo chính.

"Việc khôi phục một phần Internet ở Myanmar đã được xác nhận từ 14h giờ địa phương từ nhiều nhà cung cấp sau khi bị mất kết nối", dịch vụ giám sát Internet Netbocks viết trên mạng xã hội Twitter.

Myanmar mất kết nối mạng từ hôm 6/2 theo mệnh lệnh từ quân đội. Netblocks cho biết các nền tảng mạng xã hội vẫn bị giới hạn tính đến chiều qua. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng điện thoại di động của các nhà mạng như MPT, Ooredoo, hay Telenor... hiện có thể truy cập dữ liệu Internet di động và Wi-Fi.

Sáng 7/2, Netblocks cho hay kết nối Internet tại Myanmar chỉ ở mức 14% so với bình thường.

Đám đông biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Đám đông biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố Yangon hôm qua, đánh dấu ngày biểu tình thứ hai liên tiếp ở thành phố lớn nhất Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Những đám đông khổng lồ từ khắp các ngõ ngách của Yangon đã tụ tập lại và cùng hướng về chùa Sule ở trung tâm thành phố.

Cảnh sát vũ trang với lá chắn chống bạo động đã dựng rào chắn nhưng không tìm cách ngăn biểu tình. Một số người tuần hành tặng hoa cho cảnh sát như cử chỉ của hòa bình.

Những người biểu tình thực hiện chào bằng ba ngón tay, hành động đã trở thành biểu tượng của phong trào phản đối đảo chính. Các tài xế bấm còi xe liên tục và hành khách giơ cao chân dung Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, người bị quân đội bắt trong cuộc đảo chính hồi đầu tuần trước, yêu cầu trả tự do cho bà.

"Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi làm nên lịch sử. Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng", Ye Yint, 29 tuổi, người tham gia biểu tình, nói.

Trong một cuộc tụ tập khác ngày 7/2, ít nhất 2.000 nhà hoạt động công đoàn, sinh viên và công chúng đã tập hợp tại một ngã tư lớn gần Đại học Yangon. Họ diễu hành trên đường phố, nhận được sự ủng hộ thông qua tiếng còi xe của các tài xế.

Cảnh sát trong trang phục chống bạo động chặn lối vào trường đại học. Hai xe vòi rồng được nhìn thấy đậu gần đó.

Bất chấp Internet bị ngắt kết nối, một số ít người vẫn có thể phát trực tiếp cuộc biểu tình trên mạng xã hội Facebook. Nhiều người dùng cho biết mạng Internet dường như đã được khôi phục vào chiều qua.

Quân đội không đưa ra bình luận. Các bản tin trên kênh truyền hình nhà nước Myanmar không đề cập tới các cuộc biểu tình.

Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Suu Kyi và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Cảnh sát Myanmar cáo buộc Suu Kyi nhập trái phép thiết bị liên lạc và tạm giữ bà đến ngày 15/2 để điều tra.

Quân đội Myanmar ngày 2/2 cảnh báo dân chúng không đăng những "tin đồn trên mạng xã hội" có thể kích động "bạo loạn và gây bất ổn". Facebook cùng ngày xóa một trang liên quan đến mạng lưới truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.

Lãnh đạo các nước và tổ chức thế giới đã lên tiếng hy vọng Myanmar giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình cũng như sớm trở lại ổn định. Cuộc đảo chính ngày 1/2 cũng dẫn tới một số cuộc biểu tình phản đối ở các nước như Thái Lan và Nhật Bản.

Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét