Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Mỹ chỉ trích Malaysia trục xuất người Myanmar

Mỹ chỉ trích Malaysia vì trục xuất hơn 1.000 công dân Myanmar giữa lúc nước này bất ổn, dù tòa án đã yêu cầu tạm ngừng hành động trên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 24/2 chỉ trích quân đội Myanmar "lâu nay có tiếng là vi phạm nhân quyền với người dân tộc thiểu số và người theo tôn giáo khác". Price nhấn mạnh Malaysia vẫn tiến hành trục xuất "bất chấp lệnh yêu cầu ngừng của tòa án, cũng như trong bối cảnh tình hình bất ổn tại Myanmar sau cuộc đảo chính".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo ở Washington hôm 24/2. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo ở Washington hôm 24/2. Ảnh: AP

"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực định trục xuất người nhập cư Myanmar tạm dừng hoạt động này cho tới khi Cao ủy Liên Hợp Quốc về Tị nạn (UNHCR) có thể đánh giá những người đó có gặp nguy hiểm hay không", Price nói.

1.086 người nhập cư Myanmar, bao gồm cả người xin tị nạn, hôm 23/2 xuất phát từ một căn cứ quân sự Malaysia và lên tàu hải quân về nước. Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này. Vài giờ trước đó, Tòa án Tối cao Kuala Lumpur đã yêu cầu tạm ngừng để các nhà nhóm nhân quyền tiến hành thách thức pháp lý.

Giới chức Malaysia không giải thích lý do phớt lờ lệnh của tòa án. 4 nhà lập pháp phe đối lập Malaysia đã đưa ra tuyên bố chung lên án việc trục xuất "vô nhân đạo" và đề nghị kỷ luật các quan chức đã làm ngơ lệnh của tòa án.

"Hành động này rõ ràng thể hiện chính phủ Malaysia không tôn trọng tòa án, làm xấu hình ảnh của đất nước trên mặt trận nhân quyền", họ nói.

Giới chức Malaysia đã nhấn mạnh những người bị trục xuất vi phạm nhiều quy định, như ở quá hạn visa, đồng thời hoạt động trên nằm trong chương trình hồi hương thường xuyên. Malaysia năm ngoái đã trục xuất khoảng 37.000 người nước ngoài.

Trên thực tế, các nhóm nhân quyền hiếm khi tiến hành thách thức pháp lý đối với hoạt động trục xuất. Tuy nhiên, họ hiện tại lo ngại về tình hình ở Myanmar, nơi quân đội tiến hành cuộc đảo chính hôm 1/2 và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo của chính phủ dân cử.

Quân đội Myanmar tuyên bố hành động của họ không phải đảo chính, bởi cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020 không được chính phủ giải quyết, đồng thời cam kết trao lại quyền lực cho bên chiến thắng sau khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình ủng hộ Cố vấn Nhà nước Suu Kyi tại Myanmar vẫn diễn ra khắp cả nước, khi người dân cảm thấy không yên tâm về chính quyền quân sự.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét