Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Mỹ có thể điều thêm quân tới Iraq ngăn IS tái xuất

Lầu Năm Góc có thể đưa thêm binh sĩ tới Iraq nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh nước này và đảm bảo IS không trỗi dậy trở lại.

"Mỹ đang tham gia vào quá trình đào tạo lực lượng cho sứ mệnh NATO tại Iraq và sẽ đóng góp công bằng vào nhiệm vụ quan trọng này", trung tá Jessica L. McNulty, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết ngày 18/2.

McNulty khẳng định Mỹ và các đối tác trong Liên minh Toàn cầu Chống Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn cam kết đảm bảo "đánh bại lâu dài" nhóm này và Lầu Năm Góc muốn tiếp tục tham với với NATO, Iraq cùng liên minh trong tương lai.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập tới sứ mệnh trên trong cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO.

Đây sẽ là động thái đảo ngược quyết định giảm số lính Mỹ đóng quân tại Iraq xuống 2.500 người của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang cân nhắc xem có nên ấn định thời hạn cuối để rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào tháng 5 hay không.

Trong cuộc họp báo hôm 18/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết lực lượng của tổ chức này ở Iraq sẽ tăng quy mô từ 500 lên khoảng 4.000 người.

Binh sĩ Iraq (trái) và lính Mỹ (phải) trong một buổi huấn luyện ở căn cứ Taji, Iraq, tháng 3/2015. Ảnh: US Army.

Binh sĩ Iraq (trái) và lính Mỹ (phải) trong một buổi huấn luyện ở căn cứ Taji, Iraq, tháng 3/2015. Ảnh: US Army.

Bộ trưởng Austin hoan nghênh việc mở rộng vai trò của phái bộ NATO ở Iraq, bày tỏ tin tưởng tất cả công việc được thực hiện tới nay với chính phủ Iraq sẽ giúp nước này tự đảm bảo an ninh bền vững.

Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mệnh do NATO triển khai ở Iraq nhằm ngăn IS trỗi dậy, đồng thời cảnh báo nhóm phiến quân này chưa bị xóa sổ hoàn toàn và đang gia tăng các cuộc tấn công. Stoltenberg cho biết NATO sẽ tăng dần lực lượng theo yêu cầu của chính phủ Iraq.

Quyền bộ trưởng quốc phòng Christopher Miller dưới thời Trump ca ngợi việc rút quân khỏi Iraq trước khi Biden nhậm chức là "dấu hiệu thành công của sứ mệnh", phản ánh năng lực "ngày càng tăng" của lực lượng an ninh Iraq. "Việc chúng tôi có thể giảm quy mô lực lượng là bằng chứng cho thấy tiến bộ thật sự", Miller cho biết.

Austin hồi đầu tháng 2 công bố kế hoạch đánh giá lực lượng toàn cầu, theo đó các lãnh đạo quân đội Mỹ sẽ xem xét quy mô hiện diện của lực lượng này trên khắp thế giới. Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh và quan hệ đối tác trong tiến trình đánh giá. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết chưa có khuyến nghị hay quyết định cuối cùng của đợt rà soát.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét