Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Ngoại trưởng Mỹ điện đàm, gây sức ép với Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép về Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ khi điện đàm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc.

"Tôi đã nói rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi, bảo vệ các giá trị dân chủ của chúng tôi và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng hệ thống quốc tế", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đăng Twitter hôm 5/2 sau cuộc điện đàm đầu tiên với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai quan chức từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo về cuộc điện đàm, nêu rằng ông Blinken đã nói với ông Dương Mỹ "sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và các giá trị dân chủ, gồm cả ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong". Blinken đồng thời "hối thúc Trung Quốc tham gia cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar".

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao hôm 4/2. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao hôm 4/2. Ảnh: AFP.

Bắc Kinh từng ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar, trước khi đất nước này chuyển sang chế độ dân sự được Mỹ hỗ trợ. Quân đội ở quốc gia Đông Nam Á đầu tuần này tiến hành một cuộc đảo chính, bắt lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả đây là "cuộc cải tổ nội các lớn".

Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải "chịu trách nhiệm về những nỗ lực đe dọa sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm cả eo biển Đài Loan, và việc hủy hoại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ".

Trung Quốc hiện chưa bình luận về cuộc điện đàm.

Giọng điệu cứng rắn được đưa ra sau khi Blinken trong phiên điều trần xác nhận bổ nhiệm nói rằng ông sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc của cựu tổng thống Donald Trump. Blinken đồng tình với quyết định của Bộ Ngoại giao dưới thời Trump rằng Bắc Kinh đang thực hiện "tội diệt chủng" ở khu vực phía tây Tân Cương, nơi các nhóm nhân quyền cho rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác bị giam trong các trại cải huấn. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.

Bắc Kinh cũng ban hành luật an ninh mới ở Hong Kong, động thái bị Mỹ và các nước phương Tây cho rằng vi phạm quyền tự chủ, tự do của đặc khu hành chính này.

Tuy nhiên, Biden đã chìa ra cành ô liu nhỏ trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hôm 4/2 khi nói rằng trong khi Mỹ sẽ "đối đầu" Trung Quốc nhưng sẵn sàng "hợp tác với Bắc Kinh khi có lợi". Blinken từng đề cập biến đổi khí hậu như một lĩnh vực hợp tác vì Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Huyền Lê (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét