Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Người Myanmar tuần hành phản đối đảo chính

Khoảng 200 giảng viên và sinh viên Đại học Dagon, thành phố Yangon, biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ Cố vấn Nhà nước Suu Kyi.

Trong cuộc biểu tình hôm nay, giáo viên đeo ruy băng đỏ, màu của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, trong khi sinh viên giơ ba ngón tay hô vang "Mẹ Suu muôn năm" (cách nhiều người Myanmar gọi bà Suu Kyi).

Động tác giơ ba ngón tay được cho là mô phỏng từ phong trào biểu tình ở Thái Lan. Những người biểu tình Myanmar diễu hành quanh khuôn viên trường đại học và hát một bài hát cách mạng nổi tiếng.

Sinh viên Myanmar biểu tình phản đối đảo chính tại Đại học Dagon, thành phố Yangon hôm nay. Ảnh: AFP.

Sinh viên Myanmar biểu tình phản đối đảo chính tại Đại học Dagon, thành phố Yangon hôm nay. Ảnh: AFP.

"Là một công dân, tôi không thể chấp nhận cuộc đảo chính quân sự này. Chúng ta phải chống lại sự cai trị đó", giảng viên Win Win Maw nói, trong khi sinh viên Min Sithu khẳng định: "Chúng tôi sẽ không để thế hệ của mình phải sống dưới chính quyền quân sự như vậy".

Biểu tình diễn ra vài giờ sau khi Win Htein, lãnh đạo cấp cao đảng NLD và trợ lý chủ chốt của bà Suu Kyi, bị bắt.

Với việc Facebook bị chặn, nhiều người Myanmar đã chuyển sang sử dụng Twitter trong những ngày gần đây. "Phong trào Bất tuân dân sự" kêu gọi trên mạng để người dân lên tiếng phản đối hàng đêm bằng cách gõ nồi, chảo để thể hiện sự tức giận.

"Tôi cảm thấy hy vọng của chúng tôi tan vỡ sau khi quân đội nắm chính quyền", người bán thực phẩm Thazin Oo cho biết.

Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính hôm 1/2, bắt bà Suu Kyi và loạt quan chức cấp cao của chính phủ dân sự. Cảnh sát Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi nhập trái phép thiết bị liên lạc và tạm giữa bà đến ngày 15/2 để điều tra.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP) hôm 4/2 cho biết khoảng 147 người đã bị bắt giam kể từ sau cuộc đảo chính, trong đó bao gồm các nhà hoạt động, nhà lập pháp và quan chức trong chính phủ của bà Suu Kyi.

Huyền Lê (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét